Chàng trai hơn 10 năm đi “bắt” ánh sáng 

Hiến giác mạc sau khi qua đời được xem là một nghĩa cử cao đẹp trong việc đem lại cơ hội được nhìn cuộc sống cho nhiều người khác. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau hành trình đi “bắt” ánh sáng đem lại cho đời ấy là những con người thầm lặng, luôn sẵn sàng cống hiến mà không bao giờ mong được “trả ơn”…

Khởi đầu gian nan trên con đường đi tìm “ánh sáng”

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương là người trực tiếp được các chuyên gia ở Mỹ đào tạo về phương pháp lấy và cấy giác mạc. Ảnh: Chí Cường

Năm 2005, Bệnh viện Mắt Trung ương được tổ chức ORBIS hỗ trợ thực hiện Dự án Nâng cao điều trị các bệnh lý về giác mạc và phương pháp ghép giác mạc. Trong dự án ấy, có việc xây dựng Ngân hàng Mắt đầu tiên ở Việt Nam. Đến năm 2006, anh Nguyễn Hữu Hoàng (hiện là Giám đốc Ngân hàng Mắt Trung ương) là một trong 2 người trực tiếp được các chuyên gia ở Mỹ đến đào tạo về phương pháp lấy và cấy giác mạc. Tuy nhiên thời điểm đó, ở Việt Nam chưa có mắt người để thực hành, anh Hoàng và đồng nghiệp phải làm thực hành trên mắt lợn.

Tiếp đó, anh Hoàng cùng các cộng sự phải ngồi đọc và dịch những tài liệu mà các anh chị bác sĩ đi trước mang từ nước ngoài về, sau đó, biên tập lại sao cho phù hợp với tên gọi, phong tục tập quán của Việt Nam, đồng thời tự thiết kế các tờ rơi để kêu gọi vận động mọi người hiến giác mạc. Đến cuối năm 2006, anh Hoàng được cử đi học tại Ấn Độ. Tại đây, chàng kỹ thuật viên 7x đã được thực hành hơn 200 ca lấy giác mạc trên người thật.

Sau khi kết thúc khóa học, anh Hoàng trở về nước, tiếp tục công cuộc nghiên cứu, trau dồi kiến thức về kỹ thuật cấy ghép giác mạc. Và anh cũng chính là người thực hiện ca lấy giác mạc trên người đầu tiên tình nguyện hiến tặng giác mạc tại Việt Nam. Đã hơn 10 năm trôi qua nhưng anh Hoàng vẫn nhớ như in tên của người hiến tặng. Đó là cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở Kim Sơn, Ninh Bình.

Nhắc về lần đầu tiên ấy, anh Hoàng bồi hồi nhớ lại: “Khi nhận tin báo về trường hợp ấy, tôi cùng anh em thực hiện cũng đã có sự chuẩn bị rất chu đáo từ việc phân công ai làm việc gì, làm như thế nào. Do từ khi về nước, tôi chưa được thực hành trên mắt người lần nào, đây là lần đầu tiên nên không tránh khỏi cảm xúc hồi hộp, lo lắng. Trên quãng đường từ Hà Nội đến Ninh Bình, anh em trên xe cũng đã phải động viên, tự trấn an cho nhau để cố gắng hoàn thành thật tốt công việc”.

Cũng theo anh Hoàng, dù chính bản thân cụ Hoa và các con đã tình nguyện đồng ý hiến giác mạc nhưng khi đoàn cán bộ Ngân hàng Mắt trên đường đến nhà cụ, người thân trong gia đình cũng có “nhắc khéo” đoàn để tránh làm “chấn động” vùng quê nghèo vì chuyện hiến tặng giác mạc chưa từng xảy ra tại đây.

“Xe của chúng tôi phải đậu ở đầu làng và anh em chúng tôi cũng không được mặc áo blue trắng mà ăn mặc bình thường như những người đến thăm viếng người đã khuất. Dụng cụ, đồ nghề để tiến hành việc lấy giác mạc cũng phải nhờ người thân “bí mật” mang vào trong nhà”, anh Hoàng cho biết thêm.

Sau khi nói chuyện với những thành viên trong gia đình và hoàn thành các thủ tục giấy tờ liên quan, ê-kíp bước vào trong nhà để chuẩn bị công việc của mình. Cửa nhà được đóng kín để tránh những lời dị nghị xung quanh. Trong nhà chỉ còn duy nhất một chiếc bóng đèn thắp sáng. Dưới cái nắng oi bức của đầu mùa hè, sau 45 phút căng mình, ca phẫu thuật đã hoàn thành. Khi ấy, anh Hoàng cùng các cộng sự mới thở phào nhẹ nhõm.

Thế nhưng, theo vị Giám đốc “Ngân hàng ánh sáng”, chuyện về ca đầu tiên hiến tặng giác mạc ấy chưa dừng lại tại đó. Sau khi trở về Hà Nội, ê - kíp thực hiện nhận được phản hồi từ người thân của cụ bà rằng, họ bị hàng xóm xung quanh xì xào về việc con cháu gọi người đến để bán mắt của cụ. Trước tình hình đó, ngay lập tức, lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương, các cán bộ Ngân hàng Mắt đã tổ chức buổi lễ tôn vinh ngay tại nhà đối với việc làm cao đẹp của cụ Hoa. Đây cũng là việc làm cần thiết để giải quyết vấn đề điều tiếng hàng xóm và giải oan cho những người thân trong gia đình.

Nhiều lần “tay trắng” ra về

Số người chờ ghép giác mạc tại Ngân hàng Mắt hiện nay lên đến 1000 người. Ảnh: Chí Cường

Theo anh Nguyễn Hữu Hoàng, tại Việt Nam, do đặc thù khí hậu nóng ẩm nên nhiều người hay bị viêm loét về mắt, rồi những chấn thương để lại sẹo trong mắt hay những bệnh lý di truyền về mắt cũng khá cao. Theo đó, nhu cầu ghép giác mạc thì nhiều nhưng nguồn đáp ứng nhu cầu ấy hầu như là chưa đủ. Hiện nay, tại Ngân hàng Mắt, mỗi năm cung cấp khoảng 200-250 giác mạc để ghép cho bệnh nhân. Tuy nhiên, so với số người chờ ghép giác mạc, con số này là rất nhỏ. Nếu cộng dồn số người chờ ghép giác mạc tại Ngân hàng Mắt hiện tại, con số xấp xỉ lên đến 1.000 người.

Nói về những khó khăn trên hành trình đi tìm “ánh sáng” cho đời, anh Hoàng cho biết, công việc của anh cùng các cộng sự tại Ngân hàng Mắt Trung ương trong mỗi lần đi lấy giác mạc dù chỉ mất khoảng 20-30 phút cho thực hiện kỹ thuật, nhưng thường xuyên phải di chuyển tới vài tiếng đồng hồ đến địa điểm có người hiến giác mạc. Các cán bộ trong Ngân hàng Mắt cũng luôn trong tâm thế “Cứ nhận được alo là lên đường”, bất kể là ngày hay đêm.

Bên cạnh đó, công cuộc vận động tuyên truyền người Việt Nam hiến giác mạc không phải là dễ vì ý nghĩ “chết phải toàn thây” đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt rất lâu đời. Do đó, vận động người ta hiến tặng một phần cơ thể là cả một vấn đề. Nhiều trường hợp, gia đình đã đồng ý hiến tặng giác mạc nhưng khi đoàn cán bộ Ngân hàng Mắt đến, có một vài cá nhân người thân trong gia đình ấy lại không đồng ý, khi ấy các cán bộ lại phải vận động, giải thích để người thân hiểu rõ hơn nếu họ không đồng ý đoàn công tác lại phải “tay trắng” ra về.

Anh Hoàng nhớ lại một trường hợp ở Hải Phòng: “Ca này gia đình đồng ý hết rồi, chúng tôi cũng đã làm xong giấy tờ, thủ tục để chuẩn bị tiến hành lấy giác mạc. Tuy nhiên, khi gần bắt đầu, một người hàng xóm xuất hiện và tỏ ý can ngăn. Ông ta nói rằng, con cái hiến giác mạc của bố, thế hóa ra biến bố thành người mù à. Mai này con cháu cúng giỗ, ông ấy biết đường nào mà về (?!).

Lời ra tiếng vào đã khiến gia đình này suy nghĩ lại. Họ nói với chúng tôi cho họ bàn bạc lại và chúng tôi cũng chờ thêm. Sau khoảng gần 20 phút bàn thảo, họ bảo, họ không đồng ý hiến giác mạc nữa. Khi ấy, các bác sĩ lại phải giải thích, vận động về ý nghĩa cao đẹp của việc hiến giác mạc và gia đình này lại bàn thảo tiếp để đưa ra quyết định hiến hay không hiến. Và cuối cùng, họ đã không đồng ý hiến giác mạc của người thân nữa. Chúng tôi cũng tôn trọng quyết định của gia đình và ra về”, anh Hoàng kể.

Đến những “ngọn lửa” lan tỏa yêu thương

Anh Nguyễn Hữu Hoàng cho biết thêm, cũng có những trường hợp không đồng ý hiến nhưng sau khi nghe giải thích, tuyên truyền, họ đã chấp thuận để các bác sĩ tiến hành lấy giác mạc. Chẳng hạn như một ca ở Sơn Tây, Hà Nội, ban đầu gia đình đã đồng ý hiến tặng giác mạc và mô tạng của người đã khuất. Tuy nhiên, khi các bác sĩ lên đến nơi, cậu con trai lại không đồng ý nữa. Sau gần 3 tiếng thuyết phục, vận động, cuối cùng gia đình này không những hiến giác mạc mà họ còn đồng ý hiến xác của người đã khuất cho y học. Đây là một nghĩa cử rất đáng tôn vinh.

Trong suốt những năm tháng làm nghề, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng đối với anh Hoàng, mỗi lần thực hiện lấy giác mạc trên những em nhỏ luôn mang đến cho anh niềm xúc động khó diễn tả. “Đối với những trường hợp các cụ già sau khi qua đời, con cháu có thể coi đó là quy luật tự nhiên và ít nhiều đã có sự chuẩn bị sẵn về mặt tâm lý nên có thể chấp nhận một cách nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, với những cháu bé, sự “ra đi” đa phần đột ngột hoặc dù đã có sự chuẩn bị tâm lý nhưng hầu như vẫn khó chấp nhận được sự thật. Bản thân chúng tôi cũng là những người làm cha, làm mẹ, khi thấy những đứa bé như vậy, chúng tôi cũng đau xót. Do vậy, khi thực hiện lấy giác mạc, ban đầu chúng tôi cũng phần nào bị cảm xúc chi phối. Tuy nhiên, sau đó, vẫn phải tự cân bằng để tập trung thực hiện công việc, thậm chí còn phải làm cẩn thận hơn rất nhiều, từng li từng tí một vì giác mạc của trẻ nhỏ vô cùng đáng trân quý”, anh Hoàng bồi hồi.

Anh Nguyễn Hữu Hoàng cho hay, sau “ngọn lửa” Hải An, Vân Nhi (những em bé hiến tặng giác mạc sau khi qua đời), có một điều chuyển biến rõ rệt là số người đăng ký hiến giác mạc tăng lên khá nhiều, bao gồm cả gọi điện thoại trực tiếp đến Ngân hàng Mắt Trung ương và đến trực tiếp tại đây đăng ký hiến tặng. Điều này chứng tỏ, nhận thức của người dân về ý nghĩa cao đẹp của việc hiến tặng giác mạc đem lại ánh sáng cho những hoàn cảnh kém may mắn đã được nâng lên rất nhiều.

Gần đây nhất, một phụ nữ ngoài 30 tuổi, đang làm giáo viên dạy múa tại Hà Nội đã tình nguyện hiến tặng giác mạc. Điều đặc biệt, chị lại là người nằm chung phòng điều trị với bé Hải An. Sau khi câu chuyện của Hải An được lan tỏa, người phụ nữ ấy đã nói: “Một cô bé 7 tuổi có thể làm được thì tại sao những người khác lại không”. Và quả thực, sau khi qua đời, giác mạc của cô đã đem lại cơ hội nhìn thấy ánh sáng cho 2 người không may gặp các vấn đề về mắt khác.

Hay một trường hợp đặc biệt khác, đó là một người phụ nữ trên 60 tuổi, được hiến tặng giác mạc từ hơn 10 năm trước. Mới đây, người này phát hiện bị ung thư phổi và bà đã gọi điện đến cho các bác sĩ đã từng phẫu thuật ghép giác mạc cho mình rằng, bà có nguyện vọng muốn hiến lại giác mạc đó cho người khác. Các bác sĩ đánh giá, đây là một nghĩa cử rất đáng trân trọng. “Cuối cùng, khi người này qua đời, chúng tôi đã tiến hành ca lấy giác mạc và giác mạc này tiếp tục hành trình đem lại ánh sáng cho những người khác”, anh Hoàng nói.

 

2961 Go top