NHIỄM COVID LÀM TĂNG NGUY CƠ TẮC NGHẼN CÁC MẠCH MÁU TẠI MẮT 

Theo một nghiên cứu được công bố gần đây bởi nhóm nghiên cứu tại California, Hoa Kỳ đăng tải trên tạp chí nhãn khoa JAMA, tỷ lệ mắc bệnh lý tắc nghẽn mạch máu tại mắt sẽ ngày càng tăng trong nhóm người bị mắc COVID-19

Nghiên cứu này công bố nhiễm COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ hình thành tắc mạch đáy mắt, giống như tai biến mạch máu não:

• Các nghiên cứu viên của Mỹ cho rằng nhiễm COVID có thể làm tăng nguy cơ hình thành tắc mạch tại mắt.

Bệnh lý này có thể xảy ra khi bạn vừa mắc bệnh cho tới vài tháng, sau khi bạn đã có kết luận dương tính.

Có thể xem đây là một dạng đột quỵ của mắt (tắc mạch máu của võng mạc), có thể gây ra các vấn đề về thị lực sau đó.

Có vẻ danh sách các triệu chứng và tác dụng phụ của COVID ngày một dài thêm? Và bắt đầu tấn công vào mắt? Nghiên cứu được công bố trên tạp chí nhãn khoa JAMA ngày 14 tháng 4: Bệnh nhân đã nhiễm coronavirus kèm theo nguy cơ mắc chứng tắc mạch mắt, một dạng đột quỵ ở mắt.

Tắc mạch mắt là gì? Nguyên nhân của tình trạng này là gì? Các kết luận của nghiên cứu này cho thấy mối liên hệ với COVID 19 có hợp lý không?

Sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh

Tuy các nhà khoa học vẫn đang cố gắng làm sáng tỏ những bí ẩn của coronavirus, nhưng họ đã có thể xác định rằng virus này có liên quan đáng kể đến việc tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu trong cơ thể. COVID-19 có liên quan đến tổn thương mạch máu toàn thân. Tuy nhiên, nguy cơ đối với mạch máu võng mạc vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Các nhà nghiên cứu tại California tập trung chú ý về chứng giảm hoặc mất thị lực. Để làm sáng tỏ nguy cơ hình thành cục máu đông trong động mạch hoặc tĩnh mạch của võng mạc - mô thần kinh ở phía sau của mắt nhận hình ảnh và gửi chúng đến não - các nhà khoa học đã tổng hợp dữ liệu trên một nhóm lớn gồm 432.515 người mắc COVID-19 tham gia.

Theo kết luận của họ, bệnh nhân COVID sẽ có nhiều nguy cơ bị tắc mạch mắt hơn. Trong 06 tháng sau khi nhiễm bệnh, 65 bệnh nhân của nhóm thuần tập đã bị tắc tĩnh mạch võng mạc (RVO). Một con số tương đối thấp nhưng vẫn phản ánh sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh lên 54% so với tỷ lệ mắc trong dân số nói chung không mắc COVID. Họ cũng báo cáo sự gia tăng 35% các trường hợp tắc động mạch võng mạc trung tâm (CRAO) so với nhóm còn lại.

Một dạng tai biến mạch máu tại mắt?

Nhưng tắc mạch mắt là gì? Nói cho chính xác tắc động mạch trung tâm võng mạc thường do nghẽn mạch. Ví dụ, đy có thể là một cục máu đông di chuyển từ tâm nhĩ tới võng mạc. Giáo sư Gilles Renard, giám đốc khoa học của Hội Nhãn khoa Pháp và là Cựu trưởng khoa nhãn khoa tại Bệnh viện Hôtel - Dieu mô tả, sau đó cục máu đông sẽ làm tắc nghẽn động mạch trung tâm võng mạc và làm cắt nguồn oxy ở võng mạc. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta có thể coi nó là một loại đột quỵ của mắt. Cùng chung một mô gốc, mắt cũng như não, trong trường hợp thiếu máu cục bộ sẽ có sự suy giảm hoặc ngừng lưu thông máu trong một khu vực, sau một vài phút, các mô sẽ bị tổn thương. Và thị lực bị suy giảm, đó là điều sau cùng. Trong trường hợp đột quỵ, vấn đề giống nhau: Chúng ta có vài phút để tái cung cấp oxy cho khu vực này và tối đa là vài giờ để cố gắng khơi thông động mạch bị tắc. Một dạng thức khác của tắc động mạch võng mạc - bệnh Horton, đặc trưng bởi tổn thương động mạch chủ, ảnh hưởng đến cả động mạch thái dương và động mạch võng mạc trung tâm.

Giáo sư Renard nhấn mạnh: “Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc được kích hoạt bởi các yếu tố nguy cơ khác, đặc biệt là bệnh tiểu đường và huyết áp cao, cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng của COVID-19. Khi đó tĩnh mạch võng mạc bị ảnh hưởng. Với điều trị chống đông máu hoặc thậm chí can thiệp bằng laser vào những khu vực mà lưu thông máu bị cản trở do tắc, chúng ta có thể ổn định mọi thứ trong một số trường hợp nhất định Vị giáo sư nhãn khoa này trấn an.

Quan hệ nhân quả chưa được thiết lập

Nhìn kỹ hơn một chút vào kết quả của cuộc nghiên cứu, với 65 trường hợp tắc mạch mắt trong một nhóm thuần tập như vậy, nên tin cậy như thế nào cho những kết luận này? Các con số quan sát được, chắc chắn cao hơn so với dân số nói chung nhưng vẫn khá thấp, có thể là do ngẫu nhiên hoặc do các yếu tố nguy cơ sẵn có với tình trạng bệnh lý này. "Dựa trên một nhóm thuần tập lớn như vậy, tôi tự hỏi về độ tin cậy của mối quan hệ nhân quả được đề cập" Giáo sư Renard nói. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng COVID-19, cũng như một số loại vaccine sản xuất ra để chống COVID, có chứa yếu tố đông máu nội mạch.  Do vậy, kết luận là nhiễm COVID gây đông máu động mạch trung tâm hoặc tĩnh mạch võng mạc là không sai. Ông giải thích.

Mặt khác, có thể có mối tương quan không chính xác như các tác giả của nghiên cứu mong muốn, ông nói thêm. Hơn nữa, nghiên cứu không chứng minh được rằng chỉ có COVID là nguyên nhân gây ra những trường hợp tắc mạch mắt này. Chính bản thân các nghiên cứu viên cũng tin rằng các nghiên cứu lớn hơn về vấn đề này là cần thiết.

Bác sĩ Hoàng Cương

1561 Go top