Bỏng mắt - cách phòng tránh và điều trị 

Bỏng mắt là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn khoa, nhất là bỏng do hoá chất, vì trong nhiều trường hợp dù có điều trị tích cực, kịp thời vẫn không ngăn được mù loà. Điều trị bỏng mắt phải xử trí khẩn trương, đúng đắn thì mới có thể bảo tồn được chức năng sinh lý của mắt. Tiên lượng mắt bị bỏng phụ thuộc rất nhiều vào cách xử trí cấp cứu ban đầu

Trong những trường hợp bỏng nặng do nồng độ hoá chất cao, đậm đặc, do đặc tính hoá lý của chất gây bỏng có thể dẫn đến những tổn thương và những biến chứng nguy hiểm không những đe doạ chức năng của mắt mà còn có nguy cơ phải bỏ nhãn cầu.

Tuỳ theo tác nhân gây bỏng, có thể phân chia ra bỏng hoá chất, bỏng nóng, bỏng do tia sáng (tia hồng ngoại, tia tử ngoại).

Hiện nay, số lượng bỏng mắt do hoá chất có xu hướng ngày càng tăng.

Trên thế giới người ta phân bỏng ra làm hai loại: theo chiều sâu và theo chiều rộng + chiều sâu.

Độ rộng

Độ sâu

Mi

Kết mạc và củng mạc

Giác mạc và vùng rìa

Nhẹ

I

Cương tụ da

Cương tụ kết mạc

Bỏng biểu mô (nông)

Vừa

II

Nốt phồng

Màng giả kết mạc

Đục lờ mờ

Nặng

III, IV

Hoại tử da, hoại tử, cháy đen da mi, cơ và sụn mi < 1/2 diện tích

Hoại tử kết mạc, củng mạc dưới 1/2 diện tích

Đục nông (như kính mờ), đục sâu (trắng như men sứ) dưới 1/2 diện tích

Nặng đặc biệt

V

Hoại tử, cháy đen da mi, cơ và sụn mi > 1/2 diện tích

Hoại tử kết mạc, củng mạc dưới 1/2 diện tích

Đục nông (như kính mờ), đục sâu (trắng như men sứ) trên 1/2 diện tích

Ngày nay, quan niệm bỏng mắt không phải chỉ là hiện tượng tại chỗ ở mắt, mà còn một "bệnh bỏng", một trạng thái bỏng toàn thân, trong đó sự biến đổi về sinh hoá ở các tổ chức và nội tạng như rối loạn cơ cấu chất albumin trong máu, rối loạn lượng glycogen, rói loạn lượng azot dự trữ và các chỉ số khác như prothrombin, một số men chuyển hoá, rối loạn tăng băng axit - ba zơ, rối loạn các men chuyển hoá ở trong các cơ, trong gan, trong tế bào não và tim. Sau khi mắt bị bỏng, trong cơ thể xuất hiện tình trạng nhạy cảm của cơ thể và khả năng phản ứng toàn thân và tại chỗ cũng thay đổi theo.

Những biến đổi ở mắt như: Giảm lượng glycogene, mucôplysacarit, sunfidril, thay đổi tỷ xuất albumin globumin, viatmin, đặc biệt là vitamin B2 và vitamin C ở giác mạc và các màng bọc của nhãn cầu.

Những sự thay đổi sinh hoá toàn thân và tại chỗ là phương hướng giúp cho việc điều trị bỏng mắt cụ thể sau này.

LÂM SÀNG

Trong các loại bỏng, thì bỏng hoá chất thuộc loại nặng nhất do tính chất tiêu tổ chức và thấm sâu vào tổ chức. Tác nhân hay gặp là chất axit và chất bazơ (sút, vôi, amoniac).

Tổn thương mắt nặng hay nhẹ phụ thuộc vào thời gian hoá chất ở trong mắt, nồng độ hoá chất, tính chất lý hoá học của hoá chất làm thay đổi độ pH của mắt, phá huỷ các chất protein.

Bỏng nhẹ: Mắt bị kích thích, kết mạc cương tụ, giác mạc phù biểu mô, thị lực giảm ít.

Bỏng nặng: Mắt đau nhức nhiều, kết mạc bị phù, tắc mạch, có chỗ hoại tử trắng không còn mạch máu. Giác mạc đục trắng, phần sau không trông thấy. Biểu mô bong ra, mô nhục bị đục và phù, loét giác mạc dai dẳng dẫn đến thủng mắt, thị lực giảm mạnh, có thể chỉ còn phân biệt được ánh sáng.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị bỏng mắt phải xử trí thật khẩn trương, đúng đắn thì mới có thể bảo tồn được chức năng sinh lý của mắt. Tiên lượng mắt bị bỏng phụ thuộc rất nhiều vào cách xử trí cấp cứu ban đầu.

Điều trị bỏng mắt phải tuân theo nguyên tắc sau đây:

  • Loại bỏ chất gây bỏng ra khỏi mắt bằng cách rửa ngay bằng nước sạch.
  • Chống đau.
  • Chống nhiễm khuẩn (dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân).
  • Chống dính (tra thuốc mỡ, không băng).
  • Dinh dưỡng ở kết giác mạc.

1. Loại bỏ chất gây bỏng:

 - Tra Dicain 1% gây tê tại chỗ.

 - Lấy hết dị vật còn trong mắt. Nếu bỏng do vôi cục chưa tôi phải dùng panh gắp hết vôi cục ra (không nên rửa mắt ngay từ đầu). Rửa mắt bằng nước muối 9‰ hoặc nước đường nếu bỏng do vôi. Trước khi rửa mắt cần phải kiểm tra độ pH trong mắt, rửa xong phải kiểm tra đo lại độ pH. Nếu bỏng do bazơ cần phải rửa lâu hơn 30 phút cho tới khi pH trở về cân bằng (pH = 7). Theo các chuyên gia nhãn khoa không nên rửa mắt bằng dung dịch đối kháng.

2. Điều trị nội khoa:

Tra thuốc: Cloroxit+ dầu A, dung dịch CB2, mỡ kháng sinh, tra Atropin 1% chống viêm mống mắt thể mi.

Tiêm dưới kết mạc: máu tự thân hoặc huyết thanh tự thân 0,5 - 1 ml.

Phòng chống dính : day cùng đồ với mỡ kháng sinh bằng que thuỷ tinh đầu tròn ngày 1 - 2 lần. Có thể đặt khuôn bằng nhựa hoặc chất dẻo để chống dính có lỗ ở giữa ( bỏng sau 2 - 3 ngày) nhưng phải thận trọng do khuôn có thể cọ sát vào giác mạc gây loét.

Uống thuốc giảm đau, an thần, vitamin tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

3. Điều trị ngoại khoa:

Có một số phẫu thuật được làm trong giai đoạn đầu của bỏng mắt nhưng chỉ định phải hết sức thận trọng, đó là:

  • Chọc tiền phòng: hay được chỉ định trong bỏng bazơ nhằm thay thế thuỷ dịch có hoá chất bằng thuỷ dịch thứ sinh có nhiều kháng thể hơn.
  • Phẫu thuật Doenig : Khi kết mạc bị hoại tử nặng: cắt bỏ kết mạc hoại tử sát rìa giác mạc, vá niêm mạc môi ủng hoặc màng rau thai.
  • Phẫu thuật Passow Poliak: có thể áp dụng rộng rãi hơn nhằm loại trừ các chất độc và độc tố do tổ chức hoại tử tiết ra còn đọng dưới kết mạc: rạch 4 đường trên kết mạc dài 4 - 5 mm hình nan hoa giữa 4 cơ thẳng, tách giữa kết mạc và củng mạc, không khâu kết mạc.
  • Ghép giác mạc: là biện pháp ngày càng đựơc chỉ định rộng rãi trong điều trị bỏng như ghép giác mạc xuyên, ghép giác mạc nông.
  • Phẫu thuật tách dính mi cầu, phẫu thuật da tạo hình mi, phẫu thuật phủ Tenon, hạ nhãn áp, phẫu thuật Sapejko, phẫu thuật khâu cò mi.

ĐỀ PHÒNG

- Cần tuyên truyền rộng rãi để mỗi người dân biết cách tự sơ cứu khi bị bỏng mắt trước khi đến cơ sở y tế.

- Trong các nhà máy, xí nghiệp, các phòng thí nghiệm sử dụng hoá chất cần phải đeo kính bảo vệ mắt hoặc mang mặt nạ dày ở trong các lò đúc kim loại nóng chảy. Có phương tiện cấp cứu đầy đủ để rửa mắt.

- Giáo dục các cháu nhỏ không ném vôi vào nhau khi chơi đùa.

PGS.TS. Nguyễn Thu Yên

29262 Go top