Chứng ngưng thở khi ngủ gây hại cho mắt 

Mặc dù con người dành 1/3 cuộc đời để ngủ nhưng lý do chúng ta cần ngủ vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có rất nhiều bằng chứng cho thấy vô số chức năng cơ thể vẫn diễn tiến trong khi ngủ, bao gồm thanh thải độc tố thần kinh tích tụ trong quá trình thức và ức chế quá trình dị hóa, một số chu trình khác, duy trì cân bằng nội môi.

OSA (Obstructive Sleep Apnoea) - chứng ngưng thở khi ngủ được đặc trưng bởi các giai đoạn ngừng thở (gọi là ngưng thở) hoặc thở quá nông (giảm thở) trong khi ngủ do lực cản cơ học ở đường hô hấp trên. OSA là tình trạng rối loạn nhịp thở khi ngủ phổ biến nhất và làm tăng đáng kể nguy cơ mắc một số rối loạn tim mạch, bao gồm tăng huyết áp và cơn thiếu máu não thoáng qua. Thêm nữa, giấc ngủ kém chất lượng do OSA gây ra làm tăng mệt mỏi, suy giảm nhận thức và nguy cơ va chạm khi lái xe. OSA cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh về mắt và việc điều trị OSA đã được đề xuất để giảm nguy cơ này, mặc dù đã có những khuyến cáo nên kiểm tra giả thuyết này. Với tỷ lệ OSA ngày càng tăng trên toàn cầu, quan trọng là phải hiểu nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mắt và đẩy mắt đối phó với những nguy cơ gì?

OSA gây ra glôcôm góc mở nguyên phát?

Mối liên hệ có thể có giữa OSA và bệnh glocom đã được quan tâm ngày càng nhiều hơn trong thập kỷ qua, với 04 phân tích tổng hợp giữa những năm 2010 về mối liên quan giữa hai tình trạng này. Tất cả đều kết luận rằng chứng ngưng thở khi ngủ có liên quan đến bệnh glocom. Tỷ suất chênh (OR) đối với bệnh tăng nhãn áp ở bệnh nhân ngưng thở khi ngủ dao động từ 1,4 đến 2,5. Tuy nhiên, như đã chỉ ra bởi 2 trong số 4 phân tích tổng hợp đã công bố, kết quả dựa trên kết quả thống kê chưa được điều chỉnh cho các yếu tố gây nhiễu tiềm ẩn và là các nghiên cứu chưa thực sự có chất lượng cao. Các nghiên cứu dựa trên dân số hoặc thuần tập gần đây và được thiết kế tốt hơn đã không tìm thấy mối liên hệ đáng kể giữa OSA và bệnh glocom, đặc biệt là sau khi tính tới các bệnh đồng mắc. Thay vì dựa vào sự hiện diện của bệnh glocom, một số nghiên cứu đã khám phá mối liên quan của OSA bằng các phép đo đạc nội nhãn liên quan đến glocom, chẳng hạn như độ dày lớp sợi thần kinh võng mạc quanh gai thị (pRNFL), đo nhãn áp (IOP) và các tổn hại của thị trường. Kết quả từ hầu hết các nghiên cứu này đã hỗ trợ giả thuyết có mối liên hệ giữa chứng ngưng thở khi ngủ và pRNFL mỏng đi, IOP cao hơn hoặc thị trường có tổn hại.

Có ý kiến cho rằng tình trạng thiếu oxy và giảm tưới máu do OSA gây ra có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh thị giác. Do đó, bệnh glocom nhãn áp không cao (NTG) có thể là một biểu hiện của OSA gặp nhiều hơn là nhãn áp cao. Điều này có thể giải thích tại sao các mối liên quan đáng kể giữa OSA và bệnh glocom được ghi nhận nhiều hơn trong các nghiên cứu châu Á, trong đó glocom nhãn áp không cao chiếm ưu thế so với các trường hợp tăng nhãn áp trong glocom góc mở nguyên phát (POAG), so với các quần thể phương Tây. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu liên kết dữ liệu, Stein và cộng sự báo cáo rằng mối liên hệ giữa OSA và glocom nhãn áp không cao thậm chí còn yếu hơn so với POAG, mặc dù các tác giả thừa nhận rằng số lượng bệnh nhân tương đối nhỏ trong mẫu của họ có thể là hạn chế về mặt thống kê để tìm ra mối liên hệ chặt chẽ. Với tình trạng thiếu máu cục bộ giả định của đĩa thị giác do OSA gây ra, chúng tôi cũng có thể mong đợi sự tiến triển của bệnh tăng nhãn áp ở những bệnh nhân bị OSA nhanh hơn so với những người không có bệnh hô hấp. Thật vậy, các nghiên cứu đã báo cáo rằng những bệnh nhân bị OSA có xu hướng tiến triển POAG nhanh hơn những trường hợp POAG không có OSA.

Một trong những bằng chứng sớm nhất về khả năng điều trị OSA để làm chậm sự tiến triển của bệnh tăng nhãn áp đến từ Kremmer và cộng sự, người đã báo cáo các trường hợp tiếp tục tiến triển của glocom nhãn áp không cao mặc dù đã kiểm soát IOP tối ưu và sự tiến triển của bệnh chỉ chậm lại sau khi bắt đầu liệu pháp điều trị dùng trợ thở áp lực dương tính liên tục (CPAP) cho chứng ngưng thở khi ngủ mới được chẩn đoán. Liệu pháp CPAP, phương pháp điều trị chính của OSA, có hiệu quả cao trong việc làm giảm tình trạng xẹp đường thở trên. Vì vậy, về lý thuyết, nó cũng sẽ cải thiện tưới máu thần kinh thị giác và giảm nguy cơ POAG. Phát hiện từ một số nghiên cứu nhỏ đã hỗ trợ quan điểm này. Các nghiên cứu khác cũng báo cáo có sự gia tăng độ dày pRNFL, độ dày điểm vàng hoặc độ nhạy thị trường sau 3-6 tháng điều trị CPAP. Tuy nhiên, các nghiên cứu này cũng thiếu các nhóm đối chứng và cải thiện chỉ trên thông số đo đạc, đặc biệt là trong khám nghiệm thị trường, có thể chỉ đơn giản là do hiệu ứng học tập.

Bệnh lý thiếu máu thị thần kinh trước không do nguyên nhân động mạch (NAION)

OSA được cho là gây rối loạn điều hòa mạch máu thần kinh thị giác, bao gồm cả chứng tăng CO2 máu trên người bị OSA cũng được cho là làm tăng nguy cơ mắc NAION, với một phân tích tổng hợp ước tính rằng tỷ lệ mắc NAION tăng gấp 6 lần ở những người bị OSA, so với nhóm chứng. Tuy nhiên, tổng hợp này cùng với các nghiên cứu có thể bị giới hạn bởi kích thước mẫu nhỏ, do tỷ lệ nhiễm NAION thấp chỉ ảnh hưởng đến khoảng 2-10/100.000 người trên 50 tuổi. Bằng chứng cho thấy việc điều trị OSA bằng liệu pháp CPAP có thể làm giảm nguy cơ NAION đang có nhiều hứa hẹn. Trong một đánh giá hồi cứu hơn 2 triệu hồ sơ lâm sàng, Stein và cộng sự báo cáo rằng những bệnh nhân không được điều trị bị ngưng thở khi ngủ (không đặc hiệu với OSA) có 16% nguy cơ phát triển thành NAION so với những người không bị ngưng thở khi ngủ, sau khi điều chỉnh các yếu tố tiềm ẩn bao gồm tuổi tác và bệnh đồng mắc. Mặt khác, những người được điều trị bằng liệu pháp CPAP không có tăng nguy cơ với NAION so với nhóm chứng.

Phù gai thị

Một số giả thuyết liên kết phù gai thị hoặc tăng áp lực nội sọ vô căn (IIH) với OSA. Chúng bao gồm tăng áp lực động mạch và tĩnh mạch trung tâm, giãn mạch não và tăng lưu lượng máu não do tăng CO2 và thiếu oxy, đồng thời áp lực trong ổ bụng tăng lên do béo phì dẫn đến giảm lượng tĩnh mạch trở về từ não. Tất cả hoặc một số nguyên nhân có thể là do OSA và có thể làm tăng áp lực nội sọ (ICP), dẫn đến phù gai thị. Tuy nhiên, các báo cáo về mối liên hệ đáng kể giữa các điều kiện này đã mâu thuẫn với nhau. Thay vì có mối liên hệ nhân quả trực tiếp, có thể lập luận rằng mối quan hệ giữa OSA và IIH hoặc phù gai thị có liên quan đến các yếu tố rủi ro, đặc biệt là béo phì đã được cho là ảnh hưởng rõ ràng đối với cả OSA và IIH, với việc kiểm soát cả hai tình trạng trên bằng giảm cân. Tuy nhiên, ngay cả sau khi giảm béo phì, Stein và cộng sự vẫn tìm thấy tỷ lệ mắc IIH và phù gai thị cao hơn đáng kể ở những bệnh nhân mắc OSA.

Bs Hoàng Cương tổng hợp

Nguồn: Clinical & Experimental Ophthalmology, April 2022

488 Go top