“TRUYỀN TAY”… ÁNH SÁNG 

Tôi vẫn còn nhớ tháng 10/2003 đài truyền hình có phát chương trình trực tiếp người mù được chữa lành mắt. Về cảm giác đầu tiên sau khi nhìn thấy ánh sáng, chị nói: “Tôi đã thức suốt đêm, không dám ngủ. Không phải vì không ngủ được mà chỉ bởi, tôi sợ nếu nhắm mắt lại, khi tỉnh dậy sẽ không nhìn được nữa". Trên đây là câu chuyện bà giáo Nguyễn Thị Hồng Ngọc kể lại cho tôi khi nằm trên giường bệnh. Bắt đầu từ câu chuyện đó, bà Ngọc đã tình nguyện hiến tặng cho đời đôi mắt của chính mình.

Nghèo hai con mắt

Anh Nguyễn Hữu Hoàng - cán bộ kỹ thuật Ngân hàng mắt thuộc Bệnh viện Mắt T.Ư - Bộ Y tế đúc kết lại những kinh nghiệm sau bao năm tham gia chữa trị cho người bệnh bằng câu chuyện như sau: Hầu hết các ca bệnh về mắt phải tìm đến Viện mắt T.Ư có tới gần 50% là mù do hỏng giác mạc và phần lớn những bệnh nhân này đều là những người lao động nghèo. Phát hiện những dấu hiệu bệnh ban đầu về mắt không khó. Nhưng với những con người này thì họ gần như… “mù tịt”. Chỉ đến khi bệnh đã trở nên trầm trọng họ mới chịu đến các bệnh viện. Nhưng đến nước này thì họ chỉ còn “thấy” rằng, ánh sáng đã gần như tắt hẳn trong mắt mình.

Bà giáo Nguyễn Hồng Ngọc cũng là một người nghèo. Những năm 80 của thế kỷ trước, bà là giáo viên dạy Nga văn tại trường THPT Trần Phú (Hà Nội). Năm nay, bà Ngọc hơn 60 tuổi, nhưng một chân đã đặt sang “thế giới bên kia” bởi bà đang mắc chứng ung thư phổi giai đoạn cuối. Bà Ngọc nhớ lại: “Trước, đồng lương giáo viên không đủ sống. Một mình nuôi mấy đứa con ăn học nên tôi phải tính chuyện làm thêm. Cứ đến dịp Tết là bà lên phố Hàng Mã mua vài bánh pháo về bán. Thế rồi, đúng 27 tết năm 1992, trong lúc đi mua hàng, cả một sạp pháo đã nổ tung ngay trước mặt. Những mảnh pháo làm đôi mắt bà tối sầm. Các bác sĩ báo một tin rụng rời: Bà bị mù do thủng giác mạc. “Quãng đời sống trong tăm tối” của mình, giờ bà Ngọc vẫn nhớ như in. Đến bữa ăn, gắp được ngọn rau thì quờ tay làm đổ bát nước mắm. Lắm bận đổ đến hai, ba lần. Tận cùng tủi cực! Đang là một cô giáo quen với chữ nghĩa, phấn, bảng, bà Ngọ đành phải xin nghỉ hưu.

Cái “giầu” đem tặng… người dưng!

Tuy thế, nhưng bà Ngọc lại tự nhận mình là một người may mắn bởi đến năm 1993 Viện Mắt T. Ư phối hợp với tổ chức Orbis đã "tặng" cho bà một "đôi mắt mới". Ca ghép giác mạc do bác sĩ Hoàng Minh Châu thực hiện với giác mạc của một người vô danh nào đó hiến tặng đã giúp bà Ngọc thấy lại ánh sáng sau gần một năm trời sống trong bóng tối. Tôi nhìn kỹ đôi mắt bà giáo già một lần nữa. Đôi mắt ấy sáng không ngờ. Bà Ngọc tiếp: “Đến bây giờ, sau mười mấy năm, nhưng "đôi mắt mới này vẫn giúp tôi đọc báo không cần kính“.

Câu chuyện "sáng mắt" của bà Ngọc có lẽ cũng chẳng có gì đặc biệt nếu như bà không làm một cái việc lạ lùng: Hiến tặng lại đôi mắt ấy cho người khác. Hôm tôi đến thăm bà tại Bệnh viện Hữu nghị, bà Ngọc nằm trên giường, tóc bạc phơ, đánh vật với những hơi thở qua cái ống nhựa truyền oxy lủng lẳng quanh cổ. Bà thủ thỉ: “Ung thư phổi giai đoạn cuối, không được mấy bữa nữa đâu chú à. Đôi mắt của tôi được như bây giờ là do có người khác hiến tặng, vậy sao tôi lại nỡ “mang đi”. Vì thế, tôi đã ký giấy hiến tặng lại đôi mắt này cho những người mù khác" . Nhìn vẻ mặt đầy hạnh phúc của bà, tôi không nghĩ đây là việc làm của một người sắp chết, càng không nghĩ bà sẽ chết.

Ông Đỗ Văn Thực ở ngõ 4 C4 phố Vũ Ngọc Phan cũng là một bệnh nhân từng bị mù do thủng giác mạc. Đầu năm 2005,,, một sự cố ở mắt khiến ông không còn thấy được đám cháu chắt nô đùa xung quanh nữa: Chạy chữa khắp nơi nhưng không khỏi, căn bệnh thủng giác mạc khiến mắt ông lúc nào cũng chảy nước ướt nhèm và chỉ thấy xung quanh một màu vàng khè. Ông Thực kể: “Tôi ra cả Viện mắt Hà Nội, họ phải khâu tịt mắt tôi lại để chống bội nhiễm. Được ít lâu lại phải tháo ra vì tăng nhãn áp. Người ta bảo, khả năng phải múc bỏ con ngươi vì đằng nào tôi cũng… mù rồi”. Ngày ấy, ông Thực “chán đời” lắm. Suốt ngày thở ngắn than dài. Thế rồi cuối năm 2005, ông được các bác bĩ ghép cho giác mạc mới. Chỉ một tuần, ông nhìn được trở lại. Năm nay đã 82 tuổi, nghĩ mình đã “gần đất xa trời”, thế là ông lên tận Ngân hàng mắt viết đơn xin hiến tặng giác mạc, phòng khi có “mệnh hệ” nào. Ông phẩy tay bảo tôi: “Cổ nhân vẫn bảo, đời người giàu hai con mắt… Như tôi đây có “ăn nhạt mới thương đến mèo”. Những người mù khổ lắm!”.

Giấc mơ có thật.

Theo anh Hoàng thì cả nước ta đang có khoảng 300.000 người bị mù do giác mạc. Uớc tính con số này mỗi năm tăng thêm khoảng 15.000 người. Những người mù do bệnh lý giác mạc có thể được điều trị khỏi bằng phẫu thuật ghép giác mạc. Tuy nhiên, hiện nay, không có nguồn giác mạc thường xuyên để ghép. Đa phần giác mạc được sử dụng thường là lấy từ các mắt bị chấn thương, phải bỏ nhãn cầu hoặc do các tổ chức nước ngoài hiến tặng. Anh Hoàng buồn rầu: “Chính vì thế số ca phẫu thuật được ghép hàng năm rất ít! trong khi đó, số người mù do bệnh giác mạc ngày càng tăng. Đến ngay như Viện Mắt T.Ư, hiện cũng đang tồn đến 600 bệnh nhân đang chờ được ghép”.

Tôi theo anh Hoàng xuống khu khám chữa bệnh, nơi đây lúc nào cũng có đông người bệnh từ quê ra. Họ cứ lầm lũi trông đến tội. Một nguời bệnh thường kéo theo hai ba người nhà đi “hộ tống”. Người mắt sáng đi trước, người “mắt tối” cứ vịn vai loẹt quẹt dép theo sau, vai đeo lỉnh kỉnh xô, chậu, phích, ca uống nước... Cả nghìn người chen lấn, chờ đợi khiến cho cái bệnh viện này lúc nào cũng chỉ chực vỡ ra. Mỗi người đến đây đều mang trong mình hy vọng về một giấc mơ ánh sáng!... Và để cả nghìn giấc mơ đó biến thành hiện thực chỉ còn biết trông mong vào những tấm lòng sẵn sàng biết sẻ chia như bác Thực, như bà giáo Ngọc mà thôi

3924 Go top