Phòng tai nạn mắt hậu Covid 19 

Cuộc sống đã dần về nhịp thường ngày sau đại dịch COVID. Nhật ký những đêm trực cũng đã dài dần ra. Từ lúc ai cũng ngồi nhà sợ dịch, cơ quan công sở giãn việc hoặc nghỉ việc, tai nạn mắt cũng vì thế mà ít đi. Nay mọi thứ lại bung nở ra, tai nạn mắt cũng nhiều thêm. Tua trực thứ 7 hay chủ nhật kín đặc những tai nạn và tai nạn. Các bác sĩ chuyên khoa chấn thương không chuyên khoa còn trẻ và chịu nhiệt được, đã hoàn thành 8 ca mổ cấp cứu…

Họ còn cười đùa với tôi được mấy câu nhưng không thể giấu hết vẻ mệt mỏi, đưa tôi cuốn sổ trực để viết ra những dòng này. Bỏ chiếc áo trắng cùng mớ kiến thức trong đầu, thử đặt mình cùng với vị trí bệnh nhân, thiết nghĩ có mấy bài học lớn cần rút ra:

  • Ý thức phòng chống tai nạn mắt của dân ta còn ở mức đáng báo động: không ai trong các bệnh nhân bị tai nạn lao động đeo kính bảo hộ hay kính râm thông thường. Họ đều thao tác với máy móc hoặc dùng dụng cụ tác động lên các vật sắc nhọn. Nếu mang kính họ sẽ hạn chế được 50% các tai nạn dạng dị vật cắm vào mắt, độ xâm hại cũng giảm được nhiều nếu có. Dụng cụ bao chụp- che chắn cho máy móc cũng không có. Có người không sợ tai nạn, có người nghĩ là tai nạn chỉ xảy ra với người khác chứ không phải là với mình. Tất cả họ đều thấm thía là mình đã sai. Nhưng đã quá muộn?!
  • Sơ cứu, cấp cứu cho dù có tiến bộ nhưng vẫn còn hổng khuyết đáng ái ngại: 2 bệnh nhân bị đinh cắm vào mắt đều “ anh dũng” tự rút đinh ra khỏi mắt. Họ đã tự làm hại mình và gây khó khăn thêm cho y tế. Khuyến cáo từ lâu với mọi chuyên khoa, rất nhiều người biết( vì nước ta trải qua 3-4 cuộc chiến liên tục) là: dị vật cắm vào các bộ phận cơ thể cần được cố định tốt để không di chuyển, cắt ngắn phần ngoài cơ thể( nếu được) sát gốc, tuyệt đối không tự rút ra. Động tác rút dị vật ra động nghĩa với gây hại thêm cho mô lành, chảy máu, mất mô thêm sau khi dị vật được giải phóng.
  •  Tâm lý chuyển tuyến ngay khi gặp bệnh nhân chấn thương cũng làm mất thời gian vô trùng quí báu. Công thức được khuyến cáo với chấn thương nghi xuyên nhãn cầu: băng che, tiêm kháng sinh phổ rộng, chống uốn ván, chụp phim hốc mắt trước khi chuyển tuyến bất cứ bác sĩ mắt nào cũng biết nhưng cũng bị nhiều bác sĩ tuyến dưới quên. Rút dị vật trên phòng mổ, khâu đóng vết thương ngay thì đầu, tiêm kháng sinh nội nhãn và chống uốn ván rồi chuyển tuyến đã không được tính đến khiến bênh nhân phải di chuyển xa, tự rút dị vật ra để tiện đi lại là chuyện có thật. Như vậy có lỗi của bệnh nhân và cũng là lỗi của y tế.
  • Tai nạn với trẻ em vẫn rất nhiều, đặc biệt trong dịp học giãn cách, khi các cháu chuẩn bị nghỉ hè. Tự vui chơi, người lớn không trông nom hay bị bỏ bê. Trẻ chơi đùa vật sắc nhọn khi ở trường như com-pa, đầu bút bi- bút chì cũng gây vô khối tai nạn cho nhau. Lúc ở nhà thì dao kéo, mảnh bát, thủy tinh vỡ, que nhọn… còn kinh khủng hơn. Môi trường an toàn cho trẻ vui chơi đã bị người lớn mải vui, quên mất. Chúng tôi kêu gọi hãy quan tâm tới trẻ em hơn nữa!

Thời tiết nóng bức. Khí hậu cực đoan, Mùa nghỉ hè đang đến. Lác đác đã có tai nạn đuối nước, sét đánh, tụt hố ga mang đi nhiều mạng con trẻ vô tội, đáng thương. Khi ai đó gặp nạn có thể đổ lỗi tại ông trời nhưng ngẫm lại bao giờ con người cũng có lỗi: vô tâm, bất cẩn, thiếu ý thức đề phòng, lười mang công cụ phòng hộ, kém hiểu biết…

Bạn có thấy đúng như vậy?

Bs Hoàng Cương

4304 Go top