Chương IV
GIAI ĐOẠN THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC
(1975-1996)
Trước tình hình và yêu cầu mới của ngành y tế, trong vai trò là Viện chuyên khoa đầu ngành cả nước, Ban lãnh đạo Viện đã dự kiến những khó khăn sẽ phải vượt qua và đề ra một số công việc cần làm ngay.
Giáo sư, Viện trưởng Nguyễn Xuân Nguyên đã chỉ rõ :“ ...Mọi người chúng ta và đặc biệt các thầy thuốc, cán bộ chuyên khoa mắt không những có nhiệm vụ bảo vệ ánh sáng của đôi mắt, tạo điều kiện cho mọi người có thể phát huy được năng suất lao động cao nhất, góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp cách mạng của cả nước”.
1. ĐI KHẢO SÁT CÁC TỈNH PHÍA NAM
Khoảng tháng 10-11/1976 Viện Mắt đã cử 1 đoàn gồm các cán bộ chủ chốt lúc đó (Nguyễn Trọng Nhân, Hà Huy Tiến, Vũ Công Long, Phan Đức Khâm) đi vào miền Nam khảo sát ,tìm hiểu tình hình bệnh tật mắt,cán bộ chuyên khoa,hệ thống tổ chức,trang thiết bị để Bộ và ngành có chủ trương và kế hoạch phù hợp phục vụ nhân dân miền Nam vừa được giải phóng .Đoàn đã làm việc tại 20 cơ sở nhãn khoa ở các bệnh viện của 9 tỉnh thành.
Qua chuyến đi khảo sát thực địa này, thấy rõ tình hình ở các vùng mới được giải phóng khác với miền Bắc trên nhiều mặt: đa số các tỉnh chưa có bác sỹ chuyên khoa mắt và dĩ nhiên là không có mạng lưới ở các tuyến trước. Đây là lỗ hổng lớn nhất. Phần lớn các bác sĩ trong đó tập trung ở đô thị lớn, vừa làm công vừa làm tư, ai cũng có phòng mạch riêng, không quen với phong cách và chế độ làm việc của miền Bắc, đi sâu đi sát quần chúng, “thầy thuốc tìm bệnh nhân mà đến”. Số lượng giường mắt còn quá ít. Phần lớn bệnh nhân bị nặng mới đi chữa. Về trang thiết bị chuyên khoa, trừ vài ba trung tâm ở thành phố lớn còn nói chung thiếu thốn nhiều, thậm chí có những tỉnh không có gì. Về mặt bệnh lý nhãn khoa cũng có những nét khác với miền Bắc: bệnh mắt hột không nặng nề và tràn lan như ở miền Bắc và miền Trung nhưng lại nhiều ở các tỉnh ven biển và vùng đồng bằng sông MeKong nhiều kênh rạch. Số người bị mù loà thì lại cao hơn do bệnh đục thể thuỷ tinh ở người già tồn đọng lại từ bao đời chưa được giải quyết, trong khi ở miền Bắc đã có cao trào đưa kỹ thuật về tận nông thôn, mổ đục thể thuỷ tinh tại huyện và xã. Đặc biệt có những bệnh nhân trước kia tự huỷ mắt để tránh đi quân dịch nên có một số người bị viêm mắt đồng cảm ở mắt còn lại. Nhiều trường hợp chấn thương mắt do chiến tranh,do khai hoang phục hoá đụng phải bom mìn hoặc đạn còn sót lại. Đặc biệt trong những người trước kia tự huỷ 1 mắt để tránh quân dịch của chế độ Sài Gòn có một số bệnh nhân bị viêm mắt đồng cảm ở mắt còn lại dẫn đến mù loà hoàn toàn.
Như vậy vấn đề nóng bỏng trước mắt là phải tăng cường cán bộ chuyên khoa cho các tỉnh phía Nam. Đầu tiên là những anh chị em đã hoạt động ở các vùng căn cứ kháng chiến nay được điều về phụ trách các cương vị chủ chốt ở các tỉnh vừa được giải phóng. Ở Trung Bộ có Bs Thái Tuấn (tức Thái Anh) về Thừa Thiên - Huế, Bs Lê Mai (tức Nguyễn Mẫn), Bs Thảo về Nghĩa Bình, Bs Huỳnh Khéo về Quảng Ngãi. Sau này giải phóng có Bs Võ Đình Chi cùng với vợ là Bs Nguyễn Thị Thắng về Nha Trang. Ở Nam Bộ có các Bs Hoàng Sơn, Nhữ Đình Quang, Nguyễn Thị Tư, Nguyễn Văn Bỉnh, Nguyễn Quang Tiền... được điều về TP. Hồ Chí Minh. Một số anh chị em khác được bố trí về các tỉnh như Phạm Văn Minh (tức Minh Đen) về Trạm Mắt Cà Mau, Đường Văn Cẩn về khoa Mắt Cần Thơ, Nguyễn Ngọc Nam, Nguyễn Thị Minh Huệ cũng về Cần Thơ. Ngoài ra còn có các đồng chí khác như Bs Lê Mười (sau này là Giám đốc Sở y tế Tiền Giang), Bs Mùi (ở bệnh viện tỉnh Đồng Nai), Bs Thanh, Bs Thêm... cũng được điều về công tác ở các tỉnh.
Thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho miền Nam kết hợp với nguyện vọng của anh chị em, Viện đã bố trí, sắp xếp cho một số cán bộ có trình độ vào công tác ở TP Hồ Chí Minh như PTS Chủ nhiệm khoa Võ Quang Nghiêm, các Bs Nguyễn Xuân Trường, Phan Kế Tôn, Đỗ Thu Nhàn... về sau có thêm các Bs Đào Thị Liên, Trần Phương Thu, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Như Quang. Đặc biệt là Bộ Y tế đã điều Bs Hoàng Thị Luỹ đang là Giám đốc bệnh viện Đống Đa kiêm trưởng Trạm Mắt Hà Nội, một cán bộ lâu năm của ngành Mắt, có nhiều khả năng tổ chức và lãnh đạo, dày dạn kinh nghiệm công tác phong trào, vào tăng cường cho TP Hồ Chí Minh và về sau trở thành người cán bộ chủ chốt của ngành Mắt phía Nam. Tiếp sau đó Hà Nội, còn chia sẻ thêm một số Bs nữa như Mai Ngọc Nga, Châu Ngọc Liên, Trần Phan Việt Nga, Nguyễn Ngọc Hoành.
Nhiều cán bộ trước đây tập kết ra Bắc, sau khi quê hương được giải phóng, cũng lần lượt lên đường trở về phục vụ đồng bào. Tính ra có hơn 50 cán bộ chuyên khoa mắt đã chuyển công tác vào các tỉnh phía Nam. Hầu hết họ là những cán bộ lâu năm trong ngành, có nhiều kinh nghiệm về tổ chức quản lý cũng như chuyên môn, chắc chắn họ sẽ là những cán bộ chủ chốt của mạng lưới chuyên khoa mắt miền Nam sau này.
2. CỦNG CỐ BAN LÃNH ĐẠO VÀ TRẺ HOÁ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CỦA VIỆN
Giữa lúc cán bộ toàn ngành đang phấn khởi, hào hứng lao vào công việc thì bỗng xảy ra một tổn thất lớn: đó là đồng chí Giáo sư Viện trưởng Viện Nguyễn Xuân Nguyên, trong một đợt đi công tác vào Nam để khảo sát và bàn bạc về công tác đào tạo cán bộ thì đột ngột lâm bệnh hiểm nghèo và từ trần ngày 1 tháng 10 năm 1975 tại TP Hồ Chí Minh, thọ 69 tuổi. Thật là một sự mất mát vô cùng to lớn đối với ngành Mắt giữa lúc sự nghiệp của ngành đang cần có người lãnh đạo toàn diện và đầy tài năng. Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên sinh ngày 21-1-1907 tại làng Bùi Thôn, xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Không những ông là một nhà chuyên môn giỏi mà còn có tài tổ chức, lãnh đạo, nắm vững đường lối quần chúng và vận dụng sáng tạo vào trong các mặt công tác của ngành Mắt. Ngoài ra ông còn tích cực tham gia hoạt động chính trị, xã hội: là Uỷ viên Ban thường trực Quốc hội nhiều khoá, Uỷ viên thường vụ đảng xã hội.v.v...
Sau khi Gs Nguyên tạ thế, PTS. Chủ nhiệm khoa Nguyễn Trọng Nhân được cử làm Phó Viện trưởng điều hành công việc của Viện. Đến năm 1976, thì PTS. Đào Xuân Trà, Chủ nhiệm khoa Mắt Quân Y viện 108 được Bộ Y tế cử làm Viện trưởng. Sau đó có thêm Phó Viện trưởng Cù Nhân Nại. Các Phó Viện trưởng chính trị, tuổi cao, lần lượt được nghỉ hưu (trước 1975 là đồng chí Võ Xuân Hựu, sau 1975 là đồng chí Đỗ Thị Thái và đồng chí Nguyễn Thanh Tâm). Tiếp sau nữa, 2 Bs từ chiến trường B ra, rồi đi tu nghiệp ở nước ngoài về, được bổ sung vào Ban lãnh đạo Viện (Bs Lê Thanh - Phó Viện trưởng phụ trách Y vụ Tổng hợp, Bs Nguyễn Quang Lê - Phó Viện trưởng phụ trách khối Quản Trị, Tài vụ). Như vậy là ban Lãnh đạo Viện đã được kiện toàn.
Nhưng lại xảy ra biến cố: Viện trưởng Đào Xuân Trà, bị ung thư dạ dày, đi chữa bệnh ở Liên Xô (cũ) về được một thời gian ngắn thì từ trần ngày 6 tháng 1 năm 1984. Đồng chí là một con người đức độ, mẫu mực, được anh em quý mến. Đồng chí còn có thể cống hiến nhiều nhưng đáng tiếc là đồng chí mất sớm, mới ở tuổi 60.
Sau khi Viện trưởng Đào Xuân Trà tạ thế thì Phó Viện trưởng Nguyễn Trọng Nhân lên thay. Đến tháng 10 năm 1992, Gs Nhân được Chính phủ giao trọng trách làm Bộ trưởng Y tế, kiêm Viện trưởng Viện Mắt, cho đến tháng 4 năm 1995 thì PTS Tôn Thị Kim Thanh được chính thức đề bạt lên làm Viện trưởng (Phó Viện trưởng từ 1992). Thế là trong vòng 40 năm, Viện Mắt đã trải qua 4 đời Viện trưởng.
Cùng với việc củng cố, kiện toàn Ban lãnh đạo thì đội ngũ cán bộ, công nhân viên cũng được tăng cường thêm nhiều cán bộ trẻ, từ y tá, dược tá, kỹ thuật viên đến bác sĩ, dược sĩ. Xu thế trẻ hoá đội ngũ ngày càng rõ nét. Tre già măng mọc, đấy là quy luật tự nhiên. Những lớp người xưa, nếu có dịp về ghé thăm Viện, sẽ lấy làm ngỡ ngàng bởi vì đâu còn những đồng nghiệp đồng niên, đồng tuế với mình?
Quả đúng như vậy! Kể từ lớp “đại thụ” đầu tiên mà hiện nay không còn bóng dáng một ai (Nguyễn Xuân Nguyên, Tôn Thất Hoạt, Lê Thanh Thân, Nguyễn Hiền Mão) đến thế hệ thứ 2, nay cũng đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, phần lớn “lão giả yên chi” hoặc không còn cầm dao mổ nữa. Đến thế hệ thứ 3 (tốt nghiệp trong khoảng từ 1965 đến 1980), đang ở độ chín (tuổi từ 45 đến 55), là những người hiện đang giữ các cương vị chủ chốt ở Viện (Viện trưởng, Phó Viện trưởng, các Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm khoa, phòng), âu đó cũng là điều đáng mừng! Đến thế hệ thứ 4 (tốt nghiệp trong khoảng từ 1980 đến 1995), thực sự là thế hệ trẻ (tuổi từ 30 đến 40), được đào tạo khá tốt cả về chuyên môn và ngoại ngữ, phần đông là từ các lớp nội trú ra (nay đều là thạc sĩ cả). Thế hệ này đang ở độ sung sức, đầy triển vọng và khi bước vào ngưỡng của thế kỷ 21, họ sẽ là đội ngũ chủ lực. Tuy nhiên cũng phải rèn luyện phấn đấu nhiều. Bởi vì như Mác đã nói: con đường vào khoa học không phải là con đường rải thảm mà là con đường đầy gian lao, khó nhọc!
Thế là 4 thế hệ thầy thuốc (kể cả bác sĩ, dược sĩ, y tá, kỹ thuật viên) cùng với những anh chị em khác đã nối tiếp nhau làm nên lịch sử vẻ vang của Viện này.
Nhớ lại cách đây 42 năm, khi ta tiếp quản nhà thương Dốc Hàng Gà với vẻn vẹn 2 ông Bs và vài chục cán bộ nhân viên các loại, so với ngày nay (1996) đội ngũ của ta thật hùng hậu biết bao!
Tổng số cán bộ nhân viên của Viện năm 1997 là 232 người với hơn 50 bác sĩ, trong đó nhiều người có học hàm, học vị:
- 3 Giáo sư (Nguyễn Trọng Nhân, Cù Nhân Nại, Hà Huy Tiến).
- 6 Phó Giáo sư (Nguyễn Duy Hoà, Nguyễn Duy Tân, Tôn Thị Kim Thanh, Lê Hoàng Mai, Đinh Thị Khánh, Hoàng Thị Phúc).
- 15 Phó Tiến sĩ (Nguyễn Trọng Nhân, Tôn Thị Kim Thanh, Nguyễn Văn Dũng, Lê Thị Hoàng Mai, Đinh Thị Khánh, Trần Thị Nguyệt Thanh, Trương Tuyết Trinh, Tô Thị Oanh, Hoàng Minh Châu, Đỗ Như Hơn, Nguyễn Thị Anh Thư (đã tạ thế), Phạm Thị Khánh Vân, Đào Thị Lâm Hường, Nguyễn Chí Dũng, Hoàng Thị Phúc).
- 7 Thạc sĩ (Hà Huy Tài, Vũ Thị Bích Thuỷ, Trần An, Phạm Thị Kim Thanh, Hoàng Trần Thanh, Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Trọng Văn).
Và hàng chục bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2, hàng chục cán bộ đại học các ngành (kỹ sư, đại học tổng hợp, kinh tế tài chính...).
Các khoa chuyên môn được sắp xếp là và chuyên khoa hoá sâu hơn. Có 5 khoa lâm sàng là:
- Khoa Mắt hột và Kết mạc (Chủ nhiệm khoa [CNK] là PGS. Nguyễn Duy Tân, Phó Chủ nhiệm khoa [PCNK] PGS. Đinh Thị Khánh...).
- Khoa Chấn thương (mới đầu CNK là GS. Phan Đức Khâm, sau là Bs. Lê Thị Hợi, các PCNK là Bs Nguyễn Thị Đợi, PTS. Nguyễn Thị Anh Thư...).
- Khoa Mắt Trẻ em và Lác - Vận Nhãn (mới đầu CNK là GS. Hà Huy Tiến, sau là Bs. Nguyễn Hà Quang, rồi đến PGS. Tôn Thị Kim Thanh, PCN Bs. Phạm Thị Ngọc Bích...).
- Khoa Y học cổ truyền và bệnh Đáy Mắt (CNK là GS. Cù Nhân Nại, các PCNK là Bs. Cúc Anh, Bs. Bùi Minh Ngọc...).
- Khoa Tổng hợp chuyên sâu về bệnh Glôcôm (mới đầu CNK là GS. Nguyễn Trọng Nhân, sau là Bs. Lã Huy Biền, các PCNK là PGS Lê Hoàng Mai, PTS. Trần Nguyệt Thanh, PTS. Trương Tuyết Trinh).
Và các khoa phòng khác:
- Khoa Phẫu thuật - gây mê (CNK là Bs. Nguyễn Thị Tuyết). Khoa Điện Quang (CNK Bs. Đinh Văn Sỹ).
- Khoa Thăm dò chức năng (mới đầu CNK là Bs. Thái Thọ sau là Ks. Hoàng Hồ).
- Khoa Dược (CNK Ds. Nguyễn Cảnh Hà, Ds. Nguyễn Thị Kim Nhung, PCNK Ds. Dương Quỳnh Hương).
- Phòng Khám bệnh - Điều trị ngoại trú (phụ trách là các Bs. Lê Thị Định, Hoàng Kim Sinh, Ngô Thị Thuỷ...).
- Khối Khoa học cơ sở - Xét nghiệm (Trưởng phòng mới đầu Bs. Nguyễn Hiền, sau là Bs. Võ Thế Sao, Bs. Trần Văn Ấm).
Khối tham mưu kế cận gồm có:
- Phòng Huấn luyện - NCKH (TP mới đầu là Gs Hà Huy Tiến, sau này là PGS Lê Hoàng Mai, PP là PTS Nguyễn Văn Dũng).
- Phòng chỉ đạo chuyên khoa (TP mới đầu là BS Vũ Công Long, sau này là BS Đỗ Văn Đức, 2 phó phòng là PTS Nguyễn Chí Dũng và Thạc sĩ Hà Huy Tài).
- Phòng hành chính - Quản trị (TP là DS Nghiêm Xuân Kiên).
- Phòng Tài chính - Kế toán (Trường phòng mới đầu là Ks. Nguyễn Thị Mạn Vân, sau là Ks. Lê Kim Dung, Ks. Vũ Lệ Xuân)v.v...
- Phòng Tổ chức cán bộ (Trưởng phòng là ông Hồ Ngọc Châu, Phó trưởng phòng là Đỗ Việt Hải).
Về cơ sở vật chất - Năm 1992, xây xong dãy nhà 5 tầng phía đường Bùi Thị Xuân, tập trung 4 khoa lâm sàng về đó (trừ Khoa Tổng hợp vẫn ở chỗ cũ và được nới rộng thêm). Tiếp sau đó còn cải tạo lại khu vực nhà mổ, nhà ăn cho bệnh nhân. Số giường bệnh thường xuyên ngoài 200 nhưng cũng có lúc quá tải, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép. Trang thiết bị nội thất các khoa phòng và nơi làm việc được thay thế dần. Một số phòng được trang bị máy tính điện tử (computer), hiện đại hoá công tác kế toán, thống kê, văn thư, lưu trữ. Máy móc chuyên môn của Viện cũng như của ngành ngày càng nhiều và hiện đại hơn. Cho nên đã thành lập hẳn một bộ phận chuyên lo việc bảo dưỡng, phân phối các máy móc, dụng cụ chuyên môn cho toàn ngành, gọi là Phòng Vật tư - thiết bị y tế (do Kỹ sư điện Pham Văn Kính phụ trách). Nói chung cơ ngơi, bộ mặt của Viện bây giờ so với trước hầu như đã thay đổi hoàn toàn, khang trang, to đẹp hơn nhiều.
3. NHỮNG TIẾN BỘ MỚI TRONG CÔNG TÁC CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
Trước đây, trong thời kỳ cả nước đang có chiến tranh, máy móc, dụng cụ chuyên môn rất hạn chế. Tiến bộ kỹ thuật chủ yếu là phát huy sáng kiến, cái tiến, khắc phục khó khăn trên cơ sở có gì dùng nấy, thậm chí có những thứ đã bỏ đi, ta nhặt lại, sửa chữa, cải tiến để sử dụng. Do đó mà về mặt chẩn đoán và điều trị, ngành mắt chúng ta có nhiều chậm trễ, nếu không muốn nói là lạc hậu, so với nền nhãn khoa tiên tiến của thế giới và ngay cả với một số nước trong khu vực.
Nhưng từ sau khi đất nước thống nhất, giao lưu quốc tế mở rộng, nhờ tranh thủ được viện trợ từ nhiều nguồn mà tình hình trang thiết bị máy móc, dụng cụ của Viện cũng như của ngành được đổi mới và hiện đại hoá dần. Trên cơ sở đó, chất lượng chẩn đoán và điều trị được nâng cao, cho phép chúng ta bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới trên một số vấn đề kỹ thuật.
Có thể nêu lên một số tiến bộ sau đây:
Về bệnh glôcôm, chất lượng chẩn đoán và điều trị được nâng cao. Bệnh được phát hiện sớm hơn (ngay từ trong gia đình, họ hàng của bệnh nhân) và chính xác hơn (kể cả những hình thái ít gặp như glôcôm không tăng nhãn áp, glôcôm thể mi, glôcôm thứ phát sau những bệnh lý phức tạp). Các máy móc, phương tiện hiện đại cũng như các kỹ thuật mới được khai thác, vận dụng triệt để (từ các tét phát hiện, nhãn áp ký, đo bán kính độ cong giác mạc, độ sâu tiền phòng, đến soi góc, đo thị trường đồng cảm...). Nhờ đó mà chỉ định điều trị, phẫu thuật được hợp lý từng ca cụ thể. Về phẫu thuật glôcôm, từ năm 1972, PTS Nguyễn Trọng Nhân đã thực hiện phương pháp cắt bè củng - giác mạc (theo Cairns). Đến năm 1980, lại đề xuất phẫu thuật mang tên “kẹt củng mạc dưới vạt củng mạc ” với kết quả lâu dài hạ nhãn áp đến 96%, mà lại có ưu điểm là không gây biến chứng bong thể mi - mạch mạc thường gặp trong các phương pháp phẫu thuật khác. Đồng nghiệp nước ngoài (Liên Xô, Pháp, Bỉ, Ấn Độ, Nhật, Mỹ...) đã ứng dụng và đánh giá cao, và đặt tên "phẫu thuật Nhân". Tuy nhiên phẫu thuật đòi hỏi phải mổ dưới kính hiển vi với dụng cụ vi phẫu, các thao tác bóc tách 3 lớp củng mạc phải tinh vi, do đó cũng khó khăn. Vì vậy đến cuối những năm 80, PTS Lê Hoàng Mai đã cải tiến từ 3 lớp thành 2 lớp, dễ thực hiện hơn và có thể mổ với kính lúp thông thường. Khoa Tổng hợp cũng đã sử dụng Laser Diode đốt thủng mống mắt ở vùng ngoại biên để điều trị glôcôm góc đóng nguyên phát, hạ nhãn áp đến 87,7%, có thể áp dụng cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Từ 1992, khoa cũng đã bước đầu ứng dụng Laser Diode (bán dẫn, ánh sáng đỏ) đốt vùng bè (theo Wise), điều trị glôcôm góc mở.
Kỹ thuật xử lý bong võng mạc có nhiều tiến bộ mới từ chẩn đoán, khu trú vết rách đến giải quyết bong bằng các phương pháp khác nhau tuỳ theo từng trường hợp: từ rút ngắn củng mạc, đóng đai, ấn độn silicôn, cuống rau, tháo dịch, bơm khí, gaz... nâng tỷ lệ thành công lên đến 90%. Đặc biệt là gần đây với kỹ thuật cắt dịch kích ứng dụng trong những trường hợp bong có co kéo, tăng sinh, lỗ hoàng điểm... đã giúp ổn định kết quả phẫu thuật và giảm tỷ lệ tái phát. Laser cũng đã được ứng dụng điều trị các biến chứng do bệnh đái đường.
Một trong những tiến bộ quan trọng trong ngành Mắt ở những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX là sự phát triển của phẫu thuật dịch kính – võng mạc, mở đường cho việc nghiên cứu phát triển vi phẫu thuật nội nhãn ở Việt Nam.
Năm 1990, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nhãn khoa Pháp, Viện Mắt được trang bị 1 máy cắt dịch kính chạy bằng điện. Một năm sau đó, bác sỹ Đỗ Như Hơn tu nghiệp từ Pháp trở về đã bắt tay vào nghiên cứu, triển khai áp dụng kỹ thuật cắt dịch kính ở Viện Mắt. Thời điểm đó, phẫu thuật cắt dịch kính được bắt đầu nghiên cứu trong hoàn cảnh “nguyên sơ”, trang thiết bị và các phương tiện hỗ trợ thiếu thốn, thô sơ, thậm chí kim truyền nước vào mắt cũng không có…
Phẫu thuật dịch kính – võng mạc ở Việt Nam, sau hơn 1 thập kỷ được nghiên cứu, không ngừng phát triển và có những tiến bộ vượt bậc về ký thuật, máy móc và đội ngũ phẫu thuật viên. Phẫu thuật dịch kính – võng mạc được quan tâm thực hiện và phát triển từ đơn giản đến phức tạp, từ thô sơ đến tinh xảo, hiện đại. Từ một máy cắt dịch kính đơn giản, tốc độ cắt tối đa 400 lần/1 phút đến nay đã trang bị những máy móc có tốc độ cắt tối đa 1.500/phút. Từ kính Schepens soi đáy mắt đã trang bị lăng kính ba mặt gương với đèn khe, đến nay đã phát triển phẫu thuật nội soi hiện đại. Các dụng cụ vi phẫu ngày càng được tăng cường trang bị hiện đại hơn. Lĩnh vực phẫu thuật dịch kính võng mạc là lĩnh vực liên quan đến các bệnh thuộc bán phần sau của đáy mắt, rất phức tạp và đỏi hỏi kỹ năng cao, sự kiên trì, tinh tế và chính xác đến từng động tác, tuy nhiên những thành công và tiến bộ của vi phẫu thuật nội nhãn ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều bác sỹ nhãn khoa và đang hình thành đội ngũ phẫu thuật viên chuyên môn sâu, tay nghề vững vàng, có thể thực hiền điều trị các bệnh mắt phức tạp như: xuất huyết dịch kính, tổ chức hoá dịch kính, viêm mủ nội nhãn, bong võng mạc, lỗ hoàng điểm, màng trước võng mạc…
Ghép giác mạc, một phẫu thuật đã được thực hiện ở Viện từ những năm đầu thập kỷ 50, trải qua nhiều bước thăng trầm, có thời gian hầu như dẫm chân tại chỗ bởi một khó khăn duy nhất là nguồn cung cấp giác mạc (mắt người vừa mới chết). Cho đến nay khó khăn này vẫn còn đó mặc dầu trong những năm qua đã nhiều lần Ban Lãnh đạo Viện đề nghị lên Bộ và Thủ tướng Chính phủ cho phép lấy mắt người chết để phục vụ người sống. Tuy nhiên trong những năm gần đây, Khoa Mắt hột - Giác mạc và Khoa Tổng hợp đã vượt qua mọi khó khăn để không những duy trì mà còn phát triển thêm kỹ thuật ghép giác mạc. Nhiều kiểu ghép cổ điển và hiện đại đã được thực hiện (ghép nông, ghép xuyên, nông - xuyên, toàn bộ, bộ phận, lắp giác mạc nhân tạo cho một số bệnh nhân...) mở rộng chỉ định điều trị cho nhiều bệnh của giác mạc, như các trường hợp loét dai dẳng, tái phát nhiều lần, đã thủng hoặc doạ thủng, loét Mooren, nấm, vi khuẩn, các loạn dưỡng thoái hoá giác mạc... Nói đúng ra yêu cầu của bệnh nhân về ghép giác mạc rất cao, Viện và một vài trung tâm nhãn khoa khác mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Về nhu cầu ghép giác mạc và biện pháp giải quyết, vừa qua Trung tâm Nhãn Khoa Điện Biên Phủ (TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức một cuộc điều tra thăm dò khá lý thú: trong số 2.342 người được hỏi đã có 36,2% đồng ý hiến mắt khi từ trần, 62,5% tán thành những cuộc vận động hiến mắt. Chúng ta còn nhớ hồi đầu năm nay (1997) TP Hồ Chí Minh đã đưa ra cuộc vận động “chuyển giao sự sống” và thăm dò ý kiến của một bộ phận nhân dân thì có 20% ủng hộ cuộc vận động và 36% đồng ý hiến mô. Đặc biệt là trong giới thanh niên và sinh viên y khoa đã có phong trào rầm rộ đăng ký hiến mô. Như vậy chúng ta thấy vì sức khoẻ nhân dân, vì hạnh phúc của người sống, nhiều người sẵn sàng công hiến các bộ phận của thi thể mình để cứu sống người khác. Ở nhiều nước trên thế giới, từ lâu đã có “ngân hàng mắt” sẵn sàng cung cấp các bộ phận của mắt (giác mạc, củng mạc...) cho những ai cần, trong đó nổi tiếng nhất là ngân hàng mắt của Srilanca.
Tuy vậy trong thực tế vận dụng, luật lấy mô tử thi vẫn còn nhiều điều ràng buộc, nói chung là không đơn giản. Mỗi nước có một cách làm riêng... Ví dụ như ở Áo, từ 1995 đã đặt ra luật “Danh sách những người từ chối”. Nếu ai đó trước khi chết không có tên trong bảng danh sách này thì có nghĩa là đã đồng ý hiến mô và y tế có thể lấy mô mà không cần sự đồng ý của thân nhân. Ở Pháp, bắt đầu từ năm 1996, có lập “Bảng danh sách toàn quốc những người từ chối” để người ta đến đăng ký trước. Cho nên ai đó chết mà y tế muốn lấy mô thì phải thông qua nơi đăng ký danh sách này. Và chỉ được lấy mô với 3 điều kiện: hết thở, tim ngừng đập và không còn đo được điện não. Ở Tây Ban Nha thì người bệnh có thể tình nguyện hiến mô nhưng phải viết ra giấy trắng mực đen. Và nếu có một thân nhân nào đó không đồng ý thì cũng không được lấy.Ở Anh thì Bộ Y tế lập chương trình vi tính ghi danh sách 4,5 triệu người Anh tình nguyện cho và mỗi người được cấp một thẻ “tình nguyện”. Nhật Bản là nước ngặt nghèo nhất trong vấn đề lấy mô. Trước đây họ cấm việc ghép tổ chức, ai vi phạm sẽ bị truy tố, do đó bệnh nhân cần ghép thường đi ra nước ngoài. Hiện nay thì đã khác; người Nhật khi còn sống phải làm giấy cam kết đồng ý hiến mô nhưng còn phải được sự đồng ý của thân nhân và phải được 2 bác sĩ xác nhận thời điểm chết của não bộ.
Ở Việt Nam ta, trong điều luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân, chương 4, điều 30 có quy định rằng ngành y chỉ được lấy mô và tạng ghép sau khi có sự đồng ý của bệnh nhân và thân nhân. Như vậy có thể coi đây như là cơ sở pháp lý để các trung tâm có thể lấy mắt tử thi làm phẫu thuật ghép giác mạc phục vụ người bệnh. Nhưng trên thực tế việc lấy mắt tử thi công khai và hợp pháp vẫn còn rất nhiều khó khăn do phong tục, tập quán và những điều mê tín dị đoan trong nhân dân, nên ít ai cho mắt. Vì thế giải pháp tốt nhất vẫn là có một ngân hàng mắt để lúc nào cũng có sẵn mô phục vụ cho người bệnh, chứ như hiện nay còn phải đi “xin” từng con mắt của người chết thì vẫn còn nhiều khó khăn cả cho y tế và cho người bệnh cần được ghép.
Điều trị các bệnh nấm ở kết - giác mạc, ngày nay đã có nhiều loại biệt dược có hiệu quả như Nizoral (Ketoconazole), Sporal, Daktarin, Natamycine, tuỳ theo loại nấm mà chọn thuốc. Bệnh giác mạc do Virut écpét có chiều hướng ngày càng tăng. Thuốc IDU tỏ ra có hiệu quả nhất nhưng nếu sử dụng kéo dài có thể gây tổn hại cho tế báo lành của giác mạc.
Cũng cần ghi lại một tình trạng đáng tiếc đã xảy ra trong khoảng 3 - 4 năm vừa qua là việc sử dụng bừa bãi các loại thuốc Coritcoid đã gây nhiều biến chứng tai hại cho các loét giác mạc hoặc gây tăng nhãn áp dẫn đến mù mắt (do nhân dân tự mua và một phần do những lời quảng cáo khoác lác của thị trường thời mở cửa).
Về chấn thương có các phẫu thuật tạo hình mi (sau mổ lấy u), tạo lại lệ quản (bằng ống Silicon)... Đặc biệt là giải quyết các di chứng chiến tranh đã có nhiều tiến bộ trong việc tạo cùng đồ, hốc mắt và lắp mắt giả. Viện đã có một xưởng nhỏ làm mắt giả theo yêu cầu của từng trường hợp, đáp ứng tốt về mặt kỹ thuật và mỹ quan (mầu sắc mống mắt, các mạch máu ở lòng trắng), rất thuận tiện cho bệnh nhân. Trước tình trạng các di chứng chiến tranh quá phức tạp, nhiều con mắt bị khoét bỏ không còn cùng đồ hoặc tổ chức hốc mắt thiếu hụt, nhóm tạo hình trong khoa chấn thương đã tập trung nghiên cứu các biện pháp giải quyết (có các Bs. Phan Đức Khâm, Hoàng Thị Luỹ, Ngô Thị Song Liễu, Lê Thị Hợi, Nguyễn Thị Đợi, Đỗ Ngọc Huỳnh v.v...). Đặc biệt là Bs. Đỗ Ngọc Huỳnh đã sáng tạo ra một bộ khung để tạo lại cùng đồ đúng kích thước, đạt mắt giả rất đạt. Nhân đây cũng ghi lại công lao của một số đồng chí đã góp phần tích cực vào việc cải tiến và phục hồi các loại dụng cụ phẫu thuật như Đỗ Văn Quy, Ngô Văn Toàn. Đỗ Văn Quy có một xưởng nhỏ tại nhà đã mày mò, chịu khó nghiên cứu sản xuất ra nhiều dụng cụ mổ theo mẫu mã của nước ngoài (nhất là của Moria) đạt chất lượng khá, kịp thời cung cấp cho các tỉnh (như các loại cặp, kéo nhỏ, kìm cặp kim khâu, thanh đè mổ quặm, kim khâu giác mạc, bộ đo nhãn áp...). Bs. Đỗ Ngọc Huỳnh còn làm ra hàng trăm kính lúp đeo trán bằng kim loại, cung cấp cho các đội chống mắt hột, góp phần nghiên cứu cải tiến ống nén tuyết CO2 hút thể thuỷ tinh trong bao. Bs. Huỳnh trước khi vào ngành y, đã được học 2 năm ở trường mỹ nghệ, khéo tay và nhiều sáng tạo.
Trong mấy năm gần đây kỹ thuật cắt dịch kính đã được ứng dụng trong lấy dị vật nội nhãn, mổ bong võng mạc và treo thể thuỷ tinh nhân tạo.
Từ đầu những năm 90, Bs. Cúc Anh và sau này là Bs. Bùi Minh Ngọc đã ứng dụng kỹ thuật mạch ký huỳnh quang để quan sát và ghi lại hình ảnh những biến đổi ở đáy mắt, nhờ đó mà chẩn đoán chính xác hơn một số tổn thương về bệnh hại của hắc - võng mạc (như tình trạng thiếu máu, tân mạch, tắc động mạch, tĩnh mạch trung tâm võng mạc, phù hoàng điểm dạng nang, phù võng mạc, tổn thương biểu mô, các rò rỉ ở lớp hắc mạc, biểu mô sắc tố, bong thanh dịch, các u hắc - võng mạc v.v...) Tuy đây là một kỹ thuật đã ra đời từ đầu thập kỷ 60 (do Mac Lean và Maumenee) và đã trở thành một phương pháp chẩn đoán thông thường ở các nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam ta thì kỹ thuật mạch ký huỳnh quang mới được ứng dụng đầu tiên ở Viện, so với thế giới chậm đến 3 thập kỷ song rõ ràng đó là một phương pháp tiên tiến không thể thiếu trong việc chẩn đoán các bệnh đáy mắt và cần được khuyến khích phát triển (năm 1982 Bs. Cù Nhân Nại đã nghiên cứu sử dụng nhưng rồi phải bỏ dở vì thiếu thuốc huỳnh quang).
Cùng với kỹ thuật siêu âm - điện võng mạc, điện nhãn cầu, soi đáy mắt qua kính tiếp xúc 3 mặt gương, khoa Đáy mắt đã có điều kiện để chẩn đoán những bệnh khó. Một số trường hợp có tổn hại đáy mắt như phù gai, viêm gai, phù hoàng điểm có liên quan đến nội sọ, thần kinh trung ương, cũng đã phối hợp với các viện bạn (như bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, Quân y viện 108, bệnh viện Bạch Mai) để chụp cắt lớp (Scanner).
Về các bệnh mắt trẻ em, đã phát hiện và xử lý sớm hơn bệnh glôcôm bẩm sinh bằng các phẫu thuật khác nhau, như mở góc tiền phòng, mở bè củng - giác mạc và 3 năm trở lại đây là cắt kẹt bè. Chỉ định cụ thể tuỳ theo từng trường hợp. Nói chung glôcôm bẩm sinh là bệnh khó điều trị, kết quả chức năng thường không cao. Vấn đề quan trọng nhất là phát hiện sớm và mổ sớm. Đục thể thuỷ tinh bẩm sinh đã được phẫu thuật sớm, trước 1, 2 tuổi. Một số trường hợp trẻ lớn tuổi hơn có kết hợp đặt thể thuỷ tinh nhân tạo nhưng đây là một vấn đề còn cần nghiên cứu lâu dài. Nhiều trường hợp sau mổ được tập luyện điều trị nhược thị và phục hồi thị giác 2 mắt.
Về rối loạn vận nhãn, đã tuyên truyền và đẩy mạnh việc phát hiện và chữa sớm nhược thị, và lác cơ năng. Đặc biệt là việc điều trị nhược thị tại Viện và Trung tâm mắt Hà Nội, Hà Tây và TP Hồ Chí Minh... đã tổ chức điều trị ngoại trú và làm thí điểm ở nhiều lớp mẫu giáo, nhà trẻ. Kết quả cho thấy các cô giáo nhà trẻ, mẫu giáo, sau khi được hướng dẫn đã trở thành những cộng tác viên với Khoa mắt Trẻ em trong việc phát hiện và tổ chức điều trị sớm cho trẻ em bị lác mắt ngay ở trường lớp bằng phương pháp bịt mắt lành phối hợp tập luyện đồ hình, xâu hạt cườm,... cho khỏi nhược thị, và sau đó được mổ lác. Làm như vậy trẻ em bị lác mắt có nhiều triển vọng lấy lại được thị giác 2 mắt. Các phương pháp gia phạt cũng đã được áp dụng để điều trị những trường hợip bị nhược thị nhẹ hoặc vừa cho những trẻ em không chịu bịt mắt. Về kỹ thuật mổ lác thì sau khi đã tiêu chuẩn hoá được phương pháp mổ lác theo định lượng (từ năm 1969) cả nước đã áp dụng phương pháp này cho hàng vạn trẻ em và người lớn. Trải qua 3 thập kỷ thử thách và kiểm nghiệm, có thể nói đối với các hình thái lác ngang, chúng ta đã có được phương pháp phẫu thuật đáng tin cậy. Đối với lác có yếu tố chéo thì còn phải nghiên cứu nhiều. Đối với lác cơ năng có độ lác không ổn định, sụp mi một bên, phẫu thuật Faden tác động theo nguyên lý điều phối lại các xung thần kinh, tỏ ra có hiệu quả.
Nói tóm lại qua chặng đường 20 năm, từ sau ngày hoà bình được lập lại trong cả nước, có thêm nhiều điều kiện thuận lợi mới, Viện Mắt nói riêng và nói chung cả ngành mắt đã có những bước tiến bộ nhảy vọt về mặt khoa học kỹ thuật. Chủ yếu là trên 2 phương diện:
* Về chẩn đoán, chất lượng được nâng cao, toàn diện và chính xác hơn nhờ được trang bị thêm các máy móc, phương tiện và kỹ thuật hiện đại (cả về lâm sàng và cận lâm sàng).
* Về điều trị, 90% các phẫu thuật đã được mổ vi phẫu dưới kính hiển vi. Các kỹ thuật mổ xẻ mới đã được thực hiện trong tất cả các khoa. Phẫu thuật có gây mê đạt độ an toàn cao, hầu như không xảy ra tai biến nào nghiêm trọng (mỗi năm gây mê từ 2000 đến 3000 ca, gấp 10 lần so với trước năm 1965. Công tác hồi sức, cấp cứu, chăm sóc hậu phẫu tiến bộ rõ rệt. Khu nhà mổ được xây dựng lại, trang bị hiện đại hơn, (có 12 bàn mổ), có máy monitoring, máy điện tâm đồ theo dõi trong khi gây mê.
Ngày nay một số đỉnh cao của kỹ thuật, chúng ta đã bắt kịp trình độ thế giới. Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề, chúng ta còn phải cố gắng học tập, rèn luyện mới đuổi kịp vào thế kỷ tới.
4. CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG CHỐNG MÙ LOÀ:
Sau ngày thống nhất đất nước, cũng như nhiều chuyên ngành khác, đã hình thành dần dần các chương trình hành động có tầm cỡ quốc gia. Riêng ngành mắt đã có 3 chương trình là:
- Phòng chống bệnh mắt hột
- Mổ đục thể thuỷ tinh
- Bệnh khô mắt do thiếu Vitamine A
CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH MẮT HỘT:
Ngay từ năm 1955, sau khi đã tổ chức điều tra, nghiên cứu trên nhiều địa điểm ở các địa phương miền Bắc, nắm được sự phân bố bệnh mắt hột, Viện đã xây dựng quy hoạch công tác chống bệnh mắt hột gồm 4 giai đoạn. Chúng ta đã đi qua giai đoạn 1 (điều tra cơ bản, đào tạo cán bộ, xây dựng mạng lưới, và làm thí điểm). Từ năm 1965 chúng ta bước vào giai đoạn 2 là giai đoạn bắt đầu tấn công trên quy mô lớn, nhanh chóng hạ thấp tỷ lệ mắt hột hoạt tính và biến chứng. Và hiện nay chúng ta đang ở giai đoạn 3 là giai đoạn củng cố những thành quả đã đạt được về mặt điều trị, chống tái phát, chống nhiễm mới ở lớp người trẻ, đồng thời thanh toán tàn dư của bệnh mắt hột để lại trên mắt lớp người già.
Sau khi miền Nam được giải phóng, công tác phòng chống bệnh mắt hột nói riêng và nói chung là công tác phòng chống mù loà, bao gồm cả các tỉnh phía Nam (từ Quảng Trị trở vào), nhiệm vụ của Viện và của ngành càng nặng nề.
Tình hình bệnh mắt hột ở phía Nam nói chung là nhẹ hơn ở miền Bắc nhưng cũng có những vùng tỷ lệ mắt hột và biến chứng khá cao như vùng biển miền Trung và vùng Cao nguyên.
Vì số người bị bệnh mắt hột và biến chứng cả nước lên đến hàng chục triệu và phân bố không đồng đều nên đối tượng ưu tiên được điều trị là nhân dân ở các vùng có tỷ lệ bệnh cao, có các ổ mắt hột lưu địa là nguồn gốc lây nhiễm thường xuyên, tập trung vào trẻ em dưới 15 tuổi và học sinh các trường là môi trường thuận lợi cho việc tuyên truyền phòng bệnh và chữa trị. Tính ra mỗi năm có từ 3 đến 3 triệu rưỡi người được khám phát hiện bệnh và số người được điều trị theo phác đồ lên đến nửa triệu.
Về kinh phí cho phòng chống mắt hột.
Khoảng năm 1980, Bộ trưởng Vũ văn Cẩn gọi Bs. Trà và Bs. Nhân lên Bộ Y tế. Khi đồng chí Cẩn nói: “Dạo này không thấy nói tới mắt hột, có lẽ không còn vấn đề gì nữa phải không ?”. Chúng tôi trình bày tình hình phòng chống mắt hột cho Bộ trưởng nghe và để tiến tới thanh toán mắt hột đề nghị Bộ quan tâm giải quyết kinh phí mua thuốc kháng sinh Tétracyclin để sản xuất thuốc mỡ tra mắt. Bộ trưởng đồng ý và yêu cầu tính ngay cần bao nhiêu tiền. Chúng tôi phấn khởi vì được Bộ trưởng nhanh chóng thông cảm nên làm vài bài tính là ra ngay số lượng kháng sinh cần mua và số tiền cần được cấp. Nhìn số tiền lớn đồng chí Cẩn có vẻ đăm chiêu rồi gọi Vụ trưởng Tài chính đến để giải quyết. Vụ trưởng Tài chính báo cáo: “Thưa anh,số tiền lớn quá. Nó nhiều hơn cả toàn bộ kinh phí mà Chính phủ cấp cho ngành Y tế để phòng chống tất cả các bệnh xã hội ở nước ta. Nếu cấp đủ cho ngành Mắt thì không còn gì cho các bệnh xã hội khác !!!”. Bộ trưởng trầm ngâm suy nghĩ rồi khẽ hỏi: “Ta còn nghèo quá, có những biện pháp đơn giản nào phù hợp với hoàn cảnh của ta không ?”. Bs Nhân nói: “Chúng tôi đã vận động đào giếng để có nước sạch,tuyên truyền mỗi người có khăn rửa mặt riêng để tránh lây lan nhưng rất tiếc mậu dịch không có đủ khăn để bán phân phối cho mọi người dùng riêng !!!”..
Câu chuyện này được ghi lại để những thế hệ sau này hiểu được những khó khăn đã phải trải qua trong công tác phòng chống mắt hột ngay trong những lĩnh vực mà bây giờ và sau này lại hết sức đơn giản và dễ dàng.
Về phương pháp điều trị, bỏ hẳn cách kẹp hột, day hột mà áp dụng phương thức điều trị mới của Tổ chức Y tế thế giới: thời gian đầu theo phác đồ ngắt quãng (mỗi tháng điều trị 5 ngày, trong 6 tháng) thấy ít kết quả và không thuận lợi cho bệnh nhân, nên sau này toàn ngành thực hiện theo phác đồ điều trị liên tục, kết quả cao hơn (ban ngày rỏ thuốc nước ở trường, ban đêm tra một vài lần thuốc mỡ Tetraxyclin ở nhà liên tục trong 2, 3 tháng). Tính ra mỗi bệnh nhân chỉ cần 4 đến 5 lọ thuốc nước Clôrôxid, SMP và 2 tuýp thuốc mỡ là khỏi bệnh. Nhờ đội ngũ các thầy cô giáo tích cực tham gia nên kết quả thu được rất tốt. Trung bình mỗi năm có khoảng 400.000 người được chữa khỏi. Số thuốc đầu tư vào cũng không ít. Có thể nêu lên một dẫn chứng: trong kế hoạch 5 năm 1990 - 1995, riêng ở 25 tỉnh có chương trình điều trị mắt hột cho học sinh đã sử dụng hết 7.319.731 ống thuốc nước và 4.294.411 tuýp thuốc mỡ. Tính thành tiền đến hàng trăm triệu.
Nhờ điều trị tích cực mà tỷ lệ mắt hột hoạt tính qua từng giai đoạn đã giảm xuống một cách có ý nghĩa và xứng đáng với bao công sức bỏ ra: tỷ lệ mắt hột hoạt tính năm 1957 là 65%; năm 1981 là 19,9%; năm 1990 là 12,8% và đến năm 1995 xuống còn 7,04%.
Qua 40 năm gian lao vất vả, chúng ta đã phấn đấu giảm được 58%, hàng chục triệu người đã được chữa khỏi mắt hột. Có thể nói đó là một thành tích vô cùng to lớn mà ít nước trên thế giới làm được. Chặng đường còn lại phải tiếp tục phấn đấu thanh toán nốt 7,04% để loại trừ vĩnh viễn bệnh mắt hột ra khỏi đời sống nhân dân ta. Tỷ lệ này tuy thấp nhưng chặng đường còn lại để thanh toán nó còn nhiều khó khăn và cũng chưa biết dài đến bao lâu vì đào tận gốc trốc tận rễ một căn bệnh có nguồn gốc xã hội từ lâu đời không phải đơn giản. Hơn nữa bộ mặt thực của nó cũng còn khá phức tạp: tỷ lệ mắt hột hoạt tính chung cho cả nước là 7,04% nhưng có vùng thì tỷ lệ thấp như đồng bằng sông Cửu Long và các vùng thành thị (3%), ngược lại có những vùng óc tỷ lệ khá cao như vùng biển miền Trung (13%), vùng biển miền Nam và vùng núi phía Bắc (11,8%). Có một sự thậ làm chúng ta không ngờ là tỷ lệ mắt hột hoạt tính ở đồng bào dân tộc (12,1%) lại cao hơn hẳn người Kinh (6%) (theo báo cáo điều tra dịch tễ học mù loà và một số bệnh về mắt của Viện năm 1995). Phải chăng vì mức sống của đồng bào thiểu số còn thấp và vệ sinh phòng bệnh kém? Ngoài ra thì tỷ lệ mắt hột tái phát và nhiễm mới cũng không phải là thấp. Ví dụ trước đây, trong các năm 1956 và 1958, qua các cuộc phúc tra, khảo sát lại của Viện ở 3 xã (ở các tỉnh Hải Dương, Thanh Hoá và Phú Thọ) đã được đoàn chuyên gia Liên Xô cũ điều trị khá chu đáo, đã thấy tỉ lệ mắt hột tái phát nơi thấp nhất là 16%, nơi cao nhất là 35%; quặm tái phát sau mổ nơi thấp nhất là 20%; nơi cao nhất là 41%. tỷ lệ nhiễm mới ở xã Quang Phúc (Hải Hưng) 10%, ngay ở Hà Nội cũng lên tới 10 - 13%. Năm 1985, một đoàn do Gs. Viện trưởng Nguyễn Trọng Nhân dẫn đầu, có sự tham gia của Bs. Konyama (chuyên viên Tổ chức Y tế thế giới), gồm cán bộ của Bộ Y tế, Viện Mắt và 4 tỉnh (Nghệ An, Hà Nam Ninh, Hải Hưng, Thái Bình) về kiểm tra xã Hoàng Lộc (Hoàng Hoá, Thanh Hoá) đã công nhận là xã đầu tiên cơ bản thanh toán bệnh mắt hột với tỷ lệ hoạt tính còn 4%. Thế mà đến năm 1989, Viện có về kiểm tra lại một đội sản xuất thấy tỷ lệ mắt hột hoạt tính lên tới 11,5%. Như vậy có nghĩa là công tác vệ sinh phòng bệnh, chống nhiễm mới chưa đạt yêu cầu. Đúng là con đường tiến lên thanh toán bệnh mắt hột còn nhiều gian truân, vất vả, còn phải tốn nhiều công sức.
Mổ quặm là một yêu cầu cấp bách vì hiện nay nó là nguyên nhân đứng hàng thứ hai (sau đục thể thuỷ tinh) gây mù loà. Trong giai đoạn vừa qua cả ngành mắt tập trung sức vào công tác này. Không những chỉ mổ ở Trạm Mắt, Khoa mắt mà còn mổ ở tuyến huyện, tuyến xã. Gần nửa triệu người đã được mổ quặm. Tỷ lệ quặm từ 6,42% (1965) nay xuống còn 1,15% với số bệnh nhân vào khoảng 800.000 người, trong đó 1/4 cần được mổ, phần nhiều là ở lớp người già trên 50 tuổi. Nếu mỗi năm mổ 100.000 ca thì chỉ trong vài năm nữa là cơ bản ta thanh toán được những trường hợp quặm nặng gây giảm thị lực. Khác với bệnh mắt hột, lông quặm có thể thanh toán được bởi vì nó không lây nhiễm và hơn nữa hình thái lâm sàng mắt hột ngày nay đã nhẹ hơn trước nhiều, khó dẫn đến biến chứng quặm. Có thể nói phần lớn các trường hợp quặm là di chứng tồn đọng của bệnh mắt hột từ thời xa xưa. Cho đến nay đã có 10 tỉnh ở miền Bắc và một tỉnh ở phía Nam (Phú Khánh) đã được công nhận là cơ bản thanh toán lông quặm.
Trong những năm đầu sau chiến tranh và thống nhất đất nước, trong công tác phòng chống mắt hột vất vả, muốn ghi lại chút kỷ niệm về bài ca “Đôi mắt”:
Khoảng năm 1986, trong một chuyến đi khảo sát công tác phòng chóng mắt hột ở Quảng Nam - Đà Nẵng, các bác sỹ Nguyễn Trọng Nhân và Vũ Công Long chợt nghe thấy bài hát “Đôi mắt” được nhạc sỹ Xuân Hồng ca ngợi với âm điệu dịu dàng, lời lẽ có đoạn rất trữ tình và có đoạn rất sắc sảo về lập trường:
“ Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời
Để nhìn đời và để làm duyên.
Đời cho em đôi mắt màu đen,
Để thương, để nhớ, để ghen, để hờn.
Đôi mắt em là cửa ngõ tâm hồn,
Là bài thơ hay nhất, là lời ca không dứt,
Là tuyệt tác của thiên nhiên!
Mẹ cho em đôi mắt tuyệt vời
Giữa dòng đời nhìn rõ đục trong
Nhìn non cao soi bóng biển Đông,
Sáng như tia nắng rọi trong sương mờ.
Đôi mắt em để nhìn rõ quân thù,
Nhìn tình bạn tươi thắm,
Nhìn người yêu say đắm,
Nhìn Tổ quốc đẹp thiên thu!”
Thấy mọi người thích thú bài hát, bác sỹ Bình – Trưởng trạm Mắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã thu băng tặng đoàn của Viện Mắt. Từ đó những khi họp ngành, mọi người hay hát bài hát này và gọi đùa là bài ca của ngành Mắt. Và đặc biệt trong lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Viện Mắt, theo đề nghị của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, GS. Tôn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Mắt đã say sưa hát bài “Đôi mắt” và đã được mọi người nhiệt liệt hoan nghênh.
CÔNG TÁC MỔ ĐỤC THỂ THUỶ TINH
Sau khi đã hạ thấp được tỷ lệ bệnh mắt hột và các biến chứng của nó thì bệnh đục TTT nổi lên là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà vì số người tồn đọng đã quá cao. Trải qua hơn 2 thập kỷ phát động phong trào giải phóng kỹ thuật mổ đục TTT xuống tận tuyến huyện, ngành mắt đã được trang bị khá tốt về dụng cụ phẫu thuật, nếu nơi nào không mổ thì cảm thấy có tội với nhân dân, có lỗi với Viện, với Ngành, nên phải cố gắng mổ. Chẳng hạn như các tỉnh ở vùng cao, vùng xa (Bắc Cạn, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn...), mỗi nơi chỉ có 1 bác sĩ, vài ba y tá, cũng đã bắt đầu mổ đục TTT. Có những nơi năng suất mổ tăng gấp 3, gấp 4 ngày trước. Lấy năm 1994 làm ví dụ: Trạm mắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã mổ được 2.799 ca; TP. Hồ Chí Minh 1.357 ca; Bình Định 1.092 ca... Trong các khoa mắt bệnh viện thì mổ nhiều nhất là Trung tâm nhãn khoa TP. Hồ Chí Minh (4.302 ca); bệnh viện TW Huế (1.113 ca); khoa mắt bệnh viện Cần Thơ (807 ca)... Người nắm kỷ lục mổ nhiều nhất trong năm 1994 là y sĩ Hoàng Anh Linh ở Trạm mắt tỉnh Ninh Thuận với 504 ca!
Nói chung là số lượng phẫu thuật đục TTT trong cả nước mỗi năm một tăng, đặc biệt là trong kế hoạch 5 năm vừa qua, đạt cao hơn bao giờ hết:
* Năm 1991: mổ được 16.000 ca.
* Năm 1992: 22.000 ca
* Năm 1993: 28.000 ca
* Năm 1994: 31.000 ca
* Năm 1995: 35.000 ca
* Năm 1996: 45.000 ca
So với 5 năm trước (1985 - 1990) thì trong 5 năm vừa qua, số lượng mổ đã tăng hơn 2 lần, so với 5 năm trước nữa thì tăng hơn 8 lần. Đó là sự cố gắng chung của toàn ngành rất đáng hoan nghênh. Nhưng nếu đối chiếu với yêu cầu của nhân dân, với khối lượng công việc cần làm thì chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Cả nước ta hiện có 750 bác sĩ chuyên khoa mắt (và hơn vài trăm y sĩ), tính ra 1 bác sĩ phục vụ cho 96.000 dân là một tỷ lệ cao so với tiêu chí của Tổ chức y tế thế giới đề ra là một bác sĩ cho 250.000 dân. So với một số nước trong vùng Đông Nam á thì tỷ lệ của ta cũng cao hơn. Ví dụ Malaysia có 1 bác sĩ cho 258.571 dân; Philippin: 1 bác sĩ cho 210.000 dân; Papua New Guinea: 1 bác sĩ cho 780.000 dân.
Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới thì một bác sĩ mắt của ta phải mổ từ 150 - 200 ca mỗi năm mới đáp ứng yêu cầu phục vụ để giải quyết số bệnh nhân tồn đọng. Thế mà trong năm 1996 (là năm mổ nhiều nhất), bình quân đầu người, 1 bác sĩ mắt của ta mới chỉ mổ được 60 ca.
Về phương pháp mổ đục TTT cho cộng đồng, trong 2 thập kỷ qua, chủ yếu vẫn là phương pháp mổ lấy TTT toàn bộ trong bao bằng kỹ thuật đông lạnh (dùng ống hút bằng kim loại tự tạo nén tuyết CO2 hoặc Gas bật lửa như Butane...) Dĩ nhiên là mổ theo phương pháp này thì sau mổ bệnh nhân phải đeo một đôi kính số cao mới nhìn rõ được thêm, nhưng đối tượng mổ đa số là người già không đi lại nhiều nên ít người cần đến kính.
Nhân đây cũng ghi lại một sự việc nay đã đi vào dĩ vãng. Đó là sau đợt đi tham quan Ấn Độ về (đầu thập kỷ 80), Bs. Vũ Công Long có đề nghị với lãnh đạo viện cho tổ chức một thí điểm (ở huyện Ninh Thanh, Hải Hưng) mổ đục TTT theo mô hình dây chuyền của Ấn Độ (Eye Camp): phòng mổ có 2, 3 bàn cho bệnh nhân nằm chuẩn bị phẫu thuật. Mỗi bàn do 1 y tá phụ trách, làm các việc như rỏ thuốc, sát trùng, cắt mở kết mạc và phụ mổ. Tiếp sau đó thì bác sĩ vào mổ theo phương pháp lấy TTT bằng đông lạnh rồi khâu đường mở giác mạc bằng 5 mũi chỉ rời. Sau đó giao cho y tá vuốt 2 mép vết rạch kết mạc (không khâu). Thế là xong một ca và bác sĩ chuyển sang mổ ở bàn thứ 2 (đã được y tá chuẩn bị như ở bàn 1). Và rồi cứ thế lặp lại dây chuyền mổ. Từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa một bác sĩ mổ được từ 20 đến 30 bệnh nhân. Sau thí điểm ở Ninh Thanh, Viện tổ chức 2 lớp tập huấn (một ở Đồ Sơn cho các tỉnh phía Bắc, một ở Cần Thơ cho các tỉnh phía Nam), hướng dẫn cách tổ chức Eye Camp. Theo Bs Vũ Công Long cho biết thì trong mỗi buổi mô, các bác sĩ đã mổ từ 15 đến 17 bệnh nhân một cách thoải mái. Ưu điểm là như thế nhưng không hiểu tại sao về sau không nơi nào thực hiện. Phải chăng là vì hoàn cảnh nước ta còn có những điều chưa thuận tiện (ví dụ như thói quen mổ theo kiểu cũ).
Về vấn đề đặt thể thuỷ tinh nhân tạo phục vụ rộng rãi cho cộng đồng, bắt đầu từ năm 1992 mới thực hiện được nhờ sự giúp đỡ của Quỹ Fred Hollows và nhiều tổ chức khác về vật liệu, phương tiện cũng như tiền bạc. Trước đó, từ 1978, bs Nguyễn Trọng Nhân đã mổ đục thể thuỷ tinh có đặt thể thuỷ tinh nhân tạo (của GS. S. Fêđôrốp tặng) nhưng số lượng ít vì thiếu thể thuỷ tinh nhân tạo. Năm 1981 khi bs Nhân từ Pháp về đến thăm một khoa mắt ở Tây Berlin (nơi bác sĩ Thoại làm việc). Giáo sư Wollensak (sau này có thời kỳ là Chủ tịch hội Nhãn khoa Tây Đức) hết sức ngạc nhiên vì lúc đó ông chưa làm phẫu thuật này thế mà Việt Nam nghèo khổ mới ra khỏi chiến tranh lại có thể thực hiện được. Ngày nay phẫu thuật này không những chỉ mổ ở các khoa mắt tỉnh mà các Trạm Mắt còn đi mổ lưu động ở các huyện. Như một luồng gió mới, trong ngành đã dấy lên phong trào rèn luyện tay nghề lắp thể thuỷ tinh nhân tạo. Trước yêu cầu của tình hình, Viện đã mở 10 lớp tập huấn (cho 150 bác sĩ của Viện và các địa phương) về kỹ thuật mổ đục thể thuỷ tinh ngoài bao và đặt thể thuỷ tinh nhân tạo. Do đó sau những trung tâm lớn như Viện Mắt, TP Hồ Chí Minh, Quảng Nam - Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế là những con chim đầu đàn thì tiếp theo là hàng loạt các Trạm Mắt, khoa Mắt cũng bắt đầu đặt thể thuỷ tinh nhân tạo. Để rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục các thiếu sót, năm 1994 Viện đã cùng với các địa phương tổ chức cuộc hội thảo về chuyên đề “mổ đục thể thuỷ tinh có đặt thể thuỷ tinh nhân tạo” tại Đà Nẵng. Tỷ trọng phẫu thuật đục thể thuỷ tinh có đặt thể thuỷ tinh nhân tạo mỗi năm một tăng: năm 1995 là 30%, năm 1996 là 35%. Trong vòng 4 năm nay, tính trung bình mỗi năm đặt được 12 ngàn ca. Tuy vậy số người được mổ có đặt thể thuỷ tinh nhân tạo trong các cuộc mổ cho cộng đồng chưa nhiều vì vẫn còn những hạn chế nhất định về nguồn cung cấp thể thuỷ tinh nhân tạo cũng như về phương tiện, dụng cụ và kỹ thuật mổ. Vì thế, đúng như lời khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, đối với các nước đang phát triển thì trong việc mổ đục thể thuỷ tinh cho cộng đồng nên áp dụng phương pháp mổ lấy thể thuỷ tinh trong bao như bao năm nay ta đã và đang làm. Nó vừa đơn giản, rẻ tiền và dễ thực hiện.
PHÒNG CHỐNG BỆNH KHÔ MẮT CHO TRẺ EM DO THIẾU VITAMIN A
Khô mắt là một bệnh đặc trưng của trẻ nhỏ tuổi (dưới 5 tuổi) do dinh dưỡng kém, thiếu Protein - năng lượng, dẫn đến thiếu Vitamin A, thường biểu hiện sớm ở mắt (quáng gà, khô kết mạc). Nó là một nguyên nhân hàng đầu gây mù loà cho trẻ em nhưng trước đây ta ít đề cập đến vì chỉ có những trường hợp quá nặng, gần mù mới đi khám. Dưới thời Pháp thuộc, Bs Keller (1938) thống kê trên 750 trường hợp mù nằm viện thấy mù do khô nhuyễn giác mạc là 8% (đứng hàng thứ 4). Trong luận án tốt nghiệp Bs chuyên khoa của Phan Kiểm (về bệnh khô nhuyễn giác mạc ở trẻ em - 1957) một lần nữa cũng đã nêu lên hiểm hoạ của bệnh này. Tuy nhiên những công trình nói trên mới chỉ nghiên cứu trên số bệnh nhi đến Viện nên chưa phản ánh đúng thực trạng nghiêm trọng của vấn đề. Mãi cho đến năm 1983, Trung tâm mắt TP Hồ Chí Minh tổ chức một cuộc điều tra trên gần một vạn trẻ em, phát hiện thấy tỉ lệ bệnh khô mắt khá cao, và nhiều trẻ bị mù vì bệnh khô mắt, lần đầu tiên đã rung lên tiếng chuông cảnh báo và kịp thời phát hành ngay một tài liệu phổ cậ (Bệnh khôi mắt do thiếu Vitamin A và vấn đề mù dinh dưỡng). Đến năm 1985 mới thực sự có được một công trình nghiên cứu nghiêm túc về dịch tễ học của bệnh khô mắt ở trẻ em. Công trình này do Viện Mắt và Viện Dinh dưỡng cùng phối hợp làm. Công trình được thực hiện trên địa bàn 21 tỉnh (69 xã) ở cả 2 miền Nam, Bắc, có cả vùng thành thị và nông thôn, đồng bằng và miền núi. Đối tượng được điều tra là 34.214 trẻ em, tuổi từ 1 - 2 tháng đến 60 tháng. Chẩn đoán lâm sàng kỹ lưỡng và dựa theo tiêu chuẩn quốc tế (WHO 1982). Công trình được phân tích, đánh giá trên nhiều mặt. ở đây chỉ xin nêu lên một vài điểm cần biết như sau:
Tỷ lệ khô mắt 0,72%
Mù do khô mắt 0,06%
Lứa tuổi bị bệnh nhiều nhất là giữa 25 - 36 tháng.
Vùng sinh thái có tỷ lệ bệnh cao nhất là trung du miền Bắc, bờ biển nam Trung bộ (Thuận Hải) và Tây Nguyên (cao gấp 2 các vùng khác).
Nguyên nhân chủ yếu là hàm lượng Vitamin A trong khẩu phần của trẻ em rất thấp, chỉ bằng 10 - 15% nhu cầu. Ngoài ra còn do mẹ thiếu sữa cho con bú nên trẻ phải ăn sam quá sớm, hoặc do trẻ bị bệnh đường ruột (tiêu chảy kéo dài).
Qua cuộc điều tra này thấy rõ nguy cơ gây mù loà cho trẻ em do suy dinh dưỡng là rất nghiêm trọng. Vì vậy bắt đầu từ năm 1987 đã hoạch định chương trình phòng chống khô mắt và suy dinh dưỡng trên quy mô toàn quốc, do 3 Viện đầu ngành cùng phụ trách là Viện Dinh dưỡng, Viện Mắt và Viện Nhi. Và cũng từ đó công cuộc phòng chống bệnh này mới được thực hiện một cách khẩn trương và tích cực. Có thể nêu lên một số nét như sau:
Về điều trị và phòng bệnh nhờ nguồn viện trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và Ủy ban Hợp tác Khoa học Mỹ - Việt đã cấp phát cho các trạm mắt, khoa mắt và bệnh viện huyện, từ 1988 đến 1996, số thuốc là 3.600.000 viên nang Vitamin A (200 ngàn đơn vị).Đã mở 61 lớp huấn luyện cho 2.663 cán bộ (từ lãnh đạo đến cán bộ y tế xã).
Về giáo dục, tuyên truyền đã phát 3.000 tranh cổ động, 3.000 tập sách (dịch tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới) và hàng ngàn bài nói, bài viết qua phương tiện thông tin đại chúng.
Nhờ tích cực hoạt động mà kết quả mang lại thật ngoạn mục. Năm 1994, UNICEF và HKI đã cử chuyên gia sang thiết kế mẫu điều tra, trực tiếp kiểm tra, đánh giá và xử lý số liệu, 3 Viện đã tổ chức khảo sát trên 37.920 trẻ em dưới 5 tuổi ở 25 tỉnh, thành trong cả nước, thấy tỷ lệ trẻ em bị bệnh khô mắt đã giảm xuống đến 0,148%, một chỉ số đfược xem như là không còn có ý nghĩa cộng đồng theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới và Việt Nam đã trở thành nước thứ 2 (sau Inđônêsia) thành công trong công cuộc phòng chống bệnh khô mắt cho trẻ em. Đặc biệt có một số nơi đã xoá hẳn tình trạng trẻ em thiếu Vitamin A và không còn trường hợp khô mắt hoạt tính nào. Chẳng hạn như Quận 4, TP Hồ Chí Minh từ tỷ lệ 0,74% nay đã thanh toán xong, hay như Long An từ 0,4% nay cũng không còn trường hợp nào... Hà Nam Ninh từ tỷ lệ 0,73% nay giảm xuống còn 0,04%...
Thắng lợi là to lớn. Nhưng chúng ta không chủ quan vì bệnh khô mắt ở trẻ em trên căn bản vẫn là một bệnh của nghèo đói, thiếu Protêin - năng lượng, mà một bộ phận trong nhân dân ta vẫn còn nằm trong diện “xoá đói, giảm nghèo”. Vì vậy mà một mặt phải không ngừng nâng cao đời sống nói chung, mặt khác phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề nuôi dưỡng và chăm sóc vệ sinh, sức khoẻ cho trẻ em, trong thực phẩm phải có đủ chất sắt, iốt... Khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ. Bên cạnh đó vẫn phải tiếp tục chương trình hàng năm cho trẻ em uống viên nang Vitamin A bổ sung như hiện nay đang thực hiện đều đều... Nhờ viện trợ quốc tế mà hàng năm có đến 10,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi được bổ sung Vitamin A liều cao. Ngoài ra cũng cần nêu cao vai trò của chương trình tiêm chủng mở rộng hàng năm cho trẻ em đã góp phần bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng.
Cũng nên biết rằng: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNICEF) thì chừng nào trong cộng đồng còn một trường hợp khô mắt thì nơi đó thiếu Vitamin A vẫn còn là một vấn đề của sức khoẻ cộng đồng vì thiếu Vitamin A là một dấu hiệu của nghèo đói và lạc hậu.
5. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ
Sau khi đất nước thống nhất 2 miền Nam, Bắc, công tác đào tạo cán bộ trở thành nhiệm vụ cấp bách để đủ số lượng cung cấp cho cả 2 miền. Đối với miền Bắc thì phải đào tạo cán bộ chuyên khoa các loại từ sơ bộ đến chuyên khoa 2 để củng cố mạng lưới đã bị thủng lỗ chỗ do chia sẻ bớt cán bộ cho miền Nam (cán bộ tập kết ra đều trở về hết) và bổ sung thay thế cho một số khá nhiều người đến tuổi về nghỉ (đa số cán bộ phụ trách các trạm mắt, khoa mắt đều đã ở lứa tuổi 50, 60). Một số tỉnh vùng cao, vùng xa chưa có đủ cán bộ chuyên khoa, bệnh nhân không có nơi chữa bệnh, đổ về Viện, gây ra tình trạng quá tải. Đồng thời cũng phải đào tạo bác sĩ hoặc y sĩ chuyên khoa để xây dựng tuyến chuyên khoa cấp huyện và rồi từ đó xây dựng mạng lưới cơ sở xã làm công tác chăm sóc mắt ban đầu nằm trong hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho cộng đồng. Đối với miền Nam vừa được giải phóng, yêu cầu đào tạo cán bộ chuyên khoa càng cấp bách hơn vì ngoài TP Hồ Chí Minh và một vài đô thị khác như Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ... hầu như các tỉnh không có gì.
Để làm được nhiệm vụ nói trên, các trung tâm đào tạo của ngành dần dần từng bước được củng cố, tăng cường thêm, cả về số lượng và chất lượng. Năm 1997, Viện và Bộ môn mắt đã có 4 giáo sư và 7 phó giáo sư. Tham gia đào tạo sau đại học còn có hàng chục phó tiến sĩ, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm khoa. Có thể nói lực lượng khá hùng hậu.
Bộ môn mắt trường Đại học Y Hà Nội, ngoài công việc chính là giảng dạy cho sinh viên luân khoa Y4, Y5, còn góp phần vào việc đào tạo cán bộ chuyên khoa cho ngành. Giữa Viện và bộ môn đã có truyền thống gắn bó lâu đời (từ thời Pháp thuộc). Luôn luôn Giáo sư Viện trưởng kiêm cả Chủ nhiệm bộ môn (từ cố Gs Nguyễn Xuân Nguyên, cố PGS. Đào Xuân Trà, Gs Nguyễn Trọng Nhân cho đến bây giờ là PGs Tôn Thị Kim Thanh). Bộ môn cũng được tăng cường thêm nhiều cán bộ trẻ được tuyển chọn từ các khóa nội trú ra, có ngoại ngữ khá, chịu học, đọc và viết. Nay họ đều đã được công nhận là thạc sĩ cả. Bộ môn mắt hiện có 2 PGS (là Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm), 1 PTS, 5 thạc sĩ và 3 BS chuyên khoa 2.
Nhờ đẩy mạnh công tác đào tạo mà trong 2 thập kỷ vừa qua, số lượng các loại cán bộ chuyên khoa sau Đại học được đào tạo tại Viện đã lên đến 795 người (tăng 4,5 lần so với 2 thập kỷ trước). Cụ thể gồm có:
414 Bs chuyên khoa sơ bộ
290 Bs chuyên khoa cấp 1
35 Bs chuyên khoa cấp 2
41 thạc sĩ và cao học
15 phó tiến sĩ
Trong số này có 2 loại đối tượng mà trước kia chưa có là thạc sĩ và phó tiến sĩ. Nhất là phó tiến sĩ, việc hướng dẫn cho họ học tập, nghiên cứu, viết luận án là cả một quá trình lao động nhọc nhằn nhưng mà đầy sáng tạo của cả trò và thầy. Bù lại là họ đã viết được những bản luận án có giá trị khoa học và nghiên cứu, chứng tỏ họ đã nắm được những kiến thức vừa cơ bản, vừa hiện đại của vấn đề và họ cũng đã biết cách làm một công trình nghiên cứu nghiêm túc.
Nhờ đào tạo được số lượng cán bộ trên đây mà vừa qua chúng ta đã vá được các lỗ thủng, lấp được các chỗ thiếu trong mạng lưới chuyên khoa, nâng số khoa mắt tỉnh lên 70, số trạm mắt tỉnh lên 40 và số khoa mắt cho bệnh viện huyện lên 83. Có thể nói chưa bao giờ mạng lưới chuyên khoa mắt mạnh như lúc này. Với số cán bộ đào tạo ra, một số bộ môn mắt của các trường cũng được tăng cường thêm như trường Đại học Huế, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng... đã có phó tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành. Ngoài ra chúng ta còn cung cấp cán bộ chuyên khoa cho nhiều bệnh viện của các Bộ, các ngành, các công nông trường, xí nghiệp và cả cho quân y.
Riêng đối với ngành nhãn khoa quân y, ngay từ thời kháng chiến chống Pháp đã có nhiều gắn bó với Viện Mắt. Hầu hết cán bộ chuyên khoa mắt quân y đều đã được đào tạo từ Viện Mắt: kể từ những đồng chí đầu tiên là các bác sĩ Đào Xuân Trà, Nguyễn Huy Thuý, Hà Văn Trạch, Phan Kiểm, Trần Trọng Hoàn, Nguyễn Văn Quyên cho đến thế hệ kế tiếp là các bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trần Văn Quới, Huỳnh Văn Sổ, Nguyễn Văn An, Trần Quang Minh, Nguyễn Văn Bảo... rồi sau đó nữa là lớp các bác sĩ như Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Hồng Giang, Huỳnh Hồng Hoa, Võ Văn Phi... cho đến những năm gần đây là những đồng chí đã học các lớp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 do Viện tổ chức, tính ra có đến hàng trăm cán bộ mắt quân y đã trải qua sự đào tạo, dìu dắt của Viện Mắt. Hiện nay những anh em các thế hệ đầu tiên đã cao tuổi, có người đã mất (như cố PGS. Đào Xuân Trà), đa số đã về nghỉ, lớp cán bộ trẻ hơn đang giữ các cương vị chủ chốt trong các đơn vị quân đội và binh chủng khác nhau, từ Bắc chí Nam. Cố PGS. Đào Xuân Trà, nguyên chủ nhiệm khoa mắt Quân y viện 108 (sau về làm Viện trưởng Viện Mắt) là người có công đầu trong việc xây dựng ngành mắt quân y. Tiếp sau đó là PGS. Phan Đức Khâm, nguyên chủ nhiệm khoa của Viện Mắt, được điều vào quân đội thay PGS. Trà, đã góp nhiều công lao cho ngành Mắt quân y trong thời bình. Khoa mắt Quân y Viện 108 do Gs Phan Đức Khâm làm chủ nhiệm được củng cố trở thành tuyến điều trị cao nhất toàn quân và đfã cùng với Bộ môn Mắt Học viện quân Y tổ chức được nhiều lớp đào tạo Bs chuyên khoa 1 (được 48 người) và chuyên khoa 2 (được 10 người). Gần đây có cả nghiên cứu sinh (đã có 2 người bảo vệ thành công luận án PTS. là Nguyễn Thị Hồng Giang và Nguyễn Văn Đàm). Nhiều Gs. và PGS. của Viện đã tham gia giảng dạy bậc sau đại học ở Học viện Quân y. Nói tóm lại, trong sự trưởng thành của ngành mắt quân y, Viện Mắt đã đóng góp xứng đáng phần của mình và thắt chặt thêm mối quan hệ, đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp vốn có từ lâu giữa 2 ngành quân và dân y. Cuối cùng cũng phải nói một hiện thực rất đáng mừng là trong những năm gần đây, các khoa mắt quân đội đã tham gia vào công tác phòng chống mù loà cho nhân dân các địa phương như đã khám và chữa các bệnh mắt, mổ quặm, mổ mộng, mổ thể thuỷ tinh... Việc này rất đáng hoan nghênh và cần phát huy thêm.
Để cập nhật hoá kiến thức và nâng cao tay nghề cho các bác sĩ chuyên khoa, từng thời gian Viện cũng đã tổ chức các lớp chuyên đề (về chấn thương, glôcôm, bệnh mắt hột, rối loạn vận nhãn) mở các lớp tập huấn về mổ đục thể thuỷ tinh có đặt thể thuỷ tinh nhân tạo, về chẩn đoán và điều tra bệnh mắt hột, về bệnh khô mát trẻ em, về chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho cộng đồng...
Bộ môn mắt trường Đại học Y TP Hồ Chí Minh cũng được tăng cường thêm một số cán bộ có năng lực. Năm 1997, Bộ môn có 1 phó Gs là PTS Võ Quang Nghiêm làm chủ nhiệm, 3 Phó GS làm phó chủ nhiệm (Đoàn Trọng Hậu, Hoàng Thị Luỹ, Nguyễn Xuân Trường) và 5 cán bộ giảng dạy (có 1 PTS). Với lực lượng này Bộ môn đã đào tạo cho ngành được 60 Bs chuyên khoa sơ bộ, 31 Bs chuyên khoa cấp 1, 3 Bs chuyên khoa 2, 8 khoá y sĩ chuyên khoa (khoảng 80 người), mở 2 lớp bồi dưỡng về khúc xạ và thử kính, 5 khoá bồi dưỡng về mắt cho các Bs đa khoa (mỗi khoá từ 20 đến 25 người). Hiện nay đang đào tạo 1 khoá cao học. Đã hướng dẫn một nghiên cứu sinh và đã bảo vệ thành công luận án PTS (Lê Minh Thông).
Bộ môn mắt của trường Đại học Y Huế cũng được tăng thêm cán bộ. Đã có 2 PTS (là Hoàng Ngọc Chương và Lê Minh Tuấn). Nhưng chưa đủ mạnh về chất lượng cũng như số lượng. Tuy vậy vừa qua cũng đã có nhiều cố gắng và đã đào tạo được hơn 100 Bs chuyên khoa sơ bộ và chuyên khoa 1, góp phần xây dựng cho mạng lưới chuyên khoa của các tỉnh miền Trung.
Bộ môn mắt trường Đại học Y Thái Bình do PGS.PTS. Lê Quang Hoành làm chủ nhiệm (kiêm Hiệu trưởng) có 4 cán bộ giảng dạy (2 đang chuẩn bị luận án PTS), đã đào tạo được 40 Bs chuyên khoa sơ bộ.
Các bộ môn mắt của những trung tâm đào tạo khác như Thái Nguyên, Tây Nguyên, Hải Phòng, Cần Thơ mới chỉ làm được công việc giảng dạy chương trình mắt cho sinh viên Y3, Y4, chưa có điều kiện đào tạo cán bộ chuyên khoa sau đại học.
Số lượng cán bộ chuyên khoa sau đại học đã được đào tạo (1956 - 1996)
Đối tượng được đào tạo
|
Trước 1975 viện mắt
|
Từ 1975 đến 1996
|
Viện Mắt
|
TP HCM
|
Huế
|
Thái Bình
|
HV Q.Y
|
BSCK sơ bộ
|
71
|
414
|
60
|
48
|
40
|
|
BSCK cấp 1
|
71
|
290
|
31
|
19
|
|
48
|
BSCK cấp 2
|
|
35
|
2
|
|
|
10
|
Cao học, thạc sĩ
|
|
41
|
|
|
|
|
Phó tiến sĩ
|
|
15
|
1
|
|
|
2
|
Cộng
|
142
|
795
|
94
|
67
|
40
|
60
|
Tổng cộng, từ năm 1975 đến 1996, cả 4 trung tâm đã đào tạo cho ngành được 996 cán bộ chuyên khoa có trình độ trên đại học. (Chú ý: những số liệu trên đây không phải là những con số tuyệt đối tính theo đầu người vì có một số anh chị em được đào tạo nâng cấp dần, ví dụ từ CKSB lên CK1, CK2... nên được tính làm 2, 3 lần. Trên thực tế, số cán bộ chuyên khoa mắt các cấp hiện nay vào khoảng 750 người).
Khác với thời kỳ trước 1975, đi được một chuyến ra nước ngoài là rất khó, trong vòng mười năm nay khá nhiều anh chị em cán bộ ngành mắt đã được đi tham quan, học tập hoặc dự các cuộc hội thảo quốc tế ở nhiều nước trên thế giới (Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, Úc, Canada, Đức, Nga, Bungari, Tiệp Khắc, Rumani, Hungari, Cuba, ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Singapore...) Chính nhờ những chuyến đi nước ngoài này mà anh chị em có cơ hội tiếp cận với nền khoa học tiên tiến và học tập được một số kỹ thuật mới, mang về ứng dụng trong nước có hiệu quả và giúp cho ngành mắt ta rút ngắn khoảng cách với nền y học tiên tiến. Đây là một điều rất đáng mừng và cần được khuyến khích.
Về sách báo, tài liệu phục vụ cho học tập, giảng dạy, từ sau 1975 có cho xuất bản thêm được một số như quyển Nhãn khoa thực hành và bệnh học Nhãn khoa (của PGS. Phan Dẫn, Bộ môn Mắt). PGS. Nguyễn Duy Hoà có viết được tập chuyên đề “Le trachome” bằng tiếng Pháp. Gs Phan Đức Khâm viết được quyển Bệnh đục thể thuỷ tinh ở người già, bổ sung và tái bản quyển cấp cứu nhãn khoa (viết chung với Bs. Duy Hoà). Về việc viết lại 2 tập Bệnh học nhãn khoa của Viện xuất bản từ năm 1972, Hội đồng Khoa học Kỹ thuật đã có 2 cuộc họp bàn và phân công cụ thể cho từng người viết nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Để đáp ứng phần nào yêu cầu cập nhật hoá và hiện đại hoá kiến thức cho anh em trong ngành, đành làm theo con đường dịch những quyển sách hay của nước ngoài hoặc in những tập bài giảng theo chuyên đề như tập bài giảng Đục thể thuỷ tinh của nhóm tác giả Nguyễn Trọng Nhân, Phan Đức Khâm, Gs. Nguyễn Trọng Nhân đã dịch quyển Những triệu chứng Mắt trong các bệnh toàn thân. Gs Hà Huy Tiến đã dịch và xuất bản được 3 quyển là Nhãn khoa lâm sàng (1993), Cẩm nang nhãn khoa thực hành (1995) (dịch chung với thạc sĩ Hà Huy Tài) và Bài giảng nhãn khoa lâm sàng (1994) (cùng dịch với thạc sĩ Nguyễn Đức Anh -bộ môn mắt) tái bản quyển Các hội chứng trong nhãn khoa (1995). Hội phẫu thuật tình nguyện Mỹ đã tài trợ cho Viện dịch và phân phối cho các bác sĩ nhãn khoa Việt Nam bộ sách Basic and Clinical Science Course (giáo trình khoa học cơ sở và lâm sàng) của Viện Hàn lâm Mỹ. Đây là một bộ sách rất quý đã được Mỹ in và tái bản nhiều lần, mỗi lần lại bổ sung, cập nhật hoá do 75 nhà nhãn khoa cùng hợp tác viết ra. Trong năm 1996 và 1997, thạc sĩ Nguyễn Đức Anh đã dịch và cho ra mắt được tập 10 (bệnh Glôcôm), tập 11 (Bệnh đục thể thuỷ tinh) và tập 8 (Bệnh học mi mắt, kết mạc và giác mạc). Ngoài ra, Bs. Nguyễn Chí Dũng (phó phòng chỉ đạo chuyên khoa) đã dịch 3 tập tài liệu phổ cập của Tổ chức Y tế Thế giới là Điều trị bệnh đục thể thuỷ tinh trong công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, Chăm sóc mắt ở cộng đồng, Bổ sung Vitamin A trong điều trị và phòng bệnh thiếu Vitamin A và khô mắt. Bs. Nguyễn Xuân Hiệp dịch quyển Chiến lược phòng chống mù loà trong các chương trình quốc gia. Thạc sĩ Nguyễn Đức Anh dịch quyển Chăm sóc mắt ở các nước đang phát triển. Tất cả những tập sách dịch trên đây đã được in và phát đến tận các tuyến trước.
Các đồng nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cũng đã cố gắng viết và phát hành được một số sách và tài liệu như Nhãn khoa lâm sàng, Khô mắt do thiếu Vitamin A và vấn đề mù dinh dưỡng, Bệnh đục thể thuỷ tinh... Đặc biệt là quyển “Quang học lâm sàng và khúc xạ mắt” của Bs Lê Minh Triết (đã từ trần) và Lê Thị Kim Châu. Sách viết công phu và đầy đủ về vấn đề khúc xạ.
Về báo chí, Hội Nhãn khoa TP Hồ Chí Minh ra được 20 số từ 1980 đến nay, bài viết phong phú, đa dạng, bổ ích. Trong khi đó ở Trung ương hội thì các tờ Nội san nhãn khoa, tờ Nhãn khoa thực hành và tờ Nhãn khoa nước ngoài ra đời từ cuối năm 1959, bỗng niên ngừng. Đây là một điều rất đáng tiếc vì những tờ báo chuyên môn này đã có bề dày lịch sử (từ 1959 đến 1984) và đã giúp ích rất nhiều cho cán bộ ngành. Đồng thời cũng là nơi để anh chị em đăng tải những công trình nghiên cứu, những kinh nghiệm chuyên môn của mình,. Tròng vòng 3 năm nay Viện đã cho xuất bản 3 tập kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học, tập hợp những báo cáo khoa học của 2 cuộc hội nghị khoa học kỹ thuật toàn ngành trong 2 năm 1993 và 1995. Đây cũng là những tập tài liệu quý để anh em tham khảo.
Cũng như các viện và bệnh viện khác, Viện Mắt có một thư viện (ra đời từ thời Pháp thuộc) với hơn 2.000 đầu sách và 35 loại tạp chí chuyên môn, hầu hết là viết bằng ngoại ngữ. Do ngân sách ngoại tệ có hạn nên ít nhập được sách mới. Nói đúng ra thì thư viện của một viện đầu ngành mà như vậy là quá nghèo nàn, sách báo phần nhiều là cũ, tư liệu thiếu cập nhật. Trước yêu cầu nghiên cứu và đào tạo ngày càng cao, thư viện của Viện đầu ngành cần được đầu tư thích đáng, sách báo, tư liệu phải phong phú, dồi dào hơn nữa. Ngoài ra phụ trách thư viện phải là cán bộ có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tốt, biết tổ chức, sắp xếp thư mục sao cho khoa học, giúp đỡ, hướng dẫn được cho người đọc là những cán bộ chuyên môn đến tìm tư liệu mới để tham khảo, nghiên cứu, viết luận án.
6. CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Trong 2 thập kỷ vừa qua đã có hơn 200 công trình nghiên cứu được báo cáo trong các cuộc hội nghị khoa học kỹ thuật hàng năm của ngành Mắt. Phần lớn trong số đó đã được công bố trên các kỷ yếu của ngành, nguyên bản hoặc tóm tắt.
Hướng nghiên cứu chủ yếu là ứng dụng có sáng tạo những kỹ thuật mới về chẩn đoán và điều trị, phẫu thuật.
Về chẩn đoán, đã nghiên cứu và khai thác tốt hệ thống siêu âm A và B trong thăm khám các bệnh bán phần sau, đặc biệt là của hắc - võng mạc, các khôíi u hốc mắt, sau nhãn cầu, kết hợp với Scanner (của các viện bạn), chẩn đoán các u nội sọ có biểu hiện ở mắt. Phương pháp mạch ký huỳnh quang bước đầu được nghiên cứu ứng dụng.
Về phẫu thuật đã có nhiều công trình nghiên cứu về mổ đục thể thuỷ tinh có đặt thể thuỷ tinh nhân tạo, dưới nhiều khía cạnh khác nhau (mổ đục thể thuỷ tinh bệnh lý, chấn thương, bẩm sinh, mổ đục bao sau thứ phát, mổ kết hợp glôcôm...). Mổ glôcôm đã có những công trình nghiên cứu kết hợp cắt kẹt củng mạc 3 lớp, 2 lớp, hoặc kết hợp đặt thuỷ tinh thể nhân tạo. Mổ glôcôm bẩm sinh bằng nhiều phương pháp khác nhau (mở bè, cắt bè, cắt kẹt bè). Kỹ thuật cắt dịch kính được nghiên cứu kết hợp mổ bong võng mạc, hoặc lấy thể thuỷ tinh đục sau chấn thương. Về ghép giác mạc đã nghiên cứu ứng dụng trong điều trị các loét giác mạc do nấm, do écpét, loét Mooren hoặc loét dai dẳng do vi khuẩn. Về mổ lác và sụp mi, đã bước đầu nghiên cứu phẫu thuật Faden, lùi chéo cơ trực ngang hoặc can thiệp cào các cơ chéo để điều trị những trường hợp lác có yếu tố chéo rõ ràng hoặc có kết hợp hội chứng A, V. Về điều chỉnh cận thị đã bước đầu nghiên cứu phẫu thuật rạch giác mạc hình nan hoa. Laser đã được nghiên cứu trong điều trị glôcôm, tân mạch, bong võng mạc...
Thời gian qua, trong công tác nghiên cứu, có nổi lên một điểm khác trước là nhiều đề tài nghiên cứu cũng là những đề tài làm luận văn, luận án của các đối tượng về học. Vì vậy những bản luận văn, luận án này đã góp phần quan trọng vào thành quả công tác nghiên cứu của Viện. Hơn 30 bản luận văn của anh chị em chuyên khoa 2, phần lớn là những đề tài nghiên cứu đánh giá, tổng kết một số vấn đề về kỹ thuật điều trị, mổ xẻ, đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tế (như mổ đục thể thuỷ tinh phục vụ cộng đồng bằng phưong pháp lấy trong bao với tuyết CO2, mổ ngoài bao có đặt kính nội nhãn hoặc không đặt, xử lý các chấn thương xuyên nhãn cầu, xử lý chấn thương có dị vật, mổ glôcôm...). Luận văn tốt nghiệp của bác sĩ nội trú (về sau được hợp thức hoá để công nhận học vị thạc sĩ) thường là những đề tài nghiên cứu khu trú hơn, phạm vi hạn hẹp hơn vì đối tượng này yêu cầu chủ yếu là phương pháp nghiên cứu, biết cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề đã được lựa chọn. Ví dụ một vài đề tài như nghiên cứu hằng số nhãn áp ở trẻ em, điều trị glôcôm góc mở bằng Laser Diode, điều trị đục thuỷ tinh thứ phát bằng Laser Yag...
Một trong những tiến bộ quan trọng trong ngành Mắt ở những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX là sự phát triển của phẫu thuật dịch kính – võng mạc, mở đường cho việc nghiên cứu phát triển vi phẫu thuật nội nhãn ở Việt Nam.
Năm 1991, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nhãn khoa Pháp, Viện Mắt được trang bị 1 máy cắt dịch kính chạy bằng điện. Một năm sau đó, bác sỹ Đỗ Như Hơn tu nghiệp từ Pháp trở về đã bắt tay vào nghiên cứu, triển khai áp dụng kỹ thuật cắt dịch kính ở Viện Mắt. Thời điểm đó, phẫu thuật cắt dịch kính được bắt đầu nghiên cứu trong hoàn cảnh “nguyên sơ”, trang thiết bị và các phương tiện hỗ trợ thiếu thốn, thô sơ, thậm chí kim truyền nước vào mắt cũng không có, cắt dịch kính với máy soi đáy mắt hình đảo của Schepens…
Phẫu thuật dịch kính – võng mạc ở Việt Nam, sau hơn 1 thập kỷ được nghiên cứu, không ngừng phát triển và có những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật, máy móc và đội ngũ phẫu thuật viên. Từ một máy cắt dịch kính đơn giản, tốc độ cắt tối đa 400 lần/1 phút đến nay đã trang bị những máy móc có tốc độ cắt tối đa 2.500 lần/phút, với những phụ kiện tiên tiến như: đầu cắt 20G, đầu phaco thể thuỷ tinh trong buồng dịch kính,.... Từ việc dùng kính Schepens để quan sát đáy mắt đến việc dùng lăng kính ba mặt gương với đèn khe, đến nay đã phát triển phẫu thuật với nội soi hệ thống Bioms hiện đại. Các dụng cụ vi phẫu ngày càng được tăng cường trang bị hiện đại hơn. Lĩnh vực phẫu thuật dịch kính võng mạc là lĩnh vực liên quan đến các bệnh thuộc phần sau của đáy mắt, rất phức tạp, đòi hỏi kỹ năng cao, sự kiên trì, tinh tế, chính xác đến từng động tác, tuy nhiên những thành công và tiến bộ của vi phẫu thuật nội nhãn ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều bác sỹ nhãn khoa và đang hình thành đội ngũ phẫu thuật viên chuyên môn sâu, tay nghề vững vàng, có thể thực hiền điều trị các bệnh mắt phức tạp như: xuất huyết dịch kính, tổ chức hoá dịch kính, viêm mủ nội nhãn, bong võng mạc phức tạp, lỗ hoàng điểm, màng trước võng mạc…
Loại luận văn có giá trị nghiên cứu cao nhất là những bản luận án của các nghiên cứu sinh. Thường đó là những đề tài lớn, có nội dung nghiên cứu phong phú, giải quyết nhiều vấn đề trong một chủ đề, có đề xuất được cái mới. Vì thế quá trình nghiên cứu rất công phu (mất 3, 4 năm, có luận án kéo dài đến trên 5 năm), phương pháp nghiên cứu cũng tốt hơn, có chọn mẫu nghiên cứu và xác định kích cỡ nghiên cứu, tính toán, xử lý số liệu theo phương pháp thống kê y học. Luận án tốt nghiệp Phó tiến sĩ (theo quyết định mới của Chính phủ thì kể từ ngày 1/7/1997, luận án tốt nghiệp sẽ được công nhận là Tiến sĩ chuyên ngành) phải tuân thủ theo những quy tắc chặt chẽ cả về nội dung và hình thức. Luận án thường phải dày trên 100 trang. Tài liệu tham khảo phải trong ngoài 100 công trình hoặc bài viết phải cập nhật. Như vậy có thể nói bản luận án của một Phó Tiến sĩ (hoặc tiến sĩ) là một công trình nghiên cứu thực sự nghiêm túc, có chất lượng cao. Giai đoạn này trong ngành Mắt ngành ta, cũng đã có được một vài bản luận án đạt điểm cao như luận án “Nghiên cứu cắt dịch kính trong phẫu thuật bong võng mạc” của Phó Tiến sĩ Đỗ Như Hơn, hoặc luận án “Nghiên cứu lựa chọn dung dịch rửa mắt cấp cứu bỏng do hoá chất” của Phó Tiến sĩ Nguyễn Văn Đàm (bộ môn mắt - Học viện Quân y).
Ngoài những đề tài nghiên cứu về lâm sàng, về điều trị, phẫu thuật thì trong 10 năm qua, Viện được cấp kinh phí để thực hiện 3 đề tài cấp Bộ. Ba đề tài đó là:
- Xây dựng chuyên khoa mắt tuyến huyện thực hiện các hoạt động phòng chống mù loà (1990).
- Điều tra dịch tễ học bệnh mắt hột và một số bệnh mắt khác (1991).
- Điều tra dịch tễ học mù loà và một số bệnh về mắt (1996).
Hai đề tài sau là những đề tài về điều tra cơ bản được thực hiện trên quy mô cả nước, do Viện chủ trì cùng kết hợp với một số địa phương. Hai cuộc điều tra được thực hiện ở 2 thời điểm khác nhau (cách nhau 5 năm) đã giúp cho Viện và ngành có được cái nhìn bao quát về tình hình các bệnh mắt, nhất là về nguyên nhân gây mù loà cao như bệnh mắt hột, bệnh đục thể thuỷ tinh, bệnh khô giác mạc ở trẻ em do thiếu Vitamin A, bệnh Glôcôm, chấn thương mắt... Đồng thời qua 2 cuộc điều tra này chúng ta thấy được những thành quả của ngành đã đạt được sau các kế hoạch phòng chống mù loà, thấy được ưu khuyết và tồn tại, trên cơ sở đó đề ra phương hướng và nhiệm vụ chiến lược cho cả ngành trong những năm tới.
Nhiều địa phương cũng đã tiến hành các cuộc điều tra về bệnh mắt hột, đục thể thuỷ tinh, bệnh khô mắt ở trẻ em, về cận thị học đường và những bệnh khác.
7. VÀI NÉT VỀ HOẠT ĐỘNG NHÃN KHOA CỦA CÁC TỈNH PHÍA NAM SAU NGÀY GIẢI PHÓNG 20 NĂM
Vì chưa có điều kiện để viết đầy đủ, ở đây chỉ xin nêu lên một vài nét tiêu biểu về hoạt động của mạng lưới chuyên khoa mắt các tỉnh phía Nam sau giải phóng 1975.
Trong năm đầu chỉ có một số trung tâm lớn như ở TP Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Cần Thơ là có khoa mắt hoạt động. Nhưng chỉ vài năm sau thì tình hình đã khác nhiều. Hơn một nửa số tỉnh có khoa mắt của bệnh viện hoạt động và ở một số tỉnh đã có cả trạm mắt trực thuộc Sở Y tế tỉnh. Được như vậy, một phần là nhờ có số anh chị em trước kia tập kết ra Bắc nay trở về phục vụ quê hương, một số bác sĩ của chế độ cũ đi học tập cũng trở về, một số từ miền Bắc chuyển công tác vào, phần khác là do có thêm số cán bộ chuyên khoa mới (bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên) do Bộ môn mắt và khoa mắt bệnh viện Điện Biên Phủ, TP Hồ Chí Minh bồi dưỡng đào tạo. Và cứ thế mạng lưới chuyên khoa mắt dần dần phát triển thêm. Đến năm 1995 thì các bệnh viện tỉnh đều có khoa mắt. Riêng trạm mắt tỉnh thì có phần chậm hơn. Hiện nay kể cả Nam Bộ và Trung Bộ thì còn 14 tỉnh chưa có trạm mắt tỉnh (An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Tây Ninh, Bến Tre, Bạc Liêu, Bình Phước...). Có 2 nơi thành lập trung tâm mắt (hoặc trung tâm phòng chống mù loà) là Hà Nội (Giám đốc là Bs. Nguyễn Thị Nhung) và TP Hồ Chí Minh (Giám đốc là Bs. Nguyễn Hữu Châu).
Song song với việc xây dựng cơ sở, mở rộng mạng lưới thì trang thiết bị máy móc, dụng cụ chuyên môn cũng được tăng cường, bổ sung thêm nhiều. Tất cả các trạm mắt và khoa mắt đều đã có máy soi đáy mắt, kính lúp đeo trán và đặc biệt là bộ mổ đục thể thuỷ tinh. Nhiều nơi đã có máy sinh hiển vi khám bệnh, máy hiển vi phẫu thuật, dụng cụ vi phẫu. Ở các trung tâm lớn còn có những máy móc và dụng cụ quý hiếm hơn như siêu âm A và B, điện võng mạc, laser, máy cắt dịch kính, máy siêu âm đánh nhuyễn thể thuỷ tinh (Phakoémulsìicateur), khúc xạ kế tự động có cả máy chụp ảnh... Ngoài ra về phương tiện đi lại, nhiều tỉnh đã được cung cấp xe ô - tô, xe máy, xe đạp cho các trạm mắt.
Nhờ có thêm cán bộ chuyên khoa và trang thiết bị mới mà công tác chẩn đoán, điều trị và phẫu thuật ngày càng tăng về số lượng cũng như chất lượng. Hiện nay tất cả các tỉnh đều mổ được đục thể thuỷ tinh, thật là một kỳ tích khi nhớ lại mới cách đây 2 thập kỷ, ở miền Nam số người mổ được đục thể thuỷ tinh chỉ đếm trên đầu ngón tay và đều tập trung ở các đô thị. Và còn tiến xa hơn thế nữa, nhiều nơi đã đặt cả thể thuỷ tinh nhân tạo. Cũng như ở các tỉnh phía Bắc, trong vài ba năm trở lại đây, ở các tỉnh phía Nam đã dấy lên phong trào mổ đục thể thuỷ tinh cho người cao tuổi. Số lượng người được mổ mỗi năm mỗi tăng và tăng nhanh. Có thể nêu một vài dẫn chứng sau đây: Trong thập kỷ 80, Bình Thuận không mổ được đục thể thuỷ tinh, năm 1991 trạm mắt mổ được 17 ca, đến năm 1995 số lượng mổ đã lên tới 442 ca. Trạm mắt Phú Yên năm 1994 mổ được 477 ca, tăng 4 - 5 lần so với các năm trước. Số lượng mổ đục thể thuỷ tinh tại các khoa mắt bệnh viện cũng tăng nhiều: Chỉ tính riêng trong năm 1994, Trung tâm mắt Điện Biên Phủ đã mổ 4.302 ca, bệnh viện trung ương Huế 1.113 ca, bệnh viện Cần Thơ 807 ca, Tiền Giang 568 ca, An Giang 496 ca...
Công tác phòng chống mù loà bao gồm cả 3 chương trình lớn là phòng chống bệnh mắt hột, mổ đục thể thuỷ tinh và phòng chống bệnh khô mắt trẻ em do thiếu Vitamin A cũng đã được đẩy mạnh. Nhiều tỉnh đã hoàn thành vượt mức chương trình phòng chống bệnh mắt hột như Tiền Giang, Cần Thơ, Phú Yên... Tỷ lệ mắt hột hoạt tính ở một số tỉnh đã giảm xuống đáng kể như Khánh Hoà nay chỉ còn 1,69%, Bình Thuận 2,5%... ở TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ bệnh khô mắt do thiếu Vitamin A đã giảm xuống 0,03%, dưới mức của một bệnh có ý nghĩa cộng đồng.
Nói chung, từ sau ngày giải phóng đến nay, trải qua 2 thập kỷ, ngành mắt các tỉnh phía Nam đã phát triển nhanh và mạnh, so với thời kỳ trước có thể nói đó là những bước tiến nhảy vọt và khổng lồ vì từ chỗ gần như là “vùng trắng” thì nay đã hình thành cả một mạng lưới (các trạm mắt, khoa mắt) bao trùm khắp từ thành thị đến nông thôn. Ngày nay người dân địa phương được khám và chữa bệnh ngay tại quê nhà (trừ vài ba bệnh khó), nhất là những người già bị mù vì bệnhd dục thể thuỷ tinh (tỷ lệ này ở miền Nam cao nhất trong 3 miền: miền Nam 5,9%, miền Trung 5%, miền Bắc 4,4%, cao nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long). Đối với họ, không có gì sung sướng bằng khi đau mắt thì được chữa trị ngay tại quê mình.
Trong ngành mắt các tỉnh phía Nam, cần nêu cao vị trí và vai trò của 2 trung tâm lớn là TP Hồ Chí Minh và Thừa Thiên - Huế. Vì ở cả 2 nơi này có đủ 3 tổ chức cơ cấu là trạm mắt, khoa mắt và bộ môn mắt, đồng thời cũng là nơi có nhiều cán bộ có học vị, học hàm cao, trình độ chuyên môn vững. Nói về quá trình hình thành và phát triển thì cũng là nơi có bề dày lịch sử từ hàng nửa thế kỷ trở lên, rất đáng trân trọng.
Trước hết nói về ngành mắt TP Hồ Chí Minh được như ngày nay là cả một quá trình chuyển biến, vận động liên tục qua các thời kỳ lịch sử.
Theo tư liệu cũ của Pháp để lại thì vào khoảng cuối những năm 20 của thế kỷ này, đã ra đời tại Chợ Lớn một bệnh viện mắt do Bs Motais làm giám đốc. Ngày nay không ai còn nhớ cái viện ấy ở đâu và nó đã làm được gì cho nhân dân ta. Và rồi sau đó diễn biến ra sao cũng không ai biết.
Theo ghi chép của Bs Nguyễn Cường Nam, hiện đang công tác tại trung tâm mắt TP Hồ Chí Minh (nguyên là Bs quan y thời chế độ cũ) thì trước năm 1955 không có nhiều thầy thuốc nhãn khoa. Tại Sài Gòn có một vài người làm tư khá nổ tiếng (Bs Tân, Bs Tại). Sau khi bệnh viện Chợ Rẫy có khoa mắt thì Bs Ngô Văn Hiệu là người Việt đầu tiên làm việc ở đó (phụ tá cho Bs người Pháp). Khi ông mất (1970) Bs. Vĩnh Đán thay thế cho đến năm 1975. Sau khi xây dựng bệnh viện Bình Dân (khoảng 1955) GS. Nguyễn Đình Cát làm trưởng khoa bệnh lý mắt tại đó, đồng thời phụ trách bộ môn mắt của trường ĐHYK Sài Gòn cho đến ngày tiếp quản. Tại khoa mắt bệnh viện Bình Dân còn có các Bs. Phan Đông Tùng, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Thuần, Phạm Thị Lưu Phương, Phạm Gia Nghị... Tại khoa mắt các bệnh viện khác có Bs Trương Thị Danh, Nguyễn Luyến (bệnh viện Chợ Rẫy), Lê Thẩm Hoàng Nga, Nguyễn Văn Tại (bệnh viện Đô Thành), Nguyễn Ngọc Kính (bệnh viện Nhân dân Gia Định), Bửu Hàm (bệnh viện Chợ Quán)...
Khi mới giải phóng miền Nam, tại Sài Gòn chỉ còn 3 cơ sở có khoa mắt:
- Lớn nhất là khoa mắt bệnh viện Bình Dân, vừa là bộ môn mắt của trường ĐHYK, do Gs. Nguyễn Đình Cát phụ trách, có 4 Bs phụ tá (Nguyến Thị Thuần, Phạm Gia Nghị, Nguyễn Hữu Tiến, Nông Văn Chính).
- Khoa mắt của trung tâm thực hành Y khoa (sau này là bệnh viện nhân dân Gia Định) do GS Nguyễn Ngọc Kính phụ trách.
-Khoa mắt bệnh viện Chợ Rẫy do Bs Trương Thị Danh phụ trách.
Sau ngày giải phóng miền Nam một thời gian ngắn thì có thêm các Bs từ căn cứ kháng chiến về hoặc từ miền Bắc vào như các Bs Ngô Như Hoà, Đoàn Trọng Hậu, Đỗ Thu Nhàn, Hoàng Thị Luỹ về bệnh viện Bình Dân, Bs Võ Quang Nghiêm, Lê Vân Phượng về bệnh viện Chợ Rẫy. Đến năm 1977, Bs Hoàng Thị Luỹ được giao nhiệm vụ phụ trách chung ngành mắt thành phố, lo nghiên cứu sắp xếp lại tổ chức và phát triển ngành. Lại có thêm một số cơ sở nhãn khoa mới như khoa mắt bệnh viện cấp cứu Sài Gòn (có Bs Châu Ngọc Liên và Lê Thẩm Hoàng Nga), khoa mắt bệnh viện An Bình (Bs Mai Ngọc Nga), khoa mắt Y tế quận 4 (Bs Minh Nguyệt). Qua năm 1978, Bs Luỹ được giao nhiệm vụ công quản bệnh viện đa khoa Saint Paul (bệnh viện tư do dòng tu Saint Paul quản lý), tại đây mở thêm một khoa mắt (40 giường bệnh) do Bs Nguyễn Cường Nam và Lê Thẩm Hoàng Nga phụ trách. Sau đó chuyển khoa mắt bệnh viện Bình Dân về, sát nhập vào, nâng số giường bệnh lên 80. Đến năm 1990 thì bệnh viện Saint Paul chuyển thành Trung tâm mắt TP Hồ Chí Minh với 250 giường bệnh. Bộ môn mắt Trường ĐHYK cũng chuyển về đây và trung tâm trở thành cơ sở đào tạo cán bộ chuyên khoa lớn nhất ở phía Nam. Đội ngũ cán bộ ngày càng được tăng cường thêm. Từ sau 1980 một số bác sĩ chuyên khoa II của Viện được chuyển vào (như cacvs Bs. Phan Kế Tôn, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Như Quang, Đào Thị Liên, Trần Phan Việt Nga, Nguyễn Ngọc Hoành...) lực lượng chuyên môn càng mạnh. Năm 1997 đã có 4 phó giáo sư, 1 phó tiến sĩ, hàng chục bác sĩ chuyên khoa II. Hàng năm đều có bác sĩ đi tham quan, học tập ở nước ngoài (Pháp, Canada, Mỹ, ấn Độ...), mang về những kiến thức - kỹ thuật mới, đồng thời mở rộng thêm mối quan hệ quốc tế có lợi cho ngành. Với một đọi ngũ cán bộ chuyên môn khá mạnh và phương tiện máy móc dồi dào, những năm gần đây trung tâm đã đạt được nhiều tiến bộ về mặt khoa học kỹ thuật, như mổ đục TTT có đặt thể thuỷ tinh nhân tạo, mổ bong võng mạc, điều trị glôcôm bằng Laser, ghép giác mạc, mổ sụp mi, mổ lác, điều trị chỉnh quang (orthoptique). Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đã được thực hiện. Báo chí, tài liệu chuyên môn viết và phát hành khá dồi dào.
Về mặt đào tạo cán bộ đã được một số lượng khá lớn, kịp thời cung ứng cho nhu cầu mở rộng mạng lưới chuyên khoa ở các tỉnh phía Nam. Nói tóm lại, ngành mắt TP. Hồ Chí Minh, qua chặng đường phấn đấu 20 năm, đã có những bước tiến thật to lớn, vững chắc và xứng đáng là một trong 2 trung tâm lớn nhất của ngành mắt Việt Nam.
Sau TP Hồ Chí Minh thì Thừa Thiên Huế cũng là một trung tâm Nhãn khoa đang có nhiều triển vọng. Tại nơi này cách đây 80 năm, đã ra đời một trong 3 trung tâm Nhãn khoa lớn nhất của toàn xứ Đông Dương: đó là Viện mắt Albert Sarraut (mang tên viên Toàn quyền Đông Dương thuộc Pháp hồi bấy giờ) được thành lập vào những năm cuối thập kỷ 20. Giám đốc Viện đầu tiên là Bs. Léon Collin, sau đó là Bs. Comes, rồi đến Bs. Le Couturier, cho đến ngày cách mạng tháng Tám thành công thì Bs. Hoàng Mộng Lương được cử làm giám đốc bệnh viện Huế kiêm cả khoa mắt và tai mũi họng. Bs. Lương, tốt nghiệp trường Y sĩ Đông Dương, hồi bấy giờ đã mổ đục TTT và khá nổi tiếng ở Trung Bộ. Ông giỏi vê châm cứu. Tiếp sau đó là Bs. Phạm Bá Viên rồi đến Bs. Lê Huy Bính. Cho đến ngày 21-8-1959, được sự viện trợ cua trường Đại học Freibourg (Tây Đức) ra đời Trường ĐHYK Huế và Bs. Lê Bá Vận là người đầu tiên được cử làm trưởng khoa mắt. Bs. Vận đã đi tu nghiệp ở Mỹ về nên trong khoa đã triển khai một số kỹ thuật mới như mổ đục TTT, glôcôm, vận nhãn, chỉnh hình, u bướu...
Sau giải phóng miền Nam, Bộ Y tế cử Bs. Lê Minh Hạnh (Bs. nhãn khoa ở bệnh viện Đống Đa - Hà Nội) vào phụ trách khoa mắt bệnh viện TW Huế một thời gian ngắn. Đến năm 1980, trường ĐHY hoà nhập với bệnh viện TW Huế thành học viện Y Huế, Bs. Lê Bá Vận được cử làm trưởng khoa cho đến năm 1985, Bs. Vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh thì người phụ trách khoa là Bs. Trần Đình Lập. Hiện nay khoa và bộ môn đã có 2 PTS và 8 BS. CKI. Nhiều cán bộ của khoa và bộ môn đã được đi tham qua học tập ở một số nước (Pháp, ấn Độ). Khoa được trang bị nhiều máy móc, phương tiện hiện đại. Năm 1994, khoa mắt bệnh viện Huế đã mổ được 1.113 ca đục TTT, một số có đặt thể thuỷ tinh nhân tạo. Trạm mắt, nay đã chuyển thành trung tâm phòng chống mù loà, do Bs. Phạm Minh Trường phụ trách, cùng phối hợp với khoa mắt, triển khai các chương trình phòng chống mù loà có kết quả tốt. Nhân đây cũng cần nhắc đến người trạm trưởng đầu tiên là Bs. Nguyễn Khoái, một cán bộ rất tích cực, tận tuỵ, nay không còn nữa (đã từ trần năm 1995 do tai nạn giao thông trong một chuyến đi công tác xuống cơ sở).
8. HỢP TÁC QUỐC TẾ TRANH THỦ VIỆN TRỢ
Một trong các nguyên nhân quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho ngành mắt Việt Nam không ngừng tiến lên là sự chi viện, giúp đớ của các nước bên ngoài, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt là giai đoạn từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, mở rộng giao lưu quốc tế, nhiều phái đoàn chính phủ các nước, nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức nhân đạo, các hãng tư nhân vào nước ta ngày càng đông. Nói riêng Viện Mắt, hầu như tuần nào, tháng nào cũng có những đoàn nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu hoặc trao đổi về khoa học kỹ thuật. Tại một số trung tâm nhãn khoa lớn như TP. Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Hải Phòng, Thái Bình... cũng có các đoàn nước ngoài đến. Nhờ đó mà trong những năm vừa qua chúng ta đã tranh thủ được nhiều nguồn viện trợ từ nhiều phía, thật đa dạng, phong phú. Từ viện trợ phương tiện, máy móc, dụng cụ chuyên môn, thuốc men cho các chương trình phòng chống mù loà, cho đến học bổng, kinh phí đi tham quan, hội nghị.
Nói về lịch sử quan hệ quốc tế của Viện Mắt, không bao giờ chúng ta quên cái mốc son đánh dấu đầu tiên. Đó là sau chuyến đi thăm Liên Xô của Bác Hồ thì đến tháng 4.1956, đoàn chuyên gia mắt hột của Liên Xô do Bs. Louisa dẫn đầu đến Viện Mắt để bắt đầu một đợt công tác kéo dài 18 tháng!
Đáng trân trọng nhát là kết quả đoàn đã mang lại cho sự nghiệp phòng chống bệnh mắt hột ở nước ta với những kinh nghiệm to lớn về điều tra dịch tễ học, vê công tác phòng và chữa bệnh mắt hột, về những Đội lưu động chống mắt hột mà nước Nga cũ cũng như Liên Xô sau này đã thành công trong công cuộc thanh toán một bệnh xã hội lớn như vậy. Cũng từ đoàn chuyên gia này mà về sau chúng ta đã tiến hành hàng loạt cuộc điều tra cơ bản, lên được bản đồ phân bố bệnh mắt hột trên miền Bắc, xây dựng được quy hoạch phòng chống bệnh mắt hột và trên cơ sở đó mà chính phủ Liên Xô đã viện trợ cho ta hàng tấn bột Sulfaxylum, mỡ Syntomyxin và nhiều thứ dụng cụ khác.
Sau đoàn bà Louisa thì chính phủ Liên Xô cử tiếp PGS.Dobromyslov sang làm việc 6 tháng ở Viện Mắt. PGS. Dobromyslov, người to béo nhưng lanh lợi hoạt bát, có kiến thức uyên bác và toàn diện, ham mê nghiên cứu và giảng dạy.
Trong những năm đầu của thập kỷ 60, có 2 chuyên gia Tiệp Khắc là Bs. Singer và Bs. Kotelensky đến thăm Viện Mắt, sau đó về giúp khoa mắt bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng.
Cũng trong thời gian đó có GS. G. Wald (Mỹ), người được giải thưởng Nobel về công trình nghiên cứu tế bào sắc tố võng mạc (đặc biệt là về sự hấp thu quang phổ màu sắc và vai trò của protein opsin) đã đến thăm Viện Mắt. Tiếp sau đó, giữa lúc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, có bác sĩ Kimmelman đến tham quan Viện và ở lại làm việc một thời gian ngắn. Tuy thời gian ở với ta không nhiều và quà lưu niệm cho Viện cũng không có gì to tát (2 hiển vi phẫu thuật đầu tiên loại xách tay của hãng Mentor, vài bộ đồ mổ, sách báo) nhưng đáng quý là tấm lòng của ông đối với nhân dân ta, đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa của ta. Ông đã dám làm ngược lại chính sách của chính phủ Mỹ, vượt trùng dương để đến với nhân dân ta.
Sau ngày thống nhất đất nước, quan hệ quốc tế giữa ta và các nước phát triển nhanh chóng. Đến giai đoạn này, chủ yếu là quan hệ với các nước tư bản phát triển và các tổ chức quốc tế. Nhất là từ sau 1985 đến nay sự chi viện của các nước càng đa dạng, phong phú. Sau đây là một số hoạt động chủ yếu.
Về phía chính phủ các nước thì có Liên Xô, Pháp, Nhật, Đức, Úc..Trước đây Liên Xô đã giúp ta nhiều nay vẫn tiếp tục giúp về thuốc chống mắt hột, các máy móc, dụng cụ chuyên môn, xe ô-tô... Bà Trutnêva, Viện trưởng Viện Helmholtz (Matscơva) đã cử nhiều chuyên gia sang giúp ta, trong đó có Bs. Bưkốp, nay là Viện trưởng (thay bà Trutnêva). Pháp giúp ta nhiều bộ mổ đục TTT, máy cắt dịch kính, dao mổ cận thị, máy siêu âm B... Nhật Bản tài trợ 1 triệu đô la và nhiều dụng cụ mổ xẻ, trang bị mới hệ thống giặt là với công suất cao.
Về các tổ chức phi chính phủ thì Christoffel Blindenmission (CBM) là tổ chức đã tài trợ cho Viện và ngành mắt liên tục trong nhiều năm (từ 1986) cho chương trình mổ đục TTT, bình quân mỗi năm tính thành tiền khoảng 300.000 DM. Nhờ đó mà 5 trung tâm nhãn khoa lớn (có trường ĐHY) đã mổ đến hàng vạn trường hợp có đặt thể thuỷ tinh nhân tạo (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Bắc Thái). Từ năm 1987 đã tăng viện cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhiều dụng cụ, thuốc men và kinh phí cho cán bộ tham quan học tập mổ đục TTT ở ấn Độ. Tiếp sau đó CBM đã hoạch định 10 dự án giúp Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Ninh Bình, Sơn La...) Do những công lao này mà năm 1993, tổ chức CBM đã được Chính phủ Việt Nam tặng huy chương hữu nghị. Còn nhiều tổ chức khác đã tài trợ cho chương trình mổ đục TTT như World Vision đã tài trợ cho Quảng Nam - Đà Nẵng 15 đô la mỗi ca mổ TTT bắt đầu từ năm 1991, do đó đã thúc đẩy công tác mổ đục TTT lên đến đỉnh cao (riêng trong năm 1994 Trạm mắt Quảng Nam - Đà Nẵng đã mổ được 2.279 ca, dẫn đầu các trạm mắt trong cả nước). Từ 1995 World Vision đã giúp 4 huyện của Thanh Hoá mổ đục TTT, mỗi ca 15 đô la. Tổ chức Helen Keller International (HKI) của Mỹ giúp Nam Hà 9.000 đô la để mổ 600 ca có đặt thể thuỷ tinh nhân tạo, giúp mở lớp đào tạo phẫu thuật viên và cung cấp dụng cụ phẫu thuật cho 3 tỉnh là Hà Tĩnh, Bình Định và Bình Thuận. Ngoài ra còn giúp tỉnh Yên Bái trong chương trình phòng chống bệnh mắt hột. Tổ chức nhà thờ Caritas đã giúp trạm mắt Thái Bình mổ đục TTT trong 2 năm 1992 và 1993, mỗi năm mổ hơn 500 ca. Ủy ban hợp tác y tế Hà Lan - Việt Nam đã giúp tỉnh Quảng Trị từ thời chiến tranh chống Mỹ đến nay, giúp xây dựng 3 cơ sở làm mắt giả (Viện Mắt, Huế, TP Hồ Chí Minh) và cho 6 học bổng đi Hà Lan.
Đặc biệt là Quỹ Fred Hollows (Fred Hollows Foundation) được nhân dân và Chính phủ Úc ủng hộ đã tài trợ mạnh mẽ cho chương trình mổ đục TTT có đặt thể thuỷ tinh nhân tạo, từ việc mở các lớp tập huấn cho cán bộ (cả ba miền, ở nhiều địa điểm), đến trang thiết bị dụng cụ vi phẫu, máy hiển vi phẫu thuật và thể thuỷ tinh nhân tạo. Có cả một dự án xây dựng cho Việt Nam một cơ sở sản xuất để thuỷ tinh nhân tạo tại Hà Nội...
Về chương trình phòng chống bệnh khô mắt cho trẻ em do thiếu Vitamin A, từ năm 1990 Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã giúp một số lượng lớn viên nang Vitamin A và kinh phí mở các lớp tập huấn cho cán bộ địa phương (ngoài ra từ năm 1991 đến năm 1995 đã tài trợ khoảng 10 vạn đô la mỗi năm cho chương trình phòng chống mắt hột cho trẻ em). Ủy ban hợp tác khoa học Mỹ - Việt (do bà Landinsky làm chủ tịch) đã giúp cho Viện Mắt và trung tâm mắt thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm hàng triệu viên nang vitamin A.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tài trợ nhiều cho các chương trình phòng chống mù loà từ thuốc men, dụng cụ, máy móc cho đến kinh phí đi tham quan hội nghị, hội thảo, học bổng, đài thọ cho các chuyên gia v.v... liên tục từ năm 1982 đến nay, tính thành tiền là 680.579 đô la.
Nói chung lại nhờ nguồn viện trợ quốc tế khá dồi dào mà 3 chương trình lớn về phòng chống mù loà của Viện và của ngành mắt đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp, góp phần vào việc hạ thấp tỉ lệ mắt hột hoạt tính với tốc độ nhanh, làm giảm nguy cơ mù loà do biến chứng, bệnh khô mắt ở trẻ em do thiếu vitamin A giảm đến mức bệnh không còn có ý nghĩa cộng đồng, hàng chục vạn người cao tuổi đã được mổ đục TTT lấy lại nguồn sáng và hạnh phúc cuộc đời.
Về hợp tác khoa học kỹ thuật, đã có nhiều giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đến Viện và các trung tâm khác để tham quan, tìm hiểu các mặt công tác khám và chữa bệnh, nghiên cứu, đào tạo cán bộ, qua đó họ thấy được những khó khăn, thiếu thốn của ta và từ đó đã tác động một cách có hiệu quả đến các tổ chức Quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và ngay cả với chính phủ của họ. Ta cũng đã tổ chức cho họ đi tham quan, khảo sát trên thực địa, xuống tận các tuyến cơ sở để nhìn thấy tận mắt cách làm ăn của ta, cách ta sử dụng, khai thác viện trợ của họ. Giáo sư Vérin, Lagoutte, Bs. Konyama, sau khi đi xuống tận nơi xem Đội lưu động mổ đục TTT đều tỏ lời khen ngợi và cho đó là một cách sử dụng hợp lý, có hiệu quả cao sự viện trợ của nước ngoài. Bs. Konyama nói: đưa cho các bạn một đô la, các bạn đã làm ra bằng 10 đô la, chúng tôi rất hài lòng. Bs Polak, đại diện cho Hội hữu nghị Pháp - Việt, đã xác nhận vai trò của các Đội phẫu thuật lưu động như sau: Chúng tôi đem dụng cụ thuốc men để giúp cho việc mổ đục TTT ở tuyến trước. Nếu không có những Đội phẫu thuật lưu động ở các tỉnh thì chúng tôi sẽ lúng túng, không biết giải quyết như thế nào cho đúng mục đích yêu cầu của tổ chức chúng tôi.
Nói chung chúng ta đã biết cách sử dụng các khoản viện trợ của nước ngoài kết hợp với tinh thần sáng tạo nên chúng ta đã tranh thủ được khối óc và tấm lòng của họ.
Trong số bạn bè đến giúp Việt Nam đã có những gương mặt để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng chúng ta. Nổi lên hàng đầu là Gs. Fred Hollows, người đã sáng lập ra F.H.Foundation, một tổ chức nhân đạo đã từng giúp các nước đang phát triển như Erythrea, Nepal và Việt Nam giải quyết vấn đề mổ đục thể thuỷ tinh. Năm 1992 ông đã 2 lần sang giúp ta và rất nhiệt tình, đi xuống tần cơ sở xem anh em mổ và đặt TTT nhân tạo. Ông cũng đã đạt được nguyện vọng là 2 lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông rất ngưỡng mộ. Nhưng thật đáng tiếc là sau chuyến đi cuối cùng về chừng 3 - 4 tháng thì ông từ trần (năm 1993) vì bệnh ung thư phổi vốn đã có từ trước. Ông đã được tặng Huy chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ và là hội viên nước ngoài của Hội nhãn khoa Việt Nam.
Về những người bạn nước ngoài sang giúp ta thì còn nhiều. Trong số đó có hai đồng nghiệp người Nhật là Gs. Nakajima và Bs. Konyama. Gs. Nakajima là chủ nhiệm bộ môn mắt trường đại học Juntendo, một trường đại học nổi tiếng ở Nhật Bản, nay là Chủ tịch Hội đồng nhãn khoa thế giới. chúng ta biết ông từ những năm 1978, khi ông làm chủ tịch đoàn cuộc hội nghị nhãn khoa thế giới lần thứ 23 tổ chức tại cố đô Kyoto, Nhật Bản. Khi đó ông đã có nhã ý mời một đoàn đại biểu của Hội nhãn khoa Việt Nam sang dự hội nghị, sau đó ở lại một tháng tham quan nước Nhật. Đó là một cơ hội tốt để chúng ta tiếp xúc với nền nhãn khoa tiền tiến của thế giới và giới thiệu một vài thành tựu của Việt Nam. Đoàn đại biểu Việt Nam lúc đó gồm 2 người là Viện trưởng Đào Xuân Trà và bác sĩ Hà Huy Tiến. Trong hội nghị, đoàn ta đã có tha luận về công tác phòng chống mù loà ở Việt Nam và được đánh giá cao về thành công và kinh nghiệm bổ ích cho các nước có hoàn cảnh kinh tế, xã hội như ta. Chính tại cuộc hội nghị này mà GS. Nakajima hiểu biết thêm về ngành mắt của nước ta và giới thiệu với các bạn bè đồng nghiệp các nước, bước đầud quen biết nhau và tạo điều kiện cho những quan hệ lâu dài về sau. Từ sau cuộc hội nghị này, bản thân GS. Nakajima thường liên hệ với ta và năm 1987, ông đã sang dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Mắt. Ông đã được công nhận là Hội viên nước ngoài của Hội nhãn khoa Việt Nam. Và sau này chính ông là người đã đề cử bác sĩ Konyama, chuyên viên của Tổ chức y tế thế giới, đến trực tiếp hợp tác với ta. Qua hàng chục năm công tác chúng ta thấy rõ BS. Konyama rất nhiệt tình hỗ trợ chúng ta trong chương trình phòng chống bệnh mắt hột và mổ đục thể thuỷ tinh, giúp ta tranh thủ được nhiều khoản viện trợ của Tổ chức y tế thế giới. Ông là một con người nghiêm túc nhưng dễ tính, sinh hoạt giản dị, rất gần gũi anh em, thích đi xuống cơ sở trực tiếp nhìn thấy tận mắt những gì anh em ta làm, thẳng thắn góp ý kiến, chân thành và thực sự cầu thị. Qua những điều ông nắm bắt được, ông rất hài lòng về việc ta sử dụng các khoản viện trợ của Tổ chức y tế Thế giới và cảm phục tinh thần làm việc của anh chị em trong ngành mắt ta. Gs. Nakajama và Bs. Konyama đã được tặng Kỷ niệm chương của Hội chữ thập đỏ Việt Nam.
Trong số những bạn bè và đồng nghiệp đến giúp ta còn có những người Pháp như Bs. Polak, Bs. Lagoutte rất nhiệt tình đối với các chương trình phòng chống mù loà của ta, Gs. Vérin - một nhà lâm sàng uyên bác, giỏi toàn diện, Gs. Luc Durand - một nhà phẫu thuật tài ba, giàu kinh nghiệm. Những bài giảng của 2 vị giáo sư này đã mang lại cho chúng ta nhiều kiến thức mới. Gs. Luc Durand cũng là hội viên nước ngoài của Hội nhãn khoa Việt Nam. Trong số người Mỹ có Gs. Chandler, chủ nhiệm bộ môn mắt trường Đại học Madison (bang Wisconsin) đã sang làm việc ở Viện Mắt (1985) là người có nhiều thiện cảm với ta.
Được sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới, của Quỹ cứu trợ Nhi đồng Quốc tế và của các Hội nhãn khoa (Nhật, Pháp...) nhiều cán bộ của ta đã đi dự các cuộc hội thảo quốc tế như Đại hội nhãn khoa thế giới (Berlin, 1994), Hội nhãn khoa Châu Á - Thái Bình dương (Séoul 1989, Kyoto 1991, Hồng Kông 1995 và mới đây ở Népal, Gs. Nguyễn Trọng Nhân có đọc báo cáo mang tên Holmes), Hội nhãn khoa Nhật Bản (1988), Pháp (1992), Mỹ (1996).
Năm 1996, Hội nhãn khoa Việt Nam cũng đã tổ chức Hội thảo về Phòng chống mù loà ở khu vực Tây Thái Bình Dương đạt kết quả tốt.
Một số đồng nghiệp chúng ta là hội viên các tổ chức nhãn khoa nước ngoài như Gs. Nguyễn Trọng Nhân (Hội nhãn khoa Châu á - Thái Bình Dương, Nhật Bản, Pháp), Gs. Phan Đức Khâm (Hội nhãn khoa Pháp)...
Nói tóm lại, trong thời gian vừa qua ngành mắt chúng ta đã tranh thủ được nhiều nguồn viện trợ từ nhiều phía, thu phục được lương tâm, tình cảm và trí tụê của nhiều tổ chức, nhiều cá nhân, tạo thêm thuận lợi cho Viện và cho Ngành đạt được những tiến bộ vượt bậc so với mấy thập kỷ trước. Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn các bạn bè và đồng nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ các nước đã giúp ngành mắt và nhân dân ta một cách vô tư, khảng khái.
Cuối cùng cũng nên nhắc qua một việc mang tính hữu nghị quốc tế: đó là việc ngành ta đã cử nhiều chuyên gia đi làm việc tại một số nước Châu Phi (Algérie, Angola, Congo), Irak, Campuchia, Lào. Trong đó riêng Viện đã cử đến 20 bác sĩ, dược sĩ và 6 cán bộ trung cấp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(ĐỂ VIẾT CHƯƠNG IV)
1. Sự phát triển của công tác phòng chống mù loà ở Việt Nam - Phòng CĐCK - Viện Mắt, 1996.
2. Đánh giá công tác phòng chống mù loà trong kế hoạch 5 năm 1991 - 1995 - Phòng CĐCK, Viện Mắt, 1996.
3. Báo cáo tổng kết công tác ngành mắt trong 5 năm (1986 - 1990) - Phòng CĐCK, Viện Mắt, 1990.
4. Báo cáo tổng kết công tác phòng chống bệnh mắt hột trường học 5 năm (1991 - 1995)- Phòng CĐCK, Viện Mắt, 1995.
5. Hội thảo quốc gia về phòng chống mù loà (đặc san kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Mắt - 1957 - 1987).
6. Điều tra dịch tễ học bệnh mắt hột và một số bệnh mắt khác. Công trình nghiên cứu cấp Bộ, 1991, Bs. Vũ Công Long chủ biên.
7. Điều tra dịch tễ học mù loà và một số bệnh mắt - Công trình nghiên cứu cấp Bộ 1996, Thạc sĩ Hà Huy Tài chủ biên.
8. Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học, Hội nghị KHKT ngành mắt 1996.
9. Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học, Hội nghị ngành mắt 1993.
10. Công trình nghiên cứu KHYD, Bộ Y tế từ năm 1976 đến 1990.
11. Y học Việt Nam, số chuyên đề nhãn khoa, số 1 - 1989.
12. Công tác mổ đục TTT - BS Vũ Công Long - 1997.
13. Công tác phòng chống mù loà - Bs. Vũ Công Long 1997
14. Tình hình các hoạt động nhãn khoa ở miền Nam trước năm 1975 - Bs. Nguyễn Cường Nam, 1997.
15. Ngành mắt ở phía Nam, chủ yếu ở thành phố Hồ Chí Minh từ sau 1975 đến nay - PGS. Hoàng Thị Luỹ.
16. Lịch sử về quá trình xây dựng và phát triển ngành mắt Thừa Thiên - Huế (Bs. Trần Đình Lập - 1997).
17. Nhật ký (viết tay) của Bs. Ngô Như Hoà
18. Ghi chép, hồi ký (đánh máy) của Bs. Phạm Như Bách.
19. Seeing is believing - Simon Balderstone, Michael Amendolia, F.H.F, 1996.
20. Message from a friend - John Laws, Fred Hollows 500 International téam relay, F.H.F, 1996.