Nhân tuần lễ Glôcôm thế giới: Mười điều cần làm ngay để ngăn ngừa giảm thị lực do bệnh Glocom 

Nhiều người bị bệnh Glôcôm nhưng không biết mình bị bệnh. Glôcôm gây tăng nhãn áp từ từ làm tổn thương dây thần kinh thị giác, dây thần kinh tối quan trọng kết nối giữa mắt và não. Người bị bệnh Glôcôm thường mất thị lực trước khi họ nhận thấy bất kỳ vấn đề nào về mắt.

Loại hình Glôcôm phổ biến nhất được gọi là bệnh glôcôm góc mở nguyên phát. Do thủy dịch (chất lỏng trong lòng nhãn cầu) không luân chuyển theo đúng cách. Áp lực bên trong mắt (nhãn áp) tăng lên và gây tổn hại dây thần kinh thị giác. Phân nhóm glôcôm này thường gây mất trường nhìn phía bên (trường nhìn ngoại vi) của người bệnh trước tiên. Vì vậy bệnh nhân có thể sẽ không nhận thấy những thay đổi về trường nhìn của mình ngay lập tức. Tuy nhiên, theo thời gian, người bệnh sẽ mất thị lực trung tâm và gặp khó khăn khi nhìn mọi thứ.

Thật không may, người bệnh không thể lấy lại cho dù là một phần của thị lực đã mất do bệnh glôcôm. Và các bác sĩ nhãn khoa cũng chưa biết cách nào để chặn đứng mọi bệnh nhân glôcôm ngừng tiến triển ngay từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, có nhiều cách để ngăn ngừa tình trạng mất thị lực nghiêm trọng và mù lòa do bệnh glôcôm.

Cần nói ngay là: Khám mắt thường xuyên đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thị lực! Sau đó mới là những điều sau đây:

1. Tóm lấy kẻ trộm thị lực này trước khi nó lấy đi thị lực của bạn vĩnh viễn. Nếu bạn có nguy cơ mắc glôcôm, bạn nên đến bác sĩ nhãn khoa thường xuyên để khám mắt. Họ có thể phát hiện bệnh glôcôm ở giai đoạn đầu, sau đó theo dõi và điều trị. Điều quan trọng không kém là dùng thuốc trị glôcôm đúng như lời bác sĩ căn dặn.

2. Dùng các thuốc có steroid? Nói chuyện với bác sĩ nhãn khoa của bạn. Dùng steroid trong thời gian dài hoặc với liều cao có thể làm gây tăng nhãn áp (biểu hiện thường có và quan trọng nhất để chẩn đoán bệnh glôcôm), đặc biệt nếu khi bạn đã có sẵn tăng nhãn áp. Steroid mà bạn uống hoặc bôi quanh mắt có nhiều khả năng làm tăng nhãn áp nhất. Luôn nói với bác sĩ nhãn khoa của bạn nếu bạn đang dùng bất kỳ loại steroid nào.

3. Ăn ngon để thấy khỏe: Ăn nhiều rau xanh và trái cây có màu, quả mọng và rau mỗi ngày. Chúng chứa các vitamin và khoáng chất giúp bảo vệ cơ thể và đôi mắt của bạn. Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy thực phẩm tốt cho mắt tốt hơn dùng vitamin trong việc ngăn ngừa bệnh glôcôm.

4. Tập thể dục… nhưng cẩn thận: Tập thể dục cường độ cao làm tăng nhịp tim cũng có thể làm tăng nhãn áp. Nhưng đi bộ nhanh và tập thể dục thường xuyên với tốc độ vừa phải có thể làm giảm nhãn áp và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn. Nếu bạn tập nâng tạ nặng, hãy nhờ huấn luyện viên có chuyên môn chỉ cho bạn cách thở đúng cách trong bài tập này.

5. Bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi bị chấn thương: Chấn thương mắt có thể dẫn đến bệnh glôcôm. Luôn đeo kính bảo vệ khi chơi thể thao hoặc khi làm việc trong nhà và hay ra ngoài sân.

6. Tránh các tư thế cúi đầu thấp: Nếu bạn bị bệnh tăng nhãn áp hoặc bạn có nguy cơ mắc bệnh glôcôm, đừng để đầu thấp hơn tim trong thời gian dài. Điều đó bao gồm nên tránh xa bàn đảo ngược hoặc đi giày trọng lực để điều trị đau lưng. Tư thế cúi đầu có thể làm tăng nhãn áp rất nhiều. Một số người mắc bệnh glôcôm nặng có thể cần tránh một số tư thế yoga. Hãy hỏi bác sĩ nếu bạn cần tránh tư thế cúi đầu nào trong thói quen tập thể dục.

7. Ngủ đúng tư thế: Nếu bạn bị tăng nhãn áp, tránh kê mắt lên gối hoặc đè trên cánh tay khi ngủ. Những người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp hoặc có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn. Nếu bạn ngáy nhiều hoặc ngừng thở suốt đêm, hãy đi khám nghiệm và điều trị OSA.

8. Bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời: Có một số bằng chứng cho thấy tia UV của mặt trời có thể gây ra một loại bệnh glôcôm. Nên đeo kính râm phân cực chất lượng cao và đội mũ khi có việc ngoài trời.

9. Giữ miệng sạch sẽ: Một vài nghiên cứu gần đây chỉ ra liên quan giữa bệnh nướu răng với tổn thương thần kinh thị giác trong bệnh glôcôm. Vậy ta nên đánh răng và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày cũng như khám nha sĩ thường xuyên.

10. Nói với bác sĩ nhãn khoa về loại thuốc huyết áp của bạn: Nếu huyết áp của bạn giảm quá thấp trong khi ngủ, nó có thể làm tổn thương thị thần kinh do glôcôm thêm trầm trọng. Nếu bạn dùng thuốc huyết áp vào ban đêm hoặc nếu bạn có các triệu chứng huyết áp thấp (như cảm thấy chóng mặt), hãy báo cho bác sĩ nhãn khoa của bạn. Họ có thể thảo luận điều này với bác sĩ gia đình của bạn. Và đừng tự ý thay đổi thuốc huyết áp đang dùng!

Bs Hoàng Cương

Theo AAO

1160 Go top