Sáng 8/4, đám tang Thiếu tá, quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Sáu (49 tuổi, xã Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội) diễn ra trong không khí trang trọng. Hàng trăm người đưa tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhiều người nói với nhau: Đó là người đã dũng cảm hiến giác mạc ngay khi qua đời. Ngày 7/4, cán bộ đã về lấy giác mạc của người lính đó.
Ai cũng cảm phục, bởi 2 người khác sắp được nhìn lại ánh mặt trời, được nhìn thấy nụ cười và được ngắm nhìn cuộc đời đẹp đẽ này, nhờ nguồn ánh sáng anh Sáu tặng lại.
Nén nước mắt thực hiện di nguyện cuối cùng của chồng
Hơn 15h ngày 7/4, anh Nguyễn Hữu Hoàng - Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) nhận được cuộc điện thoại báo từ Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia. Một gia đình ở xã Đồng Phú, Chương Mỹ, Hà Nội muốn hiến giác mạc của một người đàn ông.
17 giờ, anh Hoàng cùng các đồng nghiệp có mặt tại tư gia người đàn ông đó. Anh là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Sáu, 49 tuổi, công tác tại Kho K5, Cục Kỹ thuật, quân khu 2 (đóng quân tại Hạ Hoà, Phú Thọ).
Như bao lần khác, các cán bộ Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia và Ngân hàng Mắt thắp nén tâm hương tưởng nhớ người vừa qua đời. Mọi người cùng nhau trò chuyện để hiểu thêm về ý nghĩa ghép tạng, hiến giác mạc. Một không khí trầm mặc, không tiếng khóc ai oán. Tưởng như ai cũng đã chuẩn bị rất kỹ cho sự ra đi này của anh Sáu.
Cán bộ Ngân hàng mắt thực hiện lấy giác mạc của Thiếu tá Lê Văn Sáu.
Trong căn nhà nhỏ, người lính vừa tròn 30 tuổi quân được gia đình khoác trên mình tấm áo màu xanh anh đã gắn liền từ năm 19 tuổi. Anh nằm đó, an nhiên, thanh thản. Chuẩn bị thủ tục để lấy giác mạc, vợ anh - chị Nguyễn Thị Hải Yến (39 tuổi, một giáo viên mầm non) như nói với chồng mình: "Anh ơi, đây là cán bộ Ngân hàng mắt, mọi người chuẩn bị thực hiện di nguyện cuối cùng của anh, anh nhé!".
Xung quanh anh Sáu lúc đó có vợ con, anh em ruột thịt, đồng đội. Tĩnh mịch. Không gian chỉ còn tiếng dụng cụ y tế chạm vào nhau. Vợ anh Sáu nắm chặt tay hai người con bé bỏng, kìm nén giọt nước mắt. Bàn tay chị run run, nhưng tuyệt nhiên không tiếng nấc, không tiếng khóc.
Giác mạc của anh Sáu sau khi được lấy đã được chuyển về Ngân hàng Mắt bảo quản, chờ người có đủ điều kiện phù hợp để ghép. Cán bộ Ngân hàng Mắt từ tốn thực hiện các bước lấy giác mạc của người lính Lê Văn Sáu.
"Sau khi chúng tôi thực hiện xong, chị Yến mới bật khóc. Có lẽ, là vợ lính, chị cũng tự rèn luyện tâm lý bình tĩnh. Tôi cũng từng là lính, nhưng quả thật tôi rất nể phục" - anh Hoàng nhớ lại.
Dường như mọi kìm nén trong không gian yên tĩnh nhất đã không thể giữ nổi dòng nước mắt của người vợ trẻ, đã thực hiện trọn vẹn di nguyện cuối cùng của chồng mình.
Cô con gái mới 12 tuổi của anh Sáu và chị Yến cũng bình tĩnh, chứng kiến từ đầu đến cuối.
"Chúng tôi ở phía ngoài, chứng kiến tâm lý vững vàng của vợ con anh Sáu mà nể phục. Dù còn nhỏ, nhưng cháu có nghị lực, nén đau thương, chứng tỏ trước đó cháu đã được gia đình, bố mẹ giáo dục, định hướng rất tốt để chuẩn bị cho sự ra đi thanh thản nhất của bố cháu" - Trung tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Chủ nhiệm Kho K5, Cục Kỹ thuật, quân khu 2 - nơi anh Sáu công tác - cho biết.
Ký ức đẹp đẽ về người lính xe tăng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng
Cách đây hơn 2 năm, anh Sáu thấy trong người không khoẻ, hay đau đầu, chóng mặt, nên anh đi kiểm tra sức khoẻ. Đi qua các tuyến theo quy định, anh Sáu nhận kết luận chẩn đoán: Mắc bệnh tăng tiểu cầu mãn nguyên phát (một dạng ung thư máu).
"Anh Sáu đón nhận tin rất bình tĩnh, không bi luỵ" - Trung tá Tuấn Anh nhớ lại.
Quan trọng hơn, anh đã nghiên cứu rất kỹ về hiến tạng. Sau khi cùng vợ, gia đình bàn bạc, thống nhất sẽ hiến một số bộ phận có thể hiến được, anh Sáu tâm sự cùng người thủ trưởng gần gũi.
"Anh Sáu nói với tôi, những cái gì mình cho đi thì còn mãi mãi, phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, tinh thần tương thân tương ái, giúp cho những người kém may mắn trở về cuộc sống bình thường" - vị thủ trưởng trực tiếp của Thiếu tá Lê Văn Sáu kể.
Giọng anh Sáu điềm tĩnh, chậm rãi nhưng chắc chắn, Trung tá Tuấn Anh nhắc lại. Người lính là vậy. Trong cuộc sống bây giờ, có lẽ đó là minh chứng cho thấy: Người lính nói là làm, không gì thiết thực, giá trị bằng hành động.
Khi còn sống, Thiếu tá Lê Văn Sáu luôn được anh em, đồng đội đánh giá là người hoà nhã, gần gũi, đoàn kết, luôn tin tưởng.
"Thực sự đó là một quân nhân mẫu mực. Nhưng điều khiến đồng đội chúng tôi còn nhớ mãi, và trở thành bài học cho bản thân mình, đến hơi thở cuối cùng, anh Sáu cũng cố gắng làm việc tốt, cống hiến cho cuộc đời" - Phó Chủ nhiệm Kho K5, Cục Kỹ thuật, quân khu 2 nói.
Nơi anh Sáu công tác đóng tại xã Y Sơn, huyện Hạ Hoà, Phú Thọ, xa nhà tận 160km. Theo quy định, mỗi tháng mỗi quân nhân phải trực 2 phiên cuối tuần. Do đó, người lính đảm nhiệm công việc sửa chữa phần cơ của xe tăng đó luôn sắp xếp trực liền 2 tuần để mỗi tháng được về nhà 2 ngày thăm vợ con.
"Sau khi phát hiện bệnh, anh Sáu vẫn tiếp tục công việc đến khi sức khoẻ không cho phép mới đi điều trị tại viện. Chân tay run rồi vẫn tham gia công việc, không nặng thì nhẹ. Anh chiến đấu đến hơi thở cuối cùng" - vị thủ trưởng xúc động chia sẻ.
"Chị Yến nói với tôi, chị lường được hết những áp lực dư luận sau khi hiến giác mạc của chồng. Chị cũng biết người dân mình vẫn còn nặng nề tư tưởng "khi ra đi, cơ thể con người phải nguyện vẹn".
Nhưng ba mẹ con cô giáo trường mầm non ở làng đó sẵn sàng đón nhận tất cả dư luận xã hội. Chị vừa coi đó là vì người ta chưa hiểu hết, nhưng đó cũng là cơ hội tuyên truyền, để mọi người hiểu hơn về hiến mô, tạng.
Tôi cho, đó là nghĩa cử cao đẹp nhất, lối sống nhân văn cao đẹp nhất trong cuộc đời vốn nhiều bon chen này. Mong sao những nghĩa cử ấy được nhân rộng hơn nữa".
Trung tá Nguyễn Tuấn Anh - thủ trưởng trực tiếp của Thiếu tá Lê Văn Sáu - người hiến giác mạc sau khi qua đời.
Theo Võ Thu báo Giadinh.net.vn đăng ngày 09/04/2019