Chương III
GIAI ĐOẠN XÂY DỰNG XHCN Ở MIỀN BẮC VÀ
KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
(1955-1975)
Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Genévơ năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Miền Nam còn bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai thống trị nên nhân dân ta phải tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Miền Bắc được coi là hậu phương lớn và miền Nam được coi là tiền tuyến lớn. Ngày 22.7.1954, trong lời kêu gọi sau khi hội nghị Genévơ kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở nhân dân cả nước: “Đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ”.
I. THỜI KỲ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN TRONG HOÀ BÌNH Ở MIỀN BẮC (1955-1964)
Miền Bắc vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, gặp muôn vàn khó khăn. Hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp bị tàn phá, đồng ruộng nhiều nơi bị bỏ hoang. Đường xá, cầu cống hầu như bị phá huỷ. Nền tài chính còn yếu kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Văn hoá giáo dục, y tế còn nhiều hạn chế.
Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch đã viết: “Sau 80 năm bị đô hộ áp bức, bóc lột, ăn không no, mặc không ấm, sức khoẻ người dân Việt Nam sút kém. Hàng năm những dịch như đậu mùa giết hàng vạn người. Các bệnh xã hội có tính chất rộng rãi trong quần chúng đã hoành hành, tàn phá sức khoẻ của nhân dân ta ghê gớm: 90% dân miền núi bị bệnh sốt rét, 90% nhân dân vùng đồng bằng bị bệnh mắt hột...Bên cạnh đó còn có những dịch cúm, dịch bại liệt ...do siêu vi trùng, rất khó phòng và điều trị, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động, đến đời sống tương lai của trẻ em.
Cán bộ chúng ta trải qua hàng chục năm kháng chiến gian khổ, sức khoẻ cũng sút kém nhiều, đau nhiều bệnh kinh niên như sốt rét, dạ dày, kiết lỵ, thần kinh...
GS. Nguyễn Xuân Nguyên từ trường ĐHYK (Chiêm Hoá, Tuyên Quang), cùng với một số Y sĩ đi thuyền theo đường sông về đến Hà Nội ngày 28.10.1954. Sau khi được giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Mắt, ông bắt tay ngay vào công việc ổn định tổ chức bộ máy hành chính, chuyên môn để sớm khôi phục lại hoạt động của Viện. Lúc bấy giờ số cán bộ nhân viên cũ ở lại có vào khoảng 50 người, chủ yếu là y tá, hộ lý, công nhân tạp vụ. Đến năm 1956, biên chế đã lên tới 109 người, trong đó có 1 Giáo sư Viện trưởng, 4 Bác sĩ là Lê Thành Thân, Ngô Như Hoà, Nguyễn Duy Hoà, Tôn Thất Hoạt, 10 Y sĩ, 31 y tá, 1 Dược sĩ (Bà Phúc, vợ nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch), 1 dược tá, 1 xét nghiệm viên (cụ Cống), 31 hộ lý và nhân viên cấp dưỡng. Đầu năm 1955, có các y sỹ: Võ Đình Chi, Long, Mẫn, Thái Anh, Lành được đi học lớp đầu tiên về phòng chống bệnh mắt hột ở Thái Bình do Đoàn chuyên gia Liên Xô mở và về công tác tại Viện Mắt một thời gian (hồi ký của Võ Đình Chi). Bộ phận hành chính, quản trị gần 20 người, trong đó một số có trình độ nghiệp vụ cao như cụ Thiện, cụ Sỹ, ông Kỳ, ông Sơn... Ngoài ra, còn có một số sinh viên năm thứ 5, năm thứ 6 từ ngoài kháng chiến về như Phan Kiểm, Hà Văn Trạch, Hà Huy Tiến, Trần Trọng Hoàn, Nguyễn Văn Quyên... đến thực tập và viết luận án tốt nghiệp.
Trong thời gian đầu sau ngày tiếp quản, công tác giáo dục chính trị tư tưởng là vô cùng quan trọng. Vì thế Ban lãnh đạo Viện được tăng cường thêm một cán bộ chính trị (trình độ tỉnh uỷ viên) làm Phó Viện trưởng là đ/c Phạm Viết My. Chi bộ Đảng đầu tiên ra đời do đ/c My làm Bí thư. Lúc bấy giờ nhiệm vụ quan trọng nhất của Chi bộ là lãnh đạo công tác tư tưởng, chăm lo động viên toàn bộ CBCNV, tăng cường đoàn kết giữa anh em từ ngoài kháng chiến về với anh em ở lại thành một khối để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ của Viện. Bên cạnh Chi bộ còn có các tổ chức đoàn thể quần chúng như công đoàn, thanh niên, phụ nữ cũng tích cực hoạt động góp phần củng cố và phát triển Viện.
Năm 1956 là một năm có nhiều sự kiện lớn mở đầu thời kỳ phát triển mới của Viện.
Sự kiện thứ nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Viện (tháng 8.1956). Thật là một vinh dự vô cùng lớn lao. Bác bận trăm công nghìn việc mà vẫn dành thời gian về thăm hỏi cán bộ công nhân viên và bệnh nhân. Đầu tiên Bác đi thẳng vào nhà bếp, rồi đi dọc theo hành lang vào phòng bệnh nhân, sau đó vào phòng mổ xem mổ lông quặm, rồi xuống phòng chiếu chụp điện quang. Sau cùng Bác đi lên hội trường nói chuyện và căn dặn: "Các cô, các chú là những người thầy thuốc chữa mắt nên phải có phương pháp dự phòng bệnh mắt hột, phải tích cực chạy chữa cho những người bị đau mắt, đem lại ánh sáng cho nhân dân" (trích sách: Kỷ niệm về Bác Hồ, của Quận uỷ Đảng bộ Hai Bà Trưng, xuất bản năm 1984).
Đi qua các khoa, phòng, Bác thấy bệnh nhân nằm quá đông, chỗ làm việc quá chật chội, nên Bác đã quyết định phải cải tạo xây dựng thêm cơ sở nhà cửa. Do đó đến năm 1957-1958, Bộ Y tế đã cấp kinh phí, cho phá dỡ dãy nhà trệt ở phía đường Trần Nhân Tông, xây lên toà nhà 3 tầng, nới rộng diện tích sử dụng thêm 2.000m2và tăng số giường bệnh lên. Cũng từ ngày đó, cổng chính của Viện Mắt mở ra phía đường Bà Triệu, khang trang, đẹp đẽ hơn.
Sự kiện quan trọng thứ 2 là đầu tháng 4.1956, đoàn chuyên gia Liên Xô về bệnh mắt hột đến Viện để giúp ta làm công tác phòng chống bệnh mắt hột, thực hiện lời căn dặn của Bác. Đây là đoàn chuyên gia đầu tiên của một nước anh em đến giúp ta sớm nhất và cũng ở lâu dài nhất (18 tháng). Đoàn gồm 7 người, đều là phụ nữ, trong đó có 3 bác sĩ là Louisa – Trưởng đoàn, BS. Kama, BS. Nina; 3 y tá là Valia, Natasa và Jenia; một phiên dịch tiếng Pháp là Irina. Giúp đoàn có 2 cán bộ phiên dịch tiếng Nga của bộ gửi xuống (Trần Thị Quế và Đinh Ngọc Diêm).
Đầu năm 1957, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đến thăm Viện. Sau khi đi qua các khoa, phòng lâm sàng thăm hỏi bệnh nhân, Thủ tướng dừng chân ở khối khoa học cơ sở nghe báo cáo về kết quả nghiên cứu mắt hột. Thủ tướng có nói một câu rất sâu sắc: "Chừng nào nhân dân ta còn rửa mặt bằng nước ao thì chưa thể nói đến chuyện thanh toán bệnh mắt hột". Như vậy có nghĩa là trong công tác phòng chống bệnh mắt hột phải đẩy mạnh việc vệ sinh phòng bệnh là chính.
Ngày 1.7.1957, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 287/TTg thành lập Viện Mắt hột (và đồng thời cả Viện Sốt rét) với nhiệm vụ: Nghiên cứu bệnh mắt hột và tình hình bệnh mắt hột, nghiên cứu những phương pháp phòng và chữa bệnh mắt hột để giúp Bộ Y tế lãnh đạo toàn ngành và nhân dân tiến lên từng bước giảm dần tỷ lệ và tiêu diệt bệnh mắt hột...
1. Tổ chức bộ máy của Viện (Thời kỳ 1955-1964):
Trên cơ sở Nghị định số 287/TTg, Viện Mắt hột đã xác định cụ thể chức năng nhiệm vụ của Viện như sau:
- Tổ chức các cuộc điều tra để nắm được tình hình bệnh mắt hột (và đồng thời cả một số bệnh khác về mắt) ở các vùng khác nhau trong nước (lúc bấy giờ là ở miền Bắc). Bước đầu nắm được dịch tễ học bệnh mắt hột, nguyên nhân gây bệnh và tác nhân lây truyền bệnh, để trên cơ sở khoa học và thực tiễn, xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh mắt hột.
- Nghiên cứu các phương pháp điều trị ít tốn kém, dễ thực hiện mà lại có hiệu qủa cao để tổ chức việc điều trị hàng loạt cho cộng đồng dân cư, giải phóng sức lao động sản xuất cho nhân dân.
- Đào tạo nhanh chóng đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác phòng chống bệnh mắt hột cho các địa phương, cụ thể trước mắt là để thành lập các đội lưu động chống mắt hột và tuyên truyền, vận động vệ sinh phòng bệnh.
- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện việc nghiên cứu khoa học về các phương pháp phòng chống bệnh mắt hột có hiệu quả nhất.
- Nghiên cứu và xây dựng một chương trình tổ chức công tác phòng chống bệnh mắt hột cho từng giai đoạn để hạ thấp dần tỷ lệ bị mắt hột, tiến đến thanh toán bệnh mắt hột.
Để làm được chức năng và nhiệm vụ của một Viện đầu ngành (cả về mắt hột và nhãn khoa), Viện phải củng cố tổ chức tăng cường bộ máy hành chính cũng như chuyên môn.
Đầu thập kỷ 60, về lãnh đạo, ngoài GS. Nguyễn Xuân Nguyên là Viện trưởng còn có 2 Phó Viện trưởng là cán bộ chính trị (đ/c Võ Xuân Hựu, chuyên trách công tác Đảng và công tác chính trị, tư tưởng, đ/c Nguyễn Thành Danh, phụ trách chỉ đạo công tác mắt hột và khối Dược, xét nghiệm).
Trực tiếp giúp Ban giám đốc Viện có các phòng tham mưu kế cận. Bên khối chuyên môn có phòng Y vụ – Tổng hợp (do BS. Hà Huy Tiến phụ trách); Phòng Huấn luyện – Nghiên cứu khoa học (BS. Phan Đức Khâm); Phòng chỉ đạo chuyên khoa (BS. Vũ Công Long). Bên khối Hậu cần có Phòng Hành chính – Quản trị – Tài vụ (đ/c Đào Văn Hách, Phạm Thị Thanh) và Phòng Tổ chức cán bộ (các đ/c Lê Bá, Phạm Kim, sau đó Thái Hồng Cẩm, Lê Thị Tuyết, Nguyễn Bá Tân).
Khối lâm sàng hồi bấy giờ chưa chia thành các chuyên khoa sâu. Bệnh nhân nằm điều trị nội trú được rải đều cho 4 phòng (A, B, C, D) mỗi phòng khoảng 30-40 bệnh nhân. Tuy nhiên mỗi phòng cũng đã có xu thế thiên về một vài bệnh.
Phòng A dành cho bệnh nhân cán bộ, trong đó có 5 giường giành cho cán bộ có tiêu chuẩn Việt-Xô (bệnh viện Việt-Xô lúc đó chưa có khoa Mắt). Cán bộ chủ chốt ở phòng này là các BS. Nguyễn Thị Sinh, Nguyễn Thị Cúc Anh; đến năm 1964 có thêm PTS. Nguyễn Trọng Nhân ở Liên Xô về. Phòng B thiên về bệnh glôcôm, có các BS. Tôn Thất Hoạt, Ngô Song Liễu, Nguyễn Năng... Phòng C thiên về chấn thương, lệ đạo có các BS. Ngô Như Hoà, Nguyễn Xuân Trường, Phan Đức Khâm. Phòng D thiên về bệnh kết-giác mạc và mắt hột có các BS. Nguyễn Duy Hoà, Nguyễn Duy Tân, Phan Kế Tôn. Mỗi phòng có thêm 2, 3 y sĩ làm công tác điều trị. Ngoài ra còn có phòng M (thường gọi là phòng Mờ) là phòng hậu phẫu (có cụ Lan và cô Lưu Thị Phương là y tá). Nhà mổ (do bà Bảo phụ trách, sau đó BS. Lê Thị Nguyệt Áng, chuyên gây mê) là nơi có nhiều người có kinh nghiệm về các công tác như sấy hấp dụng cụ, chuẩn bị bông, băng, gạc, chuẩn bị đồ mổ và cả tít mổ (phụ mổ) với một đội ngũ y tá lành nghề như bác Triệu (chuyên gây mê và mài dao kéo), cô Hài, cô Kim, cô Phúc, v.v...
Khu khám bệnh do BS. Lê Thành Thân phụ trách nhiều năm liên tục, sau có BS. Nguyễn Trọng Nhân, Nguyễn Thị Cúc Anh, Ngô Thị Song Liễu, Lê Thị Định...
Bộ phận thử kính có y tá Ngọc, y tá Luật có tay nghề giỏi.
Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế về ứng dụng và phát triển Y học cổ truyền trong các bệnh viện, năm 1960, thành lập một bộ phận mới gọi là phòng Đông y do lương y Phạm Văn Khiết phụ trách. Từ năm 1962 về sau, bổ sung thêm các BS. Cù Nhân Nại, Vương Đình Bách là những bác sĩ được đào tạo cả về Đông y và Tây y tại Trung Quốc, chính thức ra đời Khoa Đông-Tây y kết hợp, chuyên trị về các bệnh đáy mắt nhưng cũng có làm các phẫu thuật như đục thể thuỷ tinh, bong võng mạc…
Khối cận lâm sàng cũng được phát triển thêm, có Phòng Xét nghiệm vi khuẩn và siêu vi khuẩn (BS. Nguyễn Hiền), Phòng Sinh hoá (BS. Chu Ánh Tuyết), Phòng Huyết học, Phòng Giải phẫu bệnh (BS. Võ Thế Sao) và một labô bệnh học thực nghiệm do BS. Ngô Như Hoà phụ trách (có cả nhà nuôi khỉ, thỏ và chuột bạch).
Khoa Dược cũng được mở rộng và triển khai nhiều hoạt động mới (các dược sĩ Tôn Nữ Minh Chí, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Nguyễn Thị Bạch Liên, Nguyễn Thị Chế), tự pha chế, sản xuất được 60 loại thuốc nước nhỏ mắt, mỡ tra mắt, thuốc tiêm, thuốc uống, có cả cao đơn hoàn tán và sắc thuốc thang cho bệnh nhân. Nói chung các sản phẩm của khoa Dược hồi bấy giờ rất đa dạng, phong phú. Có một thời gian đầu khoa Dược Viện Mắt tự đảm đương lấy việc pha chế hàng chục vạn ống thuốc nước Sulfacilum, thuốc mỡ Syntomicin cho công tác mắt hột của các địa phương. Đặc biệt là khoa đã sản xuất ra các loại thuốc Filatov uống và tiêm từ cuống rốn lấy ở các nhà hộ sinh và bệnh viện C, được các khoa lâm sàng sử dụng rộng rãi cho bệnh nhân. Sau khi Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc thì khoa còn sản xuất cả chỉ từ gân đuôi chuột cho phẫu thuật theo sự hướng dẫn của PTS. Nguyễn Trọng Nhân. Đây là một sáng kiến có giá trị đã giải quyết được khó khăn về chỉ khâu cho phẫu thuật mở nhãn cầu hồi bấy giờ (và cả suốt hàng chục năm sau). Nó là một loại chỉ tự tiêu được làm từ gân đuôi chuột bạch, nhưng ở nước ta không có nhiều loại chuột này nên đã dùng gân đuôi chuột cống hoặc chuột đồng. Qua thực tế sử dụng, chỉ đã đáp ứng được yêu cầu phẫu thuật nên số lượng chỉ sản xuất ngày càng cao, khoa Dược phải đặt mua đuôi chuột tận trong Hà Đông (mỗi tuần 50 đuôi), và ngay ở Viện một số người cũng tổ chức săn bắt chuột (như đ/c Toàn thợ điện, y tá Nga nhà mổ).
2. Công tác chống bệnh mắt hột ở thời kỳ 1955-1964:
Ngay sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, theo lời đề nghị của Bác Hồ, Chính phủ Liên Xô đã cử một đoàn chuyên gia về mắt hột sang giúp ta.
Về phía Viện, làm việc với đoàn có trong thời gian rất ngắn đợt đầu có Bs Phan Đức Khâm, Trần Kiện nhưng sau hai anh được rút về học để thi tốt nghiệp thì còn lại anh Vũ Công Long, Võ Quang Nghiêm, Hoàng Thị Lũy, Nguyễn Văn Mười.
Đoàn đi về tận các xã, lưu lại mỗi xã 3 tháng làm nhiệm vụ điều tra cơ bản khám chữa bệnh mắt hột, giải quyết các biến chứng và là cơ sở đào tạo YBs làm công tác CMH cho các địa phương.
Làm việc với chuyên gia Liên Xô, không những học tập về chuyên môn mà cả về lối làm việc kế hoạch hóa. Đến địa phương nào, làm việc với lãnh đạo địa phương, Đoàn giới thiệu kế hoạch làm từ ngày đầu đến ngày tổng kết cuối đợt. Và cứ như thế phối hợp dung hòa, làm đúng theo thời gian biểu, không có đột xuất, không có ngoại lệ.Trong hơn 18 tháng đoàn đã làm thí điểm thanh toán bệnh mắt hột ở 4 xã, ở 4 tỉnh Sơn Tây, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa và đào tạo bồi dưỡng y bác sĩ làm công tác chống mắt hột, thành lập 22 đội chống mắt hột cho các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung bộ. Đó là tiền thân của các trạm mắt, khoa mắt tỉnh sau này. Và trên cơ sở đó Viện phát động tấn công vào bệnh mắt hột ở nước ta…(theo hồi ký của PGS. Hoàng Thị Luỹ)
Chỉ sau một tuần lễ thì đoàn đã cùng với một số cán bộ của Viện (Phan Đức Khâm, Hoàng Thị Luỹ, Võ Quang Nghiêm) về xã Đại Đồng thuộc tỉnh Sơn Tây, tổ chức một cuộc điều tra thí điểm, trên cơ sở đó tổ chức điều trị và phòng bệnh cho nhân dân. Đoàn làm việc tại xã trong 3 tháng, khám và điều trị cho khoảng 3.500 người, mổ cho gần 150 trường hợp lông quặm. Phương pháp điều trị chủ yếu là kẹp hột cho vỡ (bằng kẹp Bilharmin), sau đó dùng que thuỷ tinh day kết mạc mi và cùng đồ với mỡ Syntomicin và nhỏ thuốc nước Sulfacylum 10-20%. Mổ quặm thì tuỳ theo trường hợp mà mổ theo phương pháp Sapeshko, Snellen, nhưng chủ yếu là Panas. Phương pháp Panas thường cho kết quả tốt hơn.
Sau đợt thí điểm ở Đại Đồng, đoàn chuyển về làm việc ở xã Ái Quốc (Hải Dương) và sau đó là xã Vũ Ninh (Thái Bình). Tại những nơi này đoàn vừa làm công tác chữa mắt hột vừa đào tạo y sĩ và y tá chuyên về mắt hột. Đợt cuối cùng ở ở xã Đông Tân (Thanh Hoá) cũng vừa điều trị vừa đào tạo cán bộ.
Về mặt vệ sinh phòng bệnh, đi đến đâu đoàn cũng tổ chức các cuộc tuyên truyền vận động nhân dân đào giếng để có nước sạch mà dùng, rửa mặt khăn riêng, diệt ruồi, dọn rác, xây dựng hố xí hai ngăn, nhà tắm... Nói chung những cuộc vận động vệ sinh phòng bệnh đã mang lại kết quả cụ thể, thiết thực. Nhất là việc đào giếng và làm hố xí hai ngăn, nhiều nơi đã trở thành phong trào rầm rộ, nhân dân các xã đua nhau hưởng ứng.
Sau khi đoàn chuyên gia Liên Xô về nước, với số y sĩ và y tá đã được đào tạo, Viện cho thành lập 18 đội chống mắt hột, đi về các tỉnh đồng bằng và ven biển. Mỗi đội do 1 y sĩ phụ trách và có 2 y tá. Tỉnh lớn có tới 2 đội... Đến năm 1960, số đội lưu động chống mắt hột đã lên tới 32. Nhờ đó hơn 400 điểm đã được điều tra và điều trị mắt hột, 482 xã có tổ chức điều trị mắt hột.
Ngay ở Thủ đô Hà Nội, Trạm mắt cũng có tổ chức điều tra và điều trị ở một số xã và trường học.
Đến cuối năm 1964, chúng ta đã xây dựng được một mạng lưới chống mắt hột, từ TW đến tuyến cơ sở xã như sau:
Về tình hình bệnh mắt hột và một số bệnh mắt khác ở thời điểm 2 năm 1955-1956, qua các địa điểm điều tra của đoàn chuyên gia Liên Xô ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mã (Thanh Hoá), chúng ta có những số liệu sau đây:
Số người được khám
|
78.181
|
|
Số bị mắt hột (cả 4 thời kỳ)
|
3.080
|
81,04%
|
Lông quặm
|
4.162
|
5,70%
|
Màng máu giác mạc
|
3.080
|
3,93%
|
Viêm kết mạc
|
7.571
|
9,68%
|
Mộng thịt
|
2.915
|
3,71%
|
Viêm bờ mi (toét mắt)
|
1.754
|
2,24%
|
Sẹo giác mạc
|
1.191
|
1,53%
|
Loét giác mạc
|
117
|
0,14%
|
Tắc lệ đạo
|
358
|
0,45%
|
Đục thể thuỷ tinh
|
81
|
0,10%
|
Viêm túi lệ
|
24
|
0,02%
|
Glôcôm tuyệt đối (mù)
|
23
|
0,02%
|
Lác cơ năng
|
24
|
0,02%
|
Mù 2 mắt
|
158
|
0,22%
|
Mù 1 mắt
|
551
|
0,70%
|
Tiếp theo sau những hoạt động của Đoàn chuyên gia Liên Xô, nhiều đoàn cán bộ của Viện đã tổ chức thêm nhiều cuộc điều tra mới ở các vùng địa lý khác nhau. BS. Vũ Công Long điều tra ở 9 xã thuộc huyện Nghi Lộc (Nghệ An) năm 1958. Trong 2 năm 1960, 1962, điều tra các xã vùng ven biển và vùng núi cao. Đoàn của các BS Hà Huy Tiến, Phan Kế Tôn, Nguyễn Bá Can về điều tra ở xã Quảng Sơn (Sầm Sơn – Thanh Hoá), Quỳnh Hải (Thái Bình), Trà Cổ (Hải Ninh), nhận thấy tỷ lệ mắt hột ở các xã ven biển cao hơn hẳn vùng đồng bằng (ví dụ ở Quảng Sơn, tỷ lệ mắt hột cả 4 thời kỳ l;à 91,75%, trong đó riêng mắt hột hoạt tính là 73%, màng máu 19%, lông quặm 18%, mộng thịt 20%). Điều tra mắt hột ở vùng cao Hoà Bình có đoàn gồm các BS. Hà Huy Tiến, Đỗ Ngọc Huỳnh và nhà báo Đoàn Minh Tuấn. Đặc biệt là đoàn của BS. Ngô Như Hoà và Nguyễn Duy Tân đi điều tra ở các tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn, Hải Ninh, ở các độ cao từ 300 đến 1.500 mét, gồm 16 dân tộc ít người (Mèo, Mán, Tày, Nùng, Lôlô, Ngái, Giấy...) với môi sinh, phong tục, tập quán ăn ở, sinh hoạt khác hẳn người kinh. Đoàn đã rút ra được một số nhận xét khá lý thú như: tỷ lệ mắt hột hoạt tính ở vùng cao tỉnh Hà Giang không phải là thấp (từ 69 đến 72%), ở Lạng Sơn từ 53 đến 73%. Có những hình thái lâm sàng rất nặng: tỷ lệ viêm nhiễm phối hợp, màng máu, lông quặm cũng cao (12-18%). Như vậy là độ cao và chủng tộc không phải là cái ô che chở cho con người khỏi bị bệnh mắt hột. Cũng là người dân tộc nhưng người Ngái ở Nậm Xi và Mán ở Pò Hèn thuộc tỉnh Hải Ninh có tỷ lệ mắt hột hoạt tính 15%, thấp hơn nhiều so với những vùng dân tộc khác: nguyên nhân là vì 2 dân tộc này ở những nơi có lắm khe suối, sẵn nước sạch để dùng, nhà cửa lại thưa thớt, quang đãng, hạn chế được sự lây lan trong cộng đồng.
Để rút kinh nghiệm về điều trị mắt hột, mổ quặm và nghiên cứu về nguyên nhân, tỷ lệ tái phát, nhiễm mới, trong các năm 1960-1961, các BS. Hà Huy Tiến và Phan Kế Tôn đã tiến hành 3 cuộc phúc tra lại ở 3 xã trước đó 4 năm, đoàn chuyên gia Liên Xô và các đội mắt hột đã tổ chức điều trị (năm 1956). Sau đây là một vài số liệu có ý nghĩa, là những bài học đáng cho chúng ta rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống bệnh mắt hột.
Kết quả phúc tra ở 3 xã đã được chữa mắt hột
Tên xã
|
MH. H/tính trước ĐT
|
MH. H/tính sau ĐT
|
MH. H/tính sau PT
|
Mắt hột tái phát
|
Mắt hột nhiễm mới
|
Quặm tái phát
|
Ái Quốc (H.Dương)
|
67,9%
(7.1956)
|
41%
(9.1956)
|
41,7%
(9.1960)
|
16%
(9.1960)
|
19,82%
(9.1960)
|
41%
(9.1960)
|
Đông Tân (Th.Hoá)
|
74,60%
(12.1956)
|
45,4%
(2.1957)
|
41,7%
(9.1960)
|
35%
(9.1960)
|
17%
(9.1960)
|
20%
(9.1960)
|
Xuân Huy (Phú Thọ)
|
74%
(7.1958)
|
43,2%
(9.1958)
|
25%
(9.1960)
|
31%
(9.1960)
|
16,6%
(9.1960)
|
38%
(9.1960)
|
Qua những cuộc phúc tra này, Viện đã rút ra được những bài học thật quý báu:
- Điều trị mắt hột không chu đáo, không kéo dài đủ thời gian, thì tỷ lệ tái phát cao (Đông Tân, Xuân Huy).
- Mắt hột tái phát và nhiễm mới, chủ yếu là do vệ sinh phòng bệnh cá nhân và cộng đồng không tốt, tập quán ăn ở lạc hậu (rửa chung khăn, chung chậu, dùng nước ao hồ). Đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ nhiễm mới rất cao (50-60%).
- Tỷ lệ mổ quặm tái phát cao vì kỹ thuật không tốt, chỉ định chưa sát đúng (phương pháp Snellen, Sapeshko tái phát nhiều, Panas tốt nhưng thường tái phát 2 góc vì đường rạch không kéo dài ra 2 đầu sợ chảy máu do cắt đứt mạch máu góc mi).
Có thể nói với sự giúp đỡ tận tình của đoàn chuyên gia Liên Xô đầu tiên sang nước ta rất sớm, đã dấy lên một phong trào phòng chống mắt hột khá mạnh mẽ ngay từ giai đoạn đầu trong công cuộc thanh toán, loại trừ một bệnh xã hội lớn như bệnh mắt hột ra khỏi đời sống của nhân dân ta. Nhớ lại hồi bấy giờ Viện đã cho xuất hầu hết các “tướng” dẫn đầu các đoàn quân đi làm công tác điều tra cơ bản và tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh. Tiếp sau đó là các binh đoàn địa phương cũng thi nhau tấn công vào kẻ địch là bệnh mắt hột. Tính ra trong khoảng thời gian từ 1955 – 1963, đã có gần 2000 địa điểm được điều tra, nghiên cứu. Nhờ đó mà ngay từ trong giai đoạn đầu chúng ta đã có thể đánh giá một cách tổng quát về tình hình bệnh mắt hột và các biến chứng của nó, cũng như về một số bệnh mắt khác.
Nói chung, tình hình bệnh mắt hột ở nước ta là rất nặng nề, vào bậc nhất thế giới, với 2 đặc điểm nổi bật là tỷ lệ bệnh cao (70-80%) và biến chứng nặng (lông quặm, màng máu, tỷ lệ 15-20%). Thực sự là bệnh mắt hột đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức lao động sản xuất của nhân dân ta từ bao đời nay. Ông cha ta, các bậc tiền bối đã bị khổ sở vì nó. Chẳng thế mà ngày trước, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã từng phàn nàn về đôi mắt toét của mình:
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt
Mắt lão không viền cũng đỏ hoe!
Hay như cô thôn nữ đã ví von:
Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng mắt toét chứ mình em đâu!
Dựa vào kết quả điều tra, nghiên cứu trên hàng nghìn địa điểm khác nhau, ngay từ đầu thập kỷ 60, Viện Mắt hột đã lên được bản đồ mắt hột trên miền Bắc và GS. Viện trưởng Nguyễn Xuân Nguyên đã dự kiến con đường tiến lên thanh toán bệnh mắt hột sẽ trải qua 4 giai đoạn sau đây:
- Giai đoạn 1: Là giai đoạn chuẩn bị, bao gồm những công việc như đào tạo cán bộ về phòng chống bệnh mắt hột, tổ chức bộ máy, tổ chức mạng lưới ở các tuyến, các Đội lưu động đi điều tra, nghiên cứu, điều trị thí điểm để rút kinh nghiệm và phổ biến kinh nghiệm. Đồng thời chuẩn bị cả thuốc men và dụng cụ.
- Giai đoạn 2: Là giai đoạn tấn công vào bệnh mắt hột, bắt đầu từ trong gia đình đến nhà trường và ra cộng đồng, tổ chức điều trị và mổ quặm, lấy kết quả đó mà tuyên truyền, vận động vệ sinh phòng bệnh, đẩy mạnh thực hiện 3 công trình (đào giếng, làm hố xí, xử lý rác thải), cải tiến phong tục tập đoàn ăn ở sinh hoạt kém vệ sinh.
Là giai đoạn lâu dài, gian khổ nhất (phải đến 20-30 năm) vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, vừa chủ quan vừa khách quan. Chủ quan là sự chỉ đạo chặt chẽ của Viện và các hoạt động tích cực bền bỉ của cán bộ làm công tác chống mắt hột. Khách quan là sự hưởng ứng của nhân dân và sự ủng hộ của xã hội, của chính quyền và của đoàn thể quần chúng. Đặc biệt là sự nâng cao về đời sống, kinh tế - xã hội ngày càng văn minh hơn. Có nghĩa là chống bệnh mắt hột đòi hỏi sự tham gia của toàn thể xã hội. Nói một cách khác là phải xã hội hoá công tác phòng chống bệnh mắt hột theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
- Giai đoạn 3: Là giai đoạn thanh toán tàn dư của bệnh mắt hột để lại trên mắt của lớp người già như sẹo giác mạc, màng máu giác mạc làm giảm thị lực nhiều, đồng thời là giai đoạn củng cố những thành quả đã thu được về điều trị, chống tái phát, lây nhiễm mới một cách triệt để ở lớp người trẻ.
- Giai đoạn 4: Là giai đoạn cuối cùng, thanh toán nốt khoảng 1-2% mắt hột hoạt tính mới nảy sinh hoặc còn sót lại, tiến đến loại trừ vĩnh viễn bệnh mắt hột ra khỏi đời sống của nhân dân. Dĩ nhiên khả năng này có thể trở thành hiện thực khi đời sống kinh tế, trình độ văn hoá xã hội được nâng cao, giống như những nước phương Tây đã công nghiệp hoá, bệnh mắt hột không còn nữa từ hàng chục năm nay.
Con đường đi tới đích thanh toán hoàn toàn bệnh mắt hột trải qua 4 giai đoạn như vừa phác hoạ ở trên là một con đường dài đến hàng 4-5 thập kỷ, đầy gian lao vất vả. Thời gian 10 năm (1955-1965) mới là chặng đường đầu của giai đoạn 1. Kết quả thu lượm được trong chặng đầu cũng đã rất đáng khích lệ. Sau đây là một vài số liệu đã thống kê được:
- Khám điều tra mắt hột được 11 triệu người.
- Điều trị khỏi mắt hột được 4 triệu người.
- Mổ lông quặm: 330.000 người tại tuyến huyện và xã.
Về công trình vệ sinh phòng bệnh:
- Cải tạo và đào mới được 200.000 giếng nước sạch.
- Làm được 450.000 hố xí hợp vệ sinh.
- Gây được nề nếp tổng vệ sinh hàng tuần nhà cửa, đường sá, nơi công cộng.
- Tuyên truyền, vận động vệ sinh phòng bệnh: hàng triệu tờ in bươm bướm, phát thanh trên loa đài, phổ cập trên báo chí, quay một cuộn phim dài 300 mét...
Về cán bộ phục vụ cho công tác mắt hột, đến cuối năm 1965, Viện và các địa phương đã đào tạo bổ túc được:
- 110 Bác sĩ biết làm công tác mắt hột.
- 500 Y sĩ được huấn luyện thêm về mắt hột.
- 1.500 y tá phục vụ trong các đội chống mắt hột.
- 7.000 cán bộ y tế xã, trong đó có 1.500 người biết mổ quặm.
Nhìn lại, trong khoảng 7-8 năm mà đào tạo, bồi dưỡng được một đội ngũ chống mắt hột hùng hậu như vậy, thật là một cố gắng lớn của Viện và của ngành mắt. Chính nhờ đội ngũ này mà đã thu hoạch được những kết quả về điều tra cơ bản, về điều trị phòng bệnh bước đầu rất khả quan.
Song song với công tác đào tạo cán bộ thì các công trình nghiên cứu về mắt hột và nhãn khoa cũng được đẩy mạnh. Có thể nói ở thời kỳ này các công trình nghiên cứu về mắt hột đã nở rộ và gặt hái được nhiều kết quả.
* Về điều tra cơ bản: Là những công trình đã nói ở trên.
* Về lâm sàng và điều trị: Có công trình của Nguyễn Duy Tân về bệnh mắt hột thể gai phì đại; của Nguyễn Duy Hoà và Nguyễn Duy Tân về phân loại các hình thái quặm, lông xiêu, đề ra chỉ định điều trị thích hợp; của Nguyễn Duy Hoà và Nguyễn Thị Sinh về đặc điểm của loét giác mạc ở người bị mắt hột, của Nguyễn Duy Hoà và Vũ Công Long về phân loại và điều trị màng máu; Nguyễn Duy Tân và Thái Thọ nghiên cứu điều trị mắt hột bằng Sulfamethoxypiridiazine (Sultirène, Spofadazine), có tác dụng tốt và có lợi điểm là thải loại thậm nên mỗi tuần chỉ cần uống một, hai lần, có thể ứng dụng để điều trị ngoại trú. Đặc biệt là công trình nghiên cứu về vi rút mắt hột, phối hợp giữa Viện Mắt với Viện Vệ sinh Dịch tễ, lần đầu tiên đã nuôi cấy và phân lập được 8 gốc vi rút mắt hột và gây được bệnh mắt hột thực nghiệm trên mắt khỉ Macaccus Rhésus.
Trên tinh thần tự lực cánh sinh và thực hiện đường lối kết hợp đông tây y, Khoa dược của Viện (DS. Tôn Nữ Minh Chí, DS. Nguyễn Thị Kim Xuyến) đã nghiên cứu, chiết xuất được chất Palmatine từ cây Hoàng đằng (tên khoa học là Fibraurea Tinctoria) là một alcaloid có tác dụng như kháng sinh, pha chế thành thuốc nước nhỏ mắt và mỡ tra mắt để điều trị mắt hột, toét bờ mi, viêm kết mạc, kết quả khá tốt (47%) (Thái Thọ). Nhưng về sau, Palmatine không được sử dụng lâu dài do thuốc có màu vàng, dây vào quần áo khó tẩy sạch, mặt khác khi nhỏ thuốc vào mắt, thuốc theo lệ đạo xuống mũi, xuống họng, gây cảm giác đắng, khó chịu nên bệnh nhân không ưa dùng. Cũng trong năm 1960, Hà Huy Tiến và cộng tác viên, theo kinh nghiệm của Trung Quốc, đã nghiên cứu tiến hành đánh hột bằng thỏi mai mực ngâm nước tỏi (có chất kháng sinh Allicin), cũng có tác dụng nhưng khó thực hiện. Cả 2 thứ Palmatin và Mai mực ngâm tỏi, nay đã đi vào lịch sử, nhưng cũng đã nói lên tinh thần tự lực cánh sinh, tìm cách khắc phục khó khăn để chữa bệnh cho nhân dân.
Nói tóm lại, trong giai đoạn đầu tấn công vào bệnh mắt hột, chúng ta đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ trên mọi mặt; điều tra dịch tễ học, tổ chức các đội lưu động và màng lưới ở khắp các tuyến, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu lâm sàng và điều trị. Riêng về mặt công tác vệ sinh phòng bệnh, đã phát động được cao trào xây dựng 3 công trình là đào giếng để có nước sạch mà dùng, làm hố xí 2 ngăn để chống ruồi nhặng, và quét dọn rác bẩn để môi sinh được sạch sẽ. Thành tích của các đội chống mắt hột kết hợp cùng với các đội vệ sinh phòng dịch kể ra đây không hết vì nó rộng khắp, từ thành thị đến nông thôn, đâu đâu cũng dấy lên phong trào ăn sạch, ở sạch, uống sạch, thi đua thực hiện 3 công trình.
Nhân đây chúng tôi xin nhắc lại một sự kiện có ý nghĩa lịch sử nói lên sự quan tâm của Bác Hồ đối với việc bảo vệ ánh sáng đôi mắt cho nhân dân như thế nào. Ngày 14 tháng 8 năm 1962, Bác Hồ về thăm cán bộ và nhân dân Quảng An (Quảng Bá) ghé qua lớp mẫu giáo xóm Quảng Khánh, thấy nhiều cháu bị đau mắt, toét mắt, trong đó có cháu Đỗ Thị Phúc (6 tuổi). Bác rất xúc động. Khi ra về Bác căn dặn cán bộ phải chăm lo sức khoẻ cho nhân dân và Bác lấy tiền lương của mình để xây một cái giếng kiểu mẫu cho nhân dân có nước sạch mà dùng, tránh rửa mặt bằng nước ao hồ làm cho nhiều người bị đau mắt (Quảng An là một xóm nằm ngay bên bờ Hồ Tây, nước bị ô nhiễm vì phân người phóng uế ra để nuôi cá và tưới cây).
Trên nhà bia kỷ niệm “Cái giếng Bác Hồ” có ghi những dòng chữ: “Ngày 14 tháng 8 năm 1962, Bác Hồ thăm lớp mẫu giáo và nhân dân xóm Quảng Khánh. Người dùng tiền lương của mình tặng nhân dân xóm Quảng An xây giếng này. Bác còn căn dặn: Quảng An phải phấn đấu xây dựng thành xã kiểu mẫu, toàn diện về vệ sinh phòng bệnh của Thành phố.
Đảng bộ và nhân dân Quảng An nguyện phấn đấu thực hiện lời dạy của Người”.
Một tháng rưỡi sau, ngày 29 tháng 9 năm 1962 Bác Hồ lại về thăm Quảng An một lần nữa, nhân cuộc họp tại đình Quảng Bá để sơ kết công tác vệ sinh phòng bệnh mùa hè. Bác lại cho tiền, giao cho Bệnh viện Việt – Xô xây cái giếng thứ hai và giao nhiệm vụ cho Cục Bảo vệ sức khoẻ cùng với khoa Mắt Bệnh viện Đống Đa tổ chức khám và chữa bệnh cho nhân dân địa phương.
Tại nhà bia kỷ niệm ở trước mặt đình Quảng Bá có ghi câu nói của Bác với nhân dân và cán bộ Quảng Bá như sau:
“Con người là vốn quý nhất của xã hội. Sức khoẻ là vốn quý nhất của con người. Vệ là bảo vệ. Sinh là sinh sống. Con người muốn mạnh khoẻ, sống lâu để lao động sản xuất tốt thì phải ăn, phải ở có vệ sinh. Muốn có vệ sinh phải có nước sạch. Muốn có nước sạch phải đào giếng. Đào giếng sẽ có nhiều nước sạch”.
Hôm đó, nhân dân và cán bộ xã Quảng An rất xúc động trước những lời căn dặn sâu sắc và thắm thiết của Bác nên đã hứa với Bác là sẽ ra sức phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác.
Một tháng sau, nhân dân xã Quảng An đã làm được 47 cái giếng khơi. Tiếp đó nổi lên phong trào thi đua thực hiện 3 công trình: giếng nước, hố xí, nhà tắm và xử lý rác thải.
Một năm sau, đúng ngày 29 tháng 9 năm 1963, chính quyền và y tế xã Quảng An báo cáo lên Bác một số thành tích đã đạt được:
- Giếng nước sạch 84 cái (bình quân 5 gia đình có 1 giếng, so với trước 23 gia đình/giếng).
- Hố xí hợp vệ sinh 348 cái.
Xử lý rác: hàng tuần có nề nếp tổng vệ sinh nhà cửa, đường sá.
- 100% số dân rửa nước giếng, khăn mặt riêng và uống nước đun sôi.
- Điều trị mắt hột: toàn xã có 2.488 nhân khẩu, tỷ lệ mắt hột trước là 31,18%, sau điều trị xuống còn 24,27%. Riêng về trường hợp cháu Phúc bị toét mắt và đau mắt nặng đã được chữa khỏi và cháu phấn khởi đi học vỡ lòng.
Từ sau đó, hàng năm, Đảng bộ, chính quyền và y tế xã Quảng An cũng như Trạm Mắt Hà Nội đều có báo cáo lên Bác về các thành tích và ưu, khuyết điểm trong công tác chăm sóc sức khoẻ và vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân. 20 năm sau (1982), xã đã làm lễ báo công tại nhà sàn của Bác ở Ba Đình.
Năm 1990 xã có 448 hố xí tự hoại, 329 giếng xây, 299 vòi nước máy, 427 nhà tắm.
Trong mấy năm gần đây, với phong trào đô thị hoá vòng đai quanh nội thành Hà Nội, tại Quảng An, hàng loạt nhà cao tầng, biệt thự, nhà nghỉ, khách sạn đã mọc lên. Điện và nước máy đã về đến tận từng gia đình. Những chiếc giếng đào trước kia đều phá bỏ, chỉ còn lại dăm bảy chiếc của một số gia đình. Cái “giếng Bác Hồ” được đóng nắp lại, ốp đá lát và dựng bia kỷ niệm, được nhân dân tôn trọng như một di tích lịch sử mà 30 năm về trước đã từng là ngọn cờ đầu dẫn dắt nhân dân Quảng An từ chỗ bùn lầy nước đọng, lắm ruồi muỗi, bệnh tật nhiều, nay trở thành một xã điển hình kiểu mẫu của Thủ đô Hà Nội về các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Quảng An đã thực hiện được lời hứa với Bác.
Ngày 8 tháng 4 năm 1997, đoàn cán bộ của Viện Mắt và Trung tâm Mắt Hà Nội đã về tận nơi, gặp gỡ người cán bộ đã hơn 40 năm tận tuỵ với nhân dân và y tế xã Quảng An, là đồng chí Vũ Hoa Nghì, nguyên trạm trưởng y tế xã Quảng An, nay tuổi đã ngoài 60 (nhưng vẫn còn làm việc theo hợp đồng), nghe đồng chí kể lại cả quãng đời phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ, với bao công sức và tâm huyết đã bỏ ra phục vụ nhân dân, mới có được như ngày hôm nay.
Nhân dân Quảng An đời đời nhớ ơn Bác, mãi mãi ghi sâu vào lòng bằng những câu hát quan họ mượt mà, mà nhân dân ở đó ai cũng biết:
Quảng An đẹp cảnh, đẹp người
Nhớ công ơn Bác bao lời khuyên răn
Đẹp từ ngày Bác về thăm
Ánh đèn toả sáng, tối tăm đâu còn
Công Người tạc chữ vàng son”.
Lại quay trở lại với công tác chống mắt hột của Viện. Như phần trên đã nói: ngay từ trong giai đoạn đầu ra quân tấn công vào bệnh mắt hột, chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi. Đạt được những thành tích này, trước hết là do công lao của Viện và toàn ngành đã hăng hái lao vào công việc, lại được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân và chính quyền, đoàn thể các địa phương. Riêng đối với Đoàn chuyên gia Liên Xô (cũ) chúng ta ghi công và chân thành biết ơn vì chính Đoàn đã đặt những viên đá đầu tiên trên con đường dài thanh toán bệnh mắt hột. Đó là Đoàn chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, đồng thời có tấm lòng hữu nghị quốc tế cao cả đối với nhân dân nước ta ngay từ những ngày đầu sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc. Đoàn đã chung sức với cán bộ ta suốt 18 tháng dài, xa Tổ quốc, xa gia đình (Đoàn gồm toàn là phụ nữ!). Đến nay hơn 40 năm đã trôi qua mà chúng ta vẫn không quên hình ảnh của Bác sĩ Louisa, trưởng đoàn (gọi là cô vì chưa chồng), lúc nào cũng vui vẻ, nhiệt tình và dễ gần gũi. Nhớ các Bác sĩ Kama, Nina, bập bẹ học nói tiếng Việt. Nhiều người trong chúng ta vẫn chưa quên 2 câu thơ thắm đượm tình nghĩa Việt – Xô của một nữ nông dân hôm chia tay với Đoàn:
Mai sau chị đến nhà em
Làng thôn đổi mới, chị xem chị mừng.
Đúng vậy! Từ sau ngày ấy đến nay, công cuộc chống mắt hột của chúng ta ngày càng đạt nhiều kết quả (sẽ nói ở các chương sau). Bộ mặt nông thôn, làng mạc của chúng ta bây giờ đã khác trước.
“Giàu đôi con mắt, khó hai bàn tay”. Bệnh mắt hột ngày càng bị đẩy lùi, đôi mắt của nhân dân lao động ngày càng sáng ra, Tổ quốc ta ngày càng giàu mạnh. Ước gì những thành viên trong đoàn chuyên gia Liên Xô thời bấy giờ, nay có dịp trở lại, nhìn thấy tận mắt những đổi thay kỳ diệu của đất nước này, từ con người đến môi sinh, đến xã hội, để họ có quyền được tự hào về những gì họ đã đóng góp cho đất nước bạn bè!
3. Những thành tựu về mặt nhãn khoa ở thời kỳ 1955-1964
Trong giai đoạn từ sau ngày hoà bình được lập lại ở miền Bắc cho đến những ngày bọn xâm lược Mỹ chuẩn bị nhảy vào miền Nam và đánh phá miền Bắc thì song song với công tác chống mắt hột, công tác nhãn khoa cũng không ngừng tăng trưởng.
Về cơ sở vật chất, sau khi xây dựng xong dãy nhà 3 tầng ở phía đường Trần Nhân Tông, số giường bệnh được nâng lên, các khoa phòng được triển khai thêm, điều kiện thu dung, ăn ở cho bệnh nhân được cải thiện dần dần. Số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú, ngoại trú ngày càng tăng vì tất cả các tỉnh ở miền Bắc đều gửi bệnh nhân về.
Nhờ được trang bị thêm nhiều máy móc, dụng cụ mới (do Liên Xô và CHDC Đức viện trợ), chất lượng khám và chữa bệnh được nâng cao. Nhiều kỹ thuật mổ được cải tiến. Mổ đục thể thuỷ tinh trong bao có vạt kết mạc (Tôn Thất Hoạt, 1961), sẹo chóng lành và tránh được nhiều biến chứng, rút ngắn ngày điều trị, và rất thuận tiện khi mổ kết hợp đục thể thuỷ tinh với glôcôm. Phẫu thuật ghép giác mạc (Nguyễn Duy Hoà, Nguyễn Trọng Nhân) được thực hiện nhiều hơn với các kiểu ghép khác nhau, chỉ định ứng dụng mở rộng (ngoài ghép quang học cổ điển còn ghép điều trị loét Mooren, màng máu…). Do đó mà riêng trong năm 1964 đã ghép đến 106 ca là năm ghép giác mạc nhiều nhất. Cũng trong năm ấy, bác sĩ Tôn Thất Hoạt, lần đầu tiên mổ 3 trường hợp lấy ấu trùng sán trong dịch kính (cystycercose intravitréenne). Mổ glôcôm, ngoài những phương pháp cũ như cắt mống mắt, khoan lỗ dò Elliot, đã mổ theo phương pháp cắt kẹt mống mắt 2 sừng (iridencleisis), sau cải tiến thêm (1961) theo kiểu Iridectencleisis (Phan Đức Khâm), phối hợp Iridencleisis với cắt mống mắt. Về điều trị viêm túi lệ mạn tính, trước kia thường cắt bỏ túi lệ đơn thuần, sau đó mổ theo Dupuy – Dutemps (tiếp khẩu túi lệ – mũi) đến năm 1960 bắt đầu mổ theo phương pháp Taumi (Ngô Như Hoà), kết quả cũng tốt không kém nhưng có ưu điểm là mổ nhanh hơn (chỉ cần 40 phút), dễ thực hiện hơn vì bỏ được thì khâu túi lệ và niêm mạc mũi. Để điều trị khô mắt do biến chứng mắt hột, Nguyễn Duy Hoà và Võ Quang Nghiêm đã di thực ống Sténon theo phương pháp Filatov – Tchevalev, kết quả tốt 80%. Bác sĩ Phan Dẫn đã chẩn đoán u sán nhái ở mắt (Sparganose) bằng kháng nguyên, sử dụng tinh chất rau thai điều trị bệnh teo thị thần kinh. Đã có một số công trình về điều tra nguyên nhân gây mù loà, cận thị trong học sinh, chấn thương mắt ở trẻ em, chỉ số nhãn áp bình thường của người Việt Nam…
Về điều trị nội khoa các bệnh viêm nhiễm và bệnh đáy mắt, đã có nhiều kháng sinh mới như Ostacycline, Erythromycine, Polymicine E… nên kết quả điều trị tốt hơn. Rất ít khi thấy viêm nội nhãn có mủ như thời trước. Do đó mà cũng ít phải sử dụng đến những phẫu thuật như cắt bỏ mắt, khoét nội nhãn, nhất là ở trẻ em, thường cố gắng tránh.
Đặc biệt là Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên, lần đầu tiên ứng dụng tổ chức liệu pháp (tissulothérapie) để chữa nhiều bệnh ở mắt. Thực ra phương pháp trị liệu này đã được ứng dụng từ năm 1950 tại chiến trường Nam Bộ, cứu chữa được nhiều bệnh cho bộ đội, cán bộ và nhân dân vùng kháng chiến (thậm chí đến cả người trong vùng địch hậu cũng vượt hiểm nguy ra để xin chữa). Do đó nhanh chóng có phong trào chữa mọi thứ bệnh bằng thuốc Filatov, nhất là trong kháng chiến chúng ta thiếu thuốc men, Filatov trở thành một thứ “thần dược”. Nó ghi đậm một cái mốc lịch sử trong nền y học và y tế của chúng ta trong thời kỳ kháng chiến. Vì vậy cũng nên tìm hiểu lai lịch của phương pháp chữa bệnh này.
Người đề xuất ra tổ chức liệu pháp là Viện sĩ V.P.Filatov (Liên Xô) từ thập kỷ 40. Đặc điểm của phương pháp là xuất phát từ một quan điểm rất sáng tạo về Y – Sinh học: tạo ra kích thích tố (biostimuline) để phát động và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật. Một mặt, thuốc sẽ viện trợ kích sinh tố cho cơ thể, mặt khác nó giúp cho cơ thể tự tạo thêm ra kích sinh tố mới. Như vậy nó vừa có tác dụng chữa bệnh vừa nâng cao sức khoẻ cho con người, do đó nhiều khi chúng ta sử dụng nó như một món thuốc bổ.
Ở Việt Nam ta, ai là người đầu tiên ứng dụng phương pháp chữa bệnh mới này? Đó là bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, quê Nam Bộ. Năm 1950, ông là trưởng phòng Quân y Bộ tư lệnh Phân Liên khu Tây Nam Bộ, bị Pháp bắt và đưa về giam tại trại tù binh Hoà Hưng. Trong tù, một hôm tình cờ ông đọc tờ báo Y học Presse Mðdicale, thấy có bài nói về phương pháp trị liệu của Viện sĩ Filatov có tên là tổ chức liệu pháp. Thế là ông nhớ nhập tâm và từ đó nảy ra sáng kiến ứng dụng vào hoàn cảnh chiến tranh ở miền Nam đang thiếu thuốc chữa bệnh. Ra khỏi nhà giam, trở về đơn vị ông bắt tay ngay vào công việc nghiên cứu cả về mặt lý thuyết lẫn thực hành. Và đến cuối năm 1951, những mẻ thuốc Filatov đầu tiên ra đơi và được đưa vào điều trị. Kết quả thật tuyệt vời: bệnh chữa khỏi, sức khoẻ tăng. Từ sau đó, Sở Quân dân Y Nam Bộ quyết định sản xuất thật nhiều Filatov, nhất là dưới dạng cấy Filatov. Từ cấy rau thai nhi đến sản xuất ra thuốc uống, thuốc tiêm bằng nguyên liệu sẵn có như lá dâu, lá dâm bụt,... Thuốc Filatov nhanh chóng trở thành phổ cập. Từ chiến trường Nam Bộ, Filatov lan dần ra Trung Bộ rồi miền Bắc. Năm 1953, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (nguyên Bộ trưởng Y tế) từ miền Nam ra, phổ biến lại kinh nghiệm sản xuất và sử dụng trong điều trị bệnh lao phổi. Theo bác sĩ Nguyễn Cao Thâm (lúc đó là Chánh Văn phòng Bộ Y tế) kể lại thì có lần chính bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã giao cho ông tiêm nhũ tương Filatov vào cạnh nhãn cầu để điều trị chứng mờ mắt cho một số cụ phụ lão ở gần nhà Bộ trưởng (đường Trần Hưng Đạo). Trong những năm đầu thập kỷ 60 Viện Vi trùng học (bây giờ là Viện Vệ sinh Dịch tễ) bắt đầu cho ra các chế phẩm Filatov và Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên ứng dụng ngay vào điều trị các bệnh ở mắt một cách rất tích cực. Để đáp ứng yêu cầu của các khoa lâm sàng và điều trị ngoại trú, Khoa Dược của Viện đã tự sản xuất ra thuôc Filatov uống và tiêm (từ cuống rốn và rau thai). Hầu như tất cả các bệnh ở mắt từ chắp lẹo, viêm kết mạc, loét giác mạc, màng máu cho đến các bệnh đáy mắt, nhất là trong bệnh cận thị tiến triển, viêm hắc – võng mạc,... đều được các bác sĩ cho điều trị bằng Filatov phối hợp với các thuốc khác. Trong một bài viết của Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên hồi bấy giờ (bài “Kết quả điều trị các bệnh mắt bằng tổ chức liệu pháp”) đăng ở tập I Kỷ yếu Công trình Nghiên cứu Mắt hột và Nhãn khoa, năm 1965, có đoạn viết: chúng tôi không thể quên được nỗi vui mừng vô tả của các đồng chí chiến sĩ ở Điện Biên Phủ bị bệnh giao cảm nhãn viêm sau khi bị hỏng một mắt do bom đạn, được trả lại ánh sáng bằng phương pháp Filatov. Một thanh niên xung phong bị mờ cả 2 mắt, trong vòng 2 tháng, không biết đường đi lối lại, sau khi được điều trị bằng Filatov thì mắt sáng lại hoàn toàn. Anh thanh niên đó lúc từ giã bệnh khoa để trở về cơ quan đã nói rằng: tôi rất tin tưởng vào tương lai của nước ta cũng như vào tương lai của khoa học dân chủ.
Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chủ tịch lần thứ 65, Giáo sư Nguyên đã viết một bản báo cáo đầu tiên về kết quả điều trị bằng thuốc Filatov. Sau đó báo cáo của ông trong hội nghị ở Viện Nhãn khoa Filatov ở Odessa cũng được nhiệt liệt hoan nghênh.
Nói chung, trước đây trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong hoàn cảnh thiếu thuốc nghiêm trọng, tổ chức liệu pháp quả là đã đóng một vai trò tích cực trong nền Y tế nước ta. Nhưng sau ngày thống nhất đất nước đến nay, thuốc Filatov hầu như bị lãng quên (mặc dầu hiện nay xí nghiệp Dược quốc doanh vẫn sản xuất Filatov uống với giá bán rất rẻ). Phải chăng vì thị trường tràn ngập đủ các loại thuốc chuyên trị tốt hơn? Dẫu sao thuốc Filatov cũng đã để lại một dấu ấn thật đậm đà, chói lọi trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước của ta. Và những tên người như Nguyễn Thiện Thành, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Xuân Nguyên cũng đã gắn liền với phương pháp tổ chức trị liệu mà một thời trước đây được coi như là một thứ thuốc vạn năng!
Về kết hợp đông tây y trong điều trị
Kết hợp Đông y với Tây y thể hiện rõ nét trong tư tưởng, quan điểm Hồ Chí Minh. Người nói: “Thuốc Tây cũng chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh chữa không được mà thuốc Ta chữa được. Thuốc Ta cũng chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh cũng chữa không được mà thuốc Tây chữa được... Thầy thuốc Ta và thầy thuốc Tây đều phục vụ nhân dân như người có hai cái tay, hai cái tay cùng nhau làm việc thì làm việc được tốt. Cho nên phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đoàn kết thuốc Ta và thuốc Tây thành một khối để chữa bệnh cho đồng bào” (Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu khi đến thăm Viện Y học cổ truyền)
Trên tư tưởng, quan điểm và đường lối đó, Viện Mắt nỗ lực và quyết tâm xây dựng ngành nhãn khoa theo hướng Đông – Tây y kết hợp trong điều trị.
Năm 1960 thành lập phòng Đông y do lương y Phạm Văn Khiết phụ trách. Lúc đó phương thức hoạt động chủ yếu là dựa vào Đông y lý mà chẩn đoán và kê đơn, bốc thuốc điều trị một số bệnh thông thường. Từ sau 1962, sau khi được tăng cường thêm cán bộ thì chính thức ra đời Khoa kết hợp Đông, Tây y do bác sĩ Cù Nhân Nại làm chủ nhiệm. Khoa cũng có điều trị nội trú (20 giường), điều trị ngoại trú và bộ phận châm cứu. Về mặt điều trị chủ yếu là các bệnh đáy mắt như viêm thị thần kinh, viêm hoàng điểm, teo gai thị, bệnh của hắc võng mạc, nói chung là những bệnh khó. Phương châm điều trị là kết hợp Đông và Tây y: Về Đông y thì vận dụng phương pháp biện chứng luận trị về khí huyết, thận, cam, tỳ, vị, từ đó suy ra bệnh và kê đơn, bốc thuốc; về Tây y thì tích cực khai thác các phương tiện, máy móc hiện đại để quan sát, nhìn thấy cụ thể các bộ phận bị tổn thương, phục vụ cho chẩn bệnh, và trên cơ sở đó tuỳ trường hợp mà cho dùng thêm các thuốc Tây y. Về châm cứu thì bước đầu đã áp dụng điều trị cho các liệt dây thần kinh ngoại biên, chắp lẹo, đau nhức hố mắt. Nói chung, tuy là một khoa mới, sinh sau đẻ muộn, nhưng bước đầu đã thu được một số thành quả và được bệnh nhân cũng như anh chị em đồng nghiệp tín nhiệm, tin tưởng nên chuyển bệnh nhân đến điều trị khá đông, nhất là những bệnh khó đã được điều trị Tây y không kết quả, làm cho các bĩ và lương y của khoa cũng đến nhức đầu.
Cuối cùng về công tác điều trị cũng cần nói đến một bộ phận rất quan trọng là phòng điều trị ngoại trú (do bác sĩ Ngô Song Liễu phụ trách). Tuy số giường điều trị nội trú đã tăng lên gần 200 nhưng thường xuyên có nhiều bệnh nhân nằm ghép và cũng chỉ ưu tiên cho những trường hợp cấp cứu, hoặc bệnh nặng. Tất cả các tỉnh đều gửi bệnh nhân về vì hồi bấy giờ các khoa mắt bệnh viện tỉnh chưa nhiều. Hàng ngày số bệnh nhân đến khám lên đến vài ba trăm, trong số đó cần được chữa trị cũng đến dăm bảy chục. Do đó mà ra đời Phòng điều trị ngoại trú (kể cả điều trị Đích-păng-xe) để thu nhận những bệnh nhân cần chữa trị mà không có giường nội trú. Đối tượng điều trị của phòng rất đa dạng, đủ các loại bệnh từ viêm kết mạc, loét giác mạc, viêm túi lệ, tắc lệ đạo, chạy của đáy mắt cho đến những bệnh cần can thiệp phẫu thuật như chắp, lẹo, lông quặm, mộng thịt,… mỗi ngày có đến hàng trăm trường hợp cần nhỏ thuốc, tra thuốc, thông rửa lệ đạo, đánh hột… công việc bận như con mọn.
Để phục vụ cho điều trị ngoại trú (và cả cho nội trú) còn có phòng Vật lý trị liệu (do y tá Trần Văn Huệ và nữ y tá Lưu Thị Phương phụ trách) với nhiều kỹ thuật khác nhau như chạy sóng ngắn, tia bêta, áp nến nóng, nhất là điện phân (ionophorèse) các thuốc nước (dionine, kháng sinh…) thấm ngấm vào các tổ chức và rất được bệnh nhân ưa thích.
Vì bệnh nhân điều trị đông (và cả người nhà của họ nữa) nên Viện đã bàn bạc với các hàng quán và gia đình tư nhân xung quanh khu vực Viện (ở các phố Bùi Thị Xuân, Trần Nhân Tông) tổ chức cho họ ăn, ở, nghỉ với giá cả phải chẳng, từ đó hình thành những quán trọ bình dân cho bệnh nhân của Viện. Có những quán trọ đã gắn bó với Viện từ mấy chục năm nay như quán của bà Cao Thị Mùi ở số nhà 31 Bùi Thị Xuân đã tồn tại từ 35 năm nay, quán bà Đinh Thị Yến ở 35 Bùi Thị Xuân từ hơn 10 năm nay…
Bản thân bác sĩ Song Liễu (và sau đó là bác sĩ Ngô Thị Thuỷ) thường ghé thăm các quán trọ, góp ý về mặt vệ sinh phòng bệnh ăn ở của bệnh nhân, Viện cũng giúp đỡ thêm tiện nghi sinh hoạt như về mùa đông thì cho mượn áo bông, chăn chiếu, về mùa hè thì cho vào Viện tắm giặt. Nói chung việc tổ chức và quản lý các quán trọ vệ tinh quanh Viện đã tạo ra nhiều thuận lợi cho nhân dân đến chữa bệnh. Phải nói đó là một thành công độc đáo của Viện mà hồi bấy giờ nhiều báo chí đã nêu cao và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã về tận nơi xem và tỏ lời khen ngợi.
4. Công tác đào tạo cán bộ
Trong giai đoạn 1955-1965, chủ yếu là bồi dưỡng cho đội ngũ y sĩ và y tá, y tế xã về công tác mắt hột để xây dựng mạng lưới cho các tuyến trước, nhờ đó mà đẩy mạnh được công tác điều tra và điều trị, phòng bệnh mắt hột như đã nói ở phần trên.
Về nhãn khoa chung thì bổ túc, nâng dần trình độ cho anh chị em y sĩ trong Viện và một số địa phương qua công tác thực tế ở các khoa lâm sàng, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các bác sĩ đàn anh, chứ không tổ chức thanh lớp, thành khoá vì lúc bấy giờ số lượng còn ít. Bằng cách này, các y sĩ trở thành bác sĩ chuyên khoa. Trong số học viên trường y sĩ tuyển sinh khoá 5 và khoá 6, về sau có 12 người trở thành y sĩ, rồi bác sĩ chuyên khoa mắt và công tác ở Viện. Đó là những đồng chí Hoàng Thị Luỹ, Nguyễn Thị Sinh, Ngô Song Liễu, Lê Mười, Trịnh Đình Điện. Sau đó còn một số anh chị em ở miền Nam ra học và ở lại Viện như Võ Quang Nghiêm, Nguyễn Ngọc Nam, Nguyễn Mười, Đỗ Thu Nhàn, Mai Ngọc Nga, Nguyễn Thị Tư. Vài ba năm sau lại có thêm các y sĩ trung, cao cấp bổ túc thành bác sĩ chuyên khoa mắt, trong số đó có những người công tác ở Viện như Nguyễn Thị Cúc Anh, Đỗ Ngọc Huỳnh, Nguyễn Bá Can, Nguyễn Cao Chuyết, Cao Đình Đáng, Phan Dẫn (bộ môn).
Đối với trường Đại học Y khoa thì ngay từ khi ra đời (năm 1916), Viện Mắt đã là cơ sở thực hành của trường. Truyền thống ấy vẫn tiếp tục duy trì cho đến ngày nay, không có năm nào không có sinh viên của trường đến nghe giảng và thực tập. Trong những năm 56-58, có các sinh viên lớp Y5, Y6 (từ trường Đại học Y Chiêm Hoá) đến nghe thầy Nguyên giảng và đi thực hành ở các khoa lâm sàng. Có 3 sinh viên viết luận án tốt nghiệp về mắt là Phan Kiểm (bệnh khô nhuyễn giác mạc), Hà Văn Trạch (Loét giác mạc) và Hà Huy Tiến (Mờ mắt do thiếu sinh tố B1). Đây là những luận án tốt nghiệp cuối cùng của trường Đại học Y khoa Hà Nội vì bắt đầu từ năm 1959 (cho đến sau này), các sinh viên Y khoa không phải viết và bảo vệ luận án tốt nghiệp nữa. Những khoá tiếp sau (1959-1964), trong số các sinh viên Y5, Y6 đến thực tập và thi tốt nghiệp chuyên khoa Mắt có 6 người ở lại Viện (Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Xuân Trường, Phan Kế Tôn, Đoàn Trọng Hậu (bộ môn), Thái Thọ, Hoàng Kim Sinh).
Trong những năm đầu thập kỷ 60 đã có 3 bác sĩ của Viện được cử đi tu nghiệp thêm ở nước ngoài: Phan Đức Khâm đi Rumani, Hà Huy Tiến đi Tiệp Khắc, Thái Thọ đi CHDC Đức. Đồng thời một số anh em được đào tạo ở nước ngoài về như PTS Nguyễn Trọng Nhân (từ Liên Xô), bác sĩ Cù Nhân Nại (từ Trung Quốc). Mỗi người đi học về lại mang thêm những cái mới, góp phần nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho Viện. Nói chung vào thời kỳ này, lực lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn của Viện khá hùng hậu: bên cạnh lớp đàn anh (thế hệ 1) như GS. Viện trưởng Nguyễn Xuân Nguyên, các bác sĩ Tôn Thất Hoạt, Ngô Như Hoà thì đã có lớp cán bộ thuộc thế hệ 2 kế tục. Hỗu hết họ là những cán bộ trẻ, lớn lên trong chế độ mới, được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa từ nhiều nguồn khác nhau (trong nước và ngoài nước), nhạy bén với cái mới, tiếp thu khoa học kỹ thuật khá nhanh, có ngoại ngữ tốt, ham mê học hỏi và nghiên cứu. Có thể nêu lên một vài ví dụ: bác sĩ Nguyễn Duy Tân trong vòng 3-4 năm đã công bố 13 công trình nghiên cứu, bác sĩ Nguyễn Duy Hoà 20 công trình, bác sĩ Hà Huy Tiến 16 công trình và 5 quyển sách, bác sĩ Phan Đức Khâm, bác sĩ Phan Dẫn, bác sĩ Cù Nhân Nại, PTS Nguyễn Trọng Nhân, mỗi người có đến hàng chục công trình. Hầu hết họ vừa phụ trách công tác quản lý (Chánh, Phó Chủ nhiệm Khoa hoặc Bộ môn), vừa làm công tác chuyên môn, điều trị, nghiên cứu, giảng dạy. Thực sự họ là những cán bộ cốt cán, là động lực thúc đẩy Viện nhanh chóng tiến lên con đường chính quy, hiện đại. Họ cũng là người thầy góp phần đào tạo ra hàng ngàn cán bộ chuyên khoa cho ngành Mắt cả nước sau này.
Nói về công tác đào tạo cán bộ trong thời kỳ này, chúng ta nhớ đến Phó Giáo sư Dobromyslov (Liên Xô) đã sang giúp Viện một thời gian trong những năm đầu thập kỷ 60. Ngoài công việc lâm sàng, đồng chí rất say mê công tác nghiên cứu và giảng dạy, truyền đạt những kiến thức mới cho anh em. Chúng ta không quên những bài giảng của Phó Giáo sư Dobromyslov, nói rất sâu sắc về bệnh học giác mạc, màng bồ đào, tật khúc xạ, thị giác 2 mắt, glôcôm, mắt hột, lệ đạo... Chúng ta không quên những buổi chiều nắng hè, đồng chí cùng với bác sĩ Ngô Như Hoà vật lộn với từng con khỉ để nghiên cứu về bệnh lác thực nghiệm, rồi nào thỏ, nào chuột, đến hàng trăm con. Viện có hẳn một trại chăn nuôi (do Tâm “thỏ” phụ trách) phục vụ cho công tác nghiên cứu tác dụng của các thứ thuốc, nghiên cứu về mô hình bệnh lý... Mấy năm sau vì hoàn cảnh chiến tranh, gặp nhiều khó khăn, anh em ít làm nghiên cứu thực nghiệm, nên trại chăn nuôi cũng giải thể.
5. Về công tác xuất bản, báo chí, tài liệu chuyên môn
Năm 1960, Hội Nhãn khoa Việt Nam ra đời. Chủ tịch Hội đầu tiên là GS. Viện trưởng Nguyễn Xuân Nguyên. Cùng với sự ra đời của Hội, và được sự giúp đỡ về tài chính của Ban lãnh đạo chính quyền, cùng với lòng hăng hái, nhiệt tình của Ban Thường trú Hội và sự tham gia đóng góp của hội viên, những tờ tạp chí đầu tiên của Hội ra đời để phục vụ anh chị em toàn ngành. Đầu tiên là tờ Nội san Nhãn khoa (số 1, ra ngày 16 tháng 12 năm 1959), ra đều 3 tháng 1 kỳ. Trong thời kỳ thiếu sách vở, tài liệu chuyên môn, tạp chí này đã được toàn ngành đón nhận một cách phấn khởi. Tiếp sau đó là tập Kỷ yếu Công trình Nghiên cứu Khoa học về Mắt hột và Nhãn khoa, số 1, năm 1965, tập hợp hơn 50 công trình nghiên cứu của ngành Mắt trong những năm trước. Những năm tiếp theo sau, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đông đảo hội viên, Hội Nhãn khoa Việt Nam cho ra tờ Nhãn khoa Thực hành, giới thiệu những kinh nghiệm về chẩn đoán và điều trị, và sau đó nữa là tờ Nhãn khoa nước ngoài gồm những bài dịch để anh chị em tham khảo và học tập. Nhớ lại thời gian ấy, hoạt động của Hội về mặt báo chí, xuất bản thật phong phú, dồi dào, gây được sự hào hứng, phấn khởi trong toàn ngành. Bên cạnh những cây bút chủ lực của Viện như các BS. Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Duy Hoà, Hà Huy Tiến, Ngô Như Hoà, Phan Đức Khâm, kể cả GS. Viện trưởng Nguyễn Xuân Nguyên là con chim đầu đàn, thì còn có những anh em ở các địa phương cũng gửi bài về cho toà soạn (Trần Kiện, Võ Đình Chi, Nguyễn Báo, Nguyễn Xuân Thước, Hoàng Thị Luỹ, Lăng Tuyết Nga,...).
Nhằm mục đích giới thiệu các thành quả nghiên cứu ra nước ngoài trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1965, hơn 100 công trình đã được viết bằng ngoại ngữ (Pháp, Anh) và được nhà xuất bản Editions Médicales in thành 3 tập Travaux Scientifiques 1960, 1961-1962,1963-1965. Đây cũng là một thắng lợi của Hội chúng ta trên mặt trận giao lưu văn hoá, khoa học. Ngoài ra còn có những bài lẻ của nhiều anh em đăng trong Revue Médicale của Tổng hội Y học Việt Nam hoặc ở nước ngoài như Pháp, Đức, Liên Xô, Tiệp Khắc, Rumani,...
Về tài liệu phổ cập kiến thức và huấn luyện cho y sĩ, y tá, bên cạnh những bài viết đăng trong tạp chí Y học thực hành và Y học Việt Nam, thì trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1965 đã có 5 quyển được in thành sách (của Hà Huy Tiến viết – NXB Y học – Bộ Y tế). Đó là những quyển: Vitamin là gì? (Rút một phần trong luận án tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa); Bệnh mắt hột và nhãn khoa thông thường; Bệnh đau mắt đỏ; Mổ quặm; Các tai nạn lao động vào mắt.
Nói chung lại, ở giai đoạn hồi bấy giờ, trong hoàn cảnh thiếu sách vở tài liệu để học tập, nâng cao nghiệm vụ thì những tờ tạp chí của Hội Nhãn khoa Việt Nam, in rônêô trên giấy xấu và những tập sách mỏng in máy đã góp phần tích cực vào sự tiến bộ của ngành.
II. THỜI KỲ CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI Ở MIỀN BẮC VÀ CHIẾN TRANH CỤC BỘ Ở MIỀN NAM (1965-1975)
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ (bắn vào tàu Maddox), ngày 5 tháng 8 năm 1964, không quân Mỹ bắt đầu đánh phá một số tỉnh vùng duyên hải rồi leo thang dần ra phía Bắc, đồng thời rải thuỷ lôi phong toả hải phận nước ta. Các cuộc oanh kích của địch tiến dần đến các vùng xung quanh Hà Nội: Phú Thượng, Nhật Tân, rồi đến các nhà ga Văn Điển, Gia Lâm, Yên Viên,... và cuối cùng chúng đánh thẳng vào trung tâm Thủ đô Hà Nội với ý đồ đánh vào đầu não, huỷ diệt tận gốc, biến miền Bắc Việt Nam “trở lại thời kỳ đồ đá” (Trận Điện Biên Phủ trên không mở đầu vào đêm 18-12-1972).
Trước âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, toàn dân, toàn quân ta, một lần nữa lại nêu cao quyết tâm “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Bộ Y tế chủ trương sơ tán các cơ quan, trường học, bệnh viện để vừa bảo vệ lực lượng vừa phục vụ sản xuất và chiến đấu, đẩy mạnh việc ngoại khoa hoá cán bộ, sắp xếp lại tổ chức, sẵn sàng phục vụ cấp cứu chiến thương, đồng thời đẩy mạnh công tác phòng không, thành lập các đội tự vệ chiến đấu, cứu thương. Nhất là sau khi không quân Mỹ mở đợt đánh phá vào khu điều trị bệnh phong Quỳnh Lập (Nghệ An), liên tục trong 2 ngày 12 và 13 tháng 6 năm 1965, làm 200 người chết, chứng tỏ rằng đế quốc Mỹ không trừ cả những cơ quan làm công tác nhân đạo, cứu người. Trên mái nhà khu điều trị bệnh phong ở Quỳnh Lập, cũng như ở Bệnh viện Bạch Mai, mặc dầu ta đã kẻ lên tường hoặc trên mái nhà những chữ thập đỏ thật lớn, nhưng những nơi này vẫn cứ bị đánh phá. Trả lời cho phóng viên thông tấn xã AFP, ngay sau khi các bệnh viện bị ném bom, GS. Tôn Thất Tùng nói: tôi không muốn vẽ chữ thập đỏ lên mái nhà thương. Làm như thế chỉ tổ cho Mỹ ném bom vào… Bọn chúng thật dã man!
Trước tình hình đó, Viện Mắt cũng đã khẩn cấp vạch ra một số nhiệm vụ trong thời kỳ này:
1. Tổ chức sơ tán và phân tán toàn bộ cơ quan để đảm bảo an toàn lực lượng cũng như trang thiết bị, thuốc men...
2. Đảm bảo tốt mọi hoạt động chuyên môn
3. Tổ chức các đội cứu thương, huấn luyện và sẵn sàng phục vụ ứng chiến.
4. Tiếp tục duy trì tốt công tác đào tạo y tá, bác sĩ để tăng cường và chi viện cho chiến trường miền Nam
5. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, nhân viên, khắc phục những khó khăn, thiếu thốn
Thực hiện chủ trương sơ tán của Bộ Y tế, mới đầu Viện chia làm 2 bộ phận: một bộ phận lớn trụ tại Hà Nội, một bộ phận nhỏ sơ tán về Thượng Cát, Vân Côn (Hà Đông), chủ yếu là kho tàng, thuốc men, máy móc, hồ sơ, tài liệu. Nhưng trước tình hình địch ngày càng leo thang, mở rộng diện đánh phá, xích gần vào nội thành, việc sơ tán phải thực hiện triệt để hơn. Mỗi cơ quan, mỗi bệnh viện phải chuẩn bị sẵn 3,4 địa điểm để khi cần thì di chuyển được nhanh chóng. Theo chủ trương chung, mọi bệnh viện phải giảm bớt số giường chuyển về vùng nông thôn các tỉnh gần Hà nội để tránh tập trung bệnh nhân về Hà nội. Để tăng cường khả năng chuyên môn của địa phương, Viện đã cử một số cán bộ đi giúp các nơi: Bác sỹ Hoàng Thị Luỹ được cử ra phụ trách khoa Mắt ở Hà Nội, cùng đi có bs Đỗ Thu Nhàn, bs. Thuỷ, bs. Mai Ngọc Nga…Bs. Nguyễn Cúc Anh được cử đi khoa Mắt – Bệnh viện Bắc Giang, sau đó thêm bs Nguyễn Trọng Nhân. Được vài tháng thì Bệnh viện Bắc Giang cũng sơ tán khỏi thị xã, Viện tổ chức cơ sở sơ tán khỏi thị xã, Viện tổ chức cơ sở sơ tán tại huyện Việt Yên nên rút người về đó. Vì vậy, về sau có lúc Viện đã phải phân ra làm 3,4 nơi (Tư Đình, Đông Anh, Hải Hưng, Hiệp Hoà, và cuối cùng là Việt Yên, Phú Thọ). Từ năm 1970, dồn lại 2 cơ sở chính là Phúc Thọ (Hà Tây) và Việt Yên (Hà Bắc), cả hai nơi đều hoạt động như một bệnh viện đa khoa, vừa điều trị cho bệnh nhân vừa sẵn sàng cấp cứu chiến thương. Một bộ phận nhỏ trụ lại ở Viện với nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ cơ sở và xử lý cấp cứu phòng không. Tại đây bắt đầu đào hầm trú ẩn đằng sau khu nhà mổ, đồng thời xây hầm chìm ở giữa sân lớn để vừa làm nơi trú ẩn vừa mổ xẻ khi cần thiết (hiện nay hầm ngầm này vẫn còn và biến thành bể chứa nước cung cấp cho toàn Viện).
Nhớ lại giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, công việc hết sức bề bộn, nhất là ở những nơi sơ tán. Nhà cửa một phần dựa vào dân nhưng phần khác cũng phải xây dựng thêm những dãy nhà tranh tre nứa lá để cho bệnh nhân nằm. Ngày cũng như đêm địch đánh phá ác liệt, đặc biệt là dọc các đường giao thông lớn, cầu phà, gây rất nhiều khó khăn cho việc vận chuyển phương tiện, thuốc men, lương thực. Thường phải đi về đêm để tránh oanh tạc. Các cán bộ lãnh đạo của Viện từ Bí thư Đảng uỷ đến các Viện Phó chia nhau ra phụ trách cả 3, 4 cơ sở, đôn đốc công việc. Nói chung trong cái gian khổ, hào hùng của thời chiến, mọi người đều làm việc một cách tự giác, năng nổ, phát huy sáng kiến, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Có một điều rất may mắn là qua cuộc chiến gian lao, vất vả như vậy, nhất là qua những cuộc oanh kích của máy bay địch vào khu vực phố Huế, sát nách Viện ta, và khu vực Đại sứ quán Pháp cách Viện 300-400 mét, vào Bệnh viện Bạch Mai, đặc biệt là qua 12 ngày đêm B52 đánh phá ác liệt vào khu dân cư Khâm Thiên, Viện ta lọt vào giữa và đã tích cực tham gia vào mọi hoạt động chiến đấu cũng như cấp cứu phòng không thế mà không hề bị tổn thất gì cả về người, về của.
Trong một vụ ném bom gần Viện ta, nhiều nạn nhân bị thương được đưa đến Viện. Mọi người gặp một nạn nhânh bị viên bom bi đi xuyên từ vùng thái dương bên này qua bên kia mà vẫn sống, nhãn cầu hai bên nguyên vẹn nhưng bị mù cả hai mắt do viên bi cắt đứt thị thần kinh sau nhãn cầu. Trường hợp này chúng tôi nhớ lại nạn nhân khác ở cơ sở sơ tán tại Việt Yên (Bắc Giang) cũng bị bom bi có đường đi lắt léo gây nhiều tổn thương trong cơ thể không sao phát hiện được dẫn đến tử vong mặc dù được cố gắng cứu chữa. Những hình ảnh đó cho thấy sự tàn bạo của chiến tranh xâm lược!
Trải qua các giai đoạn xây dựng và phát triển Viện, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của tập thể Đảng uỷ, Đảng bộ và Ban Giám đốc Viện, cần nêu cao vai trò của Công Đoàn (Hoàng Thị Luỹ, Hoàng Sơn, Nguyễn Ngọc Thiện, Đỗ Đức Quỳ, sau này là Hoàng Hồ) đã tích cực chăm lo cho đời sống của anh chị em, nhất là ở những nơi sơ tán. Các Đoàn thể quần chúng như Đoàn thanh niên (Võ Quang Nghiêm, Ngô Song Liễu, Đinh Văn Sĩ…), Hội Phụ nữ (Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Bảo…) đã động viên, thúc đẩy các phong trào quần chúng tiến lên, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành nhiệm vụ (như phong trào 3 cải tiến, 3 sẵn sàng, văn nghệ, thể thao, v.v…). Chính giữa những năm tháng khói lửa bom đạn này, phong trào văn nghệ quần chúng lại phát triển hơn bao giờ hết với những màn kịch, màn tấu hài tự biên, tự diễn nhưng lại rất hay. Anh em vẫn còn nhớ mãi những gương mặt tài hoa như Nguyễn Thành (Thành lác), Nguyễn Xuân Giang, Đỗ Đức Quỳ, Phạm Văn Phú, cô Phúc, cô Ngọc và bà Liên (nhà mổ).
1. Các hoạt động chuyên môn
Tuy là các cơ sở vật chất của Viện phân tán nhiều nơi, cán bộ bị chia sẻ, nhưng ở các địa điểm đều triển khai đầy đủ các mặt hoạt động: khám bệnh, điều trị, mổ xẻ, nghiên cứu, đào tạo cán bộ và chỉ đạo tuyến trước. Nói riêng về từng mặt, có thể nêu lên một số thành tựu sau:
Về số lượng điều trị (thiếu số liệu chính xác của những năm thập kỷ 60, do thất lạc trong thời kỳ sơ tán) có thể lấy thời điểm 5 năm từ 1971 đến 1975 so với 5 năm sau đó (từ 1976 đến 1980) ta thấy không sút kém:
Nội dung hoạt động
|
1971-1975
|
1976-1980
|
Số lượng khám
|
234.163 lần
|
227.028 lần
|
Điều trị nội trú
|
21.551 bệnh nhân
|
21.869 bệnh nhân
|
Điều trị ngoại trú
|
15.863 bệnh nhân
|
13.682 bệnh nhân
|
Đại phẫu thuật
|
7.934 bệnh nhân
|
9.392 bệnh nhân
|
Trung phẫu thuật
|
8.115 bệnh nhân
|
3.681 bệnh nhân
|
Xét nghiệm cận lâm sàng
|
100.643 bệnh nhân
|
146.122 bệnh nhân
|
Cuối những năm 60 của thế kỷ trước,trong thời kỳ Mỹ đang ném bom miền Bắc dữ dội, một bác sĩ nhãn khoa người Mỹ họ là Kimmelman (hình như từ thành phố San Francisco) thầm lén đến Việt Nam và thăm Viện Mắt (vì hình như luật Mỹ trừng phạt dân Mỹ đến 1 nước đang có chiến tranh với Mỹ). Ông Kimmelmam tặng Viện Mắt một số sách báo chuyên khoa của Mỹ lúc đó rất khan hiếm và một số trang thiết bị mổ,trong đó quý nhất là 2 máy hiển vi phẫu thuật xách tay hãng Mentor. Loại này còn rất đơn giản vì phẫu thuật viên phải dùng tay điều chỉnh tiêu cự để nhìn rõ vùng mổ. Ông đã thao diễn cách dùng hiển vi phẫu thuật mổ cắt bè củng gíác mạc trên một bệnh nhân. Từ đó vi phẫu thuật ,một tiến bộ mới của Y học được áp dụng ở Viện Mắt.
Về chất lượng, có nhiều tiến bộ mới.
Ở cơ sở sơ tán Phúc Thọ, năm 1972, PTS Nguyễn Trọng Nhân và BS Phan Kế Tôn đã bắt đầu thực hiện phẫu thuật cắt bè củng-giác mạc theo Cairns, một phương pháp phẫu thuật có thể sử dụng để điều trị glôcôm góc mở, góc đóng, glôcôm bẩm sinh và glôcôm thứ phát do viêm màng bồ đào. Đến năm 1973, sau khi Mỹ ngừng đánh phá miền Bắc, Viện trở về Hà Nội, nhờ được trang bị thêm phương tiện, kỹ thuật vi phẫu càng được đẩy mạnh (mổ đục thể thuỷ tinh, ghép giác mạc). Những năm sau chúng ta nhận được một hiển vi phẫu thuật hiện đại hơn (có nhiều mức phóng đại và có thể điều chỉnh tiêu cự bằng bàn đạp) của Hội các bác sĩ dân chủ Nhật. Tiếp đó là hiển vi phẫu thuật Wild do Đức sản xuất của Hội đồng các nhà thờ tặng.Năm 1992 gs Fred Hollows đến thăm Việt Nam và cung cấp cho Viện Mắt, ngành Mắt nhiều hiển vi phẫu thuật, dần dần Viện Mắt trở thành trung tâm ứng dụng vi phẫu thuật lớn nhất Việt Nam ,ngành mắt là ngành sử dụng vi phẫu thuật nhiều nhất Việt Nam.
Về xử lý chấn thương mắt do chiến tranh đã có những công trình nghiên cứu của PTS. Đào Xuân Trà và các bác sĩ Phan Đức Khâm, Ngô Song Liễu, Phan Dẫn về khu trú và lấy dị vật nội nhãn, dị vật không từ tính, dị vật góc tiền phòng, xâm nhập biểu mô vào tiền phòng, tổn thương mắt do bom bi, bom hơi. Đặc biệt là công trình điều tra, nghiên cứu về tổn thương mắt do chất độc màu da cam đã góp thêm chứng cứ về tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân ta… Giải quyết di chứng chiến tranh có những công trình nghiên cứu của BS Lê Thị Hợi, Ngô Song Liễu, Hoàng Thị Luỹ, Đỗ Ngọc Huỳnh về vá da tạo hàng mi, tạo cùng đồ, lắp mắt giả. Phải thừa nhận rằng về mặt này chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm qua thực tiễn công tác.
Khoa Mắt hột – Giác mạc có những thành công mới về nghiên cứu dịch tễ học mắt hột, về phân lập và nuôi cấy tác nhân gây bệnh, về phân loại lâm sàng dễ áp dụng cho tuyến trước. Có những cải tiến về phương pháp điều trị màng máu u hột (tiêm cortison dưới kết mạc, gọt giác mạc vùng rìa), mổ quặm theo phương pháp Cunéod-Nataf cải biên. Về điều trị nấm giác mạc chưa có thuốc chuyên trị, khoa đã đề xuất công thức IKG (Iodure Kali rỏ mắt và điện di phối hợp với Grixin toàn thân) có kết quả tốt. Về điều trị viêm kết giác mạc mùa xuân đã ứng dụng có hiệu quả tia bêta… Năm 1971-1972, PTS Nguyễn Trọng Nhân cùng với PTS Đoàn Xuân Mượu (Viện Vệ sinh Dịch tễ) đã sử dụng Interféronogène (từ virus Semliki Forest, một loại Arbo-virus bất hoạt), để phòng và chữa viêm kết - giác mạc do Adéno-virus. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng một phương pháp miễn dịch không đặc hiệu mới của Y học thế giới.
Khoa Nhãn Nhi được thành lập năm 1974 (trước đó bệnh nhi nằm rải rác ở các khoa), có điều kiện chuyên sâu về các bệnh mắt trẻ em, do BS. Hà Huy Tiến phụ trách, cùng với các phó khoa là Phan Kế Tôn, Nguyễn Như Quang, Phạm Thị Ngọc Bích đã có nhiều thành tựu mới trong điều trị cũng như trong nghiên cứu. Năm 1973-1974, khoa đã mổ Glôcôm bẩm sinh theo phương pháp mở bè, cắt bè, mổ đục thể thuỷ tinh theo phương pháp Rửa – Hút (Push – Pull), phốihợp cắt dịch kính bằng kéo Vannas. Phẫu thuật Cắt và Rửa – Hút còn được áp dụng để điều trị các dị tật mống mắt, cắt màng đồng tử. Đặc biệt là với việc ra đời bộ phận chuyên về Rối loạn vận nhãn (mắt lác) và chỉnh quang (Orthoptique), có máy Synoptophor, việc điều trị bệnh lác cho trẻ em bắt đầu được thực hiện ở nước ta. Bệnh được phát hiện sớm và chữa trị sớm (trước 7 tuổi). Mọi trường hợp lác trẻ em đều được khám và chẩn đoán chu đáo bằng các phương pháp mới (cover test, synoptophor), đánh giá kỹ khúc xạ, điều chỉnh kính, chữa nhược thị một cách có hệ thống (bằng nhiều phương pháp kết hợp, từ việc bịt mắt lành đến tập luyện cho mắt lác) và cuối cùng là phẫu thuật và tập chỉnh quang. Nói riêng về phương pháp mổ lác, trước kia thường chỉ biết cắt buông cơ (ténotomie libre) hoặc cắt bờ cơ (ténotomie en chicane), do đó kết quả không lường trước được, thường bị già hoặc bị non. Đến năm 1966, Hà Huy Tiến đã bắt đầu mổ lác theo phương pháp định lượng, nhưng mới là bước đầu thăm dò. Đến năm 1969, qua rút kinh nghiệm kết hợp với nghiên cứu đặc điểm giải phẫu của cơ vận nhãn người Việt Nam, đã xây dựng được công thức mổ lác theo định lượng như hiện nay cả nước đang áp dụng. Nghiên cứu về bệnh mắt lác ở trẻ em đã có những công trình điều tra về khúc xạ và rối loạn thị giác 2 mắt ở trẻ dưới 7 tuổi, về hằng số đường bám của các cơ trực ngang và đường kính giác mạc trên mắt người Việt Nam. Đặc biệt là công trình nghiên cứu về những tổn thương thực tể tổ chức học của các cơ vận nhãn trong lác cơ năng đã góp thêm một cơ sở khoa học trong nguyên sinh bệnh của lác cơ năng, một bệnh mà xưa nay người ta cho là không có tổn thương thực tể ở các cơ vận nhãn. Sau khi công bố công trình này trên tờ Revue Médicale (1973) và tờ Das Deutsche Gesundheits – Wesen (1974) đã có sự đáp ứng trở lại của các nhà nghiên cứu nước ngoài (Anh, Mỹ, Pháp,…).
Khoảng những năm 1967 – 1968 trước tình hình Mỹ ném bom dữ dội miền Bắc, đặc biệt ở miền Trung, Viện đã cử một đoàn gồm bs Ngô Như Hoà, bs Vũ Công Long và bs Nguyễn Trọng Nhân đi vào các tỉnh miền Trung khảo sát tình hình chấn thương mắt. Đoàn đã đi tới thị xã Đồng Hới, qua sông Nhật Lệ ở vài ngày tại xã Bảo Ninh toàn cát (quê bà mẹ Suốt anh hùng đã hy sinh). Nhớ nhất lúc phải qua phà sông Gianh ban đêm trong khi máy bay Mỹ bắn phá ném bom, nhiều xe vận tải của ta cháy ngùn ngụt hai bên bờ, may mà xe ta đi thoát nhờ đúng lúc máy bay địch hết bom đạn bỏ đi. Có lẽ may như vậy là nhờ số phận. Chuyến đi cho thấy tình hình chấn thương mắt khá nhiều phức tạp mà anh em ta lại thiếu rất nhiều trang bị chuyên môn, nhất là kim chỉ…Từ đó nảy sinh ra phong trào sáng kiến theo tinh thần tự lực cánh sinh sản xuất kim khâu, chỉ tự tiêu từ gân đuôi chuột,…
Về công tác kết hợp Đông – Tây y
Được thành lập từ năm 1962, sau đó được tăng cường thêm cán bộ (BS. Vương Đình Bách, Lê Tiến Phúc), khoa phát triển trở thành Khoa Kết hợp Đông y và Tây y, sau đổi tên gọi là Khoa Đáy mắt và Y học Cổ truyền, do BS. Cù Nhân Nại làm Trưởng khoa. Bệnh nhân chủ yếu của Khoa là những trường hợp bị bệnh ở đáy mắt (hắc mạc, võng mạc, thị thần kinh, dịch kính). Thường đó là những bệnh khó điều trị. Bắt đầu từ năm 1965, khoa phát triển mạnh. Vừa điều trị, vừa nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm, trong khoảng thời gian 10 năm, BS. Nại đã công bố hơn 20 công trình nghiên cứu về lâm sàng, về điều trị bằng cây, lá thuốc nam, thuốc bắc và các bài thuốc cổ truyền, trong đó có một số thành tựu đáng kể như xác định tác dụng của đơn Minh mục hoàn. Mới đầu viên minh mục (còn gọi là viên sáng mắt) do Khoa Dược của Viện sản xuất để cung cấp cho bệnh nhân, dần dần được nhân dân tín nhiệm nên Xí nghiệp Dược Quốc doanh và Xí nghiệp Dược Đường sắt đưa vào sản xuất đại trà, bán rộng rãi cho bệnh nhân. Ngoài ra còn có viên M3 là công thức cải tiến của viên sáng mắt (Lục vị gia giảm). Tam thất đã được đánh giá cao đối với các xuất huyết nội nhãn và tiền phòng do chấn thương. Một số cây, lá thuốc nam như hà thủ ô, bồ cu vẽ, lá răng cưa, mã đề… đã được nghiên cứu và có tác dụng tốt đối với các viêm nhiễm giác mạc, kết mạc. Đặc biệt là dầu lá dấp cá chiết xuất từ cây lá dấp cá có hiệu quả tốt trong điều trị trực khuẩn mủ xanh. Châm cứu cũng đã được ứng dụng có kết quả trong một số trường hợp liệt vận nhãn, sụp mi, đau nhức hốc mắt.
Về công tác thừa kế, Khoa đã thu nhập được kinh nghiệm của hơn 70 vị lương y chữa mắt trên các tỉnh miền Bắc như Nguyễn Hữu Duy (Thái Bình), Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Trần Hậu Ngoạn (Hà Tĩnh), Phạm Văn Khiết (Hà Bắc), Đặng Văn Triệu (Phú Thọ), Nguyễn Văn Đà (Hà Tây)… Ngoài ra còn nghiên cứu, trích dịch 14 tác phẩm viết về Đông y Nhãn khoa của Việt Nam (Tuệ Tĩnh, Lê Đức Vọng, Nguyễn Đạo An, Vũ Long Thanh, Trần Quang Thăng) và của Trung Quốc (từ Nhân Vũ, Hoàng Đình Kính, Tôn Tử Hiếu).
Góp phần vào sự phát triển của Khoa Y học cổ truyền còn có công của Khoa Dược (do các Dược sĩ Tôn Nữ Minh Chí, Nguyễn Thị Bạch Liên, Nguyễn Thị Chế, Nguyễn Cảnh Hà), tách hẳn ra một bộ phận chuyên trách về Đông Y dược (đi tìm mua lá lẩu, thuốc nam, thuốc bắc, sao tẩm, pha chế, chiết xuất tinh dầu, làm ra cao đơn hoàn tán…). DS. Nghiêm Xuân Kiên đã nghiên cứu bào chế tam thất dưới nhiều dạng (thuốc nước rỏ mắt, dung dịch điện di, đông khô) để điều trị các xuất huyết ở mắt.
Về thuốc bổ mắt cho lái xe ban đêm: Hồi đó do không quân Mỹ hoành hành suốt ngày nên các đoàn vận tải của ta phải chuyển sang đi ban đêm là chủ yếu. Trời tối nhưng lại không được dùng đèn như bình thường, mọi người dùng đèn gầm (đèn đặt dưới gầm xe) chiếu sáng lờ mờ một chút phía trước, tránh được sự phát hiện của địch. Thực ra chỉ có hiệu quả khi chạy ở vùng bằng phẳng thôi vì khi lên dốc, mũi xe hếch lên thì chẳng khác gì "lạy ông tôi ở bụi này. Đi suốt đêm tất nhiên dễ buồn ngủ và mắt chóng mỏi, nhìn mờ dễ xảy ra tai nạn. Bs. Từ Giấy, chuyên gia về dinh dưỡng lúc đó nên được giao trách nhiệm nghiên cứu tìm loại thuôc sgì bồi dưỡng cho anh em lái xe ban đêm đường dài. Bs. Từ Giấy phối hợp cùng bác sỹ Cù Nhân Nại lấy thành phần Minh Mục hoàn (nay gọi là viên sáng mắt theo gợi ý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng) bổ xung thêm một số vitamin và gọi là viên Tăng lực (vừa tăng sức khoẻ vừa sáng mắt hơn) được anh em lái xe rất ưa chuộng.
Nói chung việc khai thác Y học cổ truyền, kết hợp Đông – Tây y trong nền nhãn khoa Việt Nam, bước đầu đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ và cũng là một nét độc đáo trong hoạt động của một Viện nhãn khoa đầu ngành.
Hoạt động của khối cận lâm sàng
Song song với sự phát triển của các khoa lâm sàng, các phòng bên khối cận lâm sàng cũng trưởng thành thêm một bước. Nhiều máy móc, dụng cụ hiện đại được trang bị thêm. Bắt đầu từ năm 1968, được sự viện trợ của một số nước bạn (Liên Xô, CHDC Đức), lãnh đạo Viện chủ trương đẩy mạnh và hiện đại hoá dần các hoạt động của khối cận lâm sàng, từ đó hình thành khối Khoa học cơ sở (do BS. Nguyễn Hiền, Võ Thế Sao phụ trách) bao gồm 4 phòng xét nghiệm đã có từ trước (huyết học, sinh hoá, vi sinh vật, giải phẫu bệnh) và 2 bộ phận mới là Y học thực nghiệm và Dược lý. Nhờ ứng dụng các phương pháp kỹ thuật mới mà các phòng đã nâng cao chất lượng kết quả các loại xét nghiệm, hỗ trợ đắc lực cho công tác điều trị và nghiên cứu của viện.
Có thể dẫn ra một số tiến bộ mới sau đây.
Về huyết học làm thêm được các xét nghiệm huyết đồ, tuỷ đồ để chẩn đoán các bệnh bạch huyết. Về sinh hoá làm thêm kỹ thuật điện di thuỷ dịch, kỹ thuật Brand tìm Homocystin trong nước tiểu, định lượng LDH trong thuỷ dịch chẩn đoán ung thư võng mạc ở trẻ em. Về giải phẫu bệnh, ứng dụng thêm các kỹ thuật nhuộm đặc biệt, nhuộm tổ chức hoá học, PAS… Về vi sinh vật làm thêm các kỹ thuật nhuộm vỏ, nhuộm nha bào, nhuộm lông vi khuẩn (trực khuẩn mủ xanh). Về nấm học, đã áp dụng các phương pháp cấy nấm trong môi trường Sabouraud, trên phiến kính, cấy kỵ khí, cấy trong huyết tương… nhờ đó đã phân lập được 48 loại nấm trong các bệnh của kết giác mạc, viêm bờ mi. Qua công tác thực tế và nghiên cứu, tìm tòi, khối khoa học cơ sở đã cùng phối hợp với các khoa lâm sàng, tổng kết được hơn 30 công trình nghiên cứu trong đó đáng kể là công trình về vi khuẩn và nấm học của BS. Nguyễn Hiền nêu lên được những đặc thù bệnh học nhiệt đới của Việt Nam (sưu tầm được cả một bộ dương ảnh – diapositif – rất phong phú về các loại nấm ở mắt). Công trình của BS. Võ Thế Sao về các ung thư ở mắt như U nguyên bào võng mạc (Rétinoblastoma), K tuyến sụn mi… với những tiêu bản nhuộm màu rất đẹp.
Từ năm 1971, Viện tiếp nhận thêm một số cán bộ khoa học ngành sinh học và điện tử (Hoàng Hồ, Mai Cẩm Tú), đồng thời được trang bị máy móc hiện đại, một lĩnh vực mới về lý sinh Y học ứng dụng được triển khai và ra đời phòng Điện Sinh lý – Siêu âm (do BS. Thái Thọ phụ trách). Với sự ra đời của bộ phận này, chất lượng chẩn đoán một số bệnh nội nhãn như bong võng mạc, u nội nhãn, vẩn đục dịch kính, dị vật không từ tính… đã được nâng lên rõ rệt và giúp chẩn đoán ra nhiều trường hợp khó, nhất là khi các môi trường trong suốt bị vẩn đục. Bước đầu đã có một số công trình nghiên cứu thăm dò về hằng số sinh lý điện võng mạc ở người Việt Nam, thị giác màu sắc, ảnh hưởng của chất độc hoá học 2,4D trên điện vỏ não và trên điện võng mạc. Thật đáng tiếc là giữa lúc công việc đang tiến triẻn tốt thì BS. Thái Thọ, một cán bộ trẻ đầy triển vọng, không may bị bệnh ác tính (bạch cầu cấp) và từ trần lúc tuổi mới 40. Nhưng trên cơ sở những thành quả bước đầu đã đạt được, phòng tiếp tục phát triển và sau đó trở thành Khoa Thăm dò chức năng mắt (Hoàng Hồ là trưởng khoa).
2. Giải phóng kỹ thuật mổ đục thể thuỷ tinh xuống tận tuyến huyện
Về mổ đục thể thuỷ tinh giải phóng mù loà cho người cao tuổi, trong thời kỳ 1965-1975 đã có những thu hoạch mới. Trước hết là về đường lối và chủ trương. Qua các cuộc điều tra cơ bản về bệnh mắt hột và những bệnh mắt khác vào đầu những năm 1970, chúng ta đã thấy tỷ trọng những người cao tuổi bị đục thể thuỷ tinh rất cao (70 đến 80% ở những người trên 60 tuổi), và tuổi thọ các cụ ngày càng cao thì càng có nhiều người mù do bệnh đục thể thuỷ tinh. Bệnh này dần dần trở thành nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, nhưng là một loại mù có thể mổ sáng trở lại. Con số người mù do đục thể thuỷ tinh lên đến hàng chục vạn. Xã nào cũng có người mù do đục thể thuỷ tinh và mỗi huyện, trung bình có từ 100 đến 150 người mù có thể mổ sáng ra. Thế mà mỗi năm, tất cả các khoa mắt trên miền Bắc vào thời kỳ đó chỉ mổ được khoảng 1.000 ca. Vì nhiều nguyên nhân: ít khoa mắt tỉnh mổ được đục thể thuỷ tinh, bệnh nhân nằm điều trị lại dài ngày (trung bình từ 2 đến 3 tuần) mà mỗi khoa mắt tỉnh chỉ có được từ 10 đến 15 giường bệnh thôi. Cho nên với cách làm ăn như trước thì số người mù tồn đọng ngày càng cao và tất nhiên nhiều cụ đã từ trần trước khi đến lượt mình được mổ. Vì vậy trong năm 1970, GS. Viện trưởng Nguyễn Xuân Nguyên đã đề ra chủ trương đưa việc mổ đục thể thuỷ tinh xuống tận tuyến huyện. Phải cải tiến tổ chức và phương pháp mổ sao cho gọn nhẹ để mổ được số lượng nhiều ngay tại tuyến trước, tạo điều kiện cho người dân được mổ dễ dàng và thuận tiện (không phải lên khoa mắt tỉnh, đi lại khó khăn, tốn kém nhiều). Chủ trương giải phóng kỹ thuật mổ đục thể thuỷ tinh xuống tuyến huyện là một sáng kiến quan trọng. Có thể nói là một chủ trương táo bạo, cách mạng trong việc chỉ đạo kỹ thuật của Viện vào hồi bấy giờ (giữa lúc đang chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ!). Vì vậy phải thực hiện dần từng bước, phải làm thí điểm để rút kinh nghiệm, rồi từ điểm mở rộng dần thành diện.
Huyện được chọn làm thí điểm đầu tiên là Quỳnh Lưu (Nghệ An). Cuối năm 1970, BS. Phan Dẫn và y tá Nguyễn Triệu (có kinh nghiệm về tổ chức nhà mổ) cùng với vài ba sinh viên về bệnh viện Quỳnh Lưu ở địa điểm sơ tán. Nói là bệnh viện nhưng chỉ có một ngôi nhà tranh mới được dựng lên trên nền đất cát, gồm một phòng khám, một “buồng mổ” và một buồng nhỏ kê được 5 giường. Phải dựa thêm vào nhà dân để bệnh nhân và bà con ăn, nghỉ. Bệnh viện có y sĩ Hoài An (kiêm 3 chuyên khoa là TMH-RHM-Mắt), 2 y tá và 2 hộ lý. Y sĩ Hoài An vừa phụ mổ vừa học tập thêm để về sau có thể tự đảm đương lấy việc môt tại bệnh viện huyện. Sau 2 tháng, đợt mổ hoàn thành với 74 phẫu thuật (trong đó có 50 đục thể thuỷ tinh), không xảy ra biến cố, biến chứng gì nghiêm trọng, kết quả mổ tốt đến 91%. Vậy là đợt ra quân đầu tiên đã thắng lợi hoàn toàn. Tiếp sau đó là BS. Đỗ Kim Bảng tổ chức mổ ở huyện Bình Lục (Hà Nam), được 30 trường hợp. Đợt mổ này có GS. Viện trưởng Nguyễn Xuân Nguyên về thị sát để rút kinh nghiệm. Rồi sau đó nhiều Trạm Mắt của tỉnh tổ chức mổ tại huyện. Và thế là ra đời các Đội phẫu thuật lưu động của Trạm Mắt (hoặc phối hợp với Khoa Mắt bệnh viện tỉnh). Đến năm 1973 thì Viện tổ chức một cuộc tập huấn trên thực địa, tại huyện Kim Sơn (Ninh Bình), có cán bộ nhiều tỉnh về tham gia mổ. Nhưng trong đợt này không may đã xảy ra 4 trường hợp bị nhiễm trùng do trực khuẩn mủ xanh, dẫn đến phải khoét mắt. Cán bộ của Viện về kiểm nghiệm các khâu sát trùng, vô khuẩn, thấy trong nước phẫu thuật viên rửa tay có nhiều tạp trùng và trực khuẩn mủ xanh do vô ý dùng gáo bẩn múc nước. Thế là đã rõ! Tuy nước đã đun sôi nhưng để nguội và dùng gáo bẩn múc sẽ gây ra nhiễm trùng trong và sau phẫu thuật. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm phải trả giá khá đắt: 4 con mắt phải khoét bỏ, cuộc tập huấn phải ngừng. Ta còn nhớ: mùa hè năm ấy (1972) là một mùa hè oi bức, đã xảy ra “một cơn sốt mủ xanh” ở nhiều tỉnh (theo cố PGS. Đào Xuân Trà): Nam Hà có 26/95 loét giác mạc do trực khuẩn mủ xanh, Hà Sơn Bình 11/19 ca, tại Viện Mắt cũng có 10/24 ca... Nhiều phòng mổ phải tạm thời đóng cửa và tổng vệ sinh, sát trùng.
Nói chung, qua các đợt mổ thí điểm cũng như của các Trạm Mắt tổ chức mổ ở tuyến huyện, Viện đã rút ra được một số kinh nghiệm cả về tổ chức cũng như về chuyên môn, kỹ htuật. Bài học quý nhất là: có thể mổ đục thể thuỷ tinh ở tuyến huyện (và cụm liên xã) với kết quả tốt, chất lượng đảm bảo, số lượng nhiều và giá thành rẻ cho người bệnh.
Chủ trương đưa việc mổ đục thể thuỷ tinh xuống tuyến huyện đã được chứng minh là hoàn toàn đúng đắn, vì thế đã được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh, chính quyền và tổ chức Đảng các cấp ủng hộ. Do đó kết quả mang lại thật là to lớn: chỉ trong vòng 4, 5 năm mà đã có gần 30 đợt mổ ở huyện hoặc cụm liên xã (trong đó riêng BS. Phan Dẫn đã trực tiếp hỗ trợ cho 17 huyện). Số lượng mổ mỗi năm tăng lên gấp 5, 6 lần so với năm trước.
Phương pháp mổ chủ yếu hồi bấy giờ ở tuyến tỉnh cũng như ở tuyến huyện là lấy toàn bộ thể thuỷ tinh trong bao bằng viên chống ẩm Silicagel (vì thiếu cặp Arruga), sấy cho thật khô và hơ thêm trên ngọn lửa đèn cồn khi mổ. Viên Silicagel rất có sẵn ở các khoa Dược (để bảo quản thuốc và máy móc) nên hồi bấy giờ các phẫu thuật viên rất thích sử dụng. Tuy nhiên, nó có nhược điểm là đôi khi hút thể thuỷ tinh không chặt nên dễ bị trượt hoặc có khi dính vào cả mống mắt. Về sau này, các phẫu thuật viên thường lấy thể thuỷ tinh trong bao theo phương pháp đông lạnh (cryoextraction) bằng dụng cụ tự tạo là một ống đồng dài khoảng 15 phân, bọc dạ ở ngoài, trong đó nén tuyết carbonic (CO2) hoặc nitơ lỏng, tạo ra độ lạnh cao ở đầu dụng cụ nên bắt chặt thể thuỷ tinh. Dụng cụ ta tự tạo tuy đơn giản, rẻ tiền nhưng mang lại hiệu quả cao. Cũng nên biết người đã sáng tạo ra phương pháp lấy thể thuỷ tinh bằng đông lạnh này là GS. Krwawicz, một nhà nhãn khoa người Ba Lan.
Ở Việt Nam thì ai là người đầu tiên làm ra cái ống hút thể thuỷ tinh bằng đông lạnh? Đó là BS. Vũ Công Long (Trưởng phòng Chỉ đạo chuyên khoa của Viện), với sự giúp đỡ của anh Ngô Văn Toàn (thợ điện của Viện). Về sau được nhiều người cải tiến thêm, trong số đó có BS. Đỗ Ngọc Huỳnh, BS. Phan Dẫn. Đặc biệt là gần đây BS. Long cùng cộng tác với BS. Phi Duy Tiến cải tiến kiểu ống mới bằng kim loại, nhẹ hơn, nạp khí lỏng Butane (Gas bật lửa) rất sẵn và tiện dụng.
Trên thực tế, việc đưa các Đội lưu động về mổ đục thể thuỷ tinh ở tuyến huyện đã góp phần không nhỏ vào việc giải phóng sức sản xuất cho một bộ phận nhân dân lao động. Tuy đối tượng được mổ hầu hết là những người cao tuổi nhưng đa phần họ là những người chủ của gia đình, là những người còn sức lao động. Sau khi được mổ, mắt sáng ra, không những bản thân họ vui sướng vì họ được hoà nhập trở lại với thế giới của những người sáng mắt, mà bản thân họ cũng trở lại với cuộc sống lao động hữu ích, góp phần làm ra của cải và nhất là họ không bị phụ thuộc, “ăn bám” vào gia đình và xã hội. Đấy là niềm hạnh phúc lớn cho gia đình và bản thân họ. Một vài câu chuyện sau đây (trong hàm trăm chuyện mà anh em đã nghe được) để minh hoạ cho chân lý ấy.
BS. Vũ Công Long, về kiểm tra sau đợt mổ thí điểm ở huyện Quỳnh Lưu, đã vào thăm một gia đình gồm 3 người: một người đàn bà goá còn trẻ, một cháu nhỏ và một ông già là bố chồng vừa được mổ đục thể thuỷ tinh. Người đàn bà nói: sau khi ông cụ được mổ sáng mắt ra, cả nhà ai cũng vui nhưng vui nhất là tôi. Trước đây, trong mỗi bữa ăn, tôi phải gắp thức ăn cho cụ, nhưng có gì mà gắp vì nhà nghèo quá. Cụ tủi thân nhưng tôi càng khổ tâm hơn vì không biết ông cụ nghĩ gì khi con dâu không có thức ăn mà gắp vào bát cơm cho bố chồng. Nay bố được mổ sáng mắt ra, bố nhìn thấy bữa ăn chẳng có gì và tự mình gắp lấy chút dưa cà đạm bạc. Ông cụ hàng ngày đi lại được, làm công việc lặt vặt trong nhà, ngoài vườn, gia đình đỡ khổ. Thật không có gì bằng!
Quả đúng là như vậy. Người mù sáng ra, đã vui, người sáng càng vui hơn vì trút bỏ được gánh nặng bao năm đè lên đôi vai gầy!
Hoặc chuyện của một người đàn ông trung niên, trong ngoài 40 tuổi, vì mù cả hai mắt nên thoát tục đi tu. Nhưng sau khi được mổ đục thể thuỷ tinh mắt sáng ra thì trút bỏ áo cà sa trở về lại với ruộng đồng, tham gia sản xuất.
BS. Đỗ Kim Bảng cho biết một cụ trùm đạo 72 tuổi ở Nghĩa Hưng, sau khi mổ mắt sáng ra đã nói: hàng ngày, tôi cầu Chúa mà mắt vẫn không sáng, nay nhờ có đoàn về mổ nên tôi nhìn thấy hết. Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng. Và cụ trùm đã làm một bài thơ dài gửi lên Ty Y tế, trong đó có những câu:
Chín năm tăm tối đoạ đày
Mà trong phút chốc đổi thay cuộc đời
Đảng về đem lại tình thương
Cho tôi ánh sáng, biết đường tôi đi.
Những chuyện đổi đời hoặc “tái sinh” như vừa nói trên còn nhiều lắm, kể ra không hết. Tất cả đều nói lên tác động to lớn của việc đưa phẫu thuật đục thể thuỷ tinh xuống tuyến huyện. Nó không những mang lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế mà còn cả về chính trị; làm cho nhân dân càng thêm tin tưởng vào chế độ, kể cả ở các vùng công giáo.
3. Về công tác chống bệnh mắt hột
Phát huy thắng lợi của thời kỳ trước (1955-1965), sau năm 1965, công tác phòng chống bệnh mắt hột tiếp tục triển khai mạnh. 32 Đội lưu động được thành lập vào cuối năm 1964, dưới sự chỉ đạo của Viện và các cơ quan Y tế địa phương vẫn tiếp tục hoạt động theo phương thức mỗi Đội về làm việc ở xã được chọn trong vòng 3 tháng, sau đó chuyển sang xã khác. Đánh lẻ từng điểm như vậy vừa chậm (mỗi năm, mỗi Đội tối đa chỉ được 3 xã), vừa rời rạc, không phát triển thành phong trào được. Đo đó đến đầu thập kỷ 70, Viện đưa ra chủ trương thành lập hẳn ở mỗi tỉnh một Trạm mắt hột. Về mặt tổ chức, biên chế, quản lý, Trạm mắt hột trực thuộc Ty, hoặc Sở Y tế, còn về mặt chuyên môn thì chịu sự chỉ đạo của Viện. Trạm có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho cơ sở huyện và xã, xây dựng mạng lưới chống mắt hột đều khắp, tổ chức điều trị mắt hột, mổ quặm và tuyên truyền, vận động vệ sinh phòng dịch. Tiếp sau đó thì lại có Nghị định 15CP của Thủ tướng Chính phủ đưa Trạm mắt hột vào bệnh viện tỉnh, phối hợp hoạt động với Khoa Mắt trong một số mặt công tác như điều tra cơ bản, mở các chiến dịch mổ quặm, kiểm tra thanh toán quặm… Nhưng trên thực tế, việc đưa Trạm mắt hột vào trong bệnh viện tỉnh cũng có một số khó khăn nên các Trạm Mắt hột vẫn trực thuộc Ty hoặc Sở Y tế như trước và hoạt động độc lập với Khoa Mắt của bệnh viện.
Về nội dung hoạt động chuyên môn trong công tác mắt hột đã có một số chuyển biến khác trước. Như về chẩn đoán và phân loại các thời kỳ bệnh mắt hột, mới đầu ta làm theo cách phân loại của Mac Callan (tương đối đơn giản, dễ phổ biến, nặng về tổn thương kết mạc, xem nhẹ tổn thương giác mạc), sau đó với sự giúp đỡ của Đoàn chuyên gia Liên Xô (cũ), ta chẩn đoán theo cách phân loại của Tchirkovski (nhấn mạnh yếu tố thẩm lậu) nhưng vì nhiều chi tiết quá nên khó phổ cập cho cán bộ y tế xã. Vì vạy Khoa lâm sàng Mắt hột của Viện với sự tham gia nghiên cứu của các BS Nguyễn Duy Hoà, Nguyễn Duy Tân, Tôn Thất Hoạt đã cố gắng đề xuất một cách chẩn đoán mới, dễ vận dụng cho cán bộ y tế xã trong việc khám đại trà cho cộng đồng (chỉ cần 1 trong 5 dấu hiệu lâm sàng của mắt hột), nhưng trên thực tế vận dụng vẫn còn khó vì đề cập đến nhiều yếu tố quá (giác mạc, kết mạc, cùng đồ dưới…). Cuối cùng để hoà nhập với thế giới bên ngoài và tiện cho việc nghiên cứu, đánh giá trên bình diện quốc tế, ta đã áp dụng cách phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Về mặt điều trị mắt hột, ta chuyển sang sử dụng thuốc nước Sulfacylum kết hợp với mỡ Tétracyclin, kéo dài trong nhiều tháng. Về mổ quặm, bên cạnh phương pháp Panas (cho những ca nặng), ta còn áp dụng thêm Trabut và Cuénod Nataf ít gây biến chứng dày bờ mi hơn. Khắp các tỉnh đã nổi lên phong trào thi đua mổ quặm. Bắt đầu từ năm 1975, Bộ Y tế đã cùng với Viện tổ chức các cuộc kiểm tra, để công nhận những nơi thanh toán lông quặm (cho lứa tuổi lao động). Nam Hà là tỉnh đầu tiên được công nhận thanh toán quặm (năm 1975) với hơn 100 ngàn phẫu thuật đã thực hiện ở các huyện và các xã (tỷ lệ quặm từ 7% dân số đã hạ xuống còn 0,5%). Nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị mắt hột ngày càng mở rộng, các tuyến trước (huyện, xã) đã tự pha chế thuốc (thuốc bột, chai lọ do Viện phân phối) chất lượng đảm bảo (qua nhiều lần kiểm tra, khảo sát của Bộ và Viện). Có nơi như ở Hà Nam Ninh (do BS. Độ làm trưởng trạm mắt hột) dấy lên phong trào “Giọt thuốc ơn Đảng”, giữa các xã thi đua với nhau.
Nghiên cứu về bệnh mắt hột, ngoài những công trình về lâm sàng và điều trị các biến chứng, còn có một số công trình cơ bản như phân lập siêu vi khuẩn mắt hột thực nghiệm trên khỉ (bước thứ 2), thử nghiên cứu về vắc xin phòng bệnh mắt hột... nhưng vì có nhiều khó khăn nên những công trình này đã ngừng lại ở đó.
Nói chung, trong thời kỳ 1965-1975, công tác chống mắt hột của Viện và của ngành đã tiến một bước dài: hàng ngàn xã được điều tra và tổ chức điều trị mắt hột, hàng trăm vạn phẫu thuật quặm đã được thực hiện, ngăn chặn được nguy cơ bị mù loà do di chứng để lại trên giác mạc. Về mặt vệ sinh phòng bệnh đã gây được cao trò xây dựng 3 công trình. Có thể nói: trong những năm đầu của thập kỷ 70, chúng ta đã bước qua giai đoạn 2 trên con đường dài (gồm 4 giai đoạn) tiến lên thanh toán bệnh mắt hột.
4. Công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ
Trước năm 1965, chủ yếu tập trung vào việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trung và sơ cấp cho viện cũng như cho ngành để xây dựng mạng lưới mắt hột và nhãn khoa cho các địa phương. Sau đó, từ 1965 đến 1975, mới bắt đầu đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ chuyên khoa sau đại học để đáp ứng nhu cầu của tuyến tỉnh cũng như chuẩn bị cán bộ sẵn sàng chi viện cho các chiến trường. Số lượng đào tạo và bổ túc nâng cấp trong 10 năm (1965-1975) như sau:
BS chuyên khoa sơ bộ 71 người
BS chuyên khoa cấp 1 71 người
BS nội trú 12 người.
Y tá chuyên khoa đào tạo theo lớp 46 người
Y tá bổ túc tay nghề thêm 99 người
Xét nghiệm viên chuyên khoa 13 người
Tổng cộng tất cả được 312 người
Từ năm 1966, việc đào tạo cán bộ chuyên khoa mắt bắt đầu phát triển mạnh nhằm phục vụ cho tuyến tỉnh. Nhiều đối tượng về học, chủ yếu là các bậc sau đại học, đào tạo bác sĩ mới tốt nghiệp thành bác sĩ chuyên khoa cấp 1 và một số ít BS chuyên khoa cấp 1 lâu năm bổ túc lên chuyên khoa cấp 2 và làm luận án tốt nghiệp. (Qua đến năm 1976 mới có 3 luận án BS chuyên khoa 2 đầu tiên được bảo vệ là của Nguyễn Xuân Thước, Phạm Thị Thuyết và Trần Thuấn Điền). Vì nhiều đối tượng về học nên việc sắp xếp chương trình, thu dung học viên (bố trí ăn, ở tại Viện hoặc ở các nhà tập thể) phải dần dần đi vào nề nếp. Đội ngũ Thầy hồi bấy giờ cũng đã khá mạnh. Hầu hết các Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm khoa đều tham gia giảng dạy cả lý thuyết và thực hành. Họ là những cán bộ thuộc thế hệ 2 (tốt nghiệp từ trước 1965) được đào tạo chính quy từ trong nước hoặc ngoài nước, có trình độ ngoại ngữ tốt. Về sau này nhiều người trong số họ trở thành Giáo sư hoặc Phó Giáo sư. Bộ môn Mắt (do Giáo sư Viện trưởng kiêm nhiệm) cũng được tăng cường thêm nhiều cán bộ. Bộ môn phụ trách đối tượng sinh viên Y4, Y5 đến nghe giảng và thực tập tại Viện. Riêng về thực tập, vì sinh viên quá đông nên thường phải chia một số nhóm ra thực tập ở Khoa Mắt Hà Nội. Từng đợt, sinh viên cũng được đi về các địa phương, tham gia công tác điều tra cơ bản, mổ quặm, chữa mắt hột, mổ đục thể thuỷ tinh ở tuyến huyện.
Nói về chất lượng đào tạo thì phải nói đến đội ngũ các thầy.
Đứng đầu là GS. Viện trưởng Nguyễn Xuân Nguyên, người “Thầy của các thầy”. Hồi bấy giờ tuy tuổi thầy đã cao, mắt ngày càng kém, nhưng thầy vẫn rất tích cực và nhiệt tình đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành. Thấy lặn đội về tận các Đội mắt hột để xem anh em mổ quặm, về các thí điểm mổ đục thể thuỷ tinh rút kinh nghiệm về tổ chức lớp tập huấn. Kiến thức của thầy uyên bác, toàn diện. Đặc biệt thầy có người có phương pháp sư phạm rất tốt, giảng cho đối tượng nào nghe cũng hay, dễ chấp nhận. Khi thầy giảng về giải phẫu cơ thể và con mắt, thầy vẽ rất nhanh và đẹp. Vì vậy có người nói là trước khi vào ngành y thầy đã học vài ba năm ở trường Cao đẳng Mỹ thuật! Thực tế không phải như vậy. Thầy có được cái là do quá trình rèn luyện: khi còn là sinh viên thầy đã rất ham mê phẫu tích các thi thể, lên đến Y5 thầy đã được tuyển chọn làm trợ lý giải phẫu của trường Đại học Y khoa Hà Nội.
Ngoài thầy Nguyên, còn có thầy Tôn Thất Hoạt cũng là người thầy uyên bác, giảng dạy rất nhiệt tình, chỉ bảo cho anh em trẻ đến nơi đến chốn, không dấu nghề.
Với việc thành lập các khoa lâm sàng chuyên sâu, các thầy có điều kiện đi sâu vào mũi nhọn của mình, chịu khó học, đọc và nắm cái mới. Mỗi người một vẻ nhưng thầy nào cũng đã cố gắng chia sẻ, truyền đạt lại cho anh chị em học viên những kiến thức cần thiết và những kinh nghiệm của bản thân. Giảng về mắt hột và bệnh kết - giác mạc, không có ai hơn các thầy Duy Tân, Duy Hoà. Về Glôcôm có thầy Hoạt, thầy Nhân, thầy Năng. Về chấn thương có thầy Khâm, cô Hợi. Về bệnh của lệ đạo có các thầy Như Hoà, thầy Trường. Về bệnh mắt trẻ em có thầy Tôn, thầy Quang, cô Song Liễu. Về khúc xạ và lác cơ năng, liệt vận nhãn có thầy Tiến. Về Đông y và bệnh đáy mắt có thầy Nại, cô Cúc Anh. Cuối cùng là về tổ chức, quản lý ngành, công tác phong trào, bên cạnh GS. Viện trưởng đã có thầy Vũ Công Long.
Về sách báo, tài liệu học tập, nghiên cứu trong thời kỳ này khá phong phú. Ngoài 2 tờ tạp chí đã có từ trước (Nội san Nhãn khoa và Nhãn khoa Thực hành), Hội đã cho ra đời thêm tờ Nhãn khoa Nghiên cứu, gồm các bài dịch giới thiệu những thành tựu mới của nhãn khoa thế giới. In được 1 tập Travaux Scientifiques 1972 giới thiệu một số công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp. Về sách, in được quyển Nhãn khoa bệnh học gồm 2 tập, là một quyển sách giáo khoa rất cơ bản cho ngành. Ngoài ra còn in rôneô được 4 quyển tập hợp những bài dịch về các chuyên đề (chấn thương, glôcôm, lác mắt, bệnh mắt và toàn thân) dùng làm tài liệu tham khảo. Bộ môn mắt xuất bản được quyển Giải phẫu mắt và Sinh lý thị giác, cũng là một tài liệu rất tốt. Viện cũng đã dành nhiều thời giờ để xây dựng quyển Thuật ngữ Nhãn khoa, nhưng vì sau đó gặp nhiều khó khăn nên đến nay vẫn chưa ra mắt được. Tuy nhiên những từ chuyên khoa đã được chuẩn hoá đều đã được bổ sung vào trong quyển “Danh từ y học” của Bộ Y tế (tái bản).
III. CHI VIỆN CHO CÁC CHIẾN TRƯỜNG:
Ngày càng lộ rõ âm mưu của đế quốc Mỹ muốn thay chân thực dân Pháp, nhảy vào chiến trường miền Nam. Trong năm 1965, 50 vạn quân Mỹ và chư hầu ào ạt đổ vào. Từ đó chiến sự lan rộng ra các vùng và có những viên tướng nguỵ hiếu chiến còn hô hào “bắc tiến”. Quân nguỵ với vũ khí và xe tăng Mỹ đi lùng sục, cướp bóc, đốt phá các làng mạc và có những lần đánh vào khu căn cứ của ta. Bộ đội, nhân dân thiếu thuốc, thiếu cán bộ y tế nghiêm trọng. Trước tình hình này, miền Nam gọi, miền Bắc đáp. Ngành Y bắt đầu thực hiện chủ trương chi viện cho chiến trường. Cũng như các chuyên khoa khác, cán bộ ngành mắt chuẩn bị lên đường thực hiện nhiệm vụ cao cả.
Đoàn Y tế đầu tiên lên đường vào chiến trường B là vào tháng 9 năm 1959. Trước khi đi, đoàn được vinh dự gặp Bác Hồ dặn dò và Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch mời ăn cơm. Đoàn gồm 6 người, trong đó có 2 y sĩ của Viện Mắt là đồng chí Thái Anh (sau đổi là Thái Tuấn) và đồng chí Nguyễn Mẫn (sau đổi là Lê Mai). Vào đến nơi, Thái Tuấn được phân công hoạt động trong phong trào sinh viên nội tuyến ở Huế lúc bấy giờ cơ sở chưa có gì. Sau đó nhận nhiệm vụ Trưởng ban Quân dân y Thừa Thiên, cho đến khi thành lập Đặc khu Trị - Thiên - Huế thì Thái Tuấn được giao nhiệm vụ Trưởng ban Y tế Khu Trị - Thiên - Huế, lo cho cả chiến trường từ Đèo Hải Vân đến đường 9 Quảng Trị, từ thuốc men đến công tác điều trị, phẫu thuật. Đã mở được 3 lớp đào tạo nhân viên cứu thương học 3 tháng, 2 lớp y tá 6 tháng. Nhờ đó mà có cán bộ cung cấp cho chiến trường. Đến năm 1975, sau khi giải phóng Thừa Thiên - Huế, Thái Tuấn được phân công về tiếp quản thành phố Huế, làm Trưởng ty Y tế Thừa Thiên - Huế cho đến khi sát nhập 3 tỉnh Bình - Trị - Thiên thì được cử làm Giám đốc Sở Y tế Bình - Trị - Thiên trong hơn 10 năm cho đến ngày được nghỉ hưu (ở Huế).
Đồng chí Lê Mai lên đường đi B ngày 29 tháng 11 năm 1959, vào tỉnh Bình Định, phụ trách Ban Quân dân Y tỉnh, xây dựng được mạng lưới Y tế từ tỉnh đến xã và các đơn vị vũ trang, đào tạo cán bộ mạng lưới, nghiên cứu sản xuất các loại thuốc từ cây nhà lá vườn nhằm đáp ứng một phần yêu cầu của chiến trường lúc bấy giờ đang rất khan hiếm thuốc. Đến tháng 3 năm 1963, đồng chí được điều lên Ban Y tế Liên khu 5, lúc ở Ban Quân y, lúc ở Ban Dân y, lúc ở Ban Y tế Thương binh Xã hội của miền Trung Trung Bộ, theo dõi công tác từ Phú Yên đến Đà Nẵng. Năm 1972, đồng chí là thành viên của Đoàn Y tế miền Nam ra thăm miền Bắc đồng thời để chuẩn bị chi viện cho cuộc tổng phản công và nổi dậy mùa xuân 1975. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đồng chí được cử làm Giám đốc vệnh viện C Đà Nẵng, cho đến khi thành lập tỉnh Nghĩa Bình thì được cử làm Giám đốc Sở Y tế Nghĩa Bình, đến tháng 8 năm 1988 được nghỉ hưu (tại Quy Nhơn).
Năm 1964, trường ĐHYK cùng với Viện Mắt có tổ chức đào tạo một khóa chuyên khoa mắt chuẩn bị đi phục vụ các chiến trường phía Nam. Trong số đó có 4 bác sĩ quân y là Bs Lâm (sau này là Chủ nhiệm khoa Mắt Học viện Quân y), Bs Quới (sau này là Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM), Bs An (sau là Chủ nhiệm khoa Mắt Viện Quân y Khu 5) và Bs Sổ (không rõ nay công tác ở đâu). Riêng về Dân y thì có 3 đồng chí ở khoá này và 1 ở khoá sau đi vào chiến trường miền Trung. Đó là những đồng chí sau đây:
Bs Nguyễn Quang Lê đi vào cực Nam Trung Bộ (khu VI) năm 1965. Mới đầu phụ trách bệnh viên dã chiến, sau về làm Hiệu trưởng Trường đào tạo y tá tỉnh Bình Thuận, rồi Hiệu trưởng Trường Y sĩ Nam Trung Bộ, Bệnh viện Trưởng Bệnh viện Bình Thuận, rồi Hiệu trưởng Trường Y sĩ khu vực VI. Đến tháng 12 năm 1974 thì ra Bắc và được cử đi tu nghiệp ở nước CHDC Đức.
Đồng chí thứ 2 là Bs Lê Thanh đi vào bệnh viện đa khoa Liên khu V năm 1965 nhưng rồi chuyển lên Kontum làm Giám đốc bệnh viện Dân Y Kontum. Đến năm 1968 được điều về làm Hiệu trưởng Y sĩ Quảng - Đà, rồi Bệnh viện Trưởng bệnh viện Dân y Quảng - Đà. Năm 1974 - 1975 Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng - Đà. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tham gia đoàn tiếp quản thành phố Đà Nẵng và Hội An. Đến năm 1976 được cử đi học ở Tiệp Khắc.
Người thứ ba là Bs Lã Huy Biền đi B đầu năm 1966, vào công tác ở bệnh viện đa khoa Liên khu V, sau đó về Ban Y tế miền Trung. Đến tháng 7 năm 1973 thì được cử đi học ở Nam Tư.
Sau khi trở về, cả 3 đồng chí trên đây đều nhận công tác ở Viện Mắt.
Người thứ 4 đi vào chiến trường miền Trung và rồi không trở về là nữ bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thị Thuỳ Trâm. Thuỳ Trâm sinh ngày 25 tháng 11 năm 1942. Cha là Bs Đặng Ngọc Khuê, nguyên Chủ nhiệm Khoa ngoại Bệnh viện Saint Paul (đã tạ thế), mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm, cán bộ trường ĐH Dược Hà Nội (đã nghỉ hưu). Hai ông bà có 5 người con mà Thuỳ Trâm là con trưởng. Tốt nghiệp bác sỹ năm 1966. Sau một khoá đào tạo chuyên khoa tại Viện Mắt thì đến ngày 23/12/1966 lên đường đi B, vào làm bệnh xá trưởng huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) là một huyện nằm sâu trong vùng địch hậu, sát bờ biển, thường bị địch lùng sục, càn quét. Sau 3 tháng hành quân, vào tới bệnh xá, trong lá thư đầu tiên gửi ra Bắc, đề ngày 23 tháng 4 năm 1967 cho một người bạn (tên là Niệm) có đoạn Thuỳ Trâm viết: “Viết thư cho Niệm giữa lúc máy bay địch gào thét trên đầu. Trực thăng quạt hàng tràng đại liên. Phản lực tuôn bom điên cuồng. Mặc kệ. Chúng thừa bom đạn thì cứ vãi. Cùng lắm chỉ chết lũ cây rừng. Mình được phân công về huyện Đức Phổ. Cơ quan vừa bị oanh tạc tuần trước. Thiệt về người không lớn, nhưng bệnh xá tan hoang. Thuỳ về, vác ba lô đi giữa những căn nhà sập nát. Đồ đạc, dụng cụ y tế vương vãi đầy sân. Không một bóng người. Thuỳ không khóc mà lòng rớm máu. Thuỳ lang thang đi thăm từng buồng bệnh cũ. Những chiếc khay đựng xơ - ranh, dao kéo... Những giá treo áo blouse... tất cả gãy vụn. Ai có cách gì nói hết nỗi đau của Thuỳ? Nỗi đau cắn vào xương thịt, không dừng lại ở cảm giác... Thế đó! Niệm ơi, hãy tin rằng cô bạn gái của Niệm sẽ giữ mãi bản chất yêu đời, trẻ trung, dù trong lửa bom, bão đạn...” (trích dẫn từ bài báo “Đi tìm Sulicô” của nhà báo Vinh Thu, đăng trong Tiền Phong số 14 và 15, tháng 4 năm 1995). Con người Thuỳ Trâm là như vậy đấy: lạc quan, yêu đời, hăng hái trong công tác, hết lòng phục vụ nhân dân và thương bệnh binh. Năm 1968, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Giữa lúc công việc đang tiến triển tốt thì ngày 19 tháng 6 năm 1970, bệnh xá bị đánh tan hoang. Y tá Nguyễn Văn Thông kể lại: “Chị Trâm chỉ huy mọi người sơ tán thương binh xuống các hầm ngầm. 3 hôm sau, chị dẫn nhóm cán bộ 4 người xuống núi tìm địa điểm mới ở khu rừng Ba Khâm thuộc huyện Ba Tơ để di chuyển cơ quan. Và tai hoạ đã xảy ra. Cả tốp sa vào ổ phục kích. Cuộc chiến không cân sức kết thúc lúc 4 giờ 15 phút chiều. Chỉ có một người sống sót. Chị Trâm đã anh dũng hy sinh khi mới 27 tuổi đời và thiếu 3 tháng tròn 2 tuổi Đảng”.
Đã 28 năm qua rồi, nhưng ngày nay nhân dân Quảng Ngãi, nhất là vùng Đức Phổ vẫn còn nói đến tấm gương dũng cảm chiến đấu hy sinh của nữ bác sĩ Thuỳ Trâm.
Nhà văn Nguyên Ngọc, trong tập ký sự “Có một con đường mòn trên biển Đông” (Nhà xuất bản Hà Nội, 1994) đã kể lại lời của Đại tá Tư Thắng, người anh hùng huyền thoại của đường mòn trên biển, về Thuỳ Trâm như sau:
“Các anh ạ! Tôi phải kể các anh nghe chuyện này, có thể hơi lạc đề một chút, không trực tiếp dính dáng đến con đường biển Đông... nhưng không nói ra tôi không thể yên lòng. Tôi vẫn tin rằng trong cuộc chiến tranh của chúng ta, dầu chúng ta cố gắng đi tìm đến máy, dầu các cơ quan gọi là sách của ta từ trung ương cho đến thôn xã, từ Bộ Thương binh Xã hội ngoài Hà Nội cho đến phường xóm có cố gắng mấy, thì mãi mãi rồi vẫn còn những người anh hùng vô danh không sao biết cho hết, nói cho hết. Cho nên ai đã biết được một chút gì thì trách nhiệm, lương tâm là phải nói ra cho hết. Tôi muốn nói với các anh về cái bệnh xá huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đó. Các anh hiểu thế nào là một cái bệnh xá huyện trong chiến tranh ở miền Nam hồi bấy giờ không? Riêng tôi, thật ra đến lúc đó, có dịp trôi dạt vô đó, tôi mới hiểu. Thì ra, giữa chiến tranh, ở một vùng đất quá ác liệt, thì một đơn vị bộ đội, chủ lực hay địa phương, thậm chí có khi cả du kích nữa, rồi các cơ quan chỉ huy, chỉ đạo... có thể tạm thời lánh đi đâu đó, thời gian ngắn hay dài. Nhưng một cái bệnh xá huyện thì không thể lánh đâu được, đơn giản chỉ vì nó là cái bệnh xá huyện, nó phải có mặt ở đó, bất kể lúc nào, trụ bám ở dó vì thương binh, vì những người dân bị thương, cả vì bệnh nữa. Bất cứ lúc nào. Mà Đức Phổ hồi bấy giờ là một trong những huyện ác liệt nhất chiến trường khu 5. Sư đoàn không vận số 1 Mỹ quần nát ở đó, rồi lữ đoàn 196 Mỹ, sư đoàn dù 101 Mỹ, có thời gian cả bọn sư 25 Anh cả đỏ Mỹ cũng ra đó, rồi Rồng Xanh, Bạch Mã, Nam Triều Tiên, rồi sư 2, sư 22, sư 23 nguỵ, thuỷ quân lục chiến, dù nguỵ, chẳng thằng nào thiếu mặt ở đấy. B52 đầm nát một vùng bán sơn địa, ngang dọc chỉ vài chục cây số... Thế mà trên cái vùng đất ghê gớm ấy, suốt hàng chục năm trời, vấn tồn tại, trụ bám một cái bệnh xá huyện nho nhỏ, vô danh, gan lì, bất khuất. Và người phụ trách, người chỉ huy cái bệnh xá ấy là một cô gái, một bác sĩ trẻ người Hà Nội. Năm ấy chị khoảng chưa đến 30 tuổi. Tên chị là Trâm. Rất tiếc, tôi có lỗi, tôi không hỏi địa chỉ gia đình chị ở Hà Nội, phố nào, số nhà bao nhiêu. Sau khi tốt nghiệp trường Y chị xung phong đi vào Nam ngay, vào đúng tỉnh Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh xá Đức Phổ. Và chị chỉ huy cái bệnh xá ấy, trụ bám gan lỳ đén kỳ lạ, kỳ quặc suốt mấy năm trời trên vùng đất hẹp bị đánh nát như băm ấy... cho đến ngày chị hy sinh...”
Đúng như đại tá Tư Thắng nói: Đặng Thị Thuỳ Trâm là “người anh hùng vô danh không sao biết cho hết, nói cho hết”, ngay trong ngành y cũng mấy người đã biết!
Trong gia đình, Thuỳ Trâm là người con hiếu thảo, người chị đảm đang, dành tình thương yêu cho tất cả mọi người, nhưng khi Tổ quốc kêu gọi thì xung phong khoác ba lô lên đường vào tuyến lửa, không chút ngần ngại. Cả nhà thân thương gọi Thuỳ Trâm là Sulicô (như tên bài báo của Vinh Thu trong báo Tiền Phong) bởi vì Thuỳ Trâm hay hát và hát hay (ở trường trung học Chu Văn An trong các cuộc hội diễn). Hãy còn đó quyển sổ tay dày cộp, giấy đã úa vàng với những bài hát mà Thuỳ Trâm ưa thích, từ Bài ca hy vọng đến Chiều Mát-cơ-va, Cây bạch dương, Trở về Sôrentô, và thích nhất là bài Sulicô, một bài dân ca Gruzia hát về mối tình bi tráng thời chiến tranh giữa một chàng trai và cô gái có tên là Sulicô. Rồi cả 2 ra chiến trường. Cô gái vĩnh viễn nằm lại. Còn chàng trai trở về chốn cũ nhưng còn đâu nữa hỡi người yêu... Thuỳ Trâm của chúng ta cũng ra đi không trở về... Phải chăng vô hình, giữa 2 tâm hồn thơ mộng đã có sự linh cảm diệu kỳ?
Được biết sau khi Thuỳ Trâm ngã xuống trận địa ở lưng chừng núi thì chính quyền và nhân dân địa phương (huyện Ba Tơ) đã tổ chức án táng chu đáo ngay tại đó. Sau ngày giải phóng, gia đình bốc về nghĩa trang huyện Đức Phổ và đến năm 1977 thì cải táng, đem về nghĩa trang liệt sĩ huyện Từ Liêm (Hà Nội).
Năm 2005, cả nước và thế giới biết đến và cảm phục nữ bác sỹ ấy qua cuốn hồi ký của Đặng Thuỳ Trâm để lại. Điều kỳ lạ và kỳ diệu là cuốn nhật ký đó do một cựu chiến binh Mỹ tên là Frederic Whitehurst đã gìn giữ suốt 35 năm qua. Trong suốt 35 năm ấy, Frederic Whitehurst luôn đáu đáu nghĩ về Thuỳ Trâm, nghĩ về gia đình và cuốn nhật ký của chị. Và anh đã tìm được địa chỉ gia đình, trả lại cuốn nhật đầy chất “lửa” trong đó…Trong lá thư gửi cho bà Doãn Ngọc Trâm ngày 2.5.2005, anh đã viết “…Con gái bà đã một mình chiến đấu với 120 lính Mỹ để bảo vệ bạn mình. Ở bất cứ nước nào trên thế giới điều đó được gọi là ANH HÙNG…” .
Tấm gương dũng cảm, lý tưởng sống và sự hy sinh của Thuỳ Trâm đã được lớp lớp thanh thiếu niên cả nước học tập, noi theo, tạo nên một phong trào lớn, cuộc vận động lớn “sống và học tâm theo gương bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm”. Đảng và Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng cho bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thuỳ Trâm.
Qua cuộc vận động quyên góp của nhân dân, giờ đây trên mảnh đất Phổ Cường - Đức Phổ năm nào đã xây dựng một bệnh xá mang tên chị – Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm. Nhiều nơi, nhiều đơn vị đã phát động phong trào sống và lao động theo gương bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Tại Bệnh viện Mắt TW, ngày 14 tháng 3 năm 2005 Đoàn thanh niên đã thành lập Phòng khám Đặng Thuỳ Trâm để tưởng nhớ và noi theo tấm gương của nữ bác sỹ Anh hùng đã từng học tập và làm việc nơi đây.
Sau cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), địch tăng cường hành quân càn quét, đốt phá làng mạc. Tiền phương Bình - Trị - Thiên đầy khói lửa. Thương bệnh binh nhiều. Ta phải mở thêm bệnh viện để điều trị cho bộ đội và nhân dân từ tiền phương gửi về. Bộ Y tế chủ trương các bệnh viện và Viện chuyên khoa đầu ngành gửi cán bộ vào giúp đỡ. Vì vậy đầu năm 1969, Viện Mắt đã cử Bs Hà Huy Tiến và y tá Đinh Văn Luật vào bệnh viện B thuộc K69. Tiếp sau đó là Bs Ngô Song Liễu. Riêng Bs Liễu sau khi ở K69 ra còn đi thêm 1 năm ở chiến trường Lào. Về Xquang, Viện cử y sĩ Vũ Kim Tư vào giúp. Ngoài ra còn có Bs Lê Quang Hoành (hiện nay là PGS. PTS. Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Bình) công tác tại Ban 67 từ 1971 đến 1973.
Số anh chị em chi viện cho chiến trường B2 còn nhiều hơn số người đi miền Trung. Người ra đi sớm nhất và xa nhất là Bs Nguyễn Thành Hiệp. Anh sinh năm 1919 tại Gia Định. Năm 1952, anh công tác tại Viện Nhãn tại khoa - Tai mũi họng (do y sĩ Đông Dương Lý Văn Thân làm Viện trưởng), thuộc Sở Quân dân Y Nam Bộ đóng tại Cà Mau, cùng với các y sĩ Lê Mười, Nguyễn Quang Tiền... Năm 1954, tập kết ra Bắc, anh công tác tại Viện Mắt. Đến tháng 1 năm 1962 thì lên đường vào chiến trường, nhận công tác tại Ban Dân y miền Nam. Anh bị sốt rét ác tính và mất ngày 5 tháng 1 năm 1963.
Sau Bs Hiệp là Bs Trần Văn Lương, sinh năm 1934 tại Bạc Liêu. Đi B tháng 8 năm 1962, vào công tác ở Ban Dân y R, hy sinh năm 1971 trên đường đi công tác.
Bs Trần Văn Chuyên, sinh năm 1935 tại Nghệ An, nguyên trưởng khoa mắt bệnh viện Nam Hà, đi B năm 1966. Được phân công về công tác ở khu 9 cũ (là khu Miền Tây gian lao, ác liệt nhất). Đồng chí làm việc ở Ban Dân y T3, trong Ban phụ trách bệnh viện đa khoa và có tham gia đào tạo y sĩ chuyên khoa mắt cho các tỉnh miền Tây... Vợ của đồng chí là Bs Võ Bạch Thuỷ cũng làm công tác sản khoa tại đó. Lúc bấy giờ 2 vợ chồng đã có một cháy là Thanh An mới lên 6 tuổi đã phải nhờ chị em nuôi giúp, 8 năm sau mới gặp lại con. Họ đã phải trải qua những ngày tháng đầy gian khổ, hiểm nguy của chiến trường. Hồi ký của Bs Bạch Thuỷ có đoạn ghi: “Một hôm bỗng nhiên thấy xuất hiện ở bìa rừng một toán người đi về phía bệnh viện. Thường nếu địch đi càn quét thì ta nghe tiếng ca-nô chạy và chúng đổ bộ lên phía bờ sông. Sau giây phút sửng sốt ban đầu, Bs Chuyên và một đồng nghiệp định thần lại và phát hiện ra ngay là bọn lính nguỵ được trực thăng thả xuống, đi tắt qua bìa rừng để vào khu căn cứ của bệnh viện. Đây là một bệnh viện lớn của T3, hôm đó có khoảng 120 bệnh nhân mà hầu hết là thương bệnh binh nặng, và khoảng 20 cán bộ, nhân viên phục vụ... Việc đầu tiên phải làm là báo động cấp tốc di chuyển, phân tán bệnh nhân vào trú ẩn trong rừng hoặc đi theo đường sông... Bs Chuyên và một đồng nghiệp nữa đi theo đường sông... Bs Chuyên và một đồng nghiệp nữa bị địch truy đuổi sát lưng. Từ trên máy bay chúng gọi loa xuống đúng tên Bs Trần Văn Chuyên và Võ Bạch Thuỷ ra chiêu hồi sẽ được trọng dụng. Hai người cắm đầu chạy thục mạng, luồn sâu vào rừng rậm. Đến khi im tiếng súng và trực thăng thì đã lạc mất đường, không còn biết lối ra. May mà người bạn đồng nghiệp có kinh nghiệm, bàn là cứ nằm chờ mặt trời mọc rồi theo hướng đó mà tìm về căn cứ. Sau trận càn, tập hợp anh chị em lại, kiểm điểm thấy thiếu 3 thương bệnh binh (bị tổn thương cột sống, không di chuyển kịp) và 2 nữ y tá. Hai Bs đi lạc chưa tìm ra, được báo cáo là mất tích. Sau 3 ngày đói khát, lặn lội trong rừng, cả 2 người trở về đến căn cứ, trên người chỉ còn mảnh xà lỏn... Nhờ rút kinh nghiệm trận càn này mà năm 1970 ở một cơ sở mới cũng bị một trận càn tương tự vào ngày 27 Tết, nhưng các đồng chí Chuyên, Thuỷ, Cẩn và nhiều anh chị em khác đã bảo vệ đơn vị được an toàn, trong đó có hàng chục bệnh nhân mổ mắt. Sau trận càn này, cơ sở được tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng 2...”. Sau ngày giải phóng miền Nam, Bs Chuyên được cử đi học ở CHDC Đức một thời gian rồi về nhận công tác ở Bộ môn Quản lý Y tế trường Đại học Y khoa TP Hồ Chí Minh. Sau đó về bệnh viện An Bình, bệnh viện Điện Biên Phủ và mất vì bệnh năm 1996.
Cũng trong khoảng thời gian 1965 - 1967, ngành mắt còn gửi vào chiến trường Nam Bộ một số anh chị em có tên dưới đây:
Bs Nguyễn Văn Thi, sinh năm 1912 tại Cao Lãnh (Sa Đéc), nguyên là cán bộ khoa mắt bệnh viện Bắc Giang vào nhận công tác ở Ban Dân y R, mới đi đến trạm Cà Tum (gần Tây Ninh) thì mất vì bệnh. Được an táng tại đó nhưng về sau vì trạm di chuyển nhiều nơi nên đến nay mộ chí vẫn chưa xác định được.
Cùng một chuyến đi với Bs Thi còn có Bs Hoàng Sơn là nhân chứng lịch sử hiện còn sống với gia đình tại TP Hồ Chí Minh. Hoàng Sơn, nguyên là chiến sĩ tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long 2 ở Thái Lan. Tập kết ra Bắc, đi học y rồi về công tác ở Viện Mắt, làm thư ký Công đoàn nhiều khoá. Năm 1965, đi B, vào nhận công tác ở Ban Dân y miền Tây Ninh (phó tiểu ban Y tế tiền phương Miền). Năm 1973, được chi viện cho chiến trường K, phụ trách một bệnh viện Miền Đông Campuchia. Sau ngày giải phóng 1975, cùng với các đồng chí khác (Bs Ngô Như Hoà, Trần Y...) về tiếp quản Sài Gòn, sau đó làm Giám đốc Trung tâm cấp cứu của Thành phố, đến năm 1990 được nghỉ hưu.
Bs Trần Y (tên cũ là Huỳnh Hoàng Sơn), đi B năm 1965, vào làm Trưởng khoa Mắt bệnh viện Liên cơ của Ban Dân y R. Sau về phụ trách bệnh viện Lộc Ninh. Sau giải phóng, cùng với nhiều đồng chí khác về tiếp quản các cơ sở y tế Sài Gòn, rồi làm Giám đốc bệnh viện Nguyễn Trãi. Nay đã nghỉ hưu.
Bs Nguyễn Thị Tư, đi B năm 1967 (là vợ Bs Trần Đăng, đi B trước đó 2 năm). Vào nhận công tác ở bệnh viện Tiền phương (?), gọi là bệnh viện Trung Cao, làm Phó Giám đốc bệnh viện phụ trách Khoa Mắt. Sau hoà bình về công tác tại Trung tâm phục hồi chức năng. Nay đã nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh.
Bs Nhữ Đình Quang, đi B năm 1965. Phụ trách Khoa Mắt bệnh viện Hoàng Lệ Kha, thuộc trung ương cục. Sau 1975 về làm Trưởng phòng Y tế quận Phú Nhuận. Đã mất vì bệnh tại TP Hồ Chí Minh.
Đến khoảng những năm 1970 - 1972, sau cuộc nổi dậy Tết Mậu Thân địch tăng cường càn quét, đánh phá các cơ sở của ta, chiến trường miền Nam như nước sôi lửa bỏng. Nhiều đồng chí lại lên đường vào Nam, chi viện cho chiến trường.
Bs Nguyễn Văn Bỉnh đi B năm 1970. Về khu 9 (miền Tây) phục vụ tại cơ quan lãnh đạo Miền, đặc trách sức khoẻ cho đồng chí Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), ngoài ra còn lo tổ chức đường dây bảo vệ cho các cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đi xuống các địa phương, trong nhiều tình huống khó khăn, phức tạp nhưng Bs Bỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau ngày giải phóng miền Nam, đồng chí được phân công phụ trách xí nghiệp kính của Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí đã mất năm 1995 vì bệnh.
Bs Phạm Văn Minh (thường gọi là Minh Đen) đi B năm 1970. Vào công tác ở cơ sở xã Khánh Bình Đông (Cà Mau). Về sau phụ trách Trạm Mắt Minh Hải (Phía Cà Mau).
Bs Đường Văn Cẩn đi B năm 1972, vào công tác ở khu 8 (T3), làm trưởng khoa Mắt bệnh viện đa khoa Mắt - Tai mũi họng cho các tỉnh miền Tây. Hiện nay là Giám đốc trung tâm Mắt - Răng - Tai mũi họng tỉnh Cần Thơ.
Ngoài ra còn có các Bs Lê Mười (Giám đốc bệnh viện Tiền Giang - đã mất), Nguyễn Ngọc Nam (Ban khoa giáo Tỉnh uỷ Cần Thơ), Nguyễn Thị Minh Huệ (Ban Dân số, Môi trường Cần Thơ), Bs Mùi (Giám đốc bệnh viện Đồng Nai), Bs Thanh (Tiền Giang), Bs Thêm, Nguyễn Hữu Thoại (đã mất)...
Năm 1972, Bộ Y tế đã cử nhiều đoàn cán bộ đầu ngành của các chuyên khoa (từ các bệnh viện trung ương, các Viện, trường ĐHYK) tăng cường thêm cho các chiến trường phía Nam đang diễn ra hết sức ác liệt, đồng thời cũng là để chuẩn bị cho sự nghiệp lâu dài sau này khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Trong số này ngày mắt có Bs Ngô Như Hoà (Viện Mắt) và Bs Đoàn Trọng Hậu (Bộ môn Mắt). Về chuyến đi này, nhật ký của Bs Ngô Như Hoà có đoạn viết:
“Rời Thủ đô Hà Nội ngày 28 tháng 2 năm 1972 bằng xe Command car cùng với 2 anh Võ Thế Quang (Răng - Hàm - Mặt) và Bùi Quang Tùng (dược sĩ), theo sau là một xe tải lớn chở đầy thuốc men, dụng cụ, sách vở. Xe đi dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, khi bên này Trường Sơn Đông, khi bên kia Trường Sơn Tây. Một hôm khi đi qua phía Trường Sơn Tây trên đất Lào thì bị máy bay Mỹ phát hiện (bằng tia hồng ngoại). Chúng bắn quả rốc - két thứ nhất cách xe chừng 10 mét. Cả 3 chúng tôi nhảy ra khỏi xe thì liền đó quả rốc-két thứ 2 được phóng ra trúng xe và đồng chí tài xế bị thương. Tôi và anh Võ Thế Quang chuyển sang đi nhờ xe bộ đội. Đến trạm nghỉ, đồng chí tài xế bộ đội nói vui: lúc nãy 2 bác ngồi trên thùng thuốc nổ trong xe đó! Thật hú vía!... Đến B2, chúng tôi gặp Bs Dương Quỳnh Hoa, Bộ trưởng Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Anh Bảy Thủ nói các anh vô đây chưa làm chuyên môn được. Nguỵ quyền Thiệu không chịu ngồi bàn với ta, mà vẫn đang tìm cách dành dân lấn đất...”
Sau đó Bs Như Hoà nhận công tác ở Ban Dân y R và cùng với Bs Võ Thế Quang xây dựng trường y cao miền Nam. Cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 được giao nhiệm vụ tiếp quản trường ĐHYK Sài Gòn. Về việc này, Bs Như Hoà ghi trong nhật ký như sau:
“17 giờ ngày 30/4/1975. Bs Võ Văn Trương (hiện nay là Hiệu phó trường ĐH Dược TP HCM) và tôi được xe bộ đội đưa vào làm nhiệm vụ tiếp quản trường ĐHYK Sài Gòn. Sáng 1/5, ông Cang, Trưởng Ban quản trị của trường đưa nội cho tôi một chìa khoá “passe partout” có thể mở tất cả mấy trăm phòng của trường. Theo các loa phóng thanh từ sáng mới ngày 1/5, Ban quân quản Sài Gòn - Gia Định (trưởng ban là Thượng tướng Trần Văn Trà) đã ra lệnh cho tất cả các công chức trở về cơ quan cũ để làm việc lại.
Sáng ngày 2/5 tôi tiếp các giáo sư, có đến sáu, bảy chục vị. Tôi vui mừng được gặp lại các giáo sự Phạm Biểu Tâm, Trần Văn Bảng, Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Đình Cát...
Tháng 4 năm 1975, khi bộ đội ta tiến quân đến Long Khánh, Biên Hoà thì các trường đều đống cửa. Sau khi xin ý kiến của Ban quân quản, tôi quyết định đến tháng 6 năm 1975 thì trường ĐHYK mở cửa trở lại, sinh viên tiếp tục học và thi cử để dứt điểm niên học 1974 - 1975. Viện Đại học Sài Gòn (Université de Saigon) có 11 trường Đại học thì Đại học Y mở cửa đầu tiên.
Bộ môn Mắt lúc đó có tôi (Ngô Như Hoà), Đoàn Trọng Hậu, Nguyễn Đình Cát. Nơi thực tập cho sinh viên là Khoa Mắt bệnh viện Bình Dân”.
Trên đây đã nói về những anh chị em làm chuyên khoa mắt được chi viện cho các chiến trường B2. Ngoài ra còn vài người đi B ra rồi mới về nhận công tác ở Viện Mắt như các dược sỹ Dương Quỳnh Hương và Nghiêm Xuân Kiên.
Sau thất bại trận Điện Biên Phủ trên không tại Hà Nội cuối năm 1972, Mỹ phải ký hiệp định Paris. Đầu năm 1973 có cuộc trao đổi tù binh 2 bên qua sông Thạch Hãn, phía ta tiếp nhận anh em bị địch bắt và giam giữ tại đảo Phú Quốc. Ta nhận về và chuyển anh em đến Sầm Sơn (Thanh Hoá) để kiểm tra sức khoẻ và làm các thủ tục khác. Viện Mắt cử một đoàn gồm bác sỹ Nguyễn Trọng Nhân, bs Tôn Thị Kim Thanh, y sỹ Lê Thị Côi và một số y tá tham gia cùng các chuyên khoa khác ở T72.
Ngoài những vết thương chiến tranh được địch chữa một cách vô trách nhiệm, anh em bị nhiều bệnh tật, phổ biến nhất là cao huyết áp, sốt rét, kiết lỵ, lao phổi, lang ben,... Nhiều người bị vẩn đục giác mạc do các mảnh đất đá hoặc các chất thuốc nổ, các chất cay dùng để đàn áp trong tù. Nhãn áp nhiều người bị giao động. Một số bị hếch mi, hở mi do bỏng vì bom napan, bom lân tinh. Khoảng 80% bị quáng gà do chế độ ăn uống kham khổ, anh em lấy gan cá đuối luộc ăn nhờ đó bệnh chóng khỏi. Nhiều người bị mờ mắt lúc đầu không rõ nguyên nhân, sau nhờ bồi dưỡng nghỉ ngơi nên thị lực tốt hơn, có khi tới mức bình thường. Hiện tượng lão thị sớm cũng rõ rệt. Qua đó chúng ta thấy được phần nào ảnh hưởng của chế độ lao tù Mỹ – Thiệu đối với những người yêu nước bị giam giữ.
IV. VÀI NÉT VỀ HOẠT ĐỘNG NHÃN KHOA Ở MIỀN NAM TRONG THỜI KỲ CHIẾN TRANH (1955 - 1975)
Ở vùng căn cứ kháng chiến:
Qua 2 cuộc chiến tranh (chống Pháp và chống Mỹ) ở các vùng căn cứ kháng chiến Nam Bộ và Trung Bộ, nhiệm vụ của anh em cán bộ chuyên khoa mắt chủ yếu là phục vụ chiến trường, nhiều người vừa làm công tác lãnh đạo, tổ chức bộ máy y tế các cấp (nhất là ở miền Trung), vừa làm chuyên môn nội, ngoại khoa, ít ai được làm chuyên khoa sâu. Riêng ở Nam Bộ, theo ghi chép của Bs Nguyễn Quang Tiền (nguyên cán bộ Viện Nhãn khoa - tai mũi họng Nam Bộ, hiện nay là trưởng phòng tổ chức Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế của TP Hồ Chí Minh) thì trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1948 - 1954) tại vùng kháng chiến Nam Bộ, ngay từ đầu đã tổ chức được một cơ sở nhãn khoa khá quy mô với các hoạt động khá tốt. Bs Tiền viết như sau:
“Theo lời kêu gọi của Đảng và uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Bs Lý Văn Thân (nguyên y sĩ Đông Dương), chuyên khoa Mắt - Tai mũi họng đã từ bỏ gia đình từ thị xã Rạch Giá vào vùng giải phóng tham gia kháng chiến. Ông được Sở Y tế quân dân Nam Bộ đón nhận và phân công về Dân Y viện Nam Bộ (thuộc Sở Y tế Nam Bộ) giữ chức vụ Phó Giám đốc. Tại nơi đây, trong hoàn cảnh khó khăn của kháng chiến, thiếu thuốc men, dụng cụ, cơ sở nhà cửa cũng như cán bộ chuyên khoa... Bs Lý Văn Thân đã khắc phục và bắt đầu xây dựng cơ sở điều trị mắt cho đồng bào trong vùng kháng chiến. Tại Dân y viện Nam Bộ đóng tại Rạch Cái Sắn, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu), đã xây dựng một phòng khám mắt, một trại bệnh 20 giường nội trú (10 giường mắt và 10 giường tai mũi họng), 1 phòng mổ chung cho cả 2 chuyên khoa.
Trong thời gian từ 1948 đến 1952, khoa Mắt của Dân y viện Nam Bộ đã chữa trị cho hàng chục ngàn người bị bệnh về mắt, nhất là mắt hột, lông quặm, loét giác mạc, mộng thịt, sang chấn mắt, glôcôm...
Năm 1953, Dân y viện Nam Bộ bị Pháp ném bom, phá sạch cả trại bệnh và phòng mổ. Do đó phải phân tán làm nhiều nơi và từ đó khoa mắt được tách ra và thành lập Viện Nhãn khoa - Tai mũi họng trực thuộc Sở y tế Nam Bộ. Viện do Bs Lý Văn Thân làm Viện trưởng và đóng tại Rau Dừa, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Mặc dầu phải hoạt động du kích phân tán trong dân nhưng Viện không ngừng phát triển. Tổ chức của Viện gọn nhẹ nhưng cũng có đầy đủ: phòng khám, phòng dược, bộ phận hành chính... với tổng số cán bộ nhân viên hơn 40 người, đa số là y tá, cứu thương nhưng hoạt động rất có hiệu quả. Tiếng lành đồn xa. Vì vậy chẳng những đồng bào trong vùng kháng chiến đến chữa bệnh mà một số người ở vùng tạm chiếm như Cần Thơ, Rạch Giá, Long Mỹ, Vị Thanh, Sa Đéc... cho đến đồng bào, chiến sĩ ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Bà Rịa) cũng xuống tận Viện Nhãn khoa ở Rau Dừa, Cà Mau để chữa bệnh...
Ngoài công tác điều trị, Viện còn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên khoa cho một số tỉnh như Cần Thơ, Long Châu Sa, Long An, Mỹ Tho và anh em bên quân y. Từ nguồn đào tạo này, về sau nhiều đồng chí trở thành cán bộ chuyên khoa phục vụ cho chiến trường B2 (như các bác sĩ Trần Văn Lương, Lê Mười, Hiền Nhân tức Nam, Nguyễn Văn Bỉnh) và còn nhiều người nữa như Võ Quang Nghiêm, Đỗ Thu Nhàn, Hà Ngọc Nga, Nguyễn Văn Mời, Nguyễn Quang Tiền...
Có thể nói trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp của đồng bào Nam Bộ, ngành Mắt trong vùng giải phóng cũng rất tự hào vì đã đóng góp công sức đáng kể vào việc mang lại ánh sáng cho hàng ngàn thương bệnh binh và nhân dân lao động, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và chiến đấu”.
Hoạt động Nhãn khoa ở vùng tạm chiếm:
Có thể ghi lại một vài nét như sau (dựa theo tư liệu của Bs Nguyễn Cường Nam, hiện đang công tác ở Trung tâm Nhãn khoa Điện Biên Phủ, TP Hồ Chí Minh):
Trước năm 1954 (dưới thời Pháp thuộc), vào khoảng thập kỷ 30, có 2 cơ sở nhãn khoa do người Pháp trực tiếp phụ trách là Viện Mắt ở Huế và Viện Mắt ở Chợ Lớn. Ngoài ra ở một số thành phố thì có các y sĩ Đông Dương (được đào tạo về mắt ở trường Y sĩ Đông Dương) kiêm nhiệm luôn việc chữa mắt. Ở Nam bộ có một bác sĩ người Việt có tên tuổi hồi bấy giờ như Bs Tân ở Sài Gòn (tốt nghiệp Nhãn khoa ở Pháp), Bs Nguyễn Văn Tại (tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Montpellier), Bs Ngô Hiệu (trường Y sĩ Đông Dương), ở Cần Thơ có Bs Lê Văn Hoạch (có lúc đã làm thủ tướng trong Chính phủ Bảo Đại), ở Huế có Bs Hoàng Mộng Lương (trường Y sĩ Đông Dương)...
Bắt đầu từ say 1955, tình hình hoạt động nhãn khoa ở vùng tạm chiếm miền Nam phát triển hơn trước. Nhằm đáp ứng nhu cầu của chiến trường miền Nam đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ chuyên khoa Mắt, do quân đội phụ trách là chính. Họ tổ chức các khoá huấn luyện ngắn hạn, 3 tháng, 6 tháng cho các bác sĩ mới ra trường, sau đó lấy vào phục vụ quân đội. Trong khi đó thì tại trường Đại học Y Sài Gòn, giáo sư Nguyễn Đình Cát chỉ đào tạo cán bộ giảng dạy về mắt (gọi là giảng nghiệm viên) và các sinh viên nội trú. Bắt đầu từ năm 1972, khu nhãn khoa bệnh viện Bình Dân (Sài Gòn) trực thuộc trường Đại học Y, mở các lớp chuyên khoa mắt sau đại học, chương trình học 2 năm (do giáo sư Cát phụ trách với sự giúp đỡ của Bs người Mỹ là John Hodgkinson, thuộc phái bộ USAID của Mỹ).
Từ năm 1955 đến 1970, có hơn 70 luận án tốt nghiệp nhãn khoa (xem phần phụ lục). Các giáo sư đầu ngành hồi bấy giờ là Nguyễn Đình Cát và Nguyễn Ngọc Kính.
Các bác sĩ tốt nghiệp ra, đa số vào quân đội hoặc làm việc ở các bệnh viện Sài Gòn như bệnh viện Bình Dân, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Đô Thành, bệnh viện nhân dân Gia Định... Một số về các đô thị lớn như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ, Nha Trang..
Về tiến bộ kỹ thuật thì chủ yếu tập trung ở Sài Gòn. Một số kỹ thuật mới đã được thực hiện như ghép giác mạc, mổ cận thị theo phương pháp Sato (rạch mặt sau giác mạc hình nan hoa), mổ glôcôm theo phương pháp cắt mống mắt thấm (Scheie) hoặc cắt bè củng mạc, mổ đục thuỷ tinh theo kỹ thuật lạnh đông, mổ bong võng mạc theo phương pháp thắt đai, ấn vùi củng mạc, bắt đầu lắp thể thuỷ tinh nhân tạo...
Ngoài Sài Gòn ra thì một số tỉnh lớn như Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ cũng có khoa Mắt trong bệnh viện đa khoa. Một số nơi có biên chế khá tốt và trang thiết bị cũng khá. Có thể dẫn ra một đoạn ghi chép của Bs Phạm Như Bách, hiện đang công tác ở Trung tâm Mắt TP Hồ Chí Minh (nguyên là Trưởng khoa Mắt của bệnh viện Việt - Đức ở Đà Nẵng, được Tây Đức viện trợ): Khoa Mắt của bệnh viện có một bệnh phòng 20 giường, 1 phòng khám, 1 phòng mổ. Về biên chế có 2 Bs, 4 y tá điều dưỡng, 2 y tá nhà mổ và 2 hộ lý. Về trang thiết bị, ngoài máy móc dụng cụ thông thường còn có hiển vi phẫu thuật Carl-Zeiss, 3-4 bộ dụng cụ vi phẫu, 1 nam châm điện. Về phẫu thuật đã làm được ghép giác mạch, mổ glôcôm gó mở theo phương pháp cắt bè củng mạc bằng khoan Elliot (phương pháp Elliot - Frominôpulos)...
Cũng như phần lớn các bác sĩ dưới chế độ cũ bị động viên vào quân ngũ, Bs Bách sau khi ra trường bị điều lên Quân y viện Pleiku làm trưởng khoa Mắt - Tai mũi họng kiêm trưởng bệnh xá dành riêng cho chiến sĩ giải phóng bị địch bắt, vì vậy các bạn bè thường gọi đùa Bs Bách là Bs Vixi (V.C là Việt Cộng). Về việc này Bs Bách có ghi một đoạn như sau:
“Tôi săn sóc đủ loại bệnh nhân nội, ngoại. Tôi thấy mấy ổng (tức là thương bệnh binh quân giải phóng bị địch bất) cũng hiền khô chứ có đâu như báo chí tuyên truyền. Khoảng cuối năm 1968, tôi mổ trường hợp đục thể thuỷ tinh “đầu đời” cho một chiến sĩ giải phóng mà không có sự trợ giúp của Bs Huỳnh Hữu Cửu. Cả 2 mắt bị đục thể thuỷ tinh chấn thương. May mắn làm sao tôi lại thành công, mặc dầu thị lực không lên được bao nhiêu. Sau đó ít lâu có một phái đoàn của Hội Hồng thập tự Quốc tế đến thăm bệnh xá. Họ đề nghị tôi chọn một, hai thương binh giải phóng quân bị thương nặng để trao đổi tù binh. Hồi đó chưa có Hiệp định Paris về vấn đề này nên sự trao đổi có tính cách lẻ tẻ giữa quân Mỹ với quân giải phóng, qua trung gian Hội Hồng thập tự. Tôi đã chọn ông thương binh mà tôi đã mổ đục thể thuỷ tinh. Tôi không nhớ tên mà cũng không biết ổng giữ chức vụ gì. Chỉ biết ổng nói giọng Thanh Hoá. Tôi hỏi: nếu được về, ông làm gì? Ổng trả lời, không suy nghĩ: tôi tiếp tục chiến đấu... Tôi nghe mà lòng cảm phục. Ngày chia tay, tôi họp anh em lại trò chuyện. Họ đề nghị tôi hát một bài. Tôi nói tôi xa Hà Nội lâu rồi nên không còn nhớ bài nào, mà nếu hát bài trong này thì uỷ mị quá. Suy nghĩ hồi lâu tôi lại nói: tôi hát bài Giải phóng Điện Biên nhé! Thế là tôi lấy cây đàn ghi ta vừa đệm đàn vừa hát. Hứng chí tôi bùng luôn bài “Hò kéo pháo”. Tôi nhớ lõm bõm, câu được câu chăng, nghe đến buồn cười...”
Nói chung, hoạt động của các khoa mắt hồi bấy giờ ở Sài gòn cũng như ở các tỉnh vùng bị chiếm chỉ đóng khung trong 4 bức tường bệnh viện. Công tác phòng chống mù loà cho nhân dân cũng như công tác chống bệnh mắt hột hầu như không làm gì.
Kết thúc chương III này cũng là khép lại một giai đoạn lịch sử quan trọng của Viện Mắt trên con đường phát triển lâu dài: khởi đầu từ ngày cái nhà thương Dốc Hàng Gà trở về với nhân dân, với Cách mạng (tháng 10 năm 1955), cho đến ngày hoà bình thống nhất đất nước (tháng 5 năm 1975), trải qua 20 năm, trong đó có 10 năm xây dựng trong hoà bình và 10 năm sau trong gian lao, vất vả của chiến tranh chống Mỹ ở cả hai miền Nam, Bắc.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 20 năm này, chúng ta rất đỗi tự hào bởi vì đã biến mất rồi cái nhà thương Dốc Hàng Gà mồ ma thời Pháp thuộc mà ngày nay là một Viện Mắt đầu ngành với những toà nhà đồ sộ 7 tầng, 5 tầng khang trang, đẹp đẽ, với những hoạt động khoa học kỹ thuật hiện đại ở bên trong. Đã lùi sâu vào dĩ vãng những dãy người sắp hàng rồng rắn chờ đến lượt mình được khám, những người mù sờ soạng với mảnh vải điều che mắt.
Chỉ có dưới chế độ mới mà Cách mạng đã mang lại từ sau khi thực dân Pháp bại trận rút đi, mới có được cái Viện Mắt ngày nay. Và từ một Viện đã đẻ ra hàng trăm khoa mắt, trạm mắt với hàng ngàn cán bộ chuyên khoa.
Bệnh mắt hột, thủ phạm hàng đầu gây mù loà cho nhân dân ta từ bao đời nay, đang bị mạng lưới chống mắt hột giăng khắp các tỉnh thành, bủa vầy và tiêu diệt. Hàng mấu chục triệu người đã được chữa khỏi bệnh, hàng trăm vạn người đã được mổ lông quặm, thoát khỏi hiểm hoạ mù loà. Không những con người đã đổi đời mà bộ mặt lâm sáng bây giờ cũng đã khác trước nhiều: toét mắt đã hết rồi, không còn người mù vì biến chứng của bệnh đậu mùa và giang mai, các phương pháp chữa mắt phải khoa học đã đi vào lịch sử. Nhiều bệnh đã bị đẩy lùi nhưng một số bệnh khác lại nổi lên. Từ đầu thập kỷ 70, các khoa mắt, trạm mắt đã chĩa múi nhọn vào kẻ thù khác: đó là bệnh đục thể thuỷ tinh. Cuộc chiến này đã bắt đầu nhưng xem ra còn nhiều khó khăn!
Trận tuyến của chúng ta luôn luôn nóng bỏng.
Với đại thắng mùa xuân năm 1975 của chiến dịch mang tên Bác, cả nước khôi phục lại hoà bình và thống nhất. Vận hội mới đã đến. Chúng ta chuẩn bị đội ngũ để tiến vào cuộc chiến đấu mới, vào một thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
ĐỂ VIẾT CHƯƠNG III
1. Hội thảo quốc gia phòng chống mù loà (Đặc san kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Mắt, 1957 - 1987).
2. Kỷ yếu công trình nghiên cứu mắt hột và nhãn khoa - NXB Y học, số 1/1965.
3. Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học Y, Dược - Bộ Y tế. Các năm 1970, 1971, 1972, 1974, 1975.
4. Công tác mổ đục thể thuỷ tinh - Bài viết của Bs Vũ Công Long, 1997.
5. Công tác phòng chống mù loà - Bài viết của Bs Vũ Công Long, 1978.
6. Báo cáo chuyên đề về tình hình tổ chức và hoạt động y tế của xã Quảng An, 1994. Bs Trần Chí Long, Bs Trần Thị Liên.
7. Báo cáo về phong trào VSPB 1962 - 1963 của xã Quảng An - y sĩ Vũ Hoa Nghì
8. Đặc san kỷ niệm trường y sĩ Việt Nam của Liên khu 3 – 4,1997.
9. Sơ lược lịch sử 90 năm của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 1996.
10. Sơ lược lịch sử Y tế Việt Nam - tập I - NXB Y học, 1996.
11. Tiếng nói ĐHYK Hà Nội, số 5 - 6, tháng 11/1995.
12. Kỷ niệm về Bác Hồ - Quận uỷ Hai Bà Trưng xuất bản, 1984.
13. Con đường mòn trên biển - Nguyên Ngọc, NXB Hà Nội, 1994.
14. Sulicô - Ghi chép của Vinh Thu (báo Tiền Phong, số 14 và 15, tháng 4/1995)
15. Hồi ký (đánh máy) của PGS Hoàng Thị Luỹ.
16. Hồi ký về chiến trường miền Nam (viết tay) của Bs Võ Bạch Thuỷ (vợ cố Bs Trần Văn Chuyên).
17. Ghi chép (đánh máy) của Bs Nguyễn Cường Nam
18. Ghi chép (đánh máy) của Bs Phạm Như Bách
19. Ghi chép (đánh máy) của Bs Nguyễn Quang Tiền
20. Biên bản về cuộc họp các nhân chứng lịch sử phía Nam vào ngày 24 tháng 5 năm 1997.
21. Travaux Scientifiques - Ed. Méd. Hà Nội - 1960, 1961- 1962, 1963, 1965, 1972.