Phòng chống mù lòa ở Việt Nam: Giải pháp nào cho “vùng trắng” nhãn khoa? 

Ở Việt Nam, tỷ lệ mù lòa ngày càng gia tăng, nhiều bệnh lý về mắt phức tạp, đặc biệt tỷ lệ mắc mới và tồn đọng hàng trăm nghìn ca mỗi năm chưa được giải quyết.

Ở Việt Nam, tỷ lệ mù lòa ngày càng gia tăng, nhiều bệnh lý về mắt phức tạp, đặc biệt tỷ lệ mắc mới và tồn đọng hàng trăm nghìn ca mỗi năm chưa được giải quyết.

Nhiều huyện, nhiều tỉnh thiếu bác sỹ nhãn khoa nghiêm trọng, tạo nên những “vùng trắng nhãn khoa”, mà ở đó người dân khó tiếp cận với các dịch  vụ nhãn khoa, cam chịu cảnh mù lòa.

Mù lòa dẫn đến nghèo đói và là gánh nặng xã hội. Phòng chống mù lòa đòi hỏi sự quan tâm từ cộng đồng và sự tham gia của toàn xã hội...

Nhân sự kiện Việt Nam hưởng ứng Ngày Thị giác thế giới  2012 (11/10/2012) và Tuần lễ chăm sóc mắt do Hiệp hội nhãn khoa Châu Á – Thái Bình Dương phát động (từ ngày 8 đến 14/10/2012), PGS.TS Đỗ Như Hơn, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia PCML, Giám đốc Bệnh viện Mắt TW đã có cuộc trò chuyện, đánh giá về thực trạng, chỉ ra những tồn tại, khó khăn trong công tác giải phóng mù lòa ở Việt Nam.

Ban biên tập VNIO.VN xin giới thiệu với bạn đọc cuộc trao đổi thú vị này:


PGS.TS Đỗ Như Hơn (thứu nhất, bên phải) đang phát biểu tại mộ cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia PCML Bộ Y tế

Ông có thể cho biết về thực trạng mù loà ở nước ta hiện nay. Các bệnh nào là “điểm nhấn” để gây nên tình trạng này?


PGS.TS Đỗ Như Hơn: Tỷ lệ mù lòa ở Việt Nam hiện còn khá cao, chiếm 0,6 % trong toàn dân số. Theo số liệu điều tra năm 2007, hiện có khoảng 400 nghìn người mù hai mắt và nếu tính mù một mắt thì cả nước có tới 2 triệu người, chưa kể hàng năm số người mù mắc mới hàng trăm nghìn người và tỷ lệ mù tồn đọng mỗi năm lên tới 150.000.  Theo điều tra này cũng cho thấy nguyên nhân gây mù chính hiện nay là bệnh đục thể thủy tinh, chiếm 66,1% nguyên nhân gây mù. Thứ hai là mù do các bệnh đáy mắt, bệnh glôcôm...các bệnh bán phần sau nhãn cầu (chiếm 16,6%), bệnh glôcôm (6,5%), tật khúc xạ (2,5%) và bệnh mắt hột (1,7% ). Trong số nguyên nhân gây mù hiện nay có tới trên 80% là có thể phòng và chữa được.

Bên cạnh đó tình trạng tật khúc xạ cận thị, viễn thị, loạn thị ở lứa tuổi thanh thiếu niên đang đặt ra vấn đề xã hội bức thiết. Cả nước ước tính có 3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó 2/3 bị cận thị, khi bị các tật khúc xạ nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ dẫn tới mù lòa. Qua điều tra cho thấy, có tới trên 30% số người mù loà không biết bệnh mình có thể chữa trị được và chữa ở đâu, gần 1/3 số người mù không có tiền để chữa trị.


Tỷ lệ mù lòa mắc mới và tồn đọng tăng nhanh qua từng năm đang là vấn đề nan giải đối với ngành Mắt Việt Nam

Chúng ta đã và đang đối phó với thực trạng mù loà này như thế nào?


PGS.TS Đỗ Như Hơn: Trong nhiều năm qua, ngành Mắt Việt Nam đã đóng vai trò then chốt, trọng yếu trong công tác phòng chống mù lòa, vì vậy PCML ở Việt Nam đạt những kết quả khá toàn diện, được Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, cộng đồng và các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong thập kỷ qua, ngành Mắt Việt Nam “chuyển mình” từ củng cố hệ thống chăm sóc mắt trên phạm vi toàn quốc, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đến lĩnh vực đào tạo cán bộ, ứng dụng các kỹ thuật nhãn khoa tiến tiến trong việc khám , điều trị các bệnh lý về mắt. Tuy nhiên, các bệnh lý về mắt ngày càng nảy sinh phức tạp hơn, đời sống và yêu cầu thực tiễn của người dân cũng có những đòi hỏi cao hơn, công tác phòng chống mù lòa là vấn đề của sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền các cấp, sự chung tay của cộng đồng xã hội và nhận thức trong mỗi người dân tham gia trận tuyến này.

Ở các vùng sâu, vùng xa và người nghèo, người dân khó tiếp cận với các dịch vụ nhãn khoa, đành cam chịu cảnh mù lòa.

Bệnh viện Mắt TW đóng vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành mắt của cả nước, không chỉ đảm trách công tác chuyên môn thực hiện là tuyến cao nhất của cả nước, mà còn đóng vai trò định hướng, hỗ trợ và thúc đẩy công tác PCML trong hệ thống chăm sóc mắt cả nước. Đặc biệt dưới sự chỉ đạo và quan tâm của Bộ Y tế, năm 2008 Bộ Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia PCML trực thuộc Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt TW đóng vai trò cơ quan thường trực, cùng các tổ chức quốc tế như Quỹ Fred Hollows, Orbis, CBM, HKI, ICEE...đã tạo nên một động lực mới, một “đòn bẩy mới” trong công tác PCML ở cộng đồng. Đến nay, đã có 58/63 tỉnh thành phố thành lập Ban chỉ đạo PCML cấp tỉnh.


Được biết, sự thiếu hụt về nhân lực của ngành mắt, đặc biệt là ở tuyến huyện, vùng cao... là một trong những khó khăn trong công tác phòng, chống mù loà. Ông có thể cho biết rõ thêm về vấn đề này và đâu là giải pháp để có thể khắc phục?


PGS.TS Đỗ Như Hơn: Trong những năm qua công tác phòng chống mù lòa đã đạt được những thành tích cực kỳ to lớn, tỷ lệ mù lòa đã giảm nhiều, nhiều người mù đã lấy lại được ánh sáng, người dân đã được chăm sóc mắt với chất lượng ngày càng tốt hơn. Hệ thống cơ sở chăm sóc mắt đã được phổ biến cho đến tận tuyến cơ sở và đã được trang bị khá, các tuyến chuyên khoa sâu đã được nâng cấp và cải thiện, đội ngũ cán bộ được đào tạo có bài bản.

Hàng năm, các trung tâm nhãn khoa lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế đào tạo hàng trăm bác sỹ chuyên khoa mắt, hàng trăm điều dưỡng mắt nhưng hầu hết ra trường họ trụ lại thành phố lớn, không về tuyến tỉnh công tác. Hiện nay, ở tuyến tỉnh rất thiếu bác sỹ chuyên khoa mắt, phẫu thuật viên có trình độ, tay nghề cao. Ví như tỉnh Kon Tum chỉ có 3 bác sỹ chuyên khoa mắt. Một tỉnh lớn như Quảng Nam với quy mô dân số 1,5 triệu dân chỉ có 5 bác sỹ chuyên khoa mắt. Các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng hoặc các tỉnh khu vực Tây Nguyên thiếu bác sỹ mắt nghiêm trọng. Đặc biệt tuyến huyện rất gay go: cả nước có khoảng 690 quận, huyện nhưng chỉ có khoảng hơn 200 quận huyện có bác sĩ nhãn khoa, năng lực rất hạn chế, chỉ có thể sơ khám mắt thông thường. Với đội ngũ cán bộ nhãn khoa mỏng như vậy đã tạo ra “vùng trắng” bác sỹ nhãn khoa, và những nơi này phòng tuyến mù lòa bị “thủng” trầm trọng, người dân nhất là những người nghèo  sẽ rất khó khăn tiếp cận các dịch vụ nhãn khoa, chăm sóc mắt, càng làm cho số lượng mù lòa có thể phòng chữa được tồn đọng hàng năm tăng cao, rất khó kiểm soát.

Mõi năm ngành Mắt phối hợp với các trường đại học y đào tạo hàng tẳm bác sỹ chuyên khoa mắt, nhưng khi ra trường chủ yếu họ bám trụ ở các cơ sở nhãn khoa tại các thành phố lớn

Tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới cán bộ nhãn khoa được đào tạo bài bản nhưng không về địa phương công tác, trước hết là sự quan tâm của chính quyền địa phương, trước hết là chỉ tiêu biên chế cán bộ, chính sách sử dụng cán bộ; thứ hai do cơ sở hạ tầng và trang thiết bị yếu kém; kinh phí từ ngân sách cho PCML chưa được quan tâm... trong khi đó họ ở lại các đô thị lớn, cơ hội, điều kiện làm việc và thu nhập lại rộng mở và hấp dẫn hơn nhiều.

Để giải quyết vấn đề này không thể một sớm một chiều, khó có thể làm trong một thời gian ngắn nhưng nếu chúng ta không quan tâm thực hiện từ hôm nay thì tình trạng thiếu hụt nhân lực trong ngành mắt sẽ là rào cản khiến chiến lược PCML ở Việt Nam. Tôi mong rằng PCML cộng đồng cần được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm và chỉ đạo quyết liệt hơn, các địa phương cần có những chính sách đồng bộ từ việc tuyển dụng cán bộ nhãn khoa tới đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện mạng lưới chăm sóc mắt...


Để thực hiện mục tiêu thị giác mà Việt Nam đã cam kết với WHO là giảm tỷ lệ mù loà xuống dưới 0,3% vào năm 2020, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

PGS.TS Đỗ Như Hơn: Trong công tác PCML, việc đầu tiên là công tác “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Bởi đôi mắt của chúng ta rất dễ tổn thương và mong manh nên việc bảo vệ trong quá trình lao động hay chăm sóc giữ vệ sinh hàng ngày của mỗi người phải chú ý, coi trọng và trang bị cho mình những kiến thức cơ bản nhất. Việc kiểm tra mắt định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm bệnh và các tật ở mắt để có phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời. Tránh tình trạng khi bệnh nặng mới đến các cơ sở y tế thì việc điều trị sẽ hạn chế rất nhiều.... Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể phối hợp với ngành Mắt để đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng hơn, quy mô hơn... ngành Mắt Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và củng cố mạng lưới và hệ thống chăm sóc mắt cơ sở, phát triển chăm sóc mắt ban đầu lồng ghép với chăm sóc sức khoẻ ban đầu, mục tiêu đưa các dịch vụ Nhãn khoa đến gần dân hơn, đặc biệt là ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa...

Không ít người dân đến các cơ sở nhãn khoa khám mắt trong trình trạng bệnh lý nặng và ở giai đoạn muộn
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Quốc tế về Phòng chống mù loà (IAPB) đã đưa ra sáng kiến toàn cầu “Thị giác 2020: Quyền được nhìn thấy” nhằm khuyến cáo và huy động tất cả các nguồn lực và cố gắng của quốc tế và chính phủ các nước để đạt mục tiêu thanh toán mù loà có thể phòng tránh được vào năm 2020. Năm 2000, Việt nam là một trong những nước đầu tiên đã ký cam kết ủng hộ sáng kiến toàn cầu nhằm loại trừ các bệnh gây mù có thể phòng và chữa được, cụ thể hoá bằng chương trình “Thị giác 2020: Quyền được nhìn thấy”

Từ đó đến nay, ngành Mắt Việt Nam luôn đưa ra những giải pháp để thúc đẩy công tác PCML thực hiện chương trình thị giác toàn cầu 2020. Ngành Mắt Việt Nam trong vai trò tham mưu cho Bộ Y tế và Chính phủ Việt Nam,  xây dựng đề án chiến lược về công tác PCML ở Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu chính: Việt Nam kiểm soát các bệnh gây mù có thể phòng tránh được vào năm 2020. Bên cạnh đó, BCĐ PCML Quốc gia đã xây dựng kế hoạch quốc gia PCML giai đoạn 2010 -2013.

Trên cơ sở những mục tiêu cụ thể, chúng tôi đã và đang thực hiện một số giải pháp cơ bản để thực hiện kế hoạch trên:

Thứ nhất, kiểm soát những nguyên nhân hàng đầu gây mù loà. Coi trọng kiểm soát bệnh đục thuỷ tinh thể gây mù, hàng năm phẫu thuật ít nhất 170.000 ca  - 250,000 ca đục thể thủy tinh vào năm 2013, tăng dần lên 300.000 ca vào năm 2020. Quyết tâm có chứng nhận thanh toán bệnh mắt hột vào năm 2017. Thiết lập và phát triển màng lưới chăm sóc mắt trẻ em tại các trung tâm lớn ở  các vùng trong cả nước.

Thứ hai, thúc đẩy hoạt động có hiệu quả của các Ban chỉ đạo PCML cấp tỉnh, thành phố; Tiếp tục triển khai thành lập Ban chỉ đạo PCML cấp quận, huyện. Bên cạnh đó, xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống tổ chức phòng chống mù loà và chăm sóc mắt ở tuyến tỉnh, huyện, xã và thôn bản.

Thứ ba, ngành mắt Việt Nam thực hiện các giải pháp về chuyên môn kỹ thuật. Đào tạo cán bộ nhãn khoa, phẫu thuật viên. Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho tuyến dưới. Tham mưu đề xuất với Bộ Y tế Chính phủ cùng với huy động các nguồn lực xã hội, tăng cường và đầu tư trang thiết bị nhãn khoa cho các tuyến, đặc biệt tuyến huyện và các bệnh viện khu vực.

Thứ tư, coi trọng và dành kinh phí đáng kể để thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, nâng cao kiến thức chăm sóc và bảo vệ mắt trong cộng đồng, kêu gọi các tầng lớp nhân dân và toàn thể xã hội chung sức vì sức khoẻ đôi mắt cộng đồng, chia sẻ hỗ trợ những người mù nghèo....Chú trọng đến hoạt động tuyên truyền đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nếu chúng ta triển khai được đồng bộ và toàn diện các giải pháp trên, thì mục tiêu kiểm soát các bệnh mù lòa có thể phòng chữa được, giảm tỷ lệ mù loà của Việt Nam xuống dưới 0,3% vào năm 2020 là điều hoàn toàn có thể đạt được.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Ngân Hà

 

13072 Go top