Vai trò truyền thông trong y tế trước “cơn bão” công nghệ 

Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh, mạnh, liên tục tác động tới lĩnh vực truyền thông nói chung và truyền thông trong y tế nói riêng, đòi hỏi ngành y tế cần có những thay đổi từ nhận thức tới hành động để cập nhật, ứng dụng, tăng cường tương tác, chuyển tải các thông tin, thông điệp của ngành với người dân và ngược lại. Đó cũng là nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị công tác truyền thông khu vực phía Bắc năm 2024 của Bộ Y tế vừa tổ chức hôm 15/11/2024.

Sự xuất hiện của những công nghệ mới đòi hỏi ngành y tế phải đổi mới phương thức và nội dung tiếp cận công chúng qua mạng xã hội nếu không muốn đứng ngoài cuộc chơi.

Tại Hội nghị này khẳng định vai trò quan trọng và đóng góp của công tác truyền thông y tế trong giai đoạn COVID-19 những năm vừa qua, tạo ra sự thay đổi, để lại nhiều dấu ấn, nhiều kinh nghiệm quý trong quá trình ứng dụng công nghệ trong ngành y tế nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông y tế. Không chỉ mang lại thông tin hữu ích cho người dân, bệnh nhân mà ngành y tế còn tìm được sự đồng thuận, chia sẻ cũng như khả năng kết nối với người dân, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thiện các dịch vụ y tế cũng như cải tiến về cơ chế quản trị...

Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: thời gian qua công tác truyền thông được thực hiện tốt. Hầu hết các nội dung trọng tâm trong định hướng truyền thông của Bộ Y tế cũng như của tỉnh được chuyển tải tối đa đến các cấp lãnh đạo và người dân thông qua kênh truyền thông truyền thống và kênh truyền thông hiện đại, đặc biệt là đẩy mạnh và tích hợp truyền thông số một cách mạnh mẽ ở tất cả các tuyến. Công tác truyền thông được tăng cường, giúp người dân hiểu rõ hơn, đồng thuận, cảm thông và chia sẻ cùng với ngành Y tế.

Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: truyền thông y tế luôn được coi trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phổ biến kiến thức để người dân thay đổi các hành vi có lợi cho sức khoẻ, chủ động phòng ngừa bệnh tật, nâng cao sức khoẻ. Truyền thông y tế đã khẳng định vai trò trong định hướng thông tin, những thông tin y tế chính thống đã chiếm ưu thế chủ đạo trong các luồng thông tin xã hội. Chính bởi sự minh bạch hóa và chủ động cung cấp thông tin đã khẳng định vai trò to lớn của truyền thông y tế, nhờ đó đã tạo dựng niềm tin sâu sắc, sự đồng thuận của nhân dân với ngành Y tế và nâng cao uy tín, vị thế của y tế Việt Nam đối với dư luận quốc tế.

Tại Hội nghị này đã đưa ra những gợi mở, những khát vọng mong muốn ngành y tế phải có những thành đổi mạnh mẽ hơn, ứng dụng công nghệ số nhanh hơn để phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền hiệu quả hơn.

Hội nghị đã đánh giá tầm quan trọng của truyền thông mạng xã hội hiện nay, có ảnh hưởng to lớn và làm thay đổi cách tiếp cận truyền thông lâu nay của ngành y tế. Từ đó đỏi hỏi mỗi cán bộ, lãnh đạo truyền thông, các đơn vị y tế cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng mới trong truyền thông y tế, trong cập nhật ứng dụng công nghệ nói chung và công nghệ trí tuệ nhân tạo nói riêng, sử dụng hiệu quả các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, TikTok, Instagram…. Cũng như cách tiếp cận với các cơ quan truyền thông báo chí trong bối cảnh công nghệ phát triển.

Trong nhiều năm qua, ngành y tế Việt Nam không ngừng xây dựng, củng cố mạng lưới truyền thông y tế rộng khắp, lan toả từ trung ương đến địa phương; chủ động chia sẻ, trao đổi thông tin y tế giữa các cấp, các ngành. Đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng nội dung truyền thông và đa dạng, đổi mới phương thức, cách thức truyền thông, ứng dụng truyền thông số, truyền thông mới trong các hoạt động truyền thông chính sách nhằm kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin…

Với quy mô 1.500 đầu mối truyền thông từ Trung ương xuống địa phương và đang tiếp tục được bao phủ toàn quốc. Sự ra đời của mạng lưới truyền thông giúp cho việc đảm bảo thông tin y tế được truyền tải nhanh chóng và chính xác tới người dân, cộng đồng. Nhưng điều này là chưa đủ bởi nó phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực,  sự đầu tư cho bộ máy về công nghệ, thiết bị hỗ trợ…và đặc biệt là nhận thức và hành động đột phá trong quản trị truyền thông y tế các cấp.

Trong kỷ nguyên số, công nghệ dù vô cùng mạnh mẽ, ưu việt nhưng không phải giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề. Sự đa dạng trong truyền thông y tế, chia sẻ thông tin đa chiều, không áp đặt, biết lắng nghe, chủ trương đúng, hành xử đúng đòi hỏi sự năng động, chủ động, sáng tạo của mỗi cán bộ, lãnh đạo ngành y tế trong bối cảnh công nghệ và sự ảnh hưởng của các nền tảng mạng xã hội như hiện nay.

Trên hết  và trước hết, truyền thông Y tế phải xuất phát từ mục đích, khát vọng phục vụ công chúng, phụng sự nhân dân, lấy người bệnh làm trung tâm. Khi đó, công nghệ mới trở thành công cụ hữu hiệu để lan tỏa những thông điệp, thông tin cho xã hội.

Xuân Hồng

 

123 Go top