Năm nào cũng vậy. Chưa kịp nhớ trường, nhớ thầy cô đã phải quay lại học hành. Có chăng là thương thầm, vụng nhớ một bạn gái nào đó. Học sinh cấp 3, bọn mới lớn, đã biết thích nhau, lưu luyến hẹn ngày đi chúc Tết, đến chơi nhà nhau, thường là mồng 2 Tết. Quẳng cái cặp nặng trịch vào góc nhà, không phải học nữa rồi, vui quá nhưng con nhà nghèo như tôi lại bước vào trận chiến mới: chuẩn bị Tết cùng bố mẹ.
Mẹ tôi toàn quyền điều hành 4 đứa con để phục vụ cho vui Tết. Trước hết là ăn Tết, việc quá quan trọng trong các dịp lễ Tết những năm cuối của thế kỷ 20. Chúng tôi hay trẻ con thời đấy đều hy vọng Tết sẽ là dịp được ăn thịt gà dồi dào, thịt lợn phát ngấy. Mẹ chúng tôi đảm đang, giỏi giang biết bao nhiêu trong những năm tháng khốn khó ấy. Chúng tôi bắt đầu được bồi dưỡng thịt thà nhân dịp Tết. Lòng lợn được ăn đều đều. Thịt lợn xào xu hào, xương lợn nấu khoai tây và cà rốt… Nói chung ngày nào cũng có đạm. Bù lại chúng tôi sẽ chăm chỉ ngoan ngoãn nghe mẹ phân công chuẩn bị Tết. Tôi thường là nhân lực chính vì có khả năng di chuyển khắp các chợ của Hà nội, lúc thì đi bộ, lúc thì nhảy tàu điện. Sáng sớm đã ra đường với làn nhựa hay túi cói. Mục tiêu chủ yếu là phải mua cho được tiêu chuẩn thịt tết bằng chân giò hay thịt thủ để mẹ ninh măng, nấu thịt đông. Tôi tấn công tất cả các cửa hàng thực phẩm Vân Hồ, chợ Hôm, chợ Mơ, Đồng Xuân. Độ kiên trì xếp hàng hay bứt phá khi gần hết hàng của tôi cũng rất đáng nể. Bạn thử nghĩ khi cô mậu dịch viên lạnh lùng thông báo sắp hết hàng, đám đông sẽ như hóa điên, hàng lối sẽ lộn tùng bậy. Lúc đấy đám choai choai chúng tôi sẽ nhảy bổ lên lưng người khác, chui qua mọi khe kẽ để tiếp cận được với kệ bán hàng…Thành công sẽ là hạnh phúc ngọt ngào khi có được miếng thịt, cái chân giò, cân cá biển, bìa đậu, miếng chả cá…Nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Những cửa hàng mậu dịch nhiều khi đóng im ỉm, hàng hóa sạch trơn, mùi mắm khăn khẳn, cô mậu dịch viên lạnh lùng “chào đón” tôi. Vài viên gạch, lá chuối buộc mớ thay cho người xếp hàng lăn lóc trước các cửa hàng báo hiệu cho tôi biết phải tìm nguồn thực phẩm ở chỗ khác. Ngồi đằng sau boong tàu điện để trốn được 5 xu tiền vé, chiếc bị cói trỗng rỗng, nhìn cảnh vật phố xá cận Tết tôi thầm ước mơ đời mình sẽ thay đổi. Thế rồi nó cũng thay đổi thật, cùng với vận mệnh của đất nước, sau bao biến cố của gia đình.
Tôi còn được mẹ phân cho 2 nhiệm vụ chiến lược là vận chuyển bánh chưng, lấy thịt từ chia phần của bệnh viện bố. Tôi không vì thế mà được ăn nhiều hơn các anh chị em mình. Chỉ đơn giản tôi có sức khỏe, không sợ ma, không ngại khổ, yêu mẹ và nghe lời mẹ. Đêm tối tôi buộc hơn 20 chục bánh chưng vào xe đạp, chở vào bệnh viện Việt Xô nhờ một cô hàng xóm tốt bụng làm việc ở khoa Dinh dưỡng cho luộc ké vào chiếc thùng phi to tướng, trên chiếc bếp than rực lửa. Rồi sáng sớm hôm sau, dứt chăn ấm tôi lại vào đó cùng họ dỡ bánh, chằng buộc lên xe đạp, xăng sái đem về cho mẹ. Mẹ sẽ tươi cười đón tôi, dàn bánh lên chiếc mâm to, để một chậu nước đầy lên đó. Mẹ bảo như vậy ép dồn nước từ bánh ra ngoài, bánh sẽ chắc và ngon hơn, để được lâu hơn. Tôi chẳng sợ ma, cũng chẳng có gì để ai trấn cướp, có chút tủi thân nhưng cũng chẳng sao. Thời đó không ai sướng, nhà tôi ai cũng khổ- thiếu thốn trăm bề. Chia thịt ở bệnh viện bố luôn là ngày vui tưng bừng. Tôi phải có mặt sớm ở sân viện để lấy ngay phần thịt về cho mẹ gói bánh chưng. Sân viện ồn ào vì 2 con lợn bị xả thịt, chia phần theo định suất cá nhân. Ánh sáng được tăng cường bằng đèn pha của chiếc com-măng- ca sáng quắc. Xuất thịt của bệnh viện phân phát như một thành quả vĩ đại đối với tôi. Hàng tháng 4 anh em chúng tôi được 4 lạng thịt tiêu chuẩn trẻ em, bố phiếu E được thêm 4 lạng. Một tháng nhà tôi có 8 lạng cả thịt và mỡ để sống. Nỗi thèm thịt dai dẳng, nhức nhối. Còn đây là Tết mỗi xuất chắc khoảng 2 kg. Người ta còn cẩn thận chia cả xương, lòng. Hiển nhiên chúng tôi sẽ có được bữa tươi ngay ngày hôm đó. Còn gì quan trọng cho việc ăn thời đó? Tôi còn được mẹ trưng dụng đi thuê gia công bánh qui, mua túi hàng Tết. Công việc đó cần phải dậy sớm, kiên trì sếp hàng, chen lấn khi cần thiết. Lạy mẹ! Con chẳng có gì ân hận khi được giúp mẹ những việc đó cũng là giúp chính bản thân mình, anh chị em mình sống và trưởng thành cho đến bây giờ. Những phẩm chất tội nghiệp của những năm tháng đó vun đắp con người tôi cho đến bây giờ: kiên nhẫn, chịu thương-chụi khó, chụi khó xếp hàng nhưng không có chen lấn và đoạt chỗ?!
Bể nước của khu tập thể, 2 căn bếp chung thật vui tươi rộn rã mấy ngày cận Tết. Các chị em tôi mải miết ngâm gạo, ngâm măng, rửa lá cùng mẹ. Tiếng dao thớt, mùi xào nấu thơm phức khắp nơi. Chiều 30 Tết có thể bố tôi ở quê ra sẽ tăng viện thêm cây giò, ít bánh chưng dài. Cả nhà sẽ hân hoan xum vầy cho bữa cơm ngon nhất, nhiều thịt nhất, đông đủ nhất trong năm: bữa cơm 30 Tết. Bữa cơm luôn có thịt gà, bánh chưng, giò, thịt đông, bát canh măng, miến nấu lòng gà, đĩa bóng xào thịt lợn. Ngon và duy nhất đủ. Vì sang mồng một hay mồng 2 sẽ không còn đầy đủ được như vậy vì sức ăn của 4 đứa con, vì lượng thực phẩm luôn khiêm tốn. Lọ hoa luôn có thược dược, hoa violet, hoa bướm làm căn nhà bừng sáng lên nhiều. Chiếc TV đen trắng, tiếng nhạc ABBA phát ra từ chiếc đài Rigonda luôn là những món ăn tinh thần thích thú với chúng tôi, những đứa trẻ tạm được nghỉ học và vui Tết.
Mấy chục năm đã qua đi đánh vèo không thể níu giữ hay quay lại dù chỉ vài phút giây. Với lớp người như tôi mọi thứ có vẻ đã là chuyện xưa, với con trẻ chúng đã coi là chuyện cổ tích. Chỉ còn ký ức vẫn vẹn nguyên, những kỷ vật cố lưu giữ lại , những người thân – người còn người mất. Thương nhớ Tết xưa!
Bs Hoàng Cương
Những ngày cận Tết 2024