Chương VI: Những bài học kinh nghiệm 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) nhà thương chữa mắt Dốc Hàng Gà vĩnh viễn trở về với nhân dân, với cách mạng. Từ năm 1957 nhà thương đó trở thành Viện Mắt hột, sau quen gọi là Viện Mắt cùng với sự hình thành ngành Mắt, hơn 50 năm đã trôi qua. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Viện nói riêng và của ngành nói chung, biết bao nhiêu biến đổi và sự kiện đã xảy ra. Nếu nói như “ thương hải vi tang điền”(bãi biển biến thành nương dâu) thì cũng được vì trước kia làm gì có những ngôi nhà cao khang trang với hàng ngũ cán bộ nhân viên hùng hậu sử dụng trang thiết bị hiện đại,làm gì có cả một hệ thống mạng lưới chuyên khoa mắt hoạt động khắp toàn quốc như hiện nay.

Chương VI

Những bài học kinh nghiệm

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) nhà thương chữa mắt Dốc Hàng Gà vĩnh viễn trở về với nhân dân, với cách mạng. Từ năm 1957 nhà thương đó trở thành Viện Mắt hột, sau quen gọi là Viện Mắt cùng với sự hình thành ngành Mắt, hơn 50 năm đã trôi qua. Trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Viện nói riêng và của ngành nói chung, biết bao nhiêu biến đổi và sự kiện đã xảy ra. Nếu nói như “ thương hải vi tang điền”(bãi biển biến thành nương dâu) thì cũng được vì trước kia làm gì có những ngôi nhà cao khang trang với hàng ngũ cán bộ nhân viên hùng hậu sử dụng trang thiết bị hiện đại,làm gì có cả một hệ thống mạng lưới chuyên khoa mắt hoạt động khắp toàn quốc như hiện nay.

Từ lịch sử trưởng thành của Viện (nay đổi tên thành Bệnh viện Mắt trung ương,nhưng mọi người vẫn gọi là Viện một cách tự hào và luyến tiếc) gắn liền với lịch sử phát triển của ngành, chiêm nghiệm lại, chúng ta có thể rút được những bài học lớn tổng quát sau đây:

1- Trong lãnh đạo và chỉ đạo công tác của một Viện chuyên khoa đầu ngành phục vụ nhân dân, điều quan trọng nhất là phải quán triệt và vận dụng tốt đường lối, quan điểm  của Đảng vào  toàn bộ hoạt động của Viện và của ngành mình. Chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng đã tích cực vượt qua muôn vàn khó khăn để đạt nhiều thắng lợi trong xây dựng Viện và ngành, trong việc thực hiện các chương trình phòng chống mù loà nhờ đã nghiêm túc vận dụng đường lối quần chúng của Đảng .

Ví dụ như trong công tác phòng chống bệnh mắt hột, chúng ta kiên trì hướng dẫn nhân dân theo phương châm phòng bệnh là chính .Chúng ta vận động nhân dân thực hiện 3 công trình VSPB của Bộ đề ra (giếng nước,hố xí 2 ngăn,nhà tắm), ăn ở hợp vệ sinh (dùng khăn mặt riêng), bỏ các tập quán lạc hậu,mạnh dạn đào tạo y tá xã mổ quặm thành thạo ngay tại địa phương . Nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt và kết quả là hạn chế được bệnh mắt hột lây lan, lâm sàng bệnh ngày càng nhẹ, không còn biến chứng nặng, hết toét mắt, hết đắp ếch nhái lên mắt, hết đánh màng, câu mộng. Ngành ta đã nhanh chóng hạ thấp được tỷ lệ mắt hột hoạt tính cho trẻ em, học sinh là nhờ biết dựa vào lực lượng đội ngũ các thầy, cô giáo, chăm lo cho việc rỏ thuốc, tra thuốc và gìn giữ vệ sinh. Nếu chỉ một mình ngành mắt chúng ta thì sao mà làm được việc này?

Về kinh phí điều trị mắt hột,trong nhiều năm ngân sách trung ương không có hoặc rất ít, phải dựa vào ngân sách địa phương và sự đóng góp tự nguyện của nhân dân thực hiện đúng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.Ví dụ như nhân dân Hà Nội trong 5 năm 1991 - 1995 đã đóng góp tới 836.976.000 đồng (trong khi chính quyền chỉ chi có 116.006.000 đồng;nhân dân Thanh Hoá góp 116.310.000 đồng; nghèo như ở Quảng Bình, nhân dân cũng đóng góp được 3 triệu đồng để chữa mắt hột cho con em mình).

Nhờ sự cố gắng của chính mình, đồng thời tranh thủ được viện trợ,chúng ta đang tiến tới thanh toán bệnh Mắt hột gây mù vào năm 2010 như đã cam kết.

Trong việc giảm tỷ lệ mù loà do bệnh đục thể thuỷ tinh, chúng ta cũng đã mạnh dạn giải phóng kỹ thuật mổ đục thể thuỷ tinh xuống tuyến huyện, có khi  mổ cả ở xã nếu trạm y tế có điều kiện vô trùng tốt. Từ những năm 70 đã ra đời các đội phẫu thuật lưu động đi về các huyện, các xã phục vụ nhân dân ngay tại địa phương mình, bà con hết sức phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước (như bài hát “ Đảng đã cho ta sáng mắt ,sáng lòng”). Rõ ràng bài học đáng giá nhất là vì dân và dựa vào dân thì việc khó mấy cũng làm được.

Ngày nay kỹ thuật hiện đại trong mổ thể thuỷ tinh (ngoài bao và đặt thể thuỷ tinh nhân tạo,mổ phaco) đã được phổ biến rộng rãi.Số phẫu thuật hàng năm đã tăng hơn 10 vạn ca,góp phần giảm mạnh tỷ lệ mù loà ở nước ta.

Như vậy sự lãnh đạo  của Đảng là nhân tố dẫn đến mọi thắng lợi. Lãnh đạo một Viện khoa học kỹ thuật đầu ngành, Đảng phải có những đảng viên ưu tú, giỏi về chuyên môn, vững về quan điểm lập trường (vừa hồng vừa chuyên) thì  mới vận dụng được các chủ trương, đường lối của Đảng vào trong công tác khoa học kỹ thuật cụ thể của Viện và của ngành. Đảng bộ phải đoàn kết, tập hợp được đội ngũ trí thức cùng với chính quyền và công đoàn (và các đoàn thể khác) giải quyết tốt mọi công việc trong cơ quan, công bằng, hợp lý,chăm lo cải thiện đời sống cho cán bộ,nhân viên đúng chính sách.

2. Trong thắng lợi của Viện và ngành Mắt ta  mọi người đều thấy rõ cán bộ là khâu quyết định. Những năm đầu, cán bộ ít, Viện và ngành chưa thể làm được gì nhiều .Vấn đề đã rõ: muốn tạo được sự chuyển biến mới cho Viện, cho ngành thì phải có một đội ngũ cán bộ đông đảo vững vàng chuyên môn. Ngay từ những năm đầu tiên Viện đã quan tâm đào tạo cán bộ chuyên khoa từ Y tá đến Bác sĩ để kịp thời tổ chức các khoa mắt và trạm mắt các tỉnh,những viên gạch đầu tiên của hệ thống ngành Mắt. Sau đó  nâng cao dần cả về chất lượng và số lượng (mở lớp bổ túc từng đợt,bồi dưỡng từng chuyên đề). Ngoài nhiệm vụ xây dựng ở miền Bắc,Viện và ngành đã gửi nhiều cán bộ ưu tú vào Nam phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Từ năm 1975, sau khi đất nước thống nhất 2 miền thì nhu cầu cán bộ càng cấp bách, chúng ta đẩy mạnh công tác đào tạo hơn nữa: trong vòng 20 năm chúng ta đã đào tạo được 996 lượt cán bộ chuyên khoa trên Đại học, bằng 5,5 lần so với 2 thập kỷ trước.Ngày nay số lượng cán bộ chuyên khoa Mắt đã hơn 1000 người,ngành Mắt đã có mặt ở khắp mọi miền của đất nước đã thống nhất. Chất lượng cán bộ cũng cao hơn. Toàn ngành mắt đã có hàng chục giáo sư và phó giáo sư, khoảng trăm cán bộ có học vị từ Thạc sĩ trở lên. Nhờ một đội ngũ cán bộ mạnh như vậy mà ngành mắt đã thực hiện tốt các chương trình phòng chống mù loà,ứng dụng một cách sáng tạo ngày càng sớm nhiều kỹ thuật hiện đại,phát huy nhiều sáng kiến cải tiến khắc phục mọi khó khăn gian khổ và cũng là một ngành chuyên khoa được nhân dân tín nhiệm vì đã nghiêm túc làm theo lời Bác Hồ dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền” .

Do công lao phục vụ nhân dân, phục vụ ngành mà nhiều đơn vị và cá nhân được khen thưởng xứng đáng.Viện được 2 Huân chương Độc lập ,nhiều Huân chương Lao động các hạng . Khoa kết hợp Đông - Tây y và Khoa tổng hợp được thưởng Huân chương lao động hạng ba. Bộ môn mắt cũng được 1 Huân chương Lao động hạng ba.Cố GS. Nguyễn Xuân Nguyên được nhiều Huân chương kháng chiến , Huân chương lao động các hạng và giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt đầu tiên (1996). Được tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân có Gs.Nguyễn Trọng Nhân, GS Cù Nhân Nại, GS Phan Đức Khâm, GS.Tôn Kim Thanh,PGS Hoàng thị Luỹ,PGS Trần Nguyệt Thanh. Hàng chục người được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú,trong số đó có GS. Hà Huy Tiến, các PGS. Nguyễn Duy Tân, Võ Quang Nghiêm, Lê Hoàng Mai, các bác sỹ: Vũ Công Long, Lã Huy Biền, Nguyễn Thị Cúc Anh, Nguyễn Thị Hợi, Trần Thị Phương Thu; các Dược sĩ Tôn Nữ Minh Chí, Nguyễn Thị Bạch Liên, Nguyễn Cảnh Hà, y sĩ Thái thị Minh Huấn (trạm mắt Bình thuận), vv... và các Nhà giáo ưu tú là PGS. Phan Dẫn, PGS. Hoàng thị Phúc (Đại học Y Hà nội), Bs Ngô Như Hoà, PGS. Đoàn Trọng Hậu, PGS. Nguyễn xuân Trường (Đại học Y TP Hồ Chí Minh). Về thi đua đã có 3 đơn vị của ngành được phong tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới :Trung tâm mắt Nam định (2002),Trung tâm mắt Ninh thuận (2005) và Bệnh viện mắt trung ương (2005).Nhà nước cũng tuyên dương GS. Nguyễn Trọng Nhân là Anh hùng Lao động XHCN (1985) và 7 CSTĐ toàn Ngành, nhiều Bằng và Huy hiệu Lao động sáng tạo (trong đó có một đặc cách đầu tiên trong toàn quốc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 1984 cho GS. Nhân).

Tại các địa phương (hiện nay chưa nắm được đầy đủ), nhiều nơi cũng được thưởng HCLĐ như trung tâm mắt Thành phố Hồ Chí Minh, các trạm mắt Ninh Thuận, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định, Thanh Hoá, Nam Hà và khoa mắt Bệnh viện tỉnh Hà Tây.

3- Mối quan hệ hữu cơ giữa Viện và Ngành cũng là một nhân tố quan trọng thúc đẩy tiến trình phát triển của Viện và của ngành. Hiệu quả công tác của Viện tác động sâu sắc đến ngành vì Viện là nơi tập trung nhiều nhân tài, vật lực, có điều kiện để làm một bộ máy đào tạo,bồi dưỡng cán bộ cho ngành, để nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mới từ đó phổ cập cho ngành và đặc biệt là đóng vai trò giới thiệu các đối tác nước ngoài đến hợp tác và viện trợ, chỉ đạo việc xây dựng mạng lưới chuyên khoa và thống nhất phương hướng, sách lược hoạt động của ngành cùng tập trung vào nhiệm vụ chính trị được giao. Trong hơn 40 năm qua tác động của Viện đối với ngành thì ai cũng thấy. Nhưng còn hiệu ứng trở lại thì như thế nào? Xưa nay người ta vẫn nói: Thần thiêng là nhờ bộ hạ. Đúng vậy! Chính nhu cầu phát triển ngành đã thúc đẩy Viện tiến nhanh, tiến mạnh, không ngừng vươn lên để làm được nhiệm vụ của Viện đầu ngành. Rõ ràng ở đây có mối quan hệ khăng khít, tác động lẫn nhau, thúc đẩy, động viên nhau cùng tiến lên. Nước ta có Viện đầu ngành là một đặc điểm về tổ chức không thấy có ở các nước công nghiệp phát triển. Những nước này cũng có Viện nhưng không có nhiệm vụ chỉ đạo ai cả. Đứng về phạm trù lịch sử mà nói, kiểu Viện đầu ngành như của ta hiện nay mang tính chất giai đoạn đặc thù của một đất nước chậm phát triển, khi khả năng của Nhà nước còn hạn chế, trình độ cán bộ cũng như trang thiết bị các nơi không đồng đều và thiếu, mỗi cơ sở, mỗi địa phương không thể độc lập tác chiến được, cho nên cần sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống dưới, tập trung vào một đầu mối là Viện đầu ngành. Có thể nói Viện Mắt là một trong các Viện đầu ngành, trong giai đoạn lịch sử vừa qua đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Chúng ta có thể tự hào về sự thành công này và khẳng định đó là kết quả của sự gắn bó chặt chẽ giữa Viện và Ngành, Ngành và Viện.

Trước sự trưởng thành của một số trung tâm mắt ở địa phương chúng ta có thể tiên đoán về triển vọng tiến tới  một giai đoạn phát triển mới của ngành mắt nước ta khi có những trung tâm mắt cho từng vùng,từng khu vực.Các trung tâm đó sẽ vừa hợp tác vừa thi đua với nhau  phát triển chuyên môn, đẩy nhanh hiện đại hoá trình độ nhãn khoa Việt Nam đạt trình độ quốc tế và bệnh nhân dễ tiếp cận hơn sự chăm sóc mắt có chất lượng.

4. Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ viện trợ cũng là một nhân tố tạo thuận lợi cho Viện và Ngành phát triển. Trước ngày giải phóng miền Nam, đất nước bị chiến tranh liên miên. Cũng như các ngành khác, sự phát triển của chúng ta với tinh thần tự lực cánh sinh  tuy có nhưng cũng rất bị hạn chế bởi những khó khăn, thiếu thốn về phương tiện kỹ thuật. Từ sau khi thống nhất đất nước đến nay,nhờ được hoà bình ổn định, nhờ mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế mà chúng ta đã vươn mạnh, vươn nhanh, đã có những bước tiến nhảy vọt về mặt khoa học - kỹ thuật. Những khoản viện trợ này đã  trang bị cho Ngành hàng mấy trăm bộ  mổ vi phẫu, hàng trăm hiển vi phẫu thuật và bao nhiêu máy móc đắt tiền khác? Và  chúng ta mới có điều kiện để mổ đục TTT có lắp thể thuỷ tinh nhân tạo cả cho những bệnh nhân nghèo. Đây là một bằng chứng khẳng định quan điểm tự lực cánh sinh là chủ yếu, nhưng viện trợ rất quan trọng. Dân tộc ta thông minh, cần cù, cán bộ ta chịu khó học hỏi, có đôi bàn tay khéo léo,  nhìn người khác làm cũng có thể hiểu được, nhưng không có máy móc, phương tiện thì cũng có lúc đành chịu bó tay.Chính các bạn đồng nghiệp nước ngoài,các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức của Liên hiệp quốc,… thấy khả năng ,trí sáng tạo,tinh thần hết lòng vì bệnh nhân,vì nhân dân của anh em chúng ta mà họ đến với Việt Nam mà họ đã có tình cảm và lòng khâm phục từ lâu.Giờ đây khó khăn của chúng ta phần nào đã được tháo gỡ, vấn đề còn lại là làm sao sử dụng tốt hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa những trang thiết bị được viện trợ này. Từ đó phát triển thêm sự hợp tác và hội nhập quốc tế, nâng cao nhanh trình độ khoa học kỹ thuật của ngành Mắt nước ta, đẩy nhanh hơn nữa công cuộc phòng chống mù loà, bảo vệ ánh sáng đôi mắt cho nhân dân ta, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sau 50 năm Viện và ngành đã có những bước tiến trưởng thành.Bên cạnh những thành tích còn nhiều điều cần phải rút kinh nghiệm.Chắc chắn có nhiều bài học không những cho các thế hệ đã sống và làm việc mà còn rất quý cho những thế hệ mai sau.Hy vọng với tinh thần “Thầy thuốc như mẹ hiền”,Viện và ngành sẽ luôn tiến kịp thời đại và xứng đáng với mong muốn của nhân dân !

 

2067 Go top