Chữa mắt cho Bác Hồ 

Năm 1965, Quân đội Mỹ đổ bộ ồ ạt vào miền Nam nước ta. Không quân Mỹ đánh phá ác liệt cả ngày, cả đêm ở nhiều vùng đông dân trên miền Bắc. Nhân dân ta đứng trước một thử thách vô cùng lớn lao - cuộc chíên tranh với một siêu cường. Giữa lúc này, Bác Hồ bị một cơn bệnh ngặt nghèo!

Năm 1965, Quân đội Mỹ đổ bộ ồ ạt vào miền Nam nước ta. Không quân Mỹ đánh phá ác liệt cả ngày, cả đêm ở nhiều vùng đông dân trên miền Bắc. Nhân dân ta đứng trước một thử thách vô cùng lớn lao -  cuộc chíên tranh với một siêu cường. Giữa lúc này, Bác Hồ bị một cơn bệnh ngặt nghèo!

Cơn mưa ngâu lúc sập sùi, lúc tạnh ráo. Không khí oi bức. Cả Hà Nội vào vị trí chiến đấu… Viện Quân y 108 bận rộn đón thương binh từ các tuyến chuyển về. Đây là tuyến điều trị cuối cùng của toàn quân. Những chiến thương đưa về đây đều là những ca hiểm hóc…….

Bác sĩ chủ nhiệm khoa Mắt Đào Xuân Trà đang bề bộn với công việc của khoa. Anh lại đang vừa mới qua những đêm trắng: Ngủ sao yên được trước những người chiến sĩ, vì Tổ quốc, vì sứ sống còn của dân tộc, đã bị kẻ thù gây thưong tích. Ánh sáng trong mắt họ đang bị đe doạ. Có những chiến sĩ chưa qua tuổi hai mươi mà đã bị cướp mắt đôi mắt ngọc.

Bác sĩ Trà đứng trong phòng trực của khoa, nhìn ra vườn. Những vuông cỏ mượt trải dưới hàng cây sao đen. Anh nghĩ về ánh sáng, về màu của thiên nhiên… Đồng chí Đặng Hoà - Trợ lý chính trị - bước đến bên anh, giọng thận trọng:

-          Chính uỷ và Viện trưởng mời đồng chí lên có việc đặc biệt …

-          Cảm ơn – Anh Trà chỉ kịp đáp lại một tiếng thông thường ấy rồi cởi áo choàng trắng, mũ trắng, chỉnh lại chiếc áo quân phục. Anh băn khoăn: “Có lẽ một đồng chí lãnh đạo … Chắc là nặng đây”

Phòng khác đã mở cửa sẵn. Bác sí Trà vừa bước vào thì đồng chí trợ lý đã khép cửa lại. Anh nhận thấy ngay một không khí không bình thường: Sự có mặt của Đại tá Chính uỷ Lê Đình Lý, đại tá Viện trưởng bác sĩ Nguyễn Thế Khánh, cùng với 3 Đồng chí ở Phủ Chủ tịch và Tổng cục Chính trị. Anh hồi hộp, chờ đợi. Đồng chí Viện trưởng vào ngay vấn đề:

-          Sức khoẻ của Bác không bình thường. Đặc biệt là mắt Bác …. - Viện trưởng nghèn nghẹn khó nói rõ lời - Mắt Bác không …. mắt Bác có triệu chứng .. Đồng chí thu xếp công việc của khoa lại. Đi ngay!

Đồng chí Chính uỷ giao nhiệm vụ cho anh:

-          Ở trên đã tin cậy Viện chúng ta, trao cho chúng ta một vinh dự vô cùng lớn lao là trực tiếp chữa cơn bệnh mắt hiểm nghèo này của Bác. Cả dân tộc đang đối mặt với một kẻ thù xâm lược lớn nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử … Sức khoẻ của Bác lúc này càng có một tầm quan trọng đặc biệt.

Chính uỷ nhìn bác sĩ Trà, như đã thấu nỗi lo lắng, băn khoăn đang trăn trở trong dòng suy nghĩ của anh. Trà nói, vẻ dè dặt:

-          Khả năng tôi rất có hạn. … Sao không mời những giáo sư danh tiếng? Tôi e không làm tròn, sẽ có lỗi với Bác, với nhân dân ta!

-          Các đồng chi ở trên đã tính cả rồi, đã cân nhắc kỹ càng rồi mới quyết định giao nhiệm vụ này cho Viện 108 ta.

Qua ý kiến của đồng chí trên Phủ Chủ tịch, anh Trà càng lo lắng với trách nhiệm có thể là quá khả năng của mình. Anh hỏi Viện trưởng Nguyễn Thế Khánh:

-          Ta có cử thêm đồng chí nào nữa không?

-          Riêng một mình dồng chí thôi. Trên đã có các đồng chí bảo vệ sức khoẻ của Bác.

Đồng chí trên Phủ Chủ tịch nói thêm:

-          Đồng chí Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch sẽ còn làm việc nữa với đồng chí.

Chính uỷ dặn dò thêm:

-          Việc này phải giữ tuyệt mật. Đồng chí không nói gì với anh em trong khoa là đi đâu cả. Cũng không nên để chị Trà biết nữa. Không phải là chúng ta không tin tưởng vợ con, bè bạn. Mà vì đây là nguyên tắc, ai không có trác nhiệm thì không nên biết

Ra khỏi phòng khác, anh Trà cảm thấy mình bước đi mà chân không bén đât. Nỗi lo lắng xâm chiếm hết tâm trí anh. Hà Nội sang thu. Trời xanh trong ngời ngợi. Ánh sáng dịu mát mà sao những đốm lửa ảo giác chập chờn nhào lộn trong mắt anh! Hình ảnh Bác Hồ hiện lên sáng ngời giữa những tầng tầng lớp lớp lo âu trong anh. Cả cái quá khứ cũng ùa đến xô lấn hiện tại. Năm 1945, anh còn là một sinh viên y khoa sắp có mảnh bằng bác sĩ thì Cách mạng tháng Tám thành công. Tuổi thanh xuân sớm tìm đến với Cách mạng. Anh Trà đi theo Cách mạng với một nhiệt huyết trong sáng. Anh đã đón vào tim mình một hình ảnh Bác Hồ đẹp hơn cả ông Tiên trong các truyện cổ tích đọc ngày tuổi còn thơ.

Rồi anh đi theo con đường của Bác với vốn liếng tri thức của mình để phục vụ Cách mạng. Anh lớn lên trên các nẻo đường kháng chiến. Giờ đây, dẫu đã có cái vốn khoa học của một phó tiến sĩ và cái vốn kinh nghiệm hàng chục năm chữa bệnh, anh vẫn cảm thấy quá bé nhỏ trước trọng trách: Khám và chữa một chứng bệnh ngặt nghèo của Bác! Đất nước này đã ngót trăm năm chìm trong đêm đen của đời nô lệ. Bác về đem ánh sáng cho cả dân tộc, cho mọi kiếp người. Lẽ nào ... Lẽ nào Bác, Người đem ánh sáng cho đời lại phải.... Dù khó đến đâu, cũng phải ngăn lại, phải đấy lùi cái hoạ ấy ra khỏi đôi mắt tuệ anh của Bác, bảo vệ đôi mắt Bác - mắt của Việt Nam, mắt của thời đại.

Bác sĩ Trà lúi húi chuẩn bị các máy đo nhãn áp, đo thị lực, soi đáy mắt, xem võng mạc, thần kinh...., không nhờ một ai trong khoa giúp một tay. Thấy cách làm việc của anh khác thường, có người hỏi, anh chỉ đáp qua loa. Về nhà, vợ con anh cũng không biết gì đến nỗi lo nghĩ của anh, chỉ nhận thấy anh hơi “đổi tính đổi nết”, để cái gì ở đâu cũng quên ngay, hỏi hai ba lần mới trả lời. Có lúc, vợ hỏi một chuyện, anh trả lời một chuyện khác, chẳng ăn nhập vào đâu.

Tuy đã tập trung suy nghĩ kỹ càng về việc làm của mình như vậy, lúc vào ngồi tại nhà khách của Bác, anh vẫn hồi hộp, nghe rõ cả tiếng tim đập dồn dập trong ngực mình. Các đồng chi Phạm Ngọc Thạch, Vũ Kỳ, và bác sĩ Nhữ Thế Bảo theo dõi sức khoẻ của Bác, giới thiệu với anh một số cách thức, kinh nghiệm khi khám và chữa bệnh cho Bác. Đặc biệt là đồng chí Vũ Kỳ, như một dấu nối, đã giúp anh gần gũi Bác trước khi được gặp Bác.

-          Bác đến! (Đông chí Vũ Kỳ báo tin)

Anh Trà và mọi người hướng mắt ra vườn.

Bác đi khoan thai giữa nền xanh của cây cỏ, từ phía nhà sàn. Sự hồi hộp lại dâng lên trong lòng anh Trà. Phút chốc cái trọng trách “người thầy thuốc đến khám bệnh” đã bay ra khỏi anh, niềm vui sướng được gặp Bác Hồ đã choán hết tâm hồn.

Bác bước vào nhà, khoát tay mời mọi người ngồi yên chỗ. Bác nhận ra ngay anh là bác sĩ đến khám bệnh, Bác hỏi vui vẻ:

-          Chú đến tân đây để chữa mắt cho Bác à?

Anh lễ phép đáp: “Thưa Bác … vâng ạ”, nhưng anh quên mời Bác ngồi vào chiếc ghế đã chuẩn bị để khám bệnh. Anh mải say sưa ngắm Bác, Bác nhắc nhẹ nhàng:

-          Chú uống nước đi, rồi tranh thủ khám mắt cho Bác.

Rồi Bác quay sang phía các đồng chí có mặt:

-          Mấy chú này cứ ham bày cho các chảu nhỏ hát “Mắt Bác sáng như sao”, rồi quên mất con mắt của Bác đang bị đe doạ … “tối”!

Mấy Bác cháu cùng cười.

Bác đã ngồi vào ghế, Bác sĩ Trà bắt đầu đến gần Bác, anh buộc miệng theo thói quen nghề nghiệp:

-          Mắt Bác đau thế nào, thưa Bác?

Bác cười tủm tỉm:

-          Chú là bác sĩ đang khám bệnh cho Bác, lại hỏi Bác đau như thế nào?

Anh Trà càng lúng túng. Nhưng Bác đã chủ động giúp anh lấy lại bình tĩnh:

-          Chú cứ yên tâm, Bác nghe và Bác sẽ làm theo sự điều khiển của chú.

Bác còn đố vui:

-          Đố chú biết Bác bị đau con mắt bên nào?

-          Thưa Bác… Bác đau mắt bên này ạ.

Nói xong, anh Trà biết ngay là sai. Bác cười:

-          Chẳng lẽ chú mà là ông “lang băm” à?

Anh Trà cười ngượng ngập. Trước khi khám mắt Bác, anh đã được các đồng chí bảo vệ sức khoẻ Bác cho biết là mắt nào của Bác bị đau. Do bối rối không tự chủ được, nên anh nói nhầm. Bác rất hiểu. Bác chuyển sang hỏi han chuyện đời riêng, chuyện sinh hoạt gia đình của anh, như người cha lâu ngày gặp lại con. Bác còn hỏi vui: Chú có sợ vợ không? - Dạ, … cháu có sợ ạ. - Thế chú đã gia nhập hội những người sợ vợ chưa? - Dạ thưa Bác, cháu chưa ạ… Mọi người cùng cười vui vẻ.

Điều làm anh Trà lâng lâng, thêm kính yêu và cảm phục Bác là trong lúc khám bệnh, Bác xoay trở người rất mau lẹ theo tay điều khiển của anh, dễ dàng hơn bất cứ một bệnh nhân nào khác mà anh từng tiếp xúc.

Lúc sơ bộ nhận biết về căn bệnh, bác sĩ Trà toát mồ hôi. Nôi lo âu lại choán lấy anh. Anh để các dụng cụ xuống. Bác biết là anh đang bàng hoàng về bệnh tình của Bác, nhưng Bác vẫn bình thản, vui vẻ hỏi anh:

-          Bệnh của Bác thế nào? Chữa khỏi chứ?

Anh cố lấy lại bình tĩnh, lễ phép đáp: “Thưa Bác, chữa khỏi được ạ”. Bác nói: “Bệnh nặng đến mức nào chú cũng nói thật để Bác cháu mình cùng phối hợp mà chữa chạy. Bác cũng không lo sợ đâu!”. Khi tiễn Bác trở về ngôi nhà sàn thanh cao, anh Trà thấy mắt mình tối sầm lại. Ngoài vườn, tiếng lá xôn xao. Đồng chí Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, đồng chí Vũ Kỳ và hai bác sĩ ngồi lặng đi mấy phút khi nghe anh Trà nói về bệnh trạng của Bác: Một bên mắt đã ở trong tình trạng rất nguy hiểm, có nguy cơ sẽ lan sang cả mắt kia. Đây không phải là bệnh đau mắt thông thường, mà là triệu chứng của một bệnh rất nặng, do sự lao động trí não phi thường của Bác. Nếu không chữa được, bệnh có thể dẫn tới điều đáng lo hơn nữa.

Anh Trà nén xúc động, nén lo lắng, biểu thị trước các đồng chí quyết tâm phấn đấu với tất cả nhiệt tình và khả năng của mình. Và anh hứa vận dụng nhiều hình thức để gom góp trí tuệ, những kinh nghiệm của các giáo sư, các bác sĩ đồng nghiệp thành sức mạnh chung để chiến thắng cơn bệnh hiểm nghèo này.

Anh còn phân vân một nỗi: Phải báo cáo lên Bộ Chính trị về bệnh tình của Bác, nhưng có nên báo cáo đầy đủ bệnh trạng lên Bác hay không? Đồng chí Vũ Kỳ cho biết: Bác có một bản lĩnh rèn luyện để thắng bệnh tật, thắng tuổi già, không một ai sánh nổi Anh Trà càng vững tâm, càng tin yêu Bác. Bác luôn luôn là ánh sáng phía trước cổ vũ anh trong trận chiến đấu bằng trí tuệ này.

Những ngày sau đó, anh Trà đi “hội chẩn” với một số giáo sư chuyên khoa dưới hình thức có bệnh án mà vắng mặt bệnh nhân. Rồi anh đến chữa bệnh cho Bác. Anh lại được truyền một niềm tin mới. Lần này, anh thấy rõ là tuy đã biết về tình hình bênh, Bác không hề gợn một chút băn khoăn hay lo lắng. Bác cười luôn. Bác nhỏ thuốc, tiêm thuốc đúng như trong đơn đã ghi… Bác còn kể cho anh Trà nghe những tấm gương dũng cảm chống lại bệnh tật, chuyện những thiếu nhi hỏng tay phải cặp bút vào chân, kẹp vào vai mà viết, chuyện những em lành lặn cõng em bại liệt hai chân đến trường học, hết năm này qua năm khác…

Có lúc anh cảm thấy dường như Bác chăm sóc đến anh hơn là để anh chăm sóc đến đôi mắt đau bệnh của  Bác. Bác nhắc nhở việc rèn luyện đạo làm người thầy thuốc của nhân dân, của quân đội con em của nhân dân. Bác dạy: “Mức sống của nhân dân ta còn quá thấp, lại qua hai cuộc chiến tranh dai dẳng, sức khoẻ càng bị sa sút, có nhiều bệnh tật, tuy Đảng và Chính phủ quan tâm, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu to lớn của toàn dân… bệnh đau mắt là một trong những bệnh phổ biến ở nước at, nhất là ở các miền quê. Các chú phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc phòng bệnh, chữa bệnh cho dân. Phải đúc kết kinh nghiệm chữa bệnh, nâng cao và kết hợp thuốc dân tộc với đông y cho thật tốt”.

Tiếp đó, anh Trà cùng bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân ở Viện Mắt Trung ương bắt tay vào công việc tìm phương cứu chữa. Bác sĩ NGuyễn Trọng Nhân, chủ một đề tài chảy máu đáy mắt của giới trí thức cao tuổi, lao động trí óc nhiều năm, một chuyên khoa mắt giỏi, y đức cao, cùng Đại tá Đào Xuân Trà - Chủ nhiệm khoa Mắt Viện 108 – sang các nước để tìm tòi, nghiên cứu thuốc, phương tiện, phương pháp cứu chữa.

Trong khi hai anh Đào Xuân Trà, Nguyễn Trọng Nhân đi tầm dược, vẫn kế trị liệu thiên nhãn Hồ Chí Minh, thì Bác Hồ về miền địa linh – Chí Linh, Côn Sơn. Đúng ngày 15 tháng 2 năm 1965, sắp sang ngày Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng), Bác thăm hỏi hơn 3.000 cán bộ, bộ đội, nhân dân tại đây. Rồi Bác đi thăm đồng, cùng với một cán bộ địa phương, Bác đạp guồng nước tưới cho lúa chiêm. Đến giờ Mùi, sang giờ Thân (13 đến 16 giờ) Bác lên Côn Sơn, vào chùa với chư vị Thiền – Trúc Lâm và Người đến đàm tâm linh bí với vị anh hùng dân tộc bậc danh nhân văn hoá vĩ đại Nguyễn Trãi trước Tấm Bia lịch sử.

Tháng 5 năm 1965, ngày 19, vào giờ Thìn (8 giờ 30), Bác từ Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đi Sơn Đông – Kinh đô của nước Lỗ xa xưa, quê hương của Đức Khổng Phu tử. Người dừng chân tại Thủ phủ tỉnh Sơn Đông, thành phố Tế Nam, rồi Người nghỉ trưa trong vườn hoa Đại Minh Hồ. Sang giờ Mùi (14 giờ), Bác vào Khổng Phủ dâng hương tưởng niệm đức Khổng Phu tử tại Khổng miếu, thăm khu Khổng Lâm cả ngàn tuổi thọ lão tùng. Người ứng tác một bài thơ chứ Nho, tứ tuyệt:

“Ngũ tuyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ

Cổ tùng cổ miếu lương y hy

Khổng gia thế lực kim hà tại?

Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi”.

Về sau, học giả Đặng Thai Mai dịch:

“Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ

Miếu xưa vẫn dưới bóng tùn xưa

Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ

Lấp loang bia xưa chút ánh tà”.

Giữa ngày sinh nhật thứ 75, Bác đang ở nước ngoài mà Bác không lúc nào không lo lắng việc nước nhà. Nghe tin giặc Mỹ đánh phá ác liệt trên khắp các hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, bến cảng, thành phố cả vùng khu Bốn cũ, đồng chí Bí thư Đảng bộ Tổng cục Đường sắt Trần Quang Sơn đã hy sinh trong lúc kiểm tra công việc thông xe cầu Cun Thanh Hoá ngày 19 tháng 5, Bác Hồ lệnh ngay về nước truy tặng ông Huân chương Lao động hạng Nhất (lệnh số 54/LCT). Tiếp đó, Người gửi thư khen ngợi quân, dân miền Bắc chiến đấu giỏi đã chôn vùi 300 máy bay giặc Mỹ.

… Sau một thời gian, hai người – bác sĩ Đào Xuân Trà, Nguyễn Trọng Nhân thu lượm được một số kết quả, trở về nước. Anh Nhân vẫn chưa biết Người bị bệnh ngặt nghèo là Bác Hồ, anh Trà lại tiếp tục hằng ngày đến điều trị cho Bác. Có lần anh đi theo Bác sang nước bạn để điều trị, chăm sóc. Anh hết sức ngạc nhiên về việc Bác đã tự luyện mắt và tập vận động toàn thân, kết hợp điều trị theo đơn thuốc. Bệnh đã thuyên giảm rõ rệt. Hằng ngày, Bác dành thì giờ trong buổi tảng sáng đễ nhìn mặt trời vừa mới mọc. Bác thu vào mắt mình những giọt nắng ban mai. Bác thở không khí trong lành, vận động cơ thể theo những bài luyện tập đều đăn, chuyên cần và thực hiện rất chặt chẽ chế độ nhỏ thuốc, tiêm thuốc, làm việc, đọc sách hằng ngày của Bác, anh chưa từng gặp ở một bệnh nhân nào khác!

Qua một thời gian Bác cháu phấn đấu, bên mắt đau của Bác đã trở lại gần như bình thường

Trong cuộc đời làm thấy thuốc chuyên khoa mắt, bác sĩ Đào Xuân Trà đã nhiều lần vui sướng mỗi khi lấy lại được con mắt sáng cho bệnh nhân. Nhưng chưa bao giờ anh thấy niềm hạnh phúc lớn lao choán cả tâm hồn anh như giấy phút anh được thấy Bác Hồ, với đôi mắt hiền từ vẫn sáng như sao, đang ngồi trên nhà sàn lộng gió, giữa một màu xanh bát ngàt, viết Lời kêu gọi lịch sử: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Bác hoàn thành bản Di chúc thiêng liêng – “Tuyệt đối bí mật” và thiên nhãn của Người vẫn minh tinh quang vũ trụ. Trong Di chúc, Bác viết: “… tôi vừa 79 tuổi, đã là lớp người “xưa nay hiếm”, nhưng tinh thần, đầu óc vẫn sáng suốt”…

Đại tá bác sĩ Đào Xuân Trà bồi hồi kể lại lúc tôi sắp chia tay ông tại Viện 108:

- Hút thuốc là thơm như “tình bạn đồng hành” của Bác từ thời anh Văn Ba thuỷ thủ. Còn rượu ngon thì Bác chỉ có khi đàm tâm tửu tịnh, chú Bác không nghiện. Nhưng khi sức khoẻ giảm sút, tuổi cao, tim, mắt đều “có chuyện”, anh em chuyên môn chúng tôi đề đạt với Bác chớ dùng thuốc lá và rượu. Bác nhìn chúng tôi bâng khuâng: - Mình sẽ y lênh. Bỏ nốt hai thứ thích thú này thì chẳng còn có cái thú riêng gì là của mình nữa. Ba năm sau (1968), tôi được Bác đọc cho nghe bài thơ “Vô đề”, quả là Người “y lệnh”:

“Tam niên bất ngật tửu xuy yên

Nhân sinh vô bệnh thị chân tiên

Hỷ kiến Nam phương liên đại thắng

Nhất niên từ quý độ xuân thiên”

Nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch:

“Thuốc kiêng, rượu cữ đã ba năm

Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn

Một năm là cả bốn mùa xuân”.

Đến Tết Nguyên Đán -  Mậu Thân, Bác lại có bài thơ Nhị vật. Anh Vũ Kỳ, bác sĩ Lê Đinh Mẫn và tôi mới được đọc “kín” thôi. Bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Nho. Bác Hồ biết tin phụ thân anh Lê Đình Mẫn từ Hà Tĩnh ra Hà Nội gặp con trai để tham quan Hà Nội, Bác mời cụ đến dùng cơm thân mật với Bác. Trong bữa cơm thanh đạm, có rượu ngon, có thuốc lá Thăng Long mời khách. Bác chìa tay về phía thân phụ bác sĩ Mẫn, Người thân mật nói: - Xin mời cụ nâng chén, tôi phải tuân lệnh của thầy thuốc, không được dùng nhị vật. Nhưng vừa rồi đón xuân mới tôi vẫn được thưởng thức thuốc thơm và rượu ngon trong mộng, cụ ạ.

Cụ thân phụ anh Mẫn ấp ly rượu vào lòng hai bàn tay nhìn Bác thẫn thờ, xúc động nghe Người đọc thơ:

“Vô yên, vô tửu quá tân xuân

Dị sử thi nhân hoá tục nhân

Mộng lý hấp yên, ngật mỹ tửu

Tỉnh lai cánh phấn chấn tinh thần”.

Tạm dịch:

Thuốc không, rượu chẳng đón xuân sang

Chợt biến nhà thơ hoá kẻ phàm

Mơ nếm thuốc thơm và rượu quý

Tỉnh giấc hương xuân vẫn chửa tàn.

Anh Đào Xuân Trà dặn thêm tôi: Tôi dạo này quá bận.. sẽ chuyển ngành, sang Viện Mắt Trung ương. Anh gặp anh Lê Đình Mẫn, sẽ hiểu thêm nhiều về Bác, anh ấy được hoc Khoa ướp thi hài ở Liên Xô. Hiện thời anh Mẫn thay anh Nhữ Thế Bảo chăm sóc sức khoẻ Bác vì anh Bảo tuổi đã cao. Bác không hề biết bác sĩ Mẫn được giao trọng trách “đặc biệt” ấy đâu. Thương Bác!... Thương Bác lắm anh ơi!... Nghĩ đến cái giờ phút ướp thi hài bác, tôi…

Bác sĩ đại tá Đào Xuân Trà lau nước mắt… Chúng tôi… lau nước mắt…

 

Chiếu văn 15/5/1979 – 12/2004

SƠN TÙNG

(*) Theo Tri thức Trẻ số 262/2008

5895 Go top