Các thuốc tác dụng tại chỗ trị bệnh về mắt 

Hiện nay có nhiều dạng bào chế với thành phần dược chất đa dạng để điều trị các bệnh về mắt, trong đó dạng thuốc tác dụng tại chỗ được sử dụng phổ biến hơn cả.

Sở dĩ loại thuốc tác dụng tại chỗ được ưa chuộng như vậy là vì đường dùng này rất thuận tiện, dễ sử dụng, người bệnh có thể tự dùng theo chỉ định của thầy thuốc. Hơn nữa, dược chất tập trung chủ yếu ở mắt và chỉ có một phần nhỏ được hấp thu vào tuần hoàn máu, hạn chế được nhiều tác dụng phụ của thuốc.

1. Các dạng bào chế thuốc tác dụng tại chỗ dùng trong nhãn khoa

Thuốc tác dụng tại chỗ dùng trong nhãn khoa gồm các dạng bào chế sau:

Thuốc nhỏ mắt: Là dung dịch nước, dung dịch dầu hoặc hỗn dịch vô khuẩn của một hay nhiều hoạt chất, dùng để nhỏ vào mắt. Chế phẩm cũng có thể được bào chế dưới dạng khô (bột, bột đông khô, viên nén), vô khuẩn, được hòa tan hoặc phân tán vào một chất lỏng vô khuẩn thích hợp khi dùng. Thuốc nhỏ mắt là dạng bào chế phổ biến nhất, chiếm trên 70% các chế phẩm thuốc dùng cho mắt.

Các thuốc tác dụng tại chỗ trị bệnh về mắt- Ảnh 1.

Thuốc nhỏ mắt chiếm trên 70% các chế phẩm thuốc dùng cho mắt.

Thuốc tra mắt: Là dạng thuốc có thể chất mềm, vô khuẩn dùng để tra lên mắt giúp tác dụng tại chỗ hoặc đưa dược chất thấm qua mắt, làm trơn hoặc bảo vệ mắt. Thành phần gồm một hay nhiều dược chất được hòa tan hay phân tán đồng đều trong một hoặc hỗn hợp tá dược (thường được điều chế với hỗn hợp tá dược vaselin trắng, lanolin và dầu khoáng).

So với thuốc nhỏ mắt, sinh khả dụng của dược chất từ dạng mỡ tra mắt thường vượt trội do thời gian tiếp xúc của thuốc với niêm mạc mắt kéo dài, ít bị pha loãng bởi nước mắt, không bị loại trừ theo ống mũi lệ, thuốc được giải phóng từ từ do tác động của mỗi lần chớp mắt. Tuy nhiên, dạng mỡ tra mắt có nhược điểm làm mờ mắt tạm thời mỗi khi tra thuốc nên thường phải dùng vào buổi trưa, tối...

- Kính tiếp xúc (Contact lens): Là loại không chứa dược chất dùng để hiệu chỉnh thị lực cho mắt. Tuy nhiên, cũng có loại kính tiếp xúc chứa dược chất dùng để điều trị các bệnh về mắt. Để sử dụng kính tiếp xúc có hiệu quả và an toàn cần có các dung dịch rửa kính phù hợp.

- Hệ điều trị ở mắt (Ocusert): Có dạng hình đĩa mỏng, nhỏ đặt trong túi cùng kết mạc. Đây là một dạng bào chế nhằm duy trì sự giải phóng dược chất đều đặn ở mức nồng độ có tác dụng điều trị, giúp giảm số lần dùng thuốc.

- Hệ điều trị có cấu tạo vi tiểu phân: Sử dụng các polymer thích hợp nhằm chuyển dược chất thành cấu trúc nanocapsule bằng kỹ thuật thích hợp, rồi phân tán vào chất dẫn như dạng hỗn dịch nhỏ mắt. Dược chất từ nanocapsule được giải phóng đều đặn và kéo dài sự hấp thu. Dạng bào chế này đang được nghiên cứu để phát triển rộng rãi hơn

2. Một số nhóm thuốc chính tác dụng tại chỗ dùng trong nhãn khoa

Thuốc tác dụng tại chỗ dùng trong nhãn khoa được chia thành những nhóm chính sau dựa trên tính chất và tác dụng của dược chất:

- Dùng trong chẩn đoán: Tetracain 0,5%; tetracain 1%; fluorescein 0,5%; atropin 0,5%;… 

- Nhóm thuốc sát khuẩn: Povidon iodin 5%;... 

- Nhóm thuốc kháng sinh: Cloramphenicol 0,4% (cloram drop 0,5%); mỡ tetracyclin 1%; gentamycin 0,3%; tobramycin 0,3% (tobrex); ofloxacin 0,3% (oflovid); levofloxacin 0,5% (cravit); moxifloxacin 0,5% (vigamox);… 

- Nhóm thuốc chống viêm Steroid: Fluorometholon 0,02% (flumetholon 0,02%); fluorometholon 0,1% (flumetholon 0,1%); loteprednol 0,5% (lotemax), mỡ hydrocortison 1%...

- Nhóm thuốc kháng sinh phối hợp sulfamid hoặc chống viêm steroid: Neomycin cùng polymycin phối hợp dexamethason (maxitrol); tobramycin phối hợp dexamethason (tobradex)... 

- Nhóm thuốc chống viêm không steroid: Diclofenac 0,1% (voltaren); indomethacin 0,1% (indocollyre); bromfenac 0,1% (bronuck); nepafenac 0,1% (nevanac)… 

- Nhóm thuốc kháng nấm và herpes: Natamycin 5% (natacyn, natamycin); acyclovir 3% (mỡ virupos)... Nhóm thuốc chống dị ứng: Olopatadine 0,2% (pataday); pemirolast 0,1% (alergysal)... 

- Nhóm thuốc điều trị bệnh glôcôm: Betaxolol 0,25% (betoptic S); betaxolol 0,5%; timolol 0,25%; timolol 0,5%, brinzolamid 1% (azopt)... 

- Nhóm thuốc làm chậm quá trình đục thuỷ tinh thể: Pirenoxine 0,005% (kari uni)

- Nhóm nước mắt nhân tạo, dinh dưỡng giác mạc và chống mỏi mắt do điều tiết: Carboxy methylcellulose 0,5% (refresh tear, optive...); hyaluronic acid 0,1% (sanlein)...

Các thuốc tác dụng tại chỗ trị bệnh về mắt- Ảnh 2.

Các loại thuốc tác dụng tại chỗ dùng cho mắt, được sử dụng thông dụng nhất là hai loại: Kháng sinh và corticoid.

3. Cẩn thận với một số thuốc tác dụng tại chỗ thông dụng

Trong số các loại thuốc tác dụng tại chỗ dùng cho mắt, đáng lưu ý nhất và cũng được sử dụng thông dụng nhất là hai loại: Kháng sinh và corticoid.

- Thuốc kháng sinh dùng cho mắt thường bị người sử dụng coi thường, ví dụ cloramphenicol 0,4%. Thiếu máu bất sản là biến chứng nguy hiểm nhất do dùng cloramphenicol nhỏ mắt. Mặc dù cloramphenicol ít hấp thu vào máu nhưng những bệnh nhân có tiền sử bản thân hay gia đình suy tuỷ thì không nên dùng.

Thuốc nhóm quinolon như ciprofloxacin thường gây ra kết tủa tinh thể, cảm giác dị vật ở mắt, sung huyết, sưng mi mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng... Lưu ý các kháng sinh dùng đồng thời có thể gây kháng chéo, dị ứng chéo như cloramphenicol không dùng đồng thời với gentamycin, tetracyclin, sulfadiazin...

- Trên thị trường có rất nhiều thuốc nhỏ - tra mắt chứa corticoid. Các loại thuốc sản xuất trong nước được sử dụng rất rộng rãi và có thể thấy ở mọi nơi, đặc biệt các vùng nông thôn như: Polymycin phối hợp dexamethason (polydexa), cloramphenicol phối hợp hydrocortison (chlorocid-H), mỡ hydrocortison...

Đặc điểm chung ở các loại thuốc này là giá rẻ, dễ tìm, dễ mua nên người dân hay tự ý mua thuốc về tự sử dụng mà không hỏi ý kiến thầy thuốc. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho mắt như tăng nhãn áp (glôcôm hay còn gọi là thiên đầu thống), đục thuỷ tinh thể, viêm giác mạc nông, loét giác mạc, bội nhiễm, nhiễm nấm mắt, chậm lành vết thương...

Học sinh hay sử dụng máy vi tính cần lưu ý là dùng thuốc sẽ có cảm giác dễ chịu, mắt cảm giác sáng ra…, nhưng nếu dùng kéo dài như vậy đến một lúc nào đó nhìn mờ dần, cơ mắt teo đi, khi đi khám thì đã muộn.

(Theo SKĐS)

DS. Vũ Hồng Minh - Trưởng khoa Dược - Bệnh viện Mắt Trung ương

1137 Go top