Nghề y - Những suy ngẫm trong ngày truyền thống 

Lại sắp đến ngày Thày thuốc Việt nam 27/2. Đài báo, Tivi lại tung tin bài dày đặc tôn vinh ngành nghề chúng tôi. Tất nhiên ai nỡ chê bai, lên án vì một năm mới có một ngày. Ở cơ quan có chút tiền thưởng, về nhà được vợ con cho tặng quà, bạn bè gọi liên hoan chiêu đãi… Ai cũng thấy vui vui, đôi chút thăng hoa nhưng rồi cũng nhanh thôi, chỉ là một ngày. Hơn 300 ngày còn lại đối với chúng tôi là trách nhiệm, làm việc nghiêm túc và có phần nhọc nhằn, học hành , phấn đấu… Đã qua nửa đời người, hơn 30 năm tuổi nghề suy ngẫm của tôi thiết nghĩ cũng là của rất nhiều đồng nghiệp cho dù “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”

Để tấm ảnh chụp kỷ niệm 30 năm ngày ra trường ngay ngắn ngay cạnh tấm ảnh của bố tôi chụp với các bạn cùng khóa Đại học Y Hà nội 1956 -1962 nhân 55 năm ngày ra trường tôi thầm nói: Cám ơn bố đã định hướng, rèn dũa, truyền nghề cho con. Bố đã về với tổ tiên, con đã bước sang tuổi già về đời - chín về nghề. Không còn nhiều nữa để rồi bước vào đời hưu trí, để rồi hàng năm như bố ngày xưa, mong ngày gặp bạn đồng niên - đồng khóa. Những người bạn già vơi dần đi trong tấm ảnh làm bố đau xót than thở mỗi khi đi họp lớp về. Chính bố dở sổ tay gạch dần những bạn bè của mình ra đi theo tháng năm, thỉnh thoảng cũng phone hỏi thăm những bạn còn sống. Những trang đời vẫn lật tiếp rồi đến ngày con nghẹn ngào lần số điện thoại báo với các bạn bố là bố đã không còn, tấm ảnh cuối cùng của bố giờ để cạnh ảnh của lớp con. Suốt gần 2 năm ốm nặng rồi lìa đời bố đã không nuối tiếc hay dặn dò điều gì. Điều làm ông mãn nguyện tuy ít khi nói ra là bốn đứa con của ông đều theo ông làm việc trong ngành y tế, nhiệt tình cống hiến, có chút danh phận và cuộc sống ổn định. Hai anh em chúng tôi đều có học vị tiến sĩ, tôi theo ông làm nghề mắt. Có lúc nào đó ông dặn tôi gắng định hướng cho một vài đứa trong đám cháu của ông theo nghề y, để chăm sóc y tế cho cả nhà, khỏi phí truyền thống gia đình... Thế rồi không thể, hay đúng hơn là không có ai trong đám cháu của ông sẽ làm nghề y. Cha ở trên trời cao đừng buồn! Thời buổi tự do mà cha! Thu nhập hạng trung với trách nhiệm cao ngất, học hành vất vả, đang quá nhiều khủng hoảng và tai tiếng, chúng ta cũng chẳng sống thọ hơn người khác làm bọn trẻ ngại vào ngành Y. Nếu ai có hỏi con vì sao theo nghề này thì con sẽ trả lời sao nhỉ? Số phận hay nghiệp chướng cũng vậy, đam mê thêm chút năng khiếu, bản ngã phù hợp nữa.

Con theo nghề được vì học ở bố trái tim yêu thương đồng loại, có hy sinh và dấn thân vì nghề nghiệp. Bố con ta đều yêu thiên nhiên, hoa lá, cỏ cây, thú cưng. Yêu âm nhạc, văn học, thơ ca…Thiên hạ gọi là có chút tâm hồn. Con nhớ là số lần bố cắt tiết gà vịt chỉ vài lần trong đời. Bố nuôi thỏ, chim bồ câu rồi lại cho hoặc bán chứ không dám giết thịt. Sát sinh bố đã sợ thì hại ai bố lại càng ngại. Bố yêu thương chăm sóc chúng con là đương nhiên, thêm nữa còn bao nhiêu người bệnh nữa ở bệnh viện, hàng xóm, họ hàng, quê quán bố đều xông pha không quản ngại xa xôi, đêm hôm chữa trị. Bố chăm cún, chim, cá bền bỉ đầy tình thương và trách nhiệm. Tình yêu đấy đủ lớn để làm nghề y, theo ngành y và có ích cho bệnh nhân. Với xã hội cũng vừa vặn là một công dân gương mẫu trọn đời. Với gia đình, hàng xóm bố là người cha, người ông, người hàng xóm trí tình đầy quan tâm và chăm sóc.

Con giống cha xác định là bác sĩ nên hưởng thụ vừa phải, có chọn lọc, biết tiết chế trong mọi việc. Bố tôi luôn nói ngành y, nghề giáo luôn được trân trọng ở mọi thời cuộc. Bác sĩ không thể chết đói, nếu nhà nước không nuôi được thì nhân dân sẽ nuôi. Ngược lại cũng không thể giầu có được. Sẽ có hai kết cục đi kèm với một bác sĩ giầu có: Kiệt sức, bệnh tật vì làm thêm hoặc phạm pháp, tù tội vì làm tiền trên sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Ngẫm ra ông luôn đúng cả với thời bao cấp, mở cửa của ông lẫn thời buổi kinh tế thị trưởng bung mở như hiện nay. Bố tôi tự hào đã nuôi 4 đứa con thêm mẹ tôi ốm đau triền miên bằng gạo của nhà nước và thực phẩm từ biết bao bệnh nhân chi viện cho gia đình bác sĩ nghèo: quả trứng, con gà, cân gạo nếp, đậu lạc quanh năm. Đến thời tôi thì thu nhập ở một bệnh viện trung ương, chi tiêu có kế hoạch, không ăn chơi hưởng lạc thì cũng đủ dùng. Có anh lái xe taxi biết tôi là bác sĩ viện Mắt khích bác: Ai cũng kêu bác sĩ nghèo, em thấy các anh giàu bỏ mẹ! Ông nào cũng xe cộ và vài bất động sản…Tôi phản bác lại ngay: Đấy là bệnh viện trung ương, có mô hình dịch vụ, làm thêm phòng mạch sớm tối, thứ 7 chủ nhật phải đi tỉnh đánh quả. Còn lại tuyến tỉnh, nhất là huyện trở xuống còn nghèo lắm. Đài báo nêu đầy những ví dụ của quả cảm, kiên trung theo nghề với thu nhập ngang với công nhân khu chế xuất, nhiều người đã phải bỏ nghề - bỏ viện…

Con cố gắng giống cha là học tập suốt đời, không chỉ là tuyên thệ hay lòng tự hứa với lòng mà bắt buộc phải làm hàng ngày. Ai cũng đồng ý là một giáo sư cho dù là cuốn sách sống, về hưu sau vài năm sẽ tụt hậu thảm hại nếu không tham dự hội nghị, hội thảo, giảng bài để cập nhật kiến thức mới và ôn lại kiến thức cũ. Với kiến thức, thông tin y tế như hiện nay có thể ví như thác đổ hàng ngày mà ta chỉ hứng được vài giọt. Áp lực học tập suốt đời khi hành nghề y thực sự khắc nghiệt hơn bất kỳ ngành nghề khác có thể nói là không có về hưu về phương diện học hành nếu ta muốn ta muốn hành nghề chất lượng, hiệu quả, chống được dốt nát hay tụt hậu. Cố gắng và bền bỉ thì bất tận còn quả ngọt hái được chỉ vài trái…Hỏi có đáng không?

Con có ân hận gì không? Không ạ! Giống như con đã mãn nguyện khi làm con của bố. Hạnh phúc khi nhìn những ánh mắt hàm ơn, xúc động, khi nhận những nụ cười câu cảm ơn lúc xuất viện, có được sự tin yêu trân trọng của hàng ngàn bệnh nhân - hàng trăm ca mổ thành công… là nguồn năng lượng vô tận để con sống, làm việc ngày qua ngày. Lương bổng đã ngày càng tốt lên. Nếu chịu khó cày cuốc có thể có cuộc sống sung túc. Bản ngã của một người khiêm tốn, đã đủ độ chín về tuổi đời, cũng như mọi ngành nghề khác, tôi xác định: Đừng nghiện ca tụng, tôn vinh cũng đừng hoảng hốt, chạy trốn dư luận, đả phá. Ta ung dung, tự đào luyện để sống tiếp với những người thương yêu mình, mạnh dạn vững tin rằng người tốt luôn có đất để sống./.

Bs Hoàng Cương

Nhân ngày Thày thuốc Việt Nam 27/2/2023

 

 

508 Go top