Phân biệt chắp - lẹo và cách trị 

Trong đời người, ai chắc cũng đã một lần bị chắp lẹo. Khi bị chắp, lẹo mà bóp nặn sớm, điều trị sai hay điều trị muộn cũng để lại nhiều rắc rối. Vì thế, ta cần có đủ kiến thức với bệnh này để tránh không bị hành hạ.

Những rắc rối mà chắp, lẹo gây ra như: Nhẹ thì nhiễm khuẩn lan rộng ở mi gây viêm mô mềm, gây áp-xe mi; Nặng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch mắt, huyết khối và viêm xoang hang, viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết. Di chứng nếu điều trị không tương thích phải kể đến là sẹo xấu, u hạt sinh mủ mạn tính, nhân xơ sau chắp gây loạn thị và cảm giác bất an dài dài. Các cụ nói “cái sảy nảy cái ung” là vậy.

Thế nào là lẹo?

Đó là dạng mụn thoạt đầu màu đỏ, đau, mọc ở xung quanh chân lông mi, có thể coi như viêm nang lông. Dạng sâu hơn do viêm tuyến bờ mi, tuyến bã, sau đó có thể hóa mủ vàng rất nhanh. Sưng nóng đỏ đau là triệu chứng viêm cấp của mọi loại tổn thương trên da. Các bác sĩ và bệnh nhân đều sờ được  một vùng cứng, đau chói trên bờ tự do của mi. Mầm bệnh thường là vi khuẩn, tiền đề để lẹo phát sinh có thể là tình trạng viêm bờ mi vốn có từ trước.

Thế nào là chắp?

Chắp thoạt đầu là tình trạng tắc và giãn rộng của ống tuyến đổ ra phía bờ mi của tuyến sụn mi hay tuyến Mobeimius. Do còn lẩn ở trong nên chắp khi mới xuất hiện đó sẽ biểu hiện ra bên ngoài là một khối sưng phồng, chưa gây đau đớn cho bệnh nhân. Tình trạng nghẽn và phình giãn tiếp diễn, cộng thêm nhiễm khuẩn phụ sẽ làm chắp to dần, có biểu hiện sưng - nóng - đỏ - đau kinh điển.  Ở giai đoạn toàn phát, chắp có dạng nang mủ, đau khi sờ nắn, có thể gây mờ mắt (do đè ép vào lòng đen gây loạn thị). Chắp có thể duy nhất hoặc thành đám 2-3 chiếc, ở một mi hay nhiều mi, lúc đó gọi là đa chắp.

phan-biet-chap-leo-va-cach-tri-1

Phân biệt lẹo mắt và chắp mắt.

Phân biệt chắp và lẹo

Đôi khi rất khó, ngay cả với bác sĩ nhưng có một vài điểm mấu chốt để phân biệt:

Lẹo cấp tính hơn, gây đau nhiều hơn, có thể coi là viêm nang lông mi nên nhìn thấy rõ trên bờ tự do của mi.

Chắp “êm ả” hơn, đau không  nhiều, tổn thương ở sâu và xu hướng phát triển ra sau do bản chất là phình nang tuyến do tắc lỗ ra của tuyến sụn mi. Có thể gây sưng nề toàn bộ mi.

Cả hai chắp và lẹo đều hay gặp trên bệnh nhân đái tháo đường, viêm bờ mi mạn tính, bệnh trứng cá đỏ hay viêm da tăng tiết bã nhờn.

Điều trị như thế nào?

Nhiệt trị liệu: Trên nguyên tắc dùng nguồn nhiệt khoảng 40-50 độ C áp trực tiếp lên vùng chắp lẹo để làm nhẹ các triệu chứng, có thể làm khỏi bệnh hoặc thúc đẩy nhanh quá trình lành bệnh. Mỗi người áp dụng một kiểu nhưng phần lớn người ta dùng kiểu chườm ấm và ẩm bằng khăn hoặc gạc nóng áp trực tiếp lên vùng tổn thương trong 10-15 phút, 3-5 lần mỗi ngày. Thay thế hoặc làm nóng lại nếu cần để đủ duy trì hiệu ứng nhiệt. Ngoài tác dụng tăng thực bào, giải phóng ổ viêm, nhiệt trị liệu còn làm lỗ tuyến bã giãn rộng, giải phóng chất cặn bã đề phòng sinh mủ. Ta có thể tăng cường thêm hiệu quả điều trị bằng massage nhẹ nhàng với ngón tay thúc đẩy quá trình “tự vệ sinh” của tuyến bã. Có người dùng trứng luộc còn nóng, chén nước trà, nắm cơm... nhưng cần lưu ý không nên chườm hăng say quá có thể “lợi bất cập hại” gây viêm tấy kịch phát và lan rộng, gây bỏng thứ phát cho da. Cũng không nên thử chữa mẹo kiểu như dùng váy hay cạp quần chà xát lên vùng chắp lẹo vừa mất vệ sinh và thiếu căn cứ khoa học.

phan-biet-chap-leo-va-cach-tri-2

Cần phải chích tháo mủ khi lẹo sưng quá to.

Châm cứu: Cách kinh điển y học dân tộc dùng kim tam lăng (3 cạnh) khá to và sắc chích huyệt phế du, nặn máu, thường chỉ làm một lần là đủ. Rất nhiều bệnh nhân được chữa khỏi bằng phương pháp này nhưng cần lưu ý nên áp dụng sớm khi bệnh mới khởi phát được vài ngày. Khi đã có mụn mủ, nang hóa thì phương pháp này không còn tác dụng nữa, sẽ phải chích chắp lẹo.

Kháng sinh: Kháng sinh uống và tra bôi tại chỗ được kê cho bệnh nhân lẹo. Uống kháng sinh nhóm macrolide (erythromycien, azythromycine) hay nhóm betalactamine giúp lẹo nhanh khỏi hơn. Mỡ kháng sinh bôi tại chỗ nhóm quilonon, các sunfamide, neomycine và tobramycine đều áp dụng được. Đáng tiếc là vẫn còn nhiều bệnh nhân quá tin tưởng và lạm dụng kháng sinh khi điều trị chắp lẹo. Khi không có biến chứng thì kháng sinh với công thức trên là đủ. Uống hay tiêm kháng sinh dài ngày có thể làm quá trình tạo mủ không hoàn tất, chắp lẹo chuyển sang trạng thái xơ hóa, lúc nóng (viêm lên), lúc lạnh (gần như bình thường). Khi đó đòi hỏi phải phẫu thuật, lấy gọn khối xơ kèm chắp đó mới trả lại được cho bệnh nhân cuộc sống bình thường.

Liệu pháp steroids ngắn hạn: Các loại mỡ cortizol hay cortizol phối hợp với kháng sinh đều dùng tốt cho chắp, trong thời gian ngắn, làm giảm sưng và viêm tại chỗ.

Chích chắp, lẹo tháo mủ: Biện pháp gây tê chích tháo mủ chắp, lẹo là giải pháp sau cùng nếu điều trị nội khoa và nhiệt trị liệu không đáp ứng tốt. Đặc biệt với chắp to, chèn vào giác mạc gây nhìn mờ. Với chắp lẹo tái phát nhiều lần, các bác sĩ mắt có thể gửi đi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh nhằm loại trừ những bệnh lý nghiêm trọng hơn như K tuyến sụn mi. Áp-xe mi, đa chắp, u hạt sinh mủ sau chắp cũng là những biến chứng hay gặp đòi hỏi phẫu thuật tỉ mỉ hơn.

Để chống nhiễm khuẩn lan rộng, bác sĩ chuyên khoa khuyên bệnh nhân không nên trang điểm hay đeo kính tiếp xúc khi đang điều trị chắp lẹo.

 

Thầy thuốc khuyên gì?

Phòng ngừa chắp lẹo liên quan đến vệ sinh mắt, dinh dưỡng, thay đổi thói quen sinh hoạt. Bệnh nhân đái tháo đường cần khống chế đường huyết tốt, chống nhiễm trùng phụ trên toàn thân. Bệnh nhân có viêm bờ mi, viêm da nói chung cần có giấy vệ sinh, gel vệ sinh riêng cho vùng mắt và bờ mi. Người bị táo bón kinh niên hay trẻ em bị loạn khuẩn đường ruột, trẻ nuôi sữa ngoài... hay bị chắp lẹo tái phát. Mất cân bằng vi khuẩn chí đường ruột, nhiễm độc nội độc tố từ đường tiêu hóa được coi là thủ phạm gây nên tình trạng này. Do đó, cần chống táo bón, bổ sung vi khuẩn có lợi cho đường ruột, ăn nhiều hoa quả, tăng cường uống nước, ăn sữa chua nhiều... Người thường xuyên thức đêm, hút thuốc tiệc tùng rượu bia nhiều cũng hay bị chắp. Nên chủ động tránh những thói quen có hại đó.

 

TS.BS. Hoàng Cương (Bệnh viện Mắt Trung ương)

75146 Go top