Những đứa con giờ đã lớn 

Một năm học mới, một mùa thu nữa lại đến. Lẽ thường là nhìn con cái tất bật dậy sớm đi khai giảng, bản thân mình cũng tham dự khai giảng này nọ của các trường Đại học thỉnh giảng

Đường phố đầy sắc đồng phục học sinh, cờ hoa rực rỡ, nhất là tại các cơ sở giáo dục. Năm nay mọi thứ đã khác. Các con đã lớn, đứa đã gần tốt nghiệp đại học đi ở riêng, đứa đi du học xa nửa vòng trái đất… Mọi thứ trở lên trầm buồn. Quãng đời ắt có với rất nhiều người, mới ngày nào còn là chuyện của người khác, nay đã là chuyện của mình. Những con thân yêu, máu thịt của mình, chằng muốn nhưng chẳng thể nào khác đã chia tay ta, đi lập nghiệp để lại cha mẹ chơi vơi, vật vã với những nỗi nhớ chúng ập về mỗi buổi chiều đi làm về.

Hôm nay nỗi nhớ ghê gớm hơn vì trời tối sầm sập kiểu lập đông, gió lạnh xộc vào con ngõ bé nhỏ, lá vàng cuộn tròn dưới gốc khế, tiếng mở cửa lách cách vang lên trong vắng lặng. Con chó ngoáy tít đuôi, nó đã quen với cảnh ở nhà một mình ban ngày và hân hoan đón tôi, người về nhà đầu tiên. Con cái đã mỗi đứa một nơi, căn phòng tối của chúng vẫn lưu ít đồ dùng, chiếc bàn học, vài chiếc ảnh xinh tươi của chúng thủa còn phổ thông… Nỗi nhớ chúng mênh mang. Sao nhanh thế! Ai đẻ con cũng muốn con nhanh khôn lớn, hạnh phúc ngắm nhìn chúng trưởng thành, đứa lớn rồi đứa bé, ngày qua ngày. Thoáng cái đã là hơn 20 năm. Những ngày hạnh phúc nhất, buồn bã nhất đều lưu giữ trong bộ nhớ không cần xem ảnh hay viết blog. Nhưng còn những ngày còn lại, dài đằng đẵng, ta gọi là ngày thường thì không nhớ hết nổi. Phải huy động album ảnh. Từ ngày chúng xa nhà hai vợ chồng hay ôn kỷ niệm về con cái hơn. Album ảnh, bộ nhớ máy tính thật hữu hiệu để nhắc đến ngày xưa, có đủ thông tin về năm tháng. Lúc ta bật cười, lúc ta tràn nước mắt vì ôn lại ngày xưa hạnh phúc, đầm ấm. Trẻ con, như thú con luôn đáng yêu ngộ nghĩnh nhưng vì là con cái của mình nên càng đáng yêu hơn. Những bức ảnh cũng gởi nhớ về mẹ cha đã khuất, các cháu giúp việc tốt bụng giờ không biết đã đi đâu về đâu. Tết nhất, sinh nhật, liên hoan, khai giảng…biết bao sự kiện đẹp đẽ trong 20 năm cũng chứa hết trong vài nghìn tấm ảnh, rồi cũng trôi qua đi để ta lại phải quay về, ôn lại, tiếc nhớ. Bữa cơm giờ đã đạm bạc hơn nhiều. Món ngon, xào rán để bồi dưỡng chúng đang tuổi lớn, ăn học đã thưa đi nhiều. Nồi cơm điện một tuần chỉ dùng đun nấu 2 lần. Vợ chồng chúng tôi đều đã giảm cơm, tăng rau để chống béo. Ănn tối là cuộc họp rất vui của gia đình, đứa bày bàn, đứa dọn rửa, chuyện trò suốt bữa… Giờ là bữa ăn mà trên bàn chỉ có 2 chiếc bát. Nếu một người ăn trước thì đương nhiên sẽ chẳng có tiếng nói, câu chuyện nào diễn ra trong bữa ăn. Ta tự thương mình ư? Thường tình mà, ai cũng phải trải qua quãng đời này. Chúng có thương ta không? Có chứ nhỉ? Như ngày ta đi học nước ngoài, nước mắt lúc ướt gối, lúc ướt chăn vì nhớ nhà. Đêm chỉ mong có giấc mơ được về nhà, nói chuyện với bố, ôm con. Tôi không hỏi chúng, chúng cũng chả bao giờ hỏi tôi nhưng tin chắc là chúng cũng nhớ bố mẹ lắm giống như chúng tôi nhớ về chúng. Những ngày cha mẹ bên con cái càng ngày sẽ càng ít bởi tuổi đời, bởi thời cuộc vì thế những ngày đã qua luôn là nuối tiếc, đẹp đẽ. Tôi tự nhủ: hãy sống thật hữu ích trong những ngày hiện tại, mong lại có ngày vui bên con cái mai sau. Không giống như các bậc cha mẹ Tây, đến 18 tuổi con cái như chim bay lên trời, số phận và ngày quay về tổ ấm ít thành vấn đề. Với cặp cha mẹ châu Á như chúng tôi vẫn là tình yêu, nỗi nhớ, quan tâm dài dài. Mong bên con cái và hữu ích với chúng. Mong căn nhà ấu thơ vẫn là chỗ vui vẻ, hạnh phúc mỗi khi chúng đi về.

Giật nhìn chiếc công tơ mét xe máy chợt nhớ đứa con gái cấu lưng tôi trêu chọc ngày tôi đưa nó thi đại học: Thôi từ nay không phải đưa đón con cái học hành nữa, sướng nhé! Kết thúc ngày đưa đón chúng học hành cũng là hoàn thành chặng đường 17.000 km cho chiếc xe này. Đưa đón đi học cho 2 đứa con trong gần 20 năm đã trải qua 3 đời xe máy khác nhau. Nhẩm tính là hơn 50.000 km cho từng ấy năm. Cha mẹ ơi! Bố con ta đã đèo nhau đi quanh trái đất hơn một vòng rồi đấy và mất ¼ đời người nữa. Chặng đường tới, chặng đời tới ta không thể đèo nhau, chẳng sống gần nhau được nhưng đừng quên cha mẹ muốn các con đi trên đường đời như thế nào, trở thành người như thế nào. Yêu các con nhiều!

Gió lạnh đầu đông 2023

Bs Hoàng Cương

83 Go top