Cảnh báo nguy cơ mù mắt khi trẻ tiếp xúc với gói chống ẩm 

Các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương vừa khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho trẻ tiếp xúc với những gói hút ẩm có trong các sản phẩm hàng hóa để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngày 19/1 vừa qua, cháu Nguyễn Hà V ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương lấy gói hút ẩm trong túi bánh gạo để chơi và đã bị bột trong túi bay vào mắt trái gây bỏng giác mạc. Trước đó bé Trần Tuấn D (2,5 tuổi ở Bắc Giang) khi đang nghịch gói chống ẩm dạng bột lấy ra từ 1 gói bánh bằng cách cho vào miệng cắn, đã bị bỏng giác mạc vì bột chống ẩm rơi vào mắt...

Tính đến nay đã có 3 trường hợp bị tai nạn về mắt do gói chống ẩm gây ra và được chuyển đến Bệnh viện Mắt Trung ương điều trị trong thời gian gần đây.  Hai ca trước đó bị bỏng rất nặng, một bên mắt không nhìn thấy. Hiện cả 2 bệnh nhi này đang phải chờ để ghép giác mạc.

Các bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, chất bột trong các gói hút ẩm có trọng lượng nhỏ nhưng rất đậm đặc với độ PH từ 12 đến14 và có tính kiềm nên có thể xuyên sâu vào trong giác mạc gây bỏng. Bỏng do kiềm nguy hiểm hơn nhiều so với bỏng do axít vì dễ bỏng sâu, lan rộng và nguy cơ hoại tử nhanh, dẫn đến mù mắt. Khi hít phải loại bột này, cũng có thể gây bỏng hô hấp. Vì vậy các bác sỹ khuyến cáo các bậc phụ huynh không cho trẻ tiếp xúc với những gói hút ẩm có trong các sản phẩm hàng hóa. Nếu phát hiện trẻ bị tai nạn này cần cần rửa mắt cho trẻ dưới vòi nước sạch, sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế.

Bột hút ẩm có độ PH 12-14, có thể gây bỏng giác mạc

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết: “Rất may cháu V. chỉ bị nhẹ, bỏng độ 2, con ngươi không bị bột bắn trực tiếp vào nên thị lực có thể không bị ảnh hưởng nhiều. Bệnh nhi không phải mổ mà chỉ cần sử dụng thuốc để rửa, nhỏ mắt. Tuy nhiên, do chất gây bỏng đậm đặc, xuyên sâu vào giác mạc nên mắt trái bé V. có thể sẽ phải mang sẹo suốt đời”.

Anh Phạm Tuấn Anh (bố bé V.) cho hay: “Tôi không nghĩ là gói chống ẩm nguy hiểm thế nên cũng không nghĩ đến chuyện vứt đi sau khi bóc gói bánh gạo cho con ăn”.

Bác sĩ Hoàng Cương, BV mắt TW đang thăm khám cho bé Phạm Hà V.

PGS.TS Trần Hồng Côn, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Bình thường, gói chống ẩm là những hạt tròn nhỏ. Chất chống ẩm dùng trong bánh kẹo thường là Silica gel. Tính chất của Silica gel là hút ẩm, hút nước. Nếu không may bị dính vào mắt, những hạt Silica gel này lập tức làm “nhiệm vụ” và nhanh chóng hút hết nước ở trong mắt. Lúc này, cần bình tĩnh chớp mắt, nhỏ nước muối, thậm chí chỉ là nước lã từ từ để hạt chống ẩm no nước và bong ra, tuyệt đối không nên dụi, lôi vội ra sẽ dễ lôi theo cả giác mạc mắt.

Giải thích về gói chống ẩm bằng bột này, PGS Trần Hồng Côn cho rằng, rất khó để đánh giá chất lượng của gói chống ẩm này. “Bình thường, nếu được làm từ Silica gel thì nó sẽ là dạng hạt. Còn với những hàng không rõ nguồn gốc thì không ai có thể khẳng định được liệu nó có là Silica gel hay không, thậm chí nó có thể là vôi bột.  Chỉ có thế thử bằng cách dùng giấy quỳ thử, nếu giấy quỳ chuyển sang kiềm thì không phải Silica gel mà là vôi bột. Vôi bột cũng có tác dụng hút nước nhưng nguy hiểm hơn, khi bắn vào mắt gây bỏng kiềm, ăn mòn, làm hỏng giác mạc. Còn Silica gel là dạng  trung tính nên hầu như không gây hại, có thể chỉ làm khô nhất thời chỗ giác mạc đó nhưng không ăn sâu”, TS Côn nói.

Chất hút ẩm không độc hại, không dễ cháy hay phản ứng với những chất thông thường khi ta sử dụng hằng ngày. Tuy nhiên, nó cũng có thể kích thích đường hô hấp, có thể gây kích thích đường tiêu hóa, bụi từ các hạt này có thể gây kích ứng cho da và mắt.

 

Bé Trần Tuấn D (2,5 tuổi ở  Bắc Giang) nghịch gói chống ẩm dạng bột lấy ra từ 1 gói bánh gạo bằng cách cho vào miệng cắn, đã bị bỏng giác mạc vì bột chống ẩm rơi vào mắt. Bệnh nhi được xác định bỏng giác mạc và phải phẫu thuật điều trị.

Bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, tổn thương chủ yếu là kết giác mạc, điều trị gặp nhiều khó khăn. Khả năng phục hồi thị lực phụ thuộc nhiều vào việc cấp cứu ở những phút ban đầu ngay sau bị bỏng.

Các bác sỹ chuyên khoa mắt khuyến cáo, mắt bị bỏng phụ thuộc vào việc cấp cứu ở những phút ban đầu sau bị bỏng, do đó việc xử trí cấp cứu ở nơi xảy ra tai nạn là điều rất quan trọng. Vì thế, trong trường hợp trẻ bị chất lạ bắn vào mắt, cha mẹ cần nhanh chóng rửa mắt sớm, xối rửa dưới vòi nước sạch trong tư thế bệnh nhân nằm ngửa, mắt mở chủ động hoặc người khác phải vành mi giúp, sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất... Ngay với gói chống ẩm này, nếu để chất chống ẩm hút hết nước tự nhiên trong mắt cũng gây ảnh hưởng thị lực, nên cần sơ cứu bằng cách nhỏ nước liên tục, nằm nghiêng một bên để dị vật từ mắt trôi ra ngoài. Quan trọng hơn, phụ huynh cần chú ý khi bóc bánh kẹo, sản phẩm tiêu dùng nếu phát hiện thấy gói chống ẩm cần vứt bỏ, không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với goái chống ẩm, cần giáo dục các em tác hại của gói chống ẩm để tránh  những nguy cơ trên.

(Tổng hợp từ Dân trí và NLĐ)

3156 Go top