Kính áp tròng giúp bệnh nhân có hình ảnh trung thực, mang tính thẩm mỹ cao, thuận tiện trong các hoạt động thể thao hoặc nghệ thuật. Kính áp tròngcó thể khắc phục được một số khuyết điểm của kính gọng như:
- Mất thẩm mỹ.
- Giới hạn thị trường do gọng kính.
- Làm thay đổi kích thước của các vật xung quanh (với tật khúc xạ nặng).
- Hạn chế đối với một số nghề nghiệp hoặc trong khi chơi thể thao.
- Không thể đeo được khi lệch khúc xạ quá nặng.
Ngoài ra, kính áp tròng còn có một số ưu điểm đặc biệt như:
- Kính áp tròng thẩm mỹ có thể thay đổi màu mắt, làm cho tròng mắt to hơn hoặc để che sẹo đục giác mạc.
- Kính áp tròng điều trị như để bảo vệ bề mặt giác mạc (trong một số bệnh lý trợt giác mạc, bệnh giác mạc bọng …), khắc phục tình trạng lóa mắt cho những bệnh nhân không có mống mắt, kính áp tròng cho bệnh giác mạc hình chóp.
Trong khoảng vài năm trở lại đây,kính áp tròng ngày càng trở nên phổ biến nhờ những ưu điểm về mặt thẩm mỹ cũng như tính tiện dụng trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số bạn trẻ tự ý đặt mua kính trên mạng mà không được khám, tư vấn đúng, đầy đủ về cách sử dụng, vệ sinh, bảo quản kính nên có thể dẫn đến một số vấn đề như lựa chọn thông số kính không phù hợp, thậm chí có thể dẫn đến một số bệnh lý nguy hiểm, đe dọa thị lực như viêm, loét giác mạc. Để hạn chế những biến chứng không mong muốn do việc sử dụng kính áp tròng mang lại, sau đây là những điều cần lưu ý khi lựa chọn và sử dụng kính áp tròng:
1. Khi lựa chọn kính áp tròng:
- Lựa chọn kính áp tròng của các thương hiệu uy tín, tuyệt đối không đặt mua kính của những hãng bán hàng trôi nổi trên mạng, không rõ xuất xứ, nhà sản xuất.
- Lưu ý hạn sử dụng được ghi trên bao bì, không sử dụng các sản phẩm đã quá hạn hoặc bao bì đóng gói, vỏ hộp bị rách, không còn nguyên vẹn.
- Khi chuyển đổi từ kính gọng sang kính sát tròng, các thông số sẽ bị thay đổi và kính sát tròng được đặt trực tiếp trên bề mặt giác mạc nên các thông số rất thay đổi theo từng người nên khi lựa chọn kính áp tròng cần có ý kiến của nhân viên y tế, tốt nhất là bệnh nhân nên đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên về mắt/ kính áp tròng để được tư vấn, thăm khám và lựa chọn thông số kính phù hợp nhất.
2. Khi đeo kính và tháo kính:
- Luôn luôn cắt ngắn móng tay, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi đeo và tháo kính. Tuyệt đối không để móng tay dài vì đây là nơi trú ngụ của các loại vi sinh vật có thể gây viêm nhiễm cho mắt, ngoài ra khi thao tác, móng tay dài còn có thể làm xước, rách kính, ảnh hưởng đến chất lượng kính cũng như sự an toàn cho mắt.
- Cần được hướng dẫn đeo và tháo kính đúng cách để thao tác nhanh, chính xác, không làm tổn thương mắt.
- Nếu sử dụng dụng cụ đeo/ tháo kính thì cần đảm bảo dụng cụ luôn được giữ khô ráo, sạch sẽ, được vệ sinh định kỳ bằng dung dịch rửa chuyên dụng.
3. Khi vệ sinh và bảo quản kính:
- Lựa chọn dung dịch ngâm rửa, bảo quản kính phù hợp với loại kính đang sử dụng.
- Lưu ý hạn sử dụng của dung dịch ngâm rửa kính. Khi đã mở nắp chai, không được sử dụng quá 3 tháng.
- Đóng nắp ngay sau khi đã sử dụng xong. Không để đầu chai dung dịch chạm vào các bề mặt bẩn.
- Khay được kính phải được để ở nơi khô thoáng, sạch sẽ, không được để trong nhà vệ sinh. Sau khi lấy kính ra, đổ hết nước ngâm cũ, vệ sinh khay đựng bằng dung dịch ngâm rửa, để khay khô ráo. Lần tháo kính tiếp theo cần được đổ đầy nước ngâm mới, tuyệt đối không được giữ nước ngâm cũ và chỉ đổ đầy thêm.
- Định kỳ thay khay đựng kính mỗi lần thay chai dung dịch ngâm rửa kính.
4. Những lưu ý khác khi sử dụng kính áp tròng:
- Khi sử dụng kính áp tròng, cần được thăm khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt nhằm phát hiện sớm, xử trí kịp thời các biến chứng.
- Ngưng sử dụng kính ngay lập tức nếu mắt có các biểu hiện đỏ, cộm chói, đau nhức, nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều …
- Khi sử dụng bất cứ loại thuốc nhỏ mắt nào cần có ý kiến của nhân viên y tế.
Kính áp tròng đem lại rất nhiều lợi ích về chất lượng hình ảnh, tính thẩm mỹ và tiện dụng. Bên cạnh những ưu điểm đó, kính áp tròng lại làm tăng nguy cơ viêm nhiễm cho mắt, đe dọa thị lực nếu không sử dụng đúng cách. Vì vậy, người sử dụng cần tuân thủ những khuyến cáo nêu trên để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ viêm nhiễm và những biến chứng không mong muốn khác.
Bs Phạm Hải Yến
Khoa Khúc xạ- BVMTW