Phát huy truyền thống đoàn kết và sức mạnh anh hùng, tiếp tục xây dựng Bệnh viện Mắt TƯ theo hướng "Khoa học - Dân tộc - Hiện tại - Nhân văn" 

Từ một nhà thương chữa mắt dốc Hàng Gà nhỏ bé (Sau này đổi tên thành Viện Mắt) với 50 giường bệnh ra đời năm 1917 mà cả Đông Dương biết đến, chỉ có vài bác sỹ, được trang bị thô sơ…khám và điều trị các bệnh mắt thông thường, do người Pháp trực tiếp điều hành.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân ta năm 1954 đã đặt dấu chấm hết cho giấc mộng thuộc địa của thực dân Pháp, miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhà thương chữa mắt dốc Hàng Gà  đã được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ khám chữa các bệnh về mắt cho nhân dân lao động. Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên được giao trọng trách tiếp quản, củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ, kịp thời phục vụ nhân dân.

Vào thời điểm này bệnh mắt hột hoành hành khắp nơi, và là nguyên nhân chính gây mù ở nước ta. Một sự kiện đặc biệt quan trọng đánh dấu mốc son trong lịch sử ngành mắt Việt Nam, tháng 8.1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Viện Mắt. Người đã quan tâm đến Viện Mắt và xem đây sẽ là hạt nhân để phát triển ngành mắt Việt Nam, phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ mắt cho nhân dân. Ngày 1.7 .1957, Viện Mắt hột chính thức được thành lập theo quyết định số 278/TTg ngày 1.7.1957 của Thủ tướng Chính Phủ với nhiệm vụ: Nghiên cứu bệnh mắt hột, phương pháp phòng và chữa bệnh mắt hột, tham mưu và giúp Bộ Y tế tổ chức công tác phòng chống bệnh mắt hột và phòng chống mù loà trên toàn quốc. Những năm đầu của thập kỷ 70 thế kỷ XX, bệnh mắt hột không còn là nguyên nhân gây mù chính mà bệnh đục thể thuỷ tinh trở thành nguyên nhân hàng đầu gây mù cùng nhiều bệnh mắt phức tạp khác, Viện Mắt hột trở thành Viện Mắt. Ngày 15/5/2003 Viện Mắt được sắp xếp lại theo Nghị định số 49/2003/NĐ-CP của Chính Phủ và đổi tên thành Bệnh viện Mắt Trung ương.

Sau 50 năm xây dựng và phát triển, dưới chế độ của XHCN, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Bộ Y tế, Bệnh viện Mắt Trung ương đã trở thành một trung tâm nhãn khoa lớn của cả nước, khẳng định vai trò hạt nhân, nòng cốt trong công tác khám chữa bệnh mắt tuyến cao nhất, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế... tham mưu cho Bộ y tế đề ra mục tiêu, chiến lược phòng chống mù loà trên phạm vi toàn quốc.

Thuở ban đầu, khi thành lập Viện Mắt hột chỉ có 1 giáo sư, 4 bác sỹ, 1 dược sỹ và 11 y sỹ chuyên khoa, với 50 giường bệnh, cơ sở vật chất thiếu thốn, chật hẹp... đến nay Bệnh viện Mắt TW đã phát triển với quy mô 300 giường bệnh, cơ sở hạ tầng khang trang, đội ngũ cán bộ nhãn khoa hùng hậu với 408 cán bộ công chức, trong đó cán bộ có trình độ đại học trở lên 121 người (1GSTS, 4 PGS.TS, 13 tiến sỹ y học và 33 thạc sỹ). Với 9 khoa lâm sàng, 5 khoa cận lâm sàng và 8 phòng chức năng, được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, tương xứng với qui mô là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của  cả nước, ngang tầm với một số trung tâm nhãn khoa tiên tiến trong khu vực.

Mạng lưới chuyên khoa mắt cả nước đã phát triển không ngừng và rộng khắp trên toàn quốc, với mô hình tổ chức đa dạng : các Bệnh viện Mắt, Trung tâm Mắt, Trung tâm PCML, Trạm Mắt, khoa mắt – Trung tâm phòng chống bệnh xã hội ở các tỉnh thành..., và nhiều Trung tâm y tế huyện đã thành lập khoa Mắt. Chúng ta có khoảng 1.100 bác sỹ chuyên khoa mắt, tăng gấp 3 lần so với năm 1985. Một mạng lưới cán bộ cơ sở, cán bộ y tế thôn bản đã được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản chăm sóc mắt ban đầu, vì vậy, công tác phòng chống mù loà, phát hiện sớm và vận động bệnh nhân đi khám, phẫu thuật cho bệnh nhân mù do đục thể thuỷ tinh, xử trí đúng và chuyển tuyến kịp thời những bệnh nhân có bệnh mắt cần cấp cứu như glôcôm, loét giác mạc, viêm màng bồ đào, sang chấn mắt... Trong đó, Bệnh viện Mắt Trung ương là “cái nôi” đào tạo cán bộ nhãn khoa cho  cả nước, hầu hết cán bộ nhãn khoa đầu ngành tại các tỉnh thành đã được đào tạo, bồi dưỡng, nay trở thành  lực lượng nòng cốt bảo vệ và chăm sóc mắt nhân dân ở các địa phương.

Cách đây 5 thập kỷ, bệnh mắt hột là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà và chiếm tỷ lệ 90% dân số, thì đến nay nó đã ở hàng thứ tư  (sau bệnh đục thể thuỷ tinh, các bệnh đáy mắt và glôcôm). Bệnh mắt hột hiện còn tồn tại rải rác ở một số ít địa phương, không còn trên quy mô tỉnh huyện mà chỉ khu trú ở phạm vi thôn xã, ở những nơi mà điều kiện vệ sinh môi trường và kinh tế xã hội thấp kém. Ngành mắt đang cố gắng phấn đấu đạt được mục tiêu thanh toán bệnh mắt hột gây mù vào năm 2010. Bên cạnh bệnh mắt hột, bệnh đục thể thuỷ tinh trong suốt hai thập kỷ qua vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở nước ta. Theo điều tra, tỷ lệ mù loà ước tính trong dân số nước ta hiện nay khoảng  0,63%, trong đó người mù hai mắt do đục thể thuỷ tinh chiếm tới 71,3%, chủ yếu là ở người già, tiếp đó là các bệnh phần sau nhãn cầu 11,5%, và bệnh glôcôm chiếm  5,7%... Vì vậy, ngành Mắt và Bệnh viện Mắt TW luôn xem giải phóng mù loà do đục thể thuỷ tinh  là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh việc chú trọng số lượng điều trị phẫu thuật, giải quyết những người mù tồn đọng hàng năm, chúng ta đã không ngừng nâng cao chất lượng, phát triển và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến. Hiện nay, điều trị phẫu thuật đục thể thuỷ tinh bằng phương pháp Phaco đã và đang được nhiều địa phương quan tâm phát triển, ứng dụng thành công. Đây là kỹ thuật tiên tiến với nhiều điểm ưu việt tạo nên bước đột phá của ngành Mắt trong tiến trình giải phóng mù loà do đục thể thuỷ tinh ở cộng đồng.

Bên cạnh công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, Bệnh viện Mắt Trung ương còn là trung tâm nghiên cứu khoa học và tuyến điều trị cao nhất. Mỗi năm Bệnh viện Mắt TW tiếp nhận trung bình trên 200.000 bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh mắt. Nhiều năm qua, Bệnh viện Mắt TW luôn quan tâm đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ khám, chẩn đoán và điều trị bệnh, nghiên cứu ứng dụng những tiến bộ khoa học  kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực nhãn khoa như: mạch ký huỳnh quang, siêu âm chẩn đoán, chụp cắt lớp võng mạc OCT, điều trị phẫu thuật các tật khúc xạ bằng  laser, vi phẫu thuật dịch kính võng mạc, mổ đục thể thuỷ tinh bằng phương pháp Phaco, Phaco lạnh..., điều trị phục hồi cho trẻ khiếm thị, ghép giác mạc, sử dụng laser hồng ngoại điều trị cận thị tiến triển ở trẻ em,... Hàng trăm các công trình  nghiên cứu khoa học, từ điều tra cơ bản đến những công trình nghiên cứu ứng dụng đã được khẳng định và đạt hiệu quả cao trong thực tế. Ngoài ra, Bệnh viện Mắt TW còn tăng cường hợp tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài ngành y tế như phối hợp với Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam thực hiện chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ”, phối hợp Viện Dinh dưỡng điều tra tình hình khô mắt do thiếu Vitamin A ở trẻ em, phối hợp với Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Phụ sản TW  nghiên cứu và điều trị bệnh võng mạc trẻ đẻ non, phòng chống mù loà ở trẻ em,...

Trong suốt 5 thập kỷ xây dựng và phát triển, Bệnh viện Mắt nói riêng và ngành Mắt Việt Nam nói chung luôn xem trọng lĩnh vực hợp tác đối ngoại và tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp quốc tế, tạo nên những nhân tố thuận lợi trong quá trình phát triển ngành. Đặc biệt, sau những năm nước ta thực hiện chính sách đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng: Việt Nam muốn hợp tác và làm bạn với tất cả các nước, thực hiện chủ trương đó Bệnh viện Mắt TW đã không ngừng tăng cường, thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, với các tổ chức quốc tế trên mọi lĩnh vực: trao đổi nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, đầu tư, hỗ trợ kinh phí, thuốc men, trang thiết bị, các chương trình phòng chống mù loà ở cộng đồng... Hiện tại, Bệnh viện Mắt TW có quan hệ hợp tác với nhiều nước như : Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Australia, Ấn Độ... Quan hệ hợp tác thường xuyên, toàn diện với hàng chục tổ chức quốc tế như: WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), FHF, HKW, Sight First, CBM, Orbis, VESI, Quỹ Lion Clubs, ITI, Atlantic philanthropies (AP)...

50 năm- một chặng đường phấn đấu vẻ vang của cán bộ nhãn khoa Bệnh viện Mắt TW. Chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, không ngừng nỗ lực, tích luỹ nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng chống mù loà. Chặng đường ấy gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong những năm tháng gian nan, khốc liệt của chiến tranh, bao vấn đề ngổn ngang sau những năm thống nhất đất nước cần khắc phục, thiếu khó của những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, ngành Mắt Việt Nam – Bệnh viện Mắt TW đã thực sự trưởng thành, tôi luyện nên những người thầy thuốc kiên trung, quả cảm, ưu tú, mãi là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ ngành Mắt noi theo như cố Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên, Anh hùng lao động Nguyễn Trọng Nhân, bác sỹ – liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm... Chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nhân văn trong sáng, giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn được phân bổ đều trên mọi miền tổ quốc, đang ngày đêm học tập, rèn luyện ra sức phục vụ nhân dân, bảo vệ và chăm sóc mắt cho nhân dân.

Các danh hiệu cao quý: Huân chương độc lập, Huân chương lao động, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới cùng nhiều phần thưởng danh dự khác mà Bệnh viện Mắt TW đã được Đảng và Nhà nước trao tặng ghi nhận những cống hiến trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân nhiều năm qua. Nhưng phần thưởng lớn nhất và tự hào nhất cho ngành Mắt  - Bệnh viện Mắt TW, chúng ta đã xây dựng được hình ảnh người thầy thuốc nhãn khoa ân cần, tận tuỵ, vững vàng và nhân ái trong lòng người bệnh, tạo được niềm tin yêu của nhân dân cả nước. Trọng trách vẻ vang nhưng  cũng đồng nghĩa với trách nhiệm nặng nề mà cán bộ nhãn khoa không ngừng phấn đấu, không được tự mãn với thành tích của mình.

Công tác phòng chống mù loà ở Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề, nhiều thách thức lớn đòi hỏi sự quan tâm và chia sẻ của toàn xã hội, đòi hỏi mỗi cán bộ nhãn khoa phải nỗ lực hết mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, cán bộ nhân viên Bệnh viện mắt TW luôn vững một niềm tin,  phát huy sức mạnh truyền thống đoàn kết – anh hùng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, chung sức xây dựng Bệnh viện Mắt TW phát triển theo hướng “Khoa học –Dân tộc – Hiện đại – Nhân văn”, nguyện đem hết tài trí và tâm lực phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, đưa Bệnh viện Mắt TW, ngành Mắt Việt Nam tiến kịp ngành nhãn khoa thế giới.

PGS.TS.ĐỖ NHƯ HƠN

Bí thư Đảng uỷ,

Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương

 

3157 Go top