Kính râm cho mùa hè sắp đến 

Kính râm đã quá phổ biến, ngay cả ở những nước không nhiều nắng lắm. Quen thuộc với thế giới văn minh thế nhưng hiểu cho đúng và đủ về kính râm, dùng kính gì và dùng như thế nào cho các hoạt động ngoài trời nhất là khi mùa hè đang tới gần lại có vẻ là vấn đề. Ai cũng biết là ta đeo kính râm để bảo vệ mắt và che chắn bớt ánh nắng mặt trời cùng với những tia năng lượng cao trong nó, tránh những tổn hại hay khó chịu cho mắt. Trong vô vàn các cặp kính mầu bày tràn lan từ vỉa hè, góc chợ cho tới những shop đèn màu lung linh thì đâu là cặp kính bạn cần?

Lịch sử ra đời của kính râm:

Thật ngạc nhiên là ngay từ thời đế chế La Mã các võ sĩ đã dùng các phương tiện chống lóa gần giống kính râm, người Trung Quốc đã biết dùng kính từ thế kỷ XII, người phương Tây thoạt đầu dùng kính nhằm mục đích điều trị  một vài bệnh mắt vào giữa thế kỷ XVIII. Kính màu vàng hổ phách được dùng cho người bị giang mai vì họ rất sợ ánh sáng mạnh.

Kính râm dùng để nhìn  rõ hơn và dễ chịu hơn?

Trong một vài hòan cảnh thì đúng vậy. Nó giúp bạn chống lóa khi tham gia giao thông, nhìn  vào mặt nước. Khi bạn bị giãn đồng tử do chấn thương, bệnh lý hay do dùng thuốc giãn đồng tử kính râm sẽ giúp cho bạn có thị giác gần như bình thường. Nguời bị bệnh bạch tạng, do thiếu hắc tố nên rất khó chịu khi ra nắng. Kính râm gọng rộng là phương tiện hữu hiệu để bảo vệ họ.

Kính râm bảo vệ mắt ?

Đúng vậy. Ngòai việc che chắn bụi, côn trùng, hóa chất khỏi chui vào mắt kính râm còn gíup bạn ngăn ngừa tia tử ngoại ( tia cực tím)- một loại tia có hại trong phổ ánh sáng mặt trời khỏi gây hại cho mắt. Tia cực tím- tia UV đã được biết đến từ lâu là mối nguy hiểm tức thì và tiềm tàng cho mắt. Bỏng mắt do tia UV hay gặp với người tắm nắng quá lâu, người đi trượt tuyết. Lâu dài nếu phơi nhiễm với tia UV quá đáng ta co thể bị lên mộng mắt, ung thư da mi, đục nhân mắt và thoái hóa hòang điểm.

Các phi công cũng phải đeo kính vì càng lên cao tầng ozon càng mỏng, đậm độ tia UV cũng tăng. Các phi công bắt đầu đeo kính râm từ năm 1936.

Người đã mổ thể thủy tinh hay đang mang kính tiếp xúc vẫn nên đeo kính râm khi cần thiết bởi vì kính râm có độ phủ rộng hơn nhiều so với kính nội nhãn hay kính tiếp xúc.

Có phải kính càng màu đậm thì càng lọc được tia UV nhiều?

Đậm độ tia UV phụ thuộc vào độ cao, càng lên cao thì đậm độ tia UV càng lớn. Người leo núi, trượt tuyết nên đeo kính râm vì họ ở độ cao lớn lại bị tia UV phản xạ từ băng tuyết vào mắt nhiều. Tia UV có nhiều trong ánh sáng mặt trời từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Màu da, mầu mắt của chúng ta cũng quan trọng trong việc cản lọc tia UV. Màu càng đậm thì cản lọc tia UV càng tốt. Còn đói với kính râm thì độ lọc tia UV tùy thuộc vào màu kính và chất liệu làm kính. Kính làm bằng polycarbonate, CR39 có khả năng lọc khỏang 50% lượng tia UV. Màu vàng hổ phách và đen nhạt được cho là lọc tia UV tốt nhất. Ánh sáng xanh hay nhóm tia năng lượng cao phổ nhìn được bị qui kết là có thể gây ra thoái hóa hòang điểm. Kính màu đồng, nâu đỏ được cho là lọc ánh sáng xanh tốt hơn màu khác. Nếu bạn thấy nghi ngờ thì nên nhờ các nhà chuyên môn về  phân tích quang phổ, họ sẽ cho biết chính xác kính của bạn có bạn vệ bạn 100% khỏi tia UV hay không.

Còn những mục đích khác?

Tính thời trang và làm đẹp là những mục đích không thể thiếu của việc đeo kính râm. Những người kín đáo, nổi tiếng không muốn bị công chúng xoi mói cũng thường đeo kính râm gọng to. Kính râm còn là công cụ thẩm mỹ của những người có khuyết tật về mắt. Họ có thể che đi những dị hình, tăng tính thẩm mỹ của bản thân.

Trẻ em cần kính râm nhiều hơn người lớn?

Trẻ em vui chơi và hoạt động ngoài trời nhiều hơn người lớn . Do vậy cha mẹ cũng cần trang bị kính râm cho trẻ. Tuy nhiên cần chọn loại gọng dẻo, kính nhẹ làm bằng polycarbonate để trẻ dễ chịu khi đeo.

Kính như thế  nào là đạt chuẩn?

Các nhà sản xuất kính râm có uy tín hàng đầu, tất nhiên là phải là  hàng thật, sẽ cung cấp kính có chất lượng cao. Có thể nhắc đến các hãng lớn có tên tuổi như: OAKLEY, RAYBAN, MAUI JIM, COSTA DEL MAR, PERSOL...

Tiêu chuẩn ISO-2004 đã được các nhà sản xuất áp dụng trên phạm vi tòan cầu. Tại châu Âu là tiêu chuẩn CE, tại Úc là tiêu chuẩn AS/NZ1067:2003. Tuy nhiên không phải nhà sản xuất nào cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn trên. Tiêu chuẩn CE chia cấp độ lọc tia UV làm 7 cấp, trong đó cấp 6-7 được coi là hòan hảo. Khối Bắc Mỹ chia khả năng lọc tia UV của kính làm 4 cấp độ.

Nên chọn màu gì ?

Màu xám được người Mỹ ưa chuộng nhất. Kính màu xám được dùng cho là thích hợp cho mọi hoạt động thông thường trong khi vẫn đảm bảo cho thị lực tốt, màu sắc trung thực. Màu nâu được dân chơi gôn, trượt tuyết ưa dùng, Màu cam nên dùng cho người chơi môn bắn súng, Màu đỏ thích hợp  với nơi quá nắng. Màu vàng nên dùng khi lái xe và đi biển.

Chúng ta có thêm sự lựa chọn gì?

Kính râm có thể được tráng bóng như gương để chống lóa. Các dạng vật liệu mới được coi là chống trày xước tốt tuy nhiên khá đắt tiền. Kính chống lóa dành cho người lái xe,  người làm việc với nguồn sáng mạnh. Kính chống tụ hơi nước, kính phân cực là những sản phẩm mới trên thị trường kính.

Xin nói thêm về kính phân cực ?

 Người ta biết về kính phân cực từ năm 1939. Thế nhưng công nghệ để sản xuất kính và tiêu dùng nó thì mới trong 20 năm gần đây. Kính phân cực được coi là chống lóa tốt nhất. Do vậy rất thích hợp với người lái xe, làm việc hay vui chơi thể thao ngoài trời, câu cá, đi biển. Một vài dạng đặc biệt  được chế tạo để làm việc với màn hình tinh thể lỏng-LCD, xem phim 3D. Kính khá đắt tiền từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng một đôi.

Bs Hòang Cương

Bệnh viện Mắt TW

4285 Go top