Ngày 25/7/2012, Ban chỉ đạo Quốc gia PCML họp phiên thường kỳ lần 8 nhằm đánh giá công tác PCML trong thời gian qua, từ đó định hướng triển khai công tác PCML từ nay đến cuối năm 2012 sao cho hiệu quả hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên – Thứ trưởng Bộ y tế, Trưởng ban BCĐ QG PCML chủ trì phiên họp.
Sau khi nghe báo cáo văn tắt sơ kết 6 tháng đầu năm công tác chỉ đạo, tham mưu, định hướng, kiểm tra, giám sát của ban chỉ đạo PCML trên phạm vi toàn quốc, các đại biểu dành phần lớn thời gian thảo luận, thẳng thắn tập trung thảo luận vào các vấn đề đang bất cập, khó khăn, trở ngại hiện nay trong công tác PCML ở cộng đồng.
Thiếu hụt nhân lực ở tuyến tỉnh
Đây là vấn đề mà các đại biểu, thành viên BCĐ QG PCML đồng quan điểm đưa ra tại phiên họp.
PGS.TS Đỗ Như Hơn – Phó Trưởng ban BCĐ QGPCML, Giám đốc Bệnh viện Mắt TW thừa nhận: hàng năm các trung tâm nhãn khoa lớn như Hà Nội, TP.HCM, Huế đào tạo hàng trăm bác sỹ chuyên khoa mắt nhưng hầu hết ra trượng họ trụ lại thành phố lớn, không về tuyến tỉnh công tác. Hiện nay, ở tuyến tỉnh rất thiếu bác sỹ chuyên khoa mắt, phẫu thuật viên có trình độ, tay nghề cao. Đặc biệt tuyến huyện rất gay go. PGS Hơn đưa ra số liệu thuyết phục: cả nước có khoảng 690 quận, huyện nhưng chỉ có khoảng hơn 200 quận huyện có cán bộ nhãn khoa, năng lực rất hạn chế, chỉ có thể sơ khám mắt thông thường.
Để làm sinh động hơn về vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực nhãn khoa tuyến tỉnh, BS Trần Nghị, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP. Đà Nẵng dẫn chứng: cả tỉnh Kon Tum chỉ có 3 bác sỹ chuyên khoa mắt. Một tỉnh lớn như Quảng Nam với quy mô dân số 1,5 triệu dân chỉ có 5 bác sỹ chuyên khoa mắt.
Có nên thành lập quá nhiều bệnh viện mắt ở địa phương?
Theo PGS.TS Đỗ Như Hơn, việc cho phép thành lập nhiều bệnh viện mắt tuyến tỉnh thời gian qua là vấn đề cần cân nhắc. Bởi lẽ khi thành bệnh viện mắt kéo theo nhiều vấn đề như trang thiết bị, nguồn nhân lực, hoạt động tài chính, nguồn ngân sách...đáp ứng yêu cầu của hoạt động bệnh viện, nhưng làm giảm nhiều hoạt động PCML ở cộng đồng, có thể thấy rõ qua bài học ra đời bệnh viện Mắt Thái Nguyên và công tác PCML ở Thái Nguyên.
PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên cũng đồng quan điểm với ý kiến cân nhắc các địa phương thành lập các bệnh viện mắt. Ngành mắt cần nghiên cứu màng lưới PCML đề xuất với Bộ Y tế trên cơ sở mỗi địa phương, vùng miền có đặc thù riêng. Nên phân vùng, quy hoạch về hệ thống chăm sóc mắt tuyến tỉnh.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến cũng đề xuất với Bộ Y tế, BCĐ QG PCML cần có định hướng đúng, có chiến lược dài hạn và ngắn hạn cụ thể rõ ràng hơn trong công tác PCML theo từng giai đoạn.
Theo GS.TS Tôn Thị Kim Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhãn khoa Việt Nam, PCML luôn rất khó khăn và phạm vi rộng, trong cái “mênh mông bể sở” nên chọn việc để làm. Theo GS Thanh, phòng chống mù do đục thể thủy tinh tuy tỷ lệ cao, nhưng không nên tập trung mọi nguồn lực nhiều vào đó, không phải là mục tiêu chiến lược. Mắt hột cũng vậy, không phải chiến lược chính trong PCML. Còn có nhiều vấn đề khác cần quan tâm hơn như: công tác tuyên truyền, dự phòng, định hướng lại quản lý nhà nước trong lĩnh vực đào tạo, cơ chế tài chính trong hoạt động PCML, nhân đạo, coi trọng đến nguồn lực tổ chức phi chính phủ với những định hướng đúng và cơ chế thuận lợi, các bệnh lý về mắt khác....