1/ Thuốc Tobradex thường được các nhà thuốc tư vấn cho người dân sử dụng mỗi khi có vấn đề về mắt. Xin bác sĩ cho biết đây là thuốc gì, cách sử dụng như thế nào?
Thuốc nhỏ mắt cho đến nay vẫn còn được mua bán thoải mái, không nhất thiết cần đơn tại các hiệu thuốc. Với Tobradex cũng vậy.Thuốc nhập ngoại, từ nhà sản xuất rất nổi tiếng là ALCON. Do thành phần có chứa dexamethason và tobramycine nên được chỉ định khá rộng rãi cho các bệnh lý viêm nhiễm tại kết mạc, giác mạc, bờ mi, viêm màng bồ đào trước…do nhiễm khuẩn, dị ứng, rối loạn miễn dịch. Thuốc còn được dùng sau phẫu thuật bề mặt nhãn cầu hay phẫu thuật vào nội nhãn để hạn chế viêm nhiễm. Cần nói ngay các thuốc có hoạt chất tương tự đều được xử dụng rộng rãi trong chuyên khoa mắt. Dexamethasone là hoạt chất chống viêm thuộc dòng cortico-steroid mạnh gấp vài chục lần so với prednisolone, hấp thu tốt vào nội nhãn, tác dụng chống viêm, giảm đau nhức và cương tụ mạch máu nhanh chóng. Tobramycine là kháng sinh phổ rộng thuộc nhóm Aminozid tác dụng mạnh hơn và hấp thu nhanh hơn gentamycine 4 lần, độc tính ít hơn nhiều so với gentamycine. Sự kết hợp một kháng sinh và một chất chống viêm làm thỏa mãn nhanh chóng cho người dùng, đạt hiệu quả điều trị mong muốn cho người kê đơn nếu chẩn đoán đúng, dùng đúng liều lượng và thời gian. Chiều ngược lại cũng hoàn toàn đúng. Liều dùng thông thường là từ 4-6 lần với thuốc nhỏ. Với thuốc mỡ là 2 lần khi đi ngủ, thường vào buổi trưa và tối. Với một số bệnh lý cấp tính như viêm màng bồ đào cấp, viêm dị ứng nặng có thể tăng liều lên đến 8 lần-10 lần. Ngược lại với các bệnh lý mạn tính phải giảm liều từ từ tiến dần tới ngừng thuốc. Các bác sĩ mắt sẽ tùy triệu chứng, bản chất của căn bệnh, biến chứng có hay không… để tăng hay giảm liều hoặc quyết định ngừng thuốc.
2/ Sử dụng thuốc này có cần chỉ định của bác sĩ không? Thuốc được sử dụng đề điều trị những bệnh nào?
Thuốc có thể ví như con dao hai lưỡi. Nếu chẩn đoán đúng, liều lượng chuẩn người bệnh cảm giác như gặp “thuốc tiên” vậy. Đỏ mắt, đau nhức, ra gỉ giảm hẳn hay như gần khỏi. Câu chuyện tiếp theo là khỏi bệnh nếu ta dừng thuốc đúng lúc, chẩn đoán hoàn toàn tương thích với điều trị. Không khỏi hoặc lai rai chuyển sang mạn tính đòi hỏi thày thuốc phải xem lại chẩn đoán hay làm xét nghiệm bổ xung. Bệnh đột ngột tăng nặng lại phải tính ngay đến chẩn đoán sai hay thuốc men còn quá tay. Mọi chuyện êm ả nhưng bác sĩ hay bệnh nhân có khi là cả hai ru ngủ trong Tobradex thì biến chứng sớm muộn cũng sẽ tìm đến. Những bệnh lý gây mù đáng sợ do dùng Tobradex không đúng hay bị lạm dụng là: glocom do dùng thuốc, đục thể thủy tinh, bội nhiễm nấm- virus, loét hoại tử hay thủng nhãn cầu do không thể làm sẹo tại mắt…Do vậy thuốc nên được dùng theo chỉ định của bác sĩ mắt cho các bệnh lý viêm nhiễm tại mi mắt, kết mạc, giác mạc, bề mặt nhãn cầu,viêm phần trước nhãn cầu, dùng sau một số loại phẫu thuật mắt… ưu tiên cho nhóm dị ứng hay viêm nhiễm vô khuẩn. Nếu dùng cho các bệnh lý hữu trùng do vi khuẩn, virus hay chưa rõ căn nguyên cần thận trọng hoặc nên dùng kèm với kháng sinh hay thuốc kháng virus.
3/ Có trường hợp bệnh nhân nào tới bệnh viện điều trị vì tự ý sử dụng thuốc Tobradex hay không? Tình trạng bệnh ra sao? Bệnh nhân phải chữa trị lâu dài, tốn kém ra sao?
Rất nhiều bệnh nhân dùng thuốc này hay các sản phẩm tương tự phải đến khám chữa tại BVMTW. Các bệnh nhân trẻ dùng chỉ 1 hoặc 2 lọ có khi đã bị glocom mạn tính, góc mở. Bệnh gây mù lòa từ từ không hoặc ít đau nhức làm bệnh nhân đến viện muộn và không thể vãn hồi được thị lực. Một nhóm bệnh nhân khác sẽ phải đi mổ thể thủy tinh sớm do dùng thuốc bừa bãi. Dexamethasone gây đục thể thủy tinh cực sau rất phổ biến gây khó nhìn ban ngày rồi đục lan ra vỏ và nhân thể thủy tinh gây mù lòa thực sự nếu không mổ thể thủy tinh và đặt thể thủy tinh nhân tạo( IOL). Loét giác mạc do vi khuẩn mủ xanh, cầu khuẩn, virus Herpes hay do nấm cũng không hiếm gặp trên bệnh nhân dùng các thuốc có Dexamethasone. Hoạt chất này gây giảm miễn dịch tại chỗ, làm chậm quá trình liền sẹo nên vi khuẩn, virus hay nấm thường lọt qua các hàng rào bảo vệ tại mắt gây bệnh cho giác mạc thậm chí cho môi trường nội nhãn.
4/ Bệnh nhân có thể gặp hậu quả gì nếu không sử dụng thuốc này đúng cách?
Bệnh chính không khỏi đó là hậu quả nếu không dùng thuốc đúng cách. Sau đó là các biến chứng của thuốc đi kèm có thể nặng nề hơn hay gây mù lòa, nguy hiểm hơn hẳn căn bệnh ban đầu: glocom, đục thể thủy tinh, loét thủng giác mạc, nhiễm nấm và herpes, viêm nội nhãn…Chúng đều là những “sát thủ” đối với thị lực.
5/ Bác sĩ có lời khuyến cáo nào dành cho các bệnh nhân khi gặp các vấn đề về mắt và trong việc sử dụng thuốc nhỏ mắt
Chúng ta ở trong xứ nhiệt đới, nóng ẩm và ô nhiễm. Bệnh mắt tương đối phổ biến. Ngoài việc vệ sinh mắt cần tra nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày hay thuốc sát trùng nhẹ. Khi có bệnh nên đi khám không nên mua thuốc tự dùng, không nghe mach bảo hay truyền tai nhau. Các thuốc có dexamethasone hay nhóm có cortizol nói chung đều là con dao hai lưỡi cần có chỉ định chuyên biệt,liều lượng thích hợp và theo dõi cẩn trọng. Vậy ta nên khám bác sĩ mắt trước khi dùng thuốc và đừng ngại khám lại khi không hài lòng.
Bs Hoàng Cương
BVMTW