Trong vòng 15 năm gần đây người ta chỉ bàn đến ứng dụng của filler trong lĩnh vực làm đẹp. Tuy nhiên, biến chứng của tiêm filler làm đẹp không đơn giản như mọi người nghĩ.
Người ta dùng nhóm chất này cho các mục đích điều trị rất đa dạng, đầu tiên là để điều trị bệnh lý, sau này chuyển sang mục đích thẩm mỹ, làm đẹp. Qua thời gian chỉ còn 2 loại filler được tin dùng nhất đó là acid hyaluronic (HA) và collagen.
Cả 3 chuyên khoa đang sử dụng chất làm đầy đó là: chuyên khoa tạo hình hàm mặt, chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ nhãn khoa, chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ chung. Đối với chuyên khoa mắt, filler có vô khối ứng dụng. Người ta dùng HA tiêm điều trị các bệnh liên quan đến mô mềm của mi, hốc mắt:
Hở mi do các liệt và không do liệt.
Co rút mi do bệnh lý hốc mắt - tuyến giáp.
Co rút mi sau phẫu thuật cắt bè.
Làm đầy cùng đồ kết mạc để lắp mắt giả.
Xơ teo mỡ da, viêm sừng hóa da bẩm sinh.
Co rút mi dưới, lật mi dưới.
Một số hình thái dị dạng mi.
Thụt nhãn cầu sau vỡ sàn hốc mắt, sau lấy u hốc mắt...
Tuy nhiên ứng dụng nhiều nhất vẫn là mục đích làm đẹp. Filler khi tiêm trong da làm xóa đi các nếp nhăn quanh miệng, quanh mắt, vùng gò má, thái dương, quanh ổ mắt.
Biến chứng của tiêm filler
Những tai biến do làm đẹp, cụ thể là tiêm chất làm đầy đôi khi để lại những rắc rối về thẩm mỹ hoặc để lại sẹo do nhiễm trùng. Chất làm đầy nếu tiêm vào mạch máu sẽ gây tắc mạch. Tiêm nhiều quá mức gây biến chứng chèn mạch. Những tai biến này nếu làm tổn thương tế bào, di chứng vĩnh viễn không thể loại bỏ do tế bào bị tổn thương, gây sẹo cho bệnh nhân.
Biến chứng tại mắt từ gần ra xa, tức thời hay vĩnh viễn có thể kể ra là: Tụ máu sưng nề vùng quanh mắt.
Đau và dị cảm. Dị ứng, đặc biệt nếu tiêm calcium hydroxyapatite.
Mụn mủ và bọc mủ, u hạt do nhiễm trùng, hoại tử chỗ tiêm. Các biến chứng này xảy ra tương ứng với mức sớm, tương đối muộn và quá muộn.
Các tai biến mạch máu: Rất đáng sợ và khó lường. Nhìn mờ thoáng qua và nhìn thấy chất tiêm xuất hiện trong tiền phòng dạng Tyndal hoặc lắng lớp ở sau giác mạc và mặt trước thể thủy tinh. Các viêm mạch máu và huyết khối hay xảy ra khi tiêm tại vùng trán và gian mày.
Các biến chứng thải loại hay không dung nạp chất liệu filler thường hiếm và muộn.
Tai biến thực tế đã xảy ra và gây những hậu quả nặng nề. Liên tiếp trong các đêm trực tháng 3/2019 chúng tôi gặp N.T.L. 25 tuổi đến khám cấp cứu vì mắt phải mù sau tiêm filler tại một spa tư nhân. Bệnh nhân cho biết đồng ý tiêm filler để làm đẹp vùng sống mũi và quanh mắt. Một mũi tiêm làm mắt phải mờ tịt, đau chói. Do ở xa trung tâm nhãn khoa nên phải sau 3 ngày bệnh nhân mới đến khám. Mắt phải xẹp, đầy máu và chất tiêm trong nội nhãn, xẹp tiền phòng. Xung quanh mắt là hốc mắt sưng nề, tụ máu do các mũi tiêm khác. Nhiều khả năng một mũi tiêm đã tấn công xiên thủng nhãn cầu, gây mất chức năng và chảy máu trong mắt, mắt bị mất chất dịch bên trong qua lỗ thủng nên mềm xèo. Một bệnh nhân khác may còn giữ lại được chút thị lực do filler chỉ gây tắc nhánh động mạch trung tâm võng mạc nhưng có người lại không được may mắn như vậy. Các đồng nghiệp phía Nam đã gặp hai trường hợp mù mắt sau tiêm filler vùng quanh mắt. Đây là biến chứng hiếm nhưng cực nặng. Với thông tin và hình ảnh có được qua các trang mạng có thể thấy biến chứng xuất huyết hốc mắt, chèn ép thị thần kinh và tắc mạch võng mạc sau đó đã làm mù một bệnh nhân. Tại Mỹ cũng đã gặp những trường hợp mù do chất filler di chuyển gây tắc động mạch mắt, kèm theo cả nhồi máu não.
Gặp bệnh nhân bị tai biến do tiêm filler cần làm gì?
Với chuyên khoa mắt cần hạ ngay nhãn áp bằng uống hay truyền acetazolamide, truyền manitol tĩnh mạch. Nếu thuận tiện có thể chọc tiền phòng, hút thủy dịch khoảng 0,1-0,2ml. Với hy vọng di chuyển hay đuổi được cục nghẽn trong tuần hoàn võng mạc ta có thể massage mắt cho bệnh nhân bằng tay hoặc dùng gương goldmann day nắn nhẹ nhãn cầu. Trong phòng mổ người ta có thể bộc lộ động mạch trên ròng rọc (nhánh của động mạch mắt) dùng canule tháo rửa filler sau đó tiêm men ly giải HA là Hyaluronidase (Hyasa, Hyalyse) với thể tích 2-4ml (150-200 UI/ml). Công phu và tích cực như vậy nhưng nếu ta bỏ qua 90 phút quý giá ban đầu để cấp cứu thì “không còn nước để tát” bệnh nhân còn trẻ, đang rất đẹp sẽ chịu cảnh mù lòa. Bởi vậy phòng vẫn hơn là chữa khi đối đầu với biến chứng của tiêm filler.
Đề phòng bằng cách nào?
Người tiêm phải là một bác sĩ được đào tạo về filler, là bác sĩ thẩm mỹ, bác sĩ da liễu và được cấp chứng chỉ hành nghề thì mới được tiêm filler cho bệnh nhân. Tại mắt, chúng tôi xin nhấn mạnh:
Phải luôn hút thử seringue trước khi tiêm phòng khi tiêm vào mạch máu, đây là điểm sống còn.
Khi tiêm có thể pha loãng, trộn với thuốc tê và thuốc co mạch để giảm đau, chống chảy máu.
Hạn chế thể tích thuốc bơm vào cơ thể tối đa.
Bơm từ từ, không căng quá.
Chẳng phải sau bài viết này người ta sẽ thôi không tiêm filler. So với tổng số mũi tiêm an toàn thì tai biến vẫn là... khá hiếm. Có chăng là các nhà quản lý sẽ quản lý tốt, đưa ra thị trường những dòng filler chất lượng cao và an toàn. Người dùng nên biết: phải chọn cơ sở uy tín, người tiêm được đào tạo tốt và filler có xuất xứ đáng tin cậy để yên tâm hơn mà thôi.
BS. Hoàng Cương (BV Mắt TW)