Tác hại của tia cực tím tới mắt và cơ thể 

Tia UV (tia cực tím hay tia tử ngoại) là một loại tia có hại đối với cơ thể, có trong bức xạ của ánh sáng mặt trời, ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất khi tiếp xúc bề mặt da và mắt, làm giảm sức đề kháng của cơ thể khi tiếp xúc thời gian dài.

Vấn đề thủng tầng ozon do ô nhiễm và sự phơi nhiễm quá mức của con người trước tia tử ngoại đã gây ra những ảnh hưởng rất đáng lo ngại với cuộc sống và sức khỏe. Ngoài các mối lo lắng về sự ô nhiễm toàn cầu, hiệu ứng nhà kính, tan băng ở hai cực, các cuộc chiến lớn nhỏ, khủng bố hoành hành..., tất cả chúng ta thường ít chú ý đến việc tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm đến sự sống. Vì vậy, cần có những hiểu biết nhất định về tia UV và các tác hại của nó để có những biện pháp cần thiết bảo vệ sức khỏe cho cơ thể và đôi mắt của mình.

Tác hại của tia UV lên cơ thể

Ảnh hưởng của tia UV với da đã quá rõ. Một số chấn thương dạng cấp tính như viêm da, bỏng da do tắm biển, phơi nắng, tắm nắng quá độ, không dùng kem chống tia UV... Ngoài ra, người đi trượt tuyết không mang quần áo, mũ, kính cũng có thể bị bỏng tương tự do tia UV phản xạ từ bề mặt tuyết vào cơ thể. Tia UV cũng là nguyên nhân gây bỏng võng mạc do không đeo kính đen khi xem nhật thực mặc dù không hề chói mắt. Việc phơi nhiễm thái quá với tia UV sẽ gây tổn thương và dẫn đến ung thư da, đặc biệt với chủng người da trắng, ít hắc tố melanine khiến tia UV đâm xuyên và gây hại mạnh mẽ hơn. Tia UV gây đứt gãy các liên kết phân tử, góp phần làm đột biến các cấu trúc AND và ARN trong nhân tế bào, là nguyên nhân gây ung thư các dạng: u hắc tố, K liên bào đáy, u tế bào vảy, u tuyến bã... Tuyến giáp, tuyến vú chịu tác động nhiều của tia UV cũng cần được nghiên cứu về mức độ nhiễm tia UVcủa các tuyến này.

tac-hai-cua-tia-cuc-tim-toi-mat-va-co-the-1

                                                                                                             Đục thủy tinh thể do tia UV.

Bệnh lý ở mắt và “thủ phạm” UV

Giác mạc hấp thu hầu hết các bức xạ UV khi chúng ta tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gây nên các hiện tượng đục thủy tinh thể hay thoái hóa hoàng điểm, viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng thịt... Các bệnh nhân bị mộng thịt (một mô thịt phát triển hình tam giác hoặc hình cánh trên giác mạc, thường xuất hiện ở góc trong hoặc góc bên ngoài của mắt) có thể do mẫn cảm với quá trình sinh u xơ mạch, tuy nhiên, đa phần là do phơi nhiễm mạn tính với tia UV. Bệnh nhân thường đến từ miền nhiệt đới, ven biển, trung du có nhiều nắng - gió và cát.

Đục thể thủy tinh cũng là một bệnh thường gặp và xảy ra với các vùng có mật độ tia UV cao như gần xích đạo, gần biển... Tia UV gây biến đổi protein trong thể thủy tinh gây ra vón cục, mất tính trong suốt của nhân mắt. Ngoài lý do dinh dưỡng, địa lý, stress, oxy hóa, nhiễm độc..., tia UV gây tổn hại hàng rào máu võng mạc cũng cần lưu ý.

Ngoài tia UV trong tự nhiên còn có tia UV từ tia hàn điện, bóng phát tia UV để sát trùng, bể tắm tia UV, màn hình LCD, điện thoại thông minh cũng cần được lưu ý về ngưỡng an toàn cho phép nhưng lượng thời gian sử dụng và khoảng cách của các màn hình này tiếp xúc với mắt sẽ tăng sức ảnh hưởng mắt gấp nhiều lần. Ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, tivi... có thể trực tiếp gây ra triệu chứng khô, nhức, mờ, mỏi mắt, cận thị, đục thể thủy tinh hoặc thoái hoá hoàng điểm - một bệnh lý có nguy cơ mù lòa cao.

Bỏng hàn do không đeo kính khi lao động, bỏng do tiếp xúc với nguồn UV sát trùng phòng mổ hay bể tắm tia UV tại các spa cũng là những tai nạn đáng tiếc khi tiếp xúc với tia UV không an toàn.

Tắm nắng hay đi nắng quá nhiều cũng khiến các tế bào mẫn cảm với tia UV thuộc bề mặt nhãn cầu có thể bị suy giảm, không làm ẩm đủ hay bôi trơn cho mắt, gây mất ngủ hay rối loạn giấc ngủ.

 

Làm gì để bảo vệ mắt trước ánh sáng mặt trời?


Sử dụng mũ rộng vành và kính râm thường xuyên bởi tia tử ngoại có quanh năm chứ không phải chỉ có vào mùa hè.

Bảo vệ mắt ngay cả khi trời râm hoặc nhiều mây: tia xạ trong ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua mây mù, gây hại cho chúng ta quanh năm chứ không phải chỉ riêng ngày hè nắng.

Xem nhật thực bằng kính đen hoặc xem qua chậu nước, tuyệt đối không xem bằng mắt thường.

Sử dụng kính râm chuyên dụng ngăn tia UV (ngăn được cả tia UV A và UV B, kính gắn mác UV400 hoặc 100% UV Protection). Nên mua loại kính có gọng to và sát phía bên để ngăn được những tia sáng đến từ phía bên. Những người mang kính tiếp xúc cũng phải chọn kính tiếp xúc chống tia UV nếu muốn ra ngoài nắng.

Cảnh giác với tia UV đậm độ cao: Ở một số khung giờ nhất định trong ngày, bức xạ UV ở mức cao nhất và gây ra nhiều tác hại đối với da. Hạn chế ra ngoài vào khoảng thời gian từ 10-16h vì đây là thời gian tia UV hoạt động cao điểm nhất.

 

TS.BS. Hoàng Cương (BV Mắt Trung ương) đăng trên báo sức khỏe đời sống 12/05/2019

11252 Go top