hay té ngã hoặc đánh nhau, tai nạn trong lao động…, trong giao thông gây tổn hại mắt hoặc do bị bỏng mắt hóa chất, bỏng do nhiệt thường để lại hậu quả nặng nề có khi mù lòa nếu không xử trí đúng và kịp thời.
Nhận biết chấn thương mắt, bỏng mắt
Có 3 mức độ chấn thương mắt:
Chấn thương phần phụ (phần bảo vệ bên ngoài của mắt) như mi mắt, lệ đạo...
Chấn thương trong mắt: giác mạc (lòng đen), kết mạc (lòng trắng);
Chấn thương cả mi mắt lẫn trong mắt (cả phần chính lẫn phần phụ).
Và 2 loại chấn thương mắt:
Chấn thương đụng giập: thường không chảy máu ra ngoài nhưng gây dập bên trong do những vật tù đập vào mắt như: nắm tay, quả bóng, trái banh tennis… gây ra các tổn thương cho mắt và các bộ phận quanh mắt như: tụ máu, bầm mi mắt, hốc mắt; Chảy máu trong mắt: xuất huyết kết mạc, xuất huyết tiền phòng, pha lê thể, võng mạc…; Tổn thương các tổ chức của mắt như: thể thủy tinh, võng mạc, thần kinh thị…; gây vỡ các thành xương bảo vệ mắt.
Bỏng mắt cũng thuộc về chấn thương đụng giập thường gặp các dạng sau: bỏng mắt do hóa chất, nhiệt, keo dán sắt. Trong các nguyên nhân gây bỏng, bỏng do hóa chất thường gây ra những tổn thương rất nặng nề ở cả mi mắt, lòng trắng, lòng đen. Nhẹ thì giảm thị lực, nặng đưa đến mù mắt, teo nhãn, có khi phải bỏ mắt…
Chấn thương xuyên thủng: thường gây rách tổ chức và chảy máu ra bên ngoài, thường do các vật sắc nhọn đâm vào mắt như mảnh ly vỡ, dao kéo, đất đá… gây ra các tổn thương như: rách, vỡ các thành phần trong và ngoài mắt như rách da mi, đứt đường dẫn nước mắt, rách lòng trắng, lòng đen, đục vỡ thể thủy tinh… và làm thoát các chất bên trong mắt ra ngoài hoặc để lại những vật lạ bên trong mắt: di vật nội nhãn, dị vật hốc mắt…
Cách xử trí chấn thương mắt tại nhà
Xử trí chấn thương mắt ban đầu đúng cách sẽ tránh làm tổn thương mắt nghiêm trọng hơn và giúp phần xử lý tiếp theo được thuận lợi và góp phần phục hồi mắt về sau tốt hơn.
Đối với chấn thương phần phụ của mắt: mi mắt, hốc mắt, lệ đạo
Nếu là chấn thương đụng giập như bầm máu mi mắt, sưng phù, tụ máu quanh hốc mắt nên sử dụng băng che mắt lại rồi đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để khám và điều trị.
Xử trí cấp cứu bỏng mắt tại nhà dù do bất cứ nguyên nhân gì đều phải rửa mắt bằng nước sạch.
Nếu là chấn thương xuyên thủng có gây rách và chảy máu nên phải cầm máu ngay, có thể sử dụng kháng sinh nhỏ mắt thông dụng như chloramphenicol... Tra pomade kháng sinh và băng mắt lại sau đó đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để được khâu vết thương.
Đối với chấn thương trong mắt (giác mạc (lòng đen) và kết mạc (lòng trắng)
Đối với dị vật kết giác mạc (bụi, mạt sắt): tránh dụi mắt vì có thể làm dị vật ghim sâu hơn hay làm trầy lòng đen. Hãy chớp mắt vào ly nước sạch giúp dị vật trôi ra ngoài. Nếu không được, hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được lấy ra.
Đối với các trường hợp bỏng mắt: Dù do bất cứ nguyên nhân gì đều phải rửa mắt ngay tại chỗ bằng các loại nước sạch có sẵn, rửa càng nhiều càng tốt (có thể để mắt dưới vòi nước máy để rửa hoặc vục mặt vào thau nước lớn để rửa từ 5 - 10 phút). Trừ trường hợp bỏng vôi sống phải lấy hết vôi ra trước khi tiến hành rửa mắt vì vôi sống gặp nước mắt sẽ sôi lên gây thêm bỏng nhiệt. Sau đó, băng mắt và chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt không được chậm trễ vì bất cứ lý do gì.
Đối với các trường hợp có vết thương xuyên thủng trong mắt kèm dịch nhầy nhớt, lẫn máu: băng mắt ngay và chuyển đến cơ sở có chuyên khoa mắt gần nhất, không rửa mắt bằng nước và tuyệt đối không được tự ý lấy những vật lạ như đất, đá, cây… cắm trong mắt ra.
Chú ý: Băng mắt nhẹ nhàng, không nên ép chặt vì các tổ chức nội nhãn sẽ phòi ra hết. Nên băng che hoặc dùng khiên che bảo vệ mắt có lỗ sẽ tiện lợi hơn.
Điều trị chấn thương mắt rất phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian nhưng kết quả thường không như mong muốn. Do vậy, phòng tránh chấn thương, bảo vệ mắt là biện pháp hiệu quả nhất, thiết thực nhất.
BSCKII.Vũ Anh Lê