Bệnh mắt hột là nguyên nhân truyền nhiễm hàng đầu gây mù lòa trên toàn cầu. Đây là một căn bệnh về mắt có thể phòng ngừa được do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh mắt hột lây lan qua ruồi và mọi người cũng có thể bị nhiễm bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt hoặc mũi của người mắcbệnh. Khi bị nhiễm trùng nhiều lần, lông mi có thể bị kéo vào trong và cọ xát vào bề mặt mắt, gây đau và làm hỏng giác mạc. Một số người bệnh phải phẫu thuật để ngăn ngừa mù lòa do căn bệnh này.
Nỗ lực trong suốt nhiều thập kỷ
Trong 70 năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong công tác phòng chống bệnh mắt hột, điều trị cho hàng trăm nghìn người và thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Những nỗ lực này đã được tăng cường đáng kể với việc triển khai chiến lược SAFE của TCYTTG, bao gồm phẫu thuật, kháng sinh, vệ sinh mặt và cải thiện môi trường.
Các cuộc khảo sát trước đây chỉ ra rằng bệnh mắt hột là vấn đề sức khỏe cộng đồng tại bốn tỉnh của Việt Nam. Ba mươi năm trước, 1,7% người dân sống tại các tỉnh có nguy cơ cao này cần phẫu thuật để ngăn ngừa mù lòa do bệnh mắt hột. Tuy nhiên, đến năm 2023, tỷ lệ người lớn mắc dạng bệnh gây mù lòa này đã giảm xuống dưới 0,2%, đây là ngưỡng cần thiết để TCYTTG xác nhận việc loại trừ bệnh mắt hột là vấn đề sức khỏe cộng đồng. Bắt đầu từ năm 1999, việc theo dõi liên tục và tập trung triển khai chiến lược SAFE tại Việt Nam đã góp phần quan trọng trong sự giảm thiểu này.
Thành công của việc thanh toán bệnh mắt hột ở Việt Nam có được là nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan của chính phủ bao gồm Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, với sự hỗ trợ của TCYTTG và các đối tác y tế quốc tế bao gồm Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Quỹ Fred Hollows, Sáng kiến quốc tế về bệnh mắt hột (ITI), Tổ chức RTI International, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Việt Nam là một trong những nhóm quốc gia đầu tiên nhận được thuốc azithromycin do Pfizer tài trợ cho mục đích loại trừ bệnh mắt hột thông qua ITI, một khoản tài trợ đóng vai trò quan trọng đối với tiến trình toàn cầu chống lại bệnh mắt hột.
Ghi nhận về thành tựu này, Tiến sĩ Saia Ma'u Piukala, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của TCYTTGchia sẻ:"Việc loại trừ bệnh mắt hột ở Việt Nam là minh chứng cho cam kết của Chính phủ, nhân viên y tế và cộng đồng trên khắp cả nước. Đây là một ví dụ điển hình về cách các biện pháp can thiệp có mục tiêu, quan hệ đối tác chặt chẽ và nỗ lực bền bỉ có thể mang lại sự thay đổi thực sự cho sức khỏe của người dân".
Một tương lai không còn bệnh mắt hột
Đại diện TCYTTG tại Việt Nam, Tiến sĩ Angela Pratt, mô tả bệnh mắt hột là căn bệnh của đói nghèo. “Những cộng đồng ở vùng sâu vùng xa không có nước sạch và vệ sinh là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhưng Việt Nam đã chứng minh rằng có thể tiếp cận được những nhóm dân cư khó tiếp cận nhất, đầu tư đúng mức để bảo vệ sức khỏe của người dân và đảm bảo một tương lai không còn bệnh mắt hột”.
Đón nhận thành tựu lịch sử này, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Liên Hương khẳng định, việc loại trừ bệnh mắt hột là thành tựu đáng tự hào đối với Việt Nam. “Những nỗ lực chung của nhiều cơ quan và cộng đồng, với sự hỗ trợ của TCYTTG và các tổ chức đối tác, đã giúp hàng nghìn người thoát khỏi tình trạng mù lòa suốt đời và bất lợi về kinh tế. Con em chúng ta giờ đây có thể lớn lên an toàn mà không phải lo lắng về nguy cơ mắc căn bệnh đau đớn và có khả năng gây mù lòa này. Đây là một thành tựu tuyệt vời đối với người dân của chúng tôi, sẽ mang lại lợi ích trong nhiều thập kỷ tới. Trong khoảnh khắc vui mừng này, thay mặt cho người dân Việt Nam, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả các đối tác quốc tế đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc loại trừ bệnh mắt hột ở Việt Nam”.
Năm 2018, Việt Nam đã loại trừ được bệnh giun chỉ bạch huyết. Quốc gia này cũng đã đạt được những tiến bộ to lớn trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét, căn bệnh hiện chỉ còn xuất hiện ở một số vùng và sắp được loại trừ.
Thành công của Việt Nam là một phần trong tiến trình phòng ngừa dịch bệnh rộng hơn tại Khu vực Tây Thái Bình Dương của TCYTTG. Kể từ khi TCYTTG đưa ra lộ trình đầu tiên về phòng ngừa và kiểm soát các bệnh nhiệt đới bị lãng quên vào năm 2012, khu vực này đã có những bước tiến đáng kể trong việc loại trừ bệnh mắt hột. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2022, bốn trong số 11 quốc gia có bệnh mắt hột của Khu vực đã được xác nhận là thanh toán bệnh mắt hột. Việt Nam trở thành quốc gia thứ năm, cùng với Campuchia, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vanuatu ghi nhận thành tích này. Điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực bền bỉ trong việc giải quyết các bệnh nhiệt đới bị lãng quên.
TCYTTG sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia trong Khu vực để loại trừ bệnh mắt hột và các bệnh nhiệt đới bị lãng quên khác như một phần của nỗ lực toàn cầu nhằm cải thiện sức khỏe và hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Ghi chú cho biên tập viên
Một giấy chứng nhận và tấm bảng vinh danh đã được trao cho Việt Nam để ghi nhận thành tích này trong phiên họp thứ bảy mươi lăm của Ủy ban khu vực Tây Thái Bình Dương diễn ra từ Thứ Hai, ngày 21 tháng 10 đến Thứ Sáu, ngày 25 tháng 10 tại Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương của TCYTTG tại Manila, Philippines. Chương trình nghị sự và thời gian biểu của cuộc họp Ủy ban khu vực có sẵn trực tuyến. Có thể truy cập trực tiếp các biên bản họp, tất cả các tài liệu chính thức khác, cũng như các tờ thông tin và video về các vấn đề cần giải quyết tại đây. Để cập nhật thông tin theo thời gian thực, hãy theo dõi @WHOWPRO trên Facebook, X, Instagram và YouTube và hashtag #RCM75.
TCYTTG là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng, hợp tác với 194 quốc gia thành viên trên sáu khu vực. Mỗi khu vực của TCYTTG đều có ủy ban khu vực – một cơ quan quản lý bao gồm các bộ trưởng y tế và các quan chức cấp cao từ các quốc gia thành viên. Mỗi ủy ban khu vực họp hàng năm để thống nhất các hành động y tế và lập biểu đồ ưu tiên cho công việc của TCYTTG.
Khu vực Tây Thái Bình Dương của TCYTTG là nơi sinh sống của hơn 1,9 tỷ người trên 37 quốc gia và khu vực: Samoa thuộc Mỹ (Hoa Kỳ), Úc, Brunei Darussalam, Campuchia, Trung Quốc, Quần đảo Cook, Fiji, Polynesia thuộc Pháp (Pháp), Guam (Hoa Kỳ), Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Kiribati, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Đặc khu hành chính Macao (Trung Quốc), Malaysia, Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia, Mông Cổ, Nauru, New Caledonia (Pháp), New Zealand, Niue, Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana (Hoa Kỳ), Palau, Papua New Guinea, Philippines, Đảo Pitcairn (Vương quốc Anh và Bắc Ireland), Hàn Quốc, Samoa, Singapore, Quần đảo Solomon, Tokelau, Tonga, Tuvalu, Vanuatu và Việt Nam, Wallis và Futuna (Pháp).
Các đường dẫn liên quan:
- Bảng thông tin về bệnh đau mắt hột
- Lộ trình toàn cầu cho các bệnh nhiệt đới bị lãng quên 2021–2030