Tháng 7 của Tưởng nhớ 

Tháng bảy đến rồi! Tháng của ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ gợi nhớ mình đang sống trên một đất nước mà mỗi thước đất đều có máu xương của các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào qua bao cuộc chiến lớn nhỏ. Rồi sẽ đến ngày rằm âm lịch, ngày Vu Lan báo hiếu với bao nỗi nhớ người thân đã mất, dồn dập ào đến. Hàng đêm trước khi chìm vào giấc ngủ ký ức của tôi như cuốn album lật lại bao nhiêu khuôn mặt người thân, bạn bè đã ra đi. Giấc ngủ cũng sẽ có những clip về họ bất chợt hiện về, chập chờn thực hư lẫn lộn. Họ như đòi theo ta, muốn sống cùng ta. Thôi nghĩ ngợi lắm làm gì!? Ai cũng đều có cuộc sống của mình. Đã có hàng tỷ cái chết, hàng ngày vẫn đang có người chết và sẽ còn như vậy. Ta chẳng thế tự tưởng nhớ mình, chỉ có thể dành nó cho những người đã khuất. Hãy yên nghỉ nhé, tôi yêu mọi người biết bao!

Zalo của cậu em họ mất đã vài tháng có hôm sáng loé “Hi”. Tôi giật mình thảng thốt: Nó chết rồi cơ mà. Mình đưa tang nó ở nhà tang lễ Thanh Nhàn. Chắc là con cái dùng lại phone của bố rồi nhắn tin nhầm cho mọi người. Không thân thiết nhưng là đứa em họ cùng trang lứa hiền lành, cảnh nhà nghèo túng giống gia đình tôi ngày xưa. Mẹ tôi quí nó lắm, có thời nuôi nấng như con. Có giỗ chạp bà lại mời nó tới chủ yếu để có thể ăn thịt tương đối thoải mái. Nó học Bách khoa còn tôi vào Đại học Y. Thời bao cấp khó nhọc. Tôi ơn nó vì đã cho tôi mượn xe đạp để tôi mua gạo, săn thực phẩm tem phiếu theo điều động của mẹ. Chiếc áo đại cán của nó cho tôi mượn, cố tình quên không lấy lại mấy tháng đã giúp tôi qua được mùa đông giá rét năm nào. Đời nó sao vất vả, gian truân đến thế! Mồ côi bố từ nhỏ, mẹ cũng chẳng thọ được mấy. Cậu em trai tai nạn giao thông mất đúng ngày mồng 2 Tết để lại 2 đứa con nhỏ khiến nó siêu vẹo, nhăn nhó khi làm chủ tang lễ. Tưởng là có thể sống yên bên con cháu cùng với đứa em trai thương binh nặng 4/7, vô sinh, bán than tổ ong dạo kiếm sống…Thế mà cũng chẳng được vậy! Nếu Trời có mẳt thì làm ơn trông lại cho nó. Ung thư dạ dày khiến nó phải mổ cắt ¾ dạ dày rồi di căn lại nhanh chóng chỉ sau 3 năm. Nó yêu cuộc sống lắm, vô tư kể với tôi tất cả hành trình bệnh viện của mình. Zalo của tôi lưu hết những kết quả sinh thiết, tái khám, chụp chiếu của nó. Họ ngoại nhà tôi bậc cao niên chỉ trong mấy năm ra đi chẳng còn ai. Tôi chẳng chăm nó, yêu nó thì dành cho ai. Có hiểu biết về y, thuốc men, thực phẩm chức năng, tiền thưởng lễ tết tôi đều để phần cho nó. Mọi người bảo nó khéo mồm nhưng tận số nên chỉ được vậy. Tôi không thấy vậy! Dân bách khoa như nó, đã là trưởng phòng một tổng công ty lớn rồi bung ra làm ăn, phá sản, giải thể…Vất vả đến như một định mệnh. Bao người khổ sở vì thời hậu bao cấp, nó cũng vậy. Bản tính hiền lành, nó không nịnh tôi cũng chẳng xin sỏ gì tôi. Tự tôi muốn bao bọc cho nó mà thôi. Rồi nó cũng chẳng sống được lâu. Ba năm như ba nhát gạch vào sổ đời, dài với người đoản thọ đau ốm triền miên như nó, với tôi chỉ là 3 cái Tết với hoa hoét và ăn nhậu. Đám tang của nó - một kỹ sư làm cho một công ty đã phá sản từ lâu nên khách viếng thưa thớt, mục đọc tiểu sử ngắn gọn. Lần đầu tiên tôi biết nó đã từng đi bộ đội trong chiến tranh biên giới phía Bắc tận…5 năm rồi mới quay về Bách khoa học tiếp. Nó cũng can trường lắm chứ! Chẳng ai có thể hình dung: Lúc sống nó tươi rói nay chỉ còn là thân xác được vài chục cân, tóc rụng sạch, hốc hác đến sâu hoắm trong cái quan tài tăm tối đó. Tôi thương nó lắm nhưng cũng chẳng đủ dũng cảm đến ăn đám 50 ngày nó dù vợ nó có sụt sùi mời mọc. Rời bỏ cuộc sống này. Nó và bao người thân của tôi sẽ yên nghỉ vĩnh viễn trong ký ức của tôi, sẽ không ai bị lãng quên. Tôi nhớ nó lắm sau đêm nó về chào tôi (hay con nó nhắn): “Hi” trên Zalo hay vào những ngày này. Tôi không tự nhận là người tốt nhưng câu tán tụng của nó thì tôi sung sướng đón nhận “Anh C! Sao anh tốt với em thế!”. Những lúc đó tôi lại làm nó nhẹ lòng bằng mỗi một câu lặp đi lặp lại “Các cụ mất hết rồi, không chăm mày thì chăm ai”.

Cái chết có khi là nghịch lý và bất công. Tôi xót xa cho những cái chết trẻ, chết trận. Tim tôi lịm đau khi tin tức về cuộc chiến ở Ukrain đã bước qua thời điểm 500 ngày, cướp đi cả trăm người mỗi ngày như thống kê chiến tích của 2 bên. Họ còn trẻ thế, họ yêu cuộc sống như vậy, đất nước đầy hoa tulip và lúa mì, người già khóc mếu, những con chó gầy mõ lang thang giữa các con phố đổ nát…Cái chết thuận tự nhiên, dễ chấp nhận hơn biết bao nhiêu! Là một bác sĩ tôi ước mong cho con người sớm thọ được ngưỡng 100 tuổi, có vẻ y học sẽ làm được việc đó. Cuộc sống 100 tuổi sẽ đền bù được những năm tháng bất hạnh của đời người, những năm tháng vô nghĩa phiêu diêu như 3 năm COVID chẳng hạn, đủ để ta ngẫm nghĩ trước khi chia xa cuộc sống này. Không biết có tham lam quá không?

Hàng ngày nằm trên giường đọc cuốn nhật ký (vẫn chưa đọc xong) của Anne Frank của cô bé Do thái tội nghiệp chấm dứt cuộc đời ở tuổi 16 trong trại tập trung của phát xít Đức, chìm vào giấc mộng trong căn phòng đầy kỷ vật của cha mẹ, mỗi ngày trôi qua đều nhắc tôi về cái đích của cuộc đời này. Đó chẳng phải là khối tài sản để lại, điếu văn dài ngắn mà sẽ là tổng hòa những nhớ thương của bạn bè người thân vì sự hữu ích của ta lúc sống, vì những yêu thương chăm sóc ta đã dành cho họ… vốn ít khi chênh lệch với những gì họ sẽ dành cho ta./.

Bs Hoàng Cương

213 Go top