Nguy cơ hỏng mắt do viêm nội nhãn 

Nhân trường hợp chị Trần Thị N. (Hàm Yên, Tuyên Quang) đến Bệnh viện Mắt TW khám chữa mắt, được bác sĩ kết luận mắt phải bị viêm toàn bộ nhãn cầu (viêm toàn nhãn), tức là viêm cả tổ chức quanh mắt. Mặc dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng do bệnh nhân đến quá muộn, mắt đã bị hoại tử hoàn toàn nên bắt buộc phải phẫu thuật múc bỏ nhãn cầu để tránh nhiễm trung máu, có thể gây tử vong.

Nhân trường hợp chị Trần Thị N. (Hàm Yên, Tuyên Quang) đến Bệnh viện Mắt TW khám chữa mắt, được bác sĩ kết luận mắt phải bị viêm toàn bộ nhãn cầu (viêm toàn nhãn), tức là viêm cả tổ chức quanh mắt. Mặc dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng do bệnh nhân đến quá muộn, mắt đã bị hoại tử hoàn toàn nên bắt buộc phải phẫu thuật múc bỏ nhãn cầu để tránh nhiễm trung máu, có thể gây tử vong. Các bác sĩ cho biết, viêm toàn nhãn là tình trạng nhiễm khuẩn nặng nề nhất trong điều trị nhãn khoa với tỷ lệ điều trị thành công là rất thấp, nhất là các trường hợp đến bệnh viện muộn như chị N., nguy cơ hỏng mắt là rất cao. Vậy, viêm nội nhãn là gì? Dấu hiệu của bệnh thế nào? Xin giới thiệu với bạn đọc thông tin liên quan đến căn bệnh nguy hiểm này:

Mắt có hình cầu, phía ngoài có các lớp vỏ bọc, phía trong có các tổ chức nội nhãn. Viêm nội nhãn (VNN) là các phản ứng viêm trong mắt gây ra bởi quá trình nhiễm khuẩn và/hoặc chấn thương các tổ chức, mô trong nhãn cầu. VNN thường được chia thành 2 loại: VNN ngoại sinh và VNN nội sinh. Nếu VNN ngoại sinh xuất hiện do các tác nhân gây bệnh (nấm, vi khuẩn...) đi vào mắt trực tiếp từ môi trường bên ngoài sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật thì VNN nội sinh lại xuất hiện bởi các vi khuẩn lây lan từ các cơ quan khác của cơ thể theo đường máu.


 

Viêm nội nhãn cần được điều trị sớm, nếu không nguy cơ hỏng mắt rất cao,

thậm chí có thể nhiễm trùng máu gây tử vong

Tại sao bị VNN?

Trong điều kiện bình thường, hàng rào máu - mắt đóng vai trò rào cản tự nhiên chống lại các tác nhân gây bệnh xâm hại vào mắt. Khi cơ thể có các nhiễm khuẩn ở bộ phận khác (như áp-xe gan, viêm da, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm mũi xoang...), các tác nhân gây bệnh sẽ từ đây đi vào máu để đến mắt, phá vỡ hàng rào bảo vệ tự nhiên xâm nhập vào trong mắt, gây viêm nội nhãn. Khi đó, các ổ nhiễm khuẩn ban đầu được gọi là ổ nhiễm khuẩn nguyên phát. Có rất nhiều các yếu tố làm suy yếu cơ chế bảo vệ tự nhiên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thâm nhập của các tác nhân gây bệnh như:

-  Các bệnh lý toàn thân gây suy yếu cơ thể nói chung như bệnh đái tháo đường, bệnh van tim, bệnh Lupus hệ thống, bệnh AIDS, xơ gan, ung thư...

-  Các thủ thuật can thiệp nặng nề gây nhiễm khuẩn huyết như: lọc máu, đặt dẫn lưu bàng quang, nội soi tiêu hóa, tiêm truyền tĩnh mạch...

-  Các sang chấn hoặc phẫu thuật của các cơ quan khác như thay van tim, dùng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc gây nghiện qua đường tĩnh mạch.

-  Các bệnh nhiễm khuẩn nguyên phát thường gặp là: viêm màng não, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp-xe ổ bụng...

Như vậy, nhìn chung VNN thường xuất hiện trên một cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng. Tuy nhiên, những năm gần đây tại khoa chuyên điều trị VNN, Bệnh viện Mắt TW, phần lớn các bệnh nhân nhập viện lại là những bệnh nhân còn trẻ tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử mắc các bệnh lý toàn thân hoặc phẫu thuật trước đó. Các khám nghiệm toàn thân như siêu âm, chụp Xquang đều không có phát hiện gì đặc biệt. Khi hỏi bệnh sử những bệnh nhân này, chúng tôi thấy rất nhiều người trong số họ đầu tiên chỉ có đỏ mắt hoặc ngứa mắt, đi khám bác sĩ cạnh nhà (thường không phải là bác sĩ chuyên khoa mắt), được điều trị bằng thuốc tiêm hoặc tiêm cạnh mắt, sau đó thấy bệnh diễn biến ngày một nặng lên. Thực tế này gợi cho chúng tôi suy đoán rằng: nhiễm khuẩn có thể xuất hiện ở vùng lân cận mắt (như ngoài da, viêm mũi xoang...) và chính các biện pháp điều trị không hợp lý, không đúng cách đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh VNN khởi phát.

Nguyên nhân gây VNN

Do vi khuẩn tụ cầu vàng (thường đầu tiên gây viêm da), liên cầu, E. Coli, virut cúm, các loại vi khuẩn viêm màng não, trực khuẩn mủ xanh...; do nấm Candida Albicans (chiếm 75 - 80% VNN do nấm) thường xuất hiện ở bệnh nhân AIDS, Aspegillos hay gặp ở bệnh nhân nghiện, tiêm chích theo đường tĩnh mạch. Ngoài ra, còn có thể gặp Crytococcus, Torulopsis...

Cần phân biệt với triệu chứng của các bệnh về mắt khác

Khi bị VNN, bệnh nhân nhìn mờ, đau nhức mắt, kích thích khó chịu cộng thêm đau đầu, sợ ánh sáng và đỏ mắt, sưng nề xung quanh mắt. Khám bác sĩ chuyên khoa mắt có thể phát hiện các dấu hiệu như: mi sưng nề, đỏ; kết mạc cương tụ; giác mạc phù, thâm nhiễm; mủ tiền phòng; viêm dịch kính, viêm gai thị; các khối mủ trắng trên hắc - võng mạc.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể thấy mệt mỏi, sốt, mất ngủ, kém ăn. Cần lưu ý rằng VNN giai đoạn đầu, hoặc những thể viêm âm thầm (như do P Acnes) có thể không đau, không có mủ tiền phòng. Chẩn đoán xác định sẽ gặp khó khăn ở các trường hợp như vậy. Một số bác sĩ không có kinh nghiệm có thể nhầm lẫn với bệnh viêm màng bồ đào do cơ chế tự miễn dẫn đến sai lầm trong điều trị. Bệnh viêm màng bồ đào do các nguyên nhân tự miễn thường xảy ra ở cả 2 mắt và khởi phát từ từ hơn, diễn biến âm ỉ. Hơn nữa bệnh nhân thường có biểu hiện bệnh lý miễn dịch mạn tính ở cơ quan khác như: viêm khớp mạn tính, viêm cột sống dính khớp, viêm da cơ...

Thông thường, bệnh nhân đến khám khi bệnh đã rất nặng. Tiên lượng hồi phục về chức năng phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm chẩn đoán và điều trị thích hợp. Nếu chẩn đoán muộn thì dù có điều trị tốt cũng sẽ dẫn tới tổn hại thị lực nghiêm trọng thậm chí mù lòa. Tại Mỹ, chỉ có 5% bệnh nhân viêm nội nhãn hồi phục được thị lực từ 5/10 trở lên.

Làm gì để tránh VNN?

Viêm nội nhãn là một bệnh nhiễm khuẩn mắt nặng nề. Chính vì thế, người dân phải đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ như nhìn mờ nhiều, nhanh, đỏ mắt, đau nhức mắt; bệnh thường xuất hiện ở các bệnh nhân có các bệnh ở cơ quan khác gây suy yếu cơ thể, hoặc nghiện qua đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, bệnh cũng xuất hiện ở những người khỏe mạnh có thể do các điều trị không đúng cách tại mắt.

Đối với bác sĩ mắt: tuyệt đối không được lạm dụng tiêm truyền thuốc theo đường toàn thân (tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch) và đặc biệt là tiêm cạnh mắt để điều trị các bệnh thông thường của bề mặt nhãn cầu như: viêm kết mạc do virut, viêm kết mạc dị ứng.

Khi điều trị bệnh nhân có biểu hiện viêm ở trong mắt tuyệt đối không được chủ quan chẩn đoán và điều trị theo hướng viêm màng bồ đào (chống viêm đơn thuần bằng steroid) vì điều trị như vậy có thể gây thuyên giảm giả tạo các triệu chứng cơ năng và gây tổn hại cấu trúc nặng nề hơn về sau.

Các cơ sở chuyên khoa mắt không có các trang thiết bị hiện đại như kính hiển vi đèn khe, siêu âm... không được phép điều trị các bệnh lý viêm nhiễm nội nhãn mà phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên càng sớm càng tốt.

Theo SKĐS

Tiêm kháng sinh nội nhãn

Phẫu thuật cắt dịch kính để điều trị viêm nội nhãn

Ý kiến chuyên gia:

Cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời

“Viêm nội nhãn là bệnh lý cần được điều trị tích cực ngay từ khi bệnh nhân có triệu chứng, tránh để biến chứng mủ lan ra toàn nhãn có thể xảy ra. Biểu hiện của viêm nội nhãn có thể là đau nhức mắt, thường đau tăng lên khi vận động nhãn cầu, giảm thị lực, chảy nước mắt, đau đầu, đỏ mắt, sợ ánh sáng. Nếu viêm nội nhãn do vi khuẩn thường biểu hiện rầm rộ của một tình trạng viêm cấp tính. Bệnh nhân nhìn mờ nhiều, có thể chỉ còn nhận thức ánh sáng hoặc không; kèm theo là dấu hiệu chói mắt, cộm mắt, trẻ nhỏ thường lấy tay che mắt hoặc quay mặt vào chỗ tối.

Bệnh này nếu được phát hiện sớm có thể điều trị được. Song, điều đáng nói là đa phần bệnh nhân đến khám khi đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, nếu thấy có biểu hiện bệnh ở mắt, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa mắt ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm. Lúc đấy mủ còn loãng thì có thể tiêm ngay kháng sinh vào nội nhãn, hoặc cắt ngay dịch kính lấy mủ ra rồi đưa kháng sinh vào. Nếu phát hiện muộn, mủ đã đặc lại sẽ co kéo ảnh hưởng đến giác mạc thì sẽ khó điều trị. Lúc đó, mủ không những chỉ trong nội nhãn mà đã lan ra toàn nhãn.

Bên cạnh đó, cần phân biệt triệu chứng của viêm nội nhãn với bệnh đau mắt đỏ. Có nhiều trường hợp, bệnh nhân thấy mắt đỏ, đau nhức đã tự mua thuốc để điều trị nhưng không đỡ. Khi tới khám, bác sĩ mới kết luận bị viêm nội nhãn và khi đó khả năng chữa trị là rất thấp. Đây là tình trạng đáng báo động tại các gia đình, nhất là đối với trẻ em, người già, nó khiến việc điều trị trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với mắt, vùng rất nhạy cảm và khiến bệnh tiến triển bệnh nhanh và xấu đi. “

BS.ThS Vũ Thị Thanh - Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội.

Cần phòng viêm nội nhãn sau phẫu thuật
Viêm nội nhãn có thể gặp ở những bệnh nhân mới được phẫu thuật nội nhãn. Y văn thế giới thống kê tỷ lệ bệnh nhân bị viêm nội nhãn sau phẫu thuật đục thể thủy tinh - một phẫu thuật phổ biến hiện nay là  khoảng 0,04% (4/10.000). Vì thế, để phòng chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân, phòng mổ phải thường xuyên được khử khuẩn bằng tia cực tím hoặc hóa chất. Dụng cụ phẫu thuật, thiết bị... phải được vô trùng nghiêm ngặt. Quy trình phòng chống nhiễm khuẩn trong phẫu thuật phải được thực hiện đầy đủ. Bên cạnh đó, để phòng ngừa “thảm họa” nhãn khoa này, trước khi phẫu thuật bệnh nhân phải được khám kỹ để xác định có bị bệnh toàn thân, bệnh tại chỗ như viêm túi lệ, nhiễm khuẩn mi mắt, nhiễm khuẩn các cơ quan lân cận mắt... Những bệnh này cần được điều trị trước để nhằm loại bỏ tối đa các yếu tố nguy cơ nhiễm khuẩn nội nhãn.

Về phía người bệnh, cần được khuyến cáo nếu sau mổ mà có hiện tượng đau nhức mắt, thị lực giảm sút nhanh chóng thì cần phải khẩn trương đến bệnh viện để được khám, xác định nguyên nhân và điều trị sớm nhất có thể. Nếu chậm trễ, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và khả năng hồi phục thị lực cũng ít hơn.

PGS. TS. Nguyễn Văn Đàm (Chủ nhiệm bộ môn mắt, Học viện Quân Y 103)

Có thể bị hỏng mắt vĩnh viễn

Viêm nội nhãn có thể gây mất thị lực trầm trọng cho khoảng 20% bệnh nhân. Sau khi được điều trị, chỉ có khoảng 55% bệnh nhân đạt được thị lực cuối cùng là 1/10 hoặc kém hơn. Riêng việc có phải múc bỏ mắt hay không còn tùy thuộc tình trạng bệnh, diễn tiến bệnh, việc đáp ứng điều trị của từng người, chỉ có bác sĩ trực tiếp điều trị mới có thể trả lời chính xác, bên cạnh việc phải thông qua một hội đồng chuyên môn để hội chẩn. Nếu bệnh nhân bị viêm nội nhãn trầm trọng, đau nhức nhiều, mủ ăn lan hết nhãn cầu... thì bắt buộc phải bỏ mắt để loại trừ vi khuẩn không lan ra chỗ khác (lên não gây viêm tắc mạch xoang hang, vào máu gây nhiễm khuẩn huyết). Nếu việc điều trị không đáp ứng với kháng sinh, thị lực của bệnh nhân sẽ khó có thể hồi phục.

Về thời gian điều trị, lâu hay mau còn tùy thuộc mức độ trầm trọng của bệnh, tác nhân gây bệnh, đáp ứng của cơ thể đối với bệnh và phương pháp điều trị. Trung bình một đợt điều trị cấp tính khoảng 2 - 3 tuần, sau đó tùy theo triệu chứng mà có những phương pháp điều trị thích hợp khác. Những di chứng có thể là vẩn đục pha lê thể, tăng nhãn áp, thậm chí bị hỏng mắt vĩnh viễn

BS.ThS Hoàng Cương (Khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt Trung ương)

16790 Go top