Đôi mắt ngân 

Thú thật, khi mới được phân công vào ngành Mắt, tôi đã bàng hoàng thất vọng … Từ thuở nhỏ ở Sài Gòn, hình ảnh cha tôi, một “thầy thuốc Đông Dương” xuất thân từ Trường Y khoa Hà Nội thời Pháp thuộc, về sau trở thành một nhà sản khoa tận tụy và tài năng, đã để lại trong tôi một dấu ấn đậm sâu. Vào học nghề y, tôi cứ nuôi chí hướng sau này về nước sẽ nối nghiệp cha. Có năm tôi đã tình nguyện xin phép dự các phiên trực đêm ở bệnh viện Phụ sản Port-Royal (Paris) để được học tập và đôi khi được thực hành những ca đẻ dễ. Thế mà hôm nay …

Nguyễn Duy Tân

Thú thật, khi mới được phân công vào ngành Mắt, tôi đã bàng hoàng thất vọng … Từ thuở nhỏ ở Sài Gòn, hình ảnh cha tôi, một “thầy thuốc Đông Dương” xuất thân từ Trường Y khoa Hà Nội thời Pháp thuộc, về sau trở thành một nhà sản khoa tận tụy và tài năng, đã để lại trong tôi một dấu ấn đậm sâu. Vào học nghề y, tôi cứ nuôi chí hướng sau này về nước sẽ nối nghiệp cha. Có năm tôi đã tình nguyện xin phép dự các phiên trực đêm ở bệnh viện Phụ sản Port-Royal (Paris) để được học tập và đôi khi được thực hành những ca đẻ dễ. Thế mà hôm nay …

Tôi buồn nhớ lại, cuối đại học, những ngày “luân khoa” tẻ nhạt ở khoa Mắt bệnh viện Hôtel-Dieu, đứng chán trong các phòng thực tập cũ kỷ, thô sơ (hồi đó) để rồi núp bóng “phòng tối”, tôi trốn xuống cổng viện, nhìn ra cái sân đá cổ trải rộng trước thềm Nhà thờ Đức Bà, nơi cô gái hát rong xinh đẹp Esméralda nhảy múa xưa kia, mơ màng như còn trông thấy bóng dáng “Thằng Gù” một mắt Quasimodo đang bồng nàng trên đôi tay xấu xí, leo phăng lên gác chuông cao ngất đặng đem dấu người thương khỏi con mắt người đời …

Thế nhưng hôm nay, ngành Mắt nước ta tuy mới sơ khai lại đang đứng trước những nhiệm vụ nặng nề, cần có nhiều người giúp việc. Về nước đặng làm gì nếu không phải để tham gia gánh vác việc chung ?

*

Trên đời, ai cũng nhận biết cái giá của đôi mắt. Cùng với đôi tai, nó có vị thế hơn hẳn trong ngũ giác. Chẳng thế mà các nhân vật quan trọng thường được gọi là “nhà tai mắt”, những hành vi gian trá, thủ đoạn mánh mung đều khó tránh khỏi “trăm tai nghìn mắt” của nhân dân. Nhưng trong tiếng Việt phổ thông, Mắt lại đứng đầu cả năm giác khiếu, vì cái kết quả cuối cùng của mọi cảm giác đều quy về cho mắt: người ta không chỉ nhìn thấy mà còn “nghe thấy”, “sờ thấy”, “ngửi thấy”, “nếm thấy”, và tư duy, suy ngẫm, cảm xúc cũng đều là “thấy” (mặc dầu trong phương ngữ miền Nam, nhiều khi “nghe” cũng được dùng như “thấy”, và đặc biệt các nhà thơ lại hay “nghe” những rung động trừu tượng).

Tiếng mẹ đẻ của ta có lẽ là một trong những tiếng nói chứa đựng nhiều từ ngữ nhất để diễn đạt các tính năng hoạt động và sắc thái biểu thị của đôi mắt: nhìn, trông, nhòm, ngó, coi, xem, ngắm, soi, liếc, đảo, ngước, giương, trố, trợn, quắc, trừng, dõi, trơ, lườm, nguýt, lại còn … đong đưa, lúng liếng nữa. Và chưa kể hình tượng thẩm mỹ, duyên dáng hay tâm tư thầm kín của đôi mắt trong con mắt dân gian: “Mười thương đôi mắt lá răm / Chân mày lá liễu đáng trăm quan tiền”; “Cổ, tay em trắng như ngà / Con mắt em liếc như là dao cau”; “Đèn thương nhớ ai mà đèn không tắt / Mắt thương nhớ ai mắt ngủ không yên”; “Thấy anh như thấy mặt trời / Chói chang khó ngó, trao lời khó trao”; “Trông em đã mấy thu tròn / Khăn lau nước mắt muốn mòn con ngươi” … Người dân Nam bộ lại có câu “thành ngữ” nói vui: “Gặp mặt vợ mà không cười là người … có mắt không tròng!” (nhưng biết đâu mắt chồng này chẳng có “lòng đen”?). Còn trái nhãn ngọt ngào của đất nước ta, mang tên ấy xuất xứ từ đâu … phải chăng do cái hột to tròn, bóng láng, đen tuyền, tựa tròng đen của mắt ?

Trong nền văn hóa lâu đời của loài người, có dân tộc đã tôn thờ con mắt như một thánh thần; hiện ở ta có đạo giáo lấy con mắt làm biểu tượng. Song có lẽ đôi mắt được ngợi ca ý nhị nhất, sâu sắc, đa dạng và chân thành nhất bởi những người làm thơ văn, nghệ thuật và khoa học. Còn nhớ một đôi lời của họ :

Mắt nhìn đăm đắm soi trong mắt / Như ánh sao khuya chiếu mặt hồ” (Petofi)[1].

Trái tim tôi, cánh chim sa mạc / Tìm thấy trời mình trong ánh mắt ai / Mắt em, chiếc nôi của rạng ban mai / Là xứ sở của hằng hà tinh tú” (Tagor) [2]

Tô Đông Pha đời Tống ở Trung Hoa đã để lại hai câu ấn tượng: “Nhất cố khuynh nhân thành / Tái cố khuynh nhân quốc” (Một cái nhìn làm nghiêng thành người. Nhìn cái nữa, nghiêng cả nước người) [3]. Còn ở ta, Xuân Diệu lại “Hôn cái nhìn”: “Không phải anh hôn nơi mắt / Anh hôn cái nhìn của em / Mắt em một vầng yêu mến / Thắt anh trong lưới êm đềm”. Hai nhà thơ của hai thời đại cách nhau hàng nghìn năm mà cái nhìn như một dấu nối thu ngắn lại thời gian.

Và còn có những câu lay động: “Khoé thu còn biếc trăng tâm sự” (Vũ Hoàng Chương); “Bóng chiều không thắm, không vàng vọt / Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”  (Thâm Tâm);  “Bốn mắt nhuộm chung màu lữ thứ / Đôi lòng hòa một nhịp

[1] Dịch trong bài Dalaim (“Tiếng lòng tôi hát”) của Sandor Petofi (1823-1849), nhà thơ trữ tình yêu nước của Hungary, người anh hùng trong cuộc đấu tranh cách mạng 1848-49 chống Đế chế Áo-Hung của hoàng tộc Habsbourg (gốc Đức).

[2] Trích dịch lại từ “Người làm vườn Thương yêu” (bài 31) của Rabindranath Tagor (1861-1941), nhà văn thơ lớn của Ấn Độ (giải Nobel 1913), viết bằng tiếng Bengali.

[3] Lời của thi hào Tô Đông Pha (1036-1101) ca ngợi nhan sắc tuyệt trần của cô em họ, mối tình đầu không thành duyên nợ vì quan hệ gia tộc quá gần.

chua cay” (Nguyễn Bính); “Rồi trong những phút giây lâu / Mắt sầu gợn sóng, lòng đau rộn tình” (Lưu Trọng Lư); hay là “Đứng dưới sao vàng ra kháng địch / Mắt trào lửa giận chói con ngươi … Giữ lá cờ sao vàng lấp lánh / Cờ như mắt mở thức thâu canh” (Xuân Diệu); “Nước nhà đôi gánh người xung trận / Mắt lá cây rừng dõi bước chân” (Chiến sĩ) …

Trong một bài diễn ca, Victor Hugo đã biến con mắt thành biểu thị của Lương tâm, ngày đêm đeo đuổi Cain, một kẻ đã giết em ruột của mình (trong thần thoại phương Tây). Dù làm gì, đi đâu, đến đâu, Cain luôn luôn trông thấy giữa không trung một con mắt đang nhìn mình. Đường cùng để trốn thoát, y phải đào đất tự chôn. Nhưng … “Con mắt vẫn ở dưới mồ / Và nhìn tới Cain” [4]. Hóa ra con mắt vô hình ấy, mỗi người đều có, như chiếc gương riêng âm thầm phản ánh tâm sắc của chính mình.

Còn “Những đôi mắt” của Sully Prudhomme thì mang tính tâm linh, huyền bí: “Mắt xanh hay mắt đen / Đều mắt yêu, mắt xinh / Những mắt nhiều vô số / Đã từng thấy bình minh / Đang ngủ yên dưới mộ / Và mặt trời còn lên … / … Mắt biếc hay mắt huyền / Đều mắt thương, mắt đẹp / Đang mở nhìn cõi ấy / Bao la một bình minh / Ở bên kia nấm mồ / Những đôi mắt ta khép / Mãi vẫn còn trông thấy …” [5].

Song nhà văn hiện thực lại coi con mắt như một thứ thước đo cho tầm nhìn trí tuệ: “Dùng con mắt hạt đậu để đo núi Thái sơn thì núi Thái sơn cũng chỉ bé bằng hạt đậu” (Lỗ Tấn, trong tạp văn “Về vấn đề làm tuyển tập”). Nếu thử đo theo chiều ngược lại xem, chắc đúng y như vậy.

Mắt người nghệ sĩ cũng rộng cửa nhìn đời. Leonardo da Vinci từng thốt lên: “Ôi cái điều tuyệt hảo, cao siêu hơn tất cả những gì Thượng đế đã tạo nên! Có những dân tộc nào, những ngôn ngữ nào tả hết được chức năng đích thực của ngươi ? …

[4] Victor Hugo (1802-1885), đại văn hào Pháp, tác giả Les Misérables(“Những người khốn khổ”), Notre-Dame de Paris (“Nhà thờ Đức Bà”), tiểu thuyết nhân văn kiệt tác đã từng được dịch sang tiếng Việt.

[5] Sully Prudhomme (1839-1907), nhà thơ danh tiếng của Pháp (giải Nobel 1901). Nguyên văn trích đoạn (đầu và cuối) bài Les yeux: “Bleus ou noirs, tous aimés, tous beaux / Des yeux sans nombre ont vu l’aurore / Ils dorment au fond des tombeaux / Et le soleil se lève encore … / … Bleus ou noirs, tous aimés, tous beaux / Ouverts à quelque immense aurore / De l’autre côté des tombeaux / Les yeux qu’on ferme voient encore ...

… Con mắt là cửa sổ của thân thể mà qua đó con người cảm nhận lối đi và thụ hưởng sắc đẹp của thế gian. Nhờ con mắt, tâm hồn mới vui lòng ở yên trong chốn lao lung thể xác, bởi vì không có nó thì ngục tù ấy là nhục hình” [6].

Nhà khoa học Buffon còn nói câu hàm súc hơn nữa: “Mắt vừa tiếp thụ vừa phản chiếu ánh sáng cùng với tư tưởng và hơi ấm của tình cảm” [7].

Nhưng đơn sơ hơn hết, ngày xưa ở nước ta có một đức vua, sau hai lần đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông bảo toàn đất nước, đã ân xá cho những kẻ từng ra hàng giặc, rồi nhường ngôi lại cho con và đi tu trên núi Yên Tử. Nay ở chùa thôn Hương Cổ Châu còn lưu nét hai câu viết chữ Nôm, là thơ đề của Trần Nhân Tông:

“ Sổ đời một màn kéo

Tình người đôi mắt ngân” [8]

*

[6] Leonardo da Vinci (1452-1519), danh họa người Ý thời Phục hưng (văn nghệ) ở châu Âu, tác giả bức tranh trên gỗ nổi tiếng Mona Lisa. Nghệ sĩ toàn năng và bác học, từng giả thiết biểu đồ đường đi của ánh sáng vào trong mắt (tuy chưa thật đúng bởi vì, cũng như các nhà khoa học thời ấy, đã định vị thể (thủy) tinh nằm trong thể kính ở trung tâm nhãn cầu).

Nguyên văn trích từ bản tiếng Anh: “Oh, excellent thing, superior to all others created by God! What peoples, what tongues will fully describe your true function ? … The eye is the window of the human body through which it feels its way and enjoys the beauty of the world. Owing to the eye, the soul is content to stay in its bodily prison, for without it, such bodily prison is torture” (Light and Vision, Time-Life Publ., New York 1966).

[7] Buffon (1707-1788), nhà khoa học tự nhiên Pháp, là người đã quy hoạch Vườn Bách thảo Paris, và đặc biệt được công luận mến mộ vì văn phong ngời sáng. Nguyên văn câu dẫn: “L’oeil reçoit et réfléchit en même temps la lumière et la pensée et la chaleur du sentiment”.

[8] Trần Nhân Tông (1258-1308), vua thứ 3 đời Trần, trị vì nước Đại Việt 15 năm (1279-1293).

Lưu ý một điều lý thú: Trước đây, khi cơ quan chỉ đạo đầu tiên của ngành Mắt được thành lập (theo Nghị Định 287TTg của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phan Kế Toại ký ngày 1.7.1957), Viện Mắt hột tại Hà Nội có mặt tiền và cổng chính mở ra đúng trên con đường đến nay vẫn mang tên nhà vua tài đức có “đôi mắt ngân” ấy của lịch sử nước ta. Về sau, cũng qua cửa lớn này, linh cửu của hai vị Viện trưởng đầu tiên, Gs Nguyễn Xuân Nguyên và Gs Đào Xuân Trà, đã được đưa đi vĩnh biệt trong niềm tiếc thương sâu sắc của chúng ta (1976, 1984).

Mắt trong đời là vậy. Đi vào Nhãn khoa tôi mới học biết cuộc đời trong mắt.

Như đời người, đời mắt cũng trải qua “sinh, trưởng, lão, tử”, cũng biết hạnh phúc bình an và nhọc nhằn đau khổ. Làm thầy thuốc, là được gần gũi, chia sẻ, dịu xoa những nỗi đau của mắt, là phải chăm lo tháo gỡ những mối âu phiền trong đời mắt, và nhiều lúc, cần dốc sức, tận tâm để cứu vãn sinh mạng của chính nó, như thể một con người.

Được dìu dắt, khuyến khích và dạy bảo bởi những bậc tiền bối, Thầy Nguyễn Xuân Nguyên và Thầy Tôn Thất Hoạt, tôi miệt mài tìm hiểu cội nguồn và dần dần nhận ra một điều khai sáng: bệnh học của cơ quan thị giác, cái bộ phận nhỏ nhoi ấy (mà trước đây tôi không “để mắt”), kỳ thực là một vùng biển lớn, một lĩnh vực y sinh học mênh mông mà học mãi cho đến ngày nay tôi vẫn chưa biết hết cho thấu đáo.

Giờ đây, tự nhiên tôi liên tưởng đến một bài thơ ngẫu hứng của Nguyễn Sinh Cung (tên thật Bác Hồ) lúc mới 5 tuổi, theo cha và anh vào Huế đi tới đèo Ngang, lần đầu tiên thấy biển (1895):

“Biển là ao lớn / Thuyền là con bò

Bò ăn gió no / Lội trên mặt nước

Em nhìn thấy trước / Anh trông thấy sau

Ta lớn mau mau / Vượt qua ao lớn” [9]

*

Nhãn khoa mênh mông như biển cả nhưng lại giúp đi xa : đi vào bệnh học chung của con người.

Xuất thân từ cực đầu phôi, Mắt trước hết là bộ phận tiền tiêu của não. Nó lại chứa chấp hầu hết các mô của từng hệ đặc thù trong cơ thể, và đặc biệt mang nhiều sắc tố melanin từ những tế bào có gốc ở mào thần kinh của phôi. Vị trí nhãn khoa nằm ở ngã tư của bốn chuyên khoa có quan hệ mật thiết: Thần kinh, Da liễu, Tai-Mũi-Họng và Nội khoa, trong khi nhiều bệnh mắt phải được xử lý bằng con đường Phẫu thuật, kể cả tạo hình và phục chỉnh. Cho nên cơ quan thị giác rất thường có mặt

[9] Theo “Tất đạt tự ngôn”, tập ghi chép sự kiện gia đình của cụ Nguyễn Sinh Khiêm, anh ruột Bác Hồ, đã trao lại tận tay (tháng 6.1950 tại Nghệ An) cho Sơn Tùng, sau này là nhà văn đã viết và xuất bản “Búp sen xanh”, Hà Nội 1982, được tái bản 8 lần. Ít tháng sau Cụ mất (9.1950):

Thấy biển lần đầu, bé Cung đã hỏi : ”Cha ơi, tại sao ở đây cái ao lớn quá”, cha phải dạy cho biết đó là biển. “Em nhìn thấy trước” vì được cha cõng lên đèo, còn anh đi bộ đau chân vừa lên tới nên “anh trông thấy sau”.

trong các bệnh toàn thân, các bệnh hệ thống, và quan trọng hơn nữa, bệnh học nhãn khoa bao hàm tất cả các khung bệnh tính: nhiễm trùng, dị ứng và miễn nhiễm bệnh lý, nang và khối u, thoái hóa và loạn dưỡng, tổn hại thần kinh trung ương, kể cả những sai lạc chuyển hóa, các dị thường bẩm sinh và biến đổi của bộ di truyền.

Tôi nhớ lời này của hai thầy ở Pháp: “Sự sinh tồn của một cá thể bắt đầu với lúc cấu hợp của đôi giao tử, và ngay từ lúc đó, nó đã bị đe dọa”. Đời của mắt cũng không tránh khỏi cái nguy cơ rình rập ấy. Thế nên tôi vẫn nghĩ, nhiệm vụ chính yếu của người thầy thuốc nhãn khoa là hiểu biết đầy đủ các mối đe dọa lên cuộc sống của mắt, bất kỳ là bệnh lý phổ biến hay hiếm hoi, nhằm phát hiện từng cái một trên người bệnh Việt Nam đặng tìm phương khắc phục, hay tốt hơn nữa, là ngăn ngừa nó cho đồng bào ta. Phải chăng điều đó mới đích thực là “nhiệm vụ chính trị” của anh chị em chúng ta ?  “Chuyên có sâu thì hồng mới thắm” (Phạm Văn Đồng).

*

Ngày ấy, khi tôi bước vào nghề, trên toàn miền Bắc mới giải phóng, ngành Mắt Việt Nam đang có nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết là Phòng chống bệnh mắt hột, một căn bệnh xã hội trầm kha, nham hiểm, từ biết bao năm đè nặng lên đôi mắt của dân ta. Lúc đó Viện Mắt hột mới thành lập được vài năm (1957), ngành Mắt chính thức ra đời, đang tích cực triển khai một chiến dịch gian lao, dài hạn. Và tôi đi vào trận với cả tấm lòng và tuổi hoa niên …

Tp. Hồ Chí Minh, cuối năm 2006

TÁI BÚT. Trên trận địa ấy, hôm nay phải nhắc tới một vị “tướng về hưu”:

Bác sĩ Vũ Công Long, Tết Đinh Hợi này vừa tròn 90 tuổi thọ.

Để kính chúc Anh, tôi xin mượn “tứ” của một bài thơ Đường chắc anh từng đọc [Cao Thích (702-765) làm tặng bạn, Tản Đà dịch]:

“Mười dặm vàng pha bóng nhật vân

Nhạn xuôi gió Bắc tuyết bay nhanh

Chớ buồn nẻo trước không tri kỷ

Thiên hạ ai người chẳng biết anh”.

(Đầu năm 2007, NDT.)

3287 Go top