Từ câu nói đùa đầy ẩn ý đó, chúng ta sẽ đề cập tới một vấn đề vĩ mô hơn “Vì sao phụ nữ mất dần vị thế trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nói chung và ngành nhãn khoa nói riêng”.
Dựa trên số liệu thống kê, phụ nữ chiếm hơn 70% nhân lực lao động trong ngành chăm sóc sức khỏe và tỷ lệ nữ giới học tập tại các trường y là ngang bằng với nam. Cũng trong khía cạnh đó, trong khi gần một nửa số trợ lý giáo sư ở Mỹ là phụ nữ thì chỉ có khoảng một phần ba giáo sư là phụ nữ và số lượng phụ nữ giữ chức các trưởng khoa, phòng ở Mỹ chỉ xấp xỉ 15%.
Trên thực tế, số lượng bài báo khoa học của nữ giới ít hơn hẳn so với nam giới và phần lớn các thành viên ban biên tập, diễn giả tại các hội nghị cấp cao là nam giới. Ngành nhãn khoa có thể không phải là ngành có sự mất cân bằng giới tính nhiều nhất nhưng nó cũng đã thể hiện sự mất cân bằng giới tính này qua nhiều thống kê thu thập được. Một ví dụ là từ dữ liệu của kỳ thi EBO-ESCRS. Kỳ thi này tổ chức thường niên để đánh giá và kiểm định các phẫu thuật viên trong lĩnh vực phẫu thuật đục thủy tinh thể và khúc xạ, các phẫu thuật viên vượt qua kỳ thi sẽ được danh hiệu FEBOS-CR và trong số đó chỉ có 8% thí sinh nữ đạt được danh hiệu này.
Hiện tượng giảm sút tỉ lệ phụ nữ này được người ta mô tả giống như “ống nước bị rò rỉ”, nghĩa là càng lên vị trí cao trong sự nghiệp thì càng mất đi sự cân bằng trong giới tính.
Vậy lý do nào đã gây nên hiện tượng như vậy? Có phải chăng là do năng lực và tham vọng của phụ nữ có thấp hơn so với nam giới?
Một nghiên cứu của Canada cho thấy kết quả sau phẫu thuật của bác sĩ nữ tốt hơn bác sĩ nam một chút. Mặc dù điều này không thể hiện là phụ nữ là những phẫu thuật viên giỏi hơn nhưng nó bác bỏ định kiến rằng phẫu thuật viên nữ có khả năng phẫu thuật thua kém hơn nam giới. Nếu tài năng và năng lực là có, thì tại sao và ở đâu vai trò của phụ nữ trong nhãn khoa lại bị mất dần?
Khi nghĩ về bất bình đẳng giới trong bất kỳ ngành nghề nào, chúng ta có xu hướng tập trung vào một số vấn đề như lương bổng, khả năng chuyên môn, trách nhiệm với công việc và cơ hội để phát triển sự nghiệp.
Về lương bổng, một công bố từ Hiệp hội nữ phẫu thuật viên đã báo cáo rằng với tình hình hiện nay, cho đến năm 2152 thì phụ nữ cũng sẽ không đạt được mức lương ngang bằng so với nam giới. Một thống kê đã chỉ ra phụ nữ chỉ kiếm được khoảng 90% số tiền so với nam giới cho đến 35 tuổi và sau đó khoảng cách này được nới rộng đáng kể. Về khía cạnh này thì phương án có hiệu quả để cải thiện hiện tượng này là sự minh bạch trong tài chính. Vì phụ nữ thường có xu hướng chấp nhận những gì họ được cung cấp hơn là việc đòi hỏi được quyền lợi và sự công bằng. Khi phụ nữ cảm thấy xứng đáng với những gì mà họ đã làm thì một điều chắc chắn là họ sẽ cống hiến nhiều hơn nữa.
Về phát triển chuyên môn, mỗi phụ nữ sẽ có nhiều chuyện vặt phải làm hơn là nam giới. Một nữ bác sĩ đã chia sẻ: “Tôi thường được các bác sĩ phẫu thuật khác nhờ giữ trẻ của bệnh nhân để họ có không gian tư vấn cho bệnh nhân. Trong khi đó, hai đồng nghiệp nam của tôi thì không bao giờ làm việc đó”. Nữ bác sĩ này cũng chia sẻ thêm, đôi khi cô phải giảm bớt sự nữ tính của mình để phù hợp hơn với môi trường làm việc. Cắt tóc ngắn hơn, tránh mặc váy và thay vào đó là những bộ đồ công sở khá nghiêm túc và gò bó. Chính điều đó đã không tạo tâm lý thoải mái cho những người phụ nữ và ắt hẳn cũng sẽ ảnh hưởng một phần đến chất lượng và năng suất làm việc của họ.
Một vấn đề lớn khác cần quan tâm đó chính là tình trạng thiếu hụt nhân lực trong thời gian thai sản của phụ nữ. Khi phỏng vấn tuyển dụng thì việc hỏi về kế hoạch lập gia đình hay sinh nở của phụ nữ là không được phép nhưng một số nhà tuyển dụng vẫn hỏi về việc đó bằng nhiều cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Một nhà tuyển dụng nữ cũng đã thừa nhận với chúng tôi rằng khi được lựa chọn giữa hai ứng viên có trình độ tương đương, cô ấy sẽ chọn nam vì anh ta sẽ không có thời gian nghỉ thai sản. Chính điều này thường sẽ đặt người phụ nữ vào vị trí lựa chọn giữa dành nhiều thời gian cho công việc hay chăm sóc gia đình.
Trên thực tế phải thừa nhận rằng, thời gian nghỉ thai sản làm gián đoạn và ảnh hưởng đến công việc chuyên môn rất nhiều và chúng ta cần tìm tới một giải pháp linh hoạt giúp các nữ phẫu thuật viên không bị hạ thấp tay nghề phẫu thuật sau thời gian thai sản.
Các cố vấn nghề nghiệp, các chương trình hành động và các tổ chức xã hội nghề nghiệp đều có thể tham gia cải thiện tình hình này.
Hiện có rất nhiều các phụ nữ tiêu biểu trong nhãn khoa có thể đóng vai trò cố vấn. Có thể kể ra một vài cái tên tiêu biểu, từ Chủ tịch ESCRS Béatrice Cochener-Lamard và cựu Tổng thống Marie-José Tassignon, đến các nhà giáo không mệt mỏi như Soosan Jacob và Daniele Aron Rosa - nhà phát minh ra laser YAG cho phẫu thuật đục bao sau thể thủy tinh. Những người phụ nữ này đã truyền cảm hứng trong ngành nhãn khoa và họ cũng đã truyền lửa cho những nữ bác sĩ tiếp tục công việc để đạt được những thành tựu như họ vậy.
Đại học Glasgow gần đây đã đưa ra một sáng kiến mới gọi là “Chương trình học bổng dành cho các nhà lãnh đạo y tế và học thuật nữ ”, và Đại học Drexel ở Mỹ đóng vai trò lãnh đạo điều hành trong y học hàn lâm (ELAM), cung cấp đào tạo và mạng lưới hỗ trợ là các sinh viên vừa tốt nghiệp đến giúp đỡ bác sĩ nữ những công việc chuyên môn của họ, tạo điều kiện tối đa cho bác sĩ nữ có điều kiện phát triển chuyên môn hơn nữa.
Ở quy mô lớn hơn, các chương trình quốc gia như Athena SWAN khuyến khích và công nhận các tổ chức đảm nhận việc giải quyết các nguyên nhân gây nên tình trạng mất cân bằng giới trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học và y học.
Vấn đề này cũng cần được nâng tầm lên là một vấn đề xã hội cần giải quyết. Hiệp hội Nghiên cứu Thị giác và Nhãn khoa (ARVO) có một chương trình “Phụ nữ trong Nghiên cứu Mắt và Thị giác (WEAVR)”. Chương trình này sắp xếp các cuộc họp, hội thảo và các chương trình cố vấn cho phụ nữ trong lĩnh vực nhãn khoa. Ngoài ra, một số học bổng tài trợ được bổ sung thêm khoản tài trợ thêm chi phí cho việc chăm sóc các em bé để khuyến khích các bà mẹ tham gia, và việc này sẽ tạo động lực cho những người phụ nữ có nuôi con nhỏ tiếp tục phát triển công việc chuyên môn.
Tóm lại: để đạt được sự cân bằng giới không phải là việc riêng của phụ nữ. Ngoài hành động của xã hội thì cũng cần phải có sự hỗ trợ rất lớn từ gia đình. Sự chia sẻ công việc của các thành viên trong gia đình trong thời gian nghỉ thai sản sẽ giúp phụ nữ có thêm thời gian để trở lại công việc sớm hơn. Bên cạnh đó, việc có thêm bảo mẫu cho những đứa trẻ cũng là một giải pháp tốt để những người phụ nữ giảm bớt gánh nặng về công việc gia đình để tập trung phát triển công việc chuyên môn hơn.
Người dịch: BS Phan Nhã Uyên, BS Bạch Trọng Hoàng (Bệnh viện Trung ương Huế).
Nguồn: https://www.eurotimes.org/gender-inequality-in-ophthalmology/
(Theo EuroTimes)