Bệnh mắt hột phát triển mạnh trong điều kiện sống quá đông đúc, ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém và thiếu nước để vệ sinh cá nhân. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với nam giới, do họ là người chăm sóc chính trong gia đình nên thường tiếp xúc với bệnh nhiễm trùng từ con trẻ.
Một em bé được khám mắt hột trong cuộc điều tra thẩm định tại tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Hình ảnh do Quỹ Fred Hollows cung cấp.
Tại Việt Nam, bệnh mắt hột phổ biến từ thời trước, cách đây 60-70 năm, dân gian gọi là bệnh mắt toét, có nguy cơ gây mù lòa nếu không được chữa trị thích hợp. Trong nhiều năm qua, do các nỗ lực phòng chống bệnh mắt hột và điều kiện vệ sinh được cải thiện, bệnh đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, để được Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) công nhận là một quốc gia đã thanh toán loại trừ bệnh mắt hột, vẫn còn một số công việc cuối cùng phải được hoàn thành. Chẳng hạn, các cuộc điều tra dịch tễ và công bố số liệu chính xác rằng tỷ lệ mắt hột hoạt tính không còn là mối quan ngại đối với y tế cộng đồng. Và một bộ hồ sơ mô tả quá trình thanh toán bệnh mắt hột, đưa ra các dữ liệu chứng minh, và nêu lên các công cụ kiểm soát bệnh trong tương lai.
Trong năm 2022 vừa qua, nhiều công việc cuối cùng như vậy đang được nỗ lực thực hiện.
Đầu tháng 12/2022, một đoàn công tác của Bệnh viện Mắt Trung ương (VNEH) đã đến Hà Giang, tỉnh cực bắc Việt Nam. Họ đi tìm kiếm các số liệu, bằng chứng rằng các dấu hiệu của bệnh mắt hột trong cộng đồng, đã thực sự không còn đáng lo ngại nữa.
Đoàn công tác gồm các bác sĩ, điều dưỡng nhãn khoa, nhân viên y tế xã và y tế thôn bản, đã trải qua hai tuần vượt mọi địa hình hiểm trở và thời tiết rét mướt tại Hà Giang, để đến từng hộ gia đình, thăm khám mắt và thu thập thông tin về điều kiện nước sạch, vệ sinh tại các địa phương, mà trước đây đã xảy ra bệnh mắt hột.
Năm 2019, một đợt thăm khám tại hai huyện Mèo Vạc và Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã phát hiện ra 1 số nơi có tỷ lệ mắt hột hoạt tính đáng ngại. Sau đó, các nhà chuyên môn đã tiến hành đợt phát thuốc điều trị bệnh mắt hột toàn dân tại hai huyện này. Hai năm sau là khoảng thời gian mà người dân nơi đây được cho là đã không còn nguy cơ mắc bệnh nữa. Nên cuộc điều tra tháng 12 này nhằm giúp thẩm định kết quả điều trị cũng như đánh giá xem có cần thêm sự can thiệp nào không.
Một chuyến thăm hộ gia đình được thực hiện bởi đoàn điều tra để thăm khám mắt và thu thập dữ liệu (về nước sạch, điều kiện vệ sinh và môi trường). Ảnh do Quỹ Fred Hollows cung cấp.
Cuộc điều tra được thực hiện bởi Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những bước cuối cùng để đảm bảo rằng Việt Nam đã thanh toán được bệnh mắt hột trong cộng đồng.
Tràn đầy lạc quan với kết quả rất tốt của cuộc điều tra, bác sĩ nhãn khoa Ninh Văn Hiến - Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Giang, người đã gắn bó hơn 8 năm với chương trình xóa bỏ mắt hột tại Hà Giang, chia sẻ: “Chúng tôi rất hy vọng Việt Nam sớm công bố thanh toán bệnh mắt hột theo quy trình của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO. Đây là một thành tựu quan trọng đối với một Quốc gia đã và đang có mắt hột lưu hành. Những nỗ lực xoá bỏ bệnh mắt hột trong suốt hơn 10 năm qua tại Hà Giang là rất có ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt cho người dân địa phương. Từ đó cuộc sống của người dân dần được cải thiện tốt hơn”.
Bác sĩ nhãn khoa Bùi Văn Xuân - Bệnh viện Mắt Trung ương, cũng có cùng quan điểm: “Khi hồ sơ thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam được phê duyệt bởi Tổ chức Y tế Thế Giới sẽ góp phần nâng cao vị thế của ngành Y tế Việt Nam nói chung và ngành Mắt tại Việt Nam nói riêng”.
Một người dân địa phương đang được khám mắt bởi bác sĩ Ninh Văn Hiến – bác sĩ chuyên khoa mắt của Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Giang. Ảnh do Quỹ Fred Hollows cung cấp.
Để đạt được cột mốc này quả là một hành trình dài. Những năm 1990, bệnh mắt hột là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa có thể phòng tránh được ở Việt Nam. Bệnh đặc biệt phổ biến ở miền núi và vùng sâu vùng xa như Mèo Vạc và Đồng Văn, nơi thường xuyên thiếu nước sạch để sinh hoạt.
Năm 2010, chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu quốc gia loại bỏ bệnh mắt hột trong cộng đồng. Với sự hỗ trợ từ Chương trình hành động loại trừ các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTDs) của USAID do Quỹ Fred Hollows và RTI International thực hiện, Việt Nam đã hỗ trợ điều trị cho những người có nguy cơ mắc bệnh, thực hiện khảo sát để theo dõi tiến độ, và ghi nhận những điển hình thành công trong nỗ lực hướng tới loại bỏ căn bệnh này. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc loại trừ các bệnh nhiệt đới bị lãng quên, đơn cử như việc loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết vào năm 2018. Giờ đây, nỗ lực tương tự đang được thực hiện đối với bệnh mắt hột.
Việc cải thiện các dịch vụ xã hội cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ông Lý Chí Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mèo Vạc, Tỉnh Hà Giang, chia sẻ về những thay đổi trên địa bàn:
"Nước là vấn đề sống còn của vùng đất Địa chất Cao nguyên đá này. Công viên đã được UNESCO công nhận năm 2010, có diện tích là 2356,8 km² và độ cao trung bình là khoảng 1.400 – 1.600 m. Cao nguyên có nhiều khu vực núi đá vôi và có độ dốc khá lớn. Các thung lũng, sông, suối bị chia cắt. Tình trạng người dân bị mắt hột trong những năm gần đây giảm rất nhiều không chỉ nhờ vào sự can thiệp của ngành y tế, mà còn nhờ vào sự phát triển các lĩnh vực khác của toàn xã hội, như: cơ sở hạ tầng, người dân có điều kiện lấy nước từ các khe suối cũng như trữ nước mưa thuận lợi hơn…,”. Ông vừa nói vừa chỉ tay về phía các bể chứa nước mưa, để minh họa.
Điều dưỡng Lê Quang Huy, người tham gia thu thập dữ liệu điều tra của Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Giang, thì nói: “Như một cái duyên, tôi đã tham gia hầu hết các đợt điều tra, khảo sát mắt hột tại Hà Giang trong suốt 10 năm qua. Bên cạnh sự vui mừng khi chứng kiến người dân có mắt hột hoạt tính đã được điều trị khỏi, người dân địa phương được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, thì cá nhân tôi thấy mình cũng đã thay đổi rất nhiều. Bước ra khỏi các tiện nghi khi ở nhà và ở văn phòng tại Thành phố Hà Giang, khi lặn lội đi qua từng ngõ ngách của các bản làng xa xôi hẻo lánh và hiểm trở, tôi thấm thía hơn sự khó khăn, vất vả của người đồng bào.”
Trên chuyến xe rời Hà Giang kết thúc đợt điều tra, chúng tôi càng trân trọng những nỗ lực của tất cả thành viên – những người đã gắn bó với chương trình thanh toán mắt hột suốt 10 năm qua. Vượt qua mọi khó khăn, trở ngại về thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, dịch bệnh Covid, các cuộc điều tra, khảo sát, phát thuốc và điều tra cuối kỳ đã được thực hiện thành công cho các cộng đồng xa xôi nhất tại Việt Nam.
Việt Nam đang tiến rất gần đến việc loại trừ bệnh mắt hột, một thành công quan trọng đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.