Năm kịch bản diễn tiến của bệnh Glôcôm 

Quản lý bệnh glôcôm đôi khi phức tạp và khó khăn không chỉ đối với các học viên, bác sĩ đa khoa mà ngay cả đối với những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm nhất. Chúng ta xem xét 05 tình huống lâm sàng phổ biến khiến bệnh diễn biến nhanh và những lưu ý quan trọng

1. Điều trị quá mức và tác dụng phụ

Điều trị quá mức bệnh glôcôm xảy ra thường xuyên và có thể dẫn đến các tác dụng phụ tại mắt và toàn thân. Thêm một loại thuốc tra nhỏ thứ ba hoặc thứ tư không mang lại nhiều lợi ích, gây tích lũy lâu dài chỉ với mục đích giảm áp lực nội nhãn (nhãn áp). Áp dụng các tổ hợp các thuốc nhỏ mắt cũng góp phần gián tiếp vào việc không tuân thủ điều trị nghiêm túc. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và sự ổn định của bệnh, sẽ có những bệnh nhân xuất hiện các bệnh bề mặt nhãn cầu hoặc các tác dụng phụ khác do sử dụng nhiều loại thuốc glôcôm trong khi có thể ngăn ngừa chúng bằng việc ngừng một hoặc nhiều thuốc, phẫu thuật tạo hình vùng bè bằng laser chọn lọc (SLT) hoặc phẫu thuật rạch mở bè để giảm bớt gánh nặng thuốc men cho bệnh nhân.

Điều quan trọng cần lưu ý là, không giống như thuốc uống, thuốc nhỏ mắt trị glôcôm như thuốc chẹn beta có thể gây ra các phản ứng toàn thân nghiêm trọng vì chúng bỏ qua quá trình chuyển hóa ở gan, dẫn đến tăng nồng độ trong huyết tương dễ dàng hơn. Trước khi kê đơn thuốc chẹn beta tại chỗ, hãy hỏi bệnh nhân của bạn xem họ có tiền sử nhịp tim chậm, đợt cấp của bệnh tắc nghẽn đường thở và/hoặc bị hạ huyết áp hay không để tránh các tác dụng phụ.

2. Hạ nhãn áp kéo dài

Hạ nhãn áp  khá phổ biến trong giai đoạn hậu phẫu ngay sau khi phẫu thuật glôcôm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hạ nhãn áp có thể kéo dài hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm sau phẫu thuật glôcôm truyền thống, chẳng hạn như trong trường hợp rò rỉ sẹo bọng hoặc xói mòn quanh ống dẫn lưu tiền phòng. Mặc dù phẫu thuật glôcôm xâm lấn tối thiểu (MIGS) mang lại nhiều thông số an toàn, cải thiện hơn so với phẫu thuật cắt bè và đặt dẫn lưu, nhưng việc tạo ra khe hở thẩm tách thể mi trong phẫu thuật vô tình cũng có thể dẫn đến hạ nhãn áp, đôi khi bác sĩ phẫu thuật không biết. Cho dù hạ nhãn áp sau phẫu thuật đều được giải quyết nhanh chóng bằng các biện pháp thích hợp nhưng đôi khi các di chứng đe dọa thị lực vẫn còn, bao gồm tổn hại giác mạc mất bù, tiền phòng nông, bệnh lý hoàng điểm do hạ nhãn áp và tràn dịch hoặc xuất huyết hắc mạc. Viêm nội nhãn do rò rỉ sẹo bọng không được phát hiện sẽ là một biến chứng nghiêm trọng khác trong khi có thể phòng tránh được. Do đó, các bác sĩ lâm sàng phải cảnh giác cao trong việc xác định hạ nhãn áp và các di chứng của nó, chuyển bệnh nhân đến chuyên gia về bệnh glôcôm kịp thời.

3. Tiến triển ở độ tuổi thiếu niên

Bệnh nhân mắc bệnh glôcôm có nhãn áp bình thường hoặc bệnh glôcôm giai đoạn nặng do bất kỳ nguyên nhân nào đều biểu hiện trên trị số nhãn áp đầy đủ ở tuổi thanh thiếu niên. Ở những bệnh nhân như vậy, đường biểu diễn nhãn áp ban ngày hoặc phép đo nhãn áp tại nhà có thể giúp phát hiện ra nhãn áp cao mà có thể không phát hiện ra khi đến phòng khám mắt vài tháng một lần. Nếu bạn phát hiện sự tiến triển bệnh ở thanh thiếu niên thông qua OCT bằng giá trị RNFL hoặc phép đo thị trường chu biên thì việc sử dụng phần mềm phân tích thị trường và OCT có thể phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn sớm. Hãy nhớ tầm quan trọng của việc lặp lại việc đo thị trường để xác nhận hoặc bác bỏ sự tiến triển đáng ngờ. Nhiều người trong số những bệnh nhân này có thể cần phẫu thuật điều trị glôcôm, thường là phẫu thuật cắt bè, để đạt được ngưỡng nhãn áp đủ thấp giúp ngăn chặn bệnh tiến triển.

4. Phaco khi có sẹo bọng hoặc ống dẫn lưu tiền phòng

Hai phẫu thuật trên thường thúc đẩy nhanh đục thủy tinh thể và việc thực hiện phẫu thuật đục thủy tinh thể ở những mắt này có thể đưa ra những thách thức đặc biệt đối với bác sĩ phẫu thuật bán phần trước. Mặc dù một kỹ thuật tiêu chuẩn có tác dụng trong hầu hết các trường hợp nhưng cần một số sửa đổi trong phẫu thuật và thường được giải quyết tốt nhất bởi một phẫu thuật vừa hạ được nhãn áp và điều trị đục thủy tinh thể. Các chuyên gia về glôcôm cần được đào tạo thêm để giảm nguy cơ sang chấn sẹo bọng trong phẫu thuật và không làm hỏng sẹo bọng sau phẫu thuật, xử lý sẹo bọng và ống cũng như quản lý tốt nhãn áp sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên về glôcôm có thể giúp bạn lập kế hoạch phẫu thuật và tối ưu hóa kết quả phẫu thuật đục thể thủy tinh dạng này.

5. Phản ứng với điều trị bằng steroid hoặc tăng nhãn áp do viêm màng bồ đào

Tăng nhãn áp và bệnh glôcôm thường làm phức tạp việc quản lý bệnh nhân bị viêm màng bồ đào vốn đã khó khăn. Điều trị viêm tích cực trong giai đoạn cấp vì sợ gây ra hoặc làm trầm trọng thêm biến chứng của steroid có thể dẫn đến nhiều di chứng, bao gồm phù hoàng điểm, dính mống mắt ra trước vùng chu biên và dính sau.

Nên xem xét cẩn trọng các nguyên nhân thứ phát gây viêm mắt để tránh điều trị quá mức hoặc không cần thiết bằng steroid. Ví dụ, hội chứng phân tán sắc tố (PDS) có thể bị nhầm lẫn với viêm màng bồ đào vì cả hai đều tạo ra sắc tố bám trên nội mô giác mạc và góc tiền phòng. Bệnh viêm mống mắt thể mi kèm dị sắc mống mắt của Fuchs là một thực thể viêm màng bồ đào thường không được chỉ định điều trị bằng steroid dài hạn. Viêm màng bồ đào - tăng nhãn áp - xuất huyết tiền phòng (UGH) nên được đưa vào chẩn đoán phân biệt với viêm màng bồ đào mãn tính, tăng nhãn áp trên bệnh nhân đã mổ lấy thể thủy tinh.

Cuối cùng, hãy ghi nhớ hiện tượng viêm màng bồ đào do dùng Brimonidine hiếm gặp, có thể xuất hiện đột ngột với các kết tủa sau giác mạc lớn như được thấy ở các dạng viêm có u hạt khác.

Bs Hoàng Cương

Theo Kateki Vinod, MD Angela V. Turalba, MD viết cho YO

905 Go top