Qua 100 năm xây dựng và trưởng thành (1917-2017), Bệnh viện Mắt T.Ư trở thành một trung tâm nhãn khoa lớn của cả nước, khẳng định vai trò hạt nhân, nòng cốt trong công tác khám, chữa bệnh chuyên khoa mắt tuyến cao nhất. Đồng thời, là cơ sở đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến... và tham mưu giúp Bộ Y tế xây dựng và triển khai chiến lược phòng, chống mù lòa trên phạm vi toàn quốc.
Đến nay, Bệnh viện Mắt T.Ư có quy mô 450 giường bệnh, cơ sở hạ tầng khang trang, cùng với đội ngũ cán bộ nhãn khoa vững tay nghề, trang thiết bị hiện đại, nghiên cứu ứng dụng, thực hiện các kỹ thuật cao, chuyên sâu về nhãn khoa. Các thầy thuốc ở đây đã thực hiện: nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị nhãn khoa; phẫu thuật đục thể thủy tinh bằng phương pháp pha-cô; ghép giác mạc lớp sâu; phẫu thuật điều trị lác, sụp mi; điều trị glô-côm (cắt bè, cắt củng mạc sâu, đặt van dẫn lưu tiền phòng...); cắt dịch kính không khâu 23G và 25G; điều trị bong võng mạc; la-de điều trị các tật khúc xạ, bệnh võng mạc đái tháo đường, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc; bệnh võng mạc trẻ đẻ non (ROP)...
Trong vai trò là đơn vị được Bộ Y tế giao trọng trách chính trong công tác phòng, chống mù lòa ở Việt Nam, Bệnh viện Mắt T.Ư luôn xác định đào tạo và bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ nhãn khoa tuyến dưới là giải pháp then chốt cốt yếu giải quyết những vấn đề chăm sóc mắt cộng đồng; là chìa khóa thực hiện nhanh và đồng bộ các mục tiêu phòng, chống mù lòa quốc gia. Đến nay, mạng lưới chuyên khoa mắt cả nước đã phát triển rộng khắp với khoảng 1.500 bác sĩ chuyên khoa mắt (tăng gấp hơn bốn lần so với năm 1985); gần 2.000 điều dưỡng, y sĩ nhãn khoa; duy trì thường xuyên mạng lưới hơn 15 nghìn cán bộ cơ sở, cán bộ y tế thôn, bản được đào tạo chăm sóc mắt ban đầu… Nhờ đó, hỗ trợ kịp thời cho công tác phòng, chống mù lòa ở cộng đồng, phát hiện sớm và xử lý, chuyển tuyến các ca bệnh.
Đến nay, Bệnh viện Mắt T.Ư hoàn thiện giáo trình đào tạo; xây dựng các quy chuẩn quốc gia các bệnh lý về mắt; xây dựng phòng tiền lâm sàng, phòng thực nghiệm, đầu tư hệ thống mô hình phẫu thuật sumilator, hiện đại hóa trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động đào tạo và thực hành nhãn khoa. Hằng năm, phối hợp đào tạo hàng trăm nghiên cứu sinh, bác sĩ chuyên khoa I và II, thạc sĩ nhãn khoa, các khóa đào tạo bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa định hướng, hàng chục lớp đào tạo chuyên đề, chuyên sâu như: phẫu thuật pha-cô, võng mạc - dịch kính, mộng ghép, nhãn nhi, glô-côm, chẩn đoán hình ảnh, khúc xạ...
Đáng chú ý, những năm qua, Bệnh viện Mắt T.Ư luôn chú trọng, thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, nhất là các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực nhãn khoa nhằm trao đổi nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ cũng như kêu gọi đầu tư, hỗ trợ kinh phí, thuốc men, trang thiết bị, cùng triển khai các chương trình phòng, chống mù lòa ở cộng đồng...
Mặt khác, Bệnh viện Mắt T.Ư cũng đang quyết liệt triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng bệnh viện, đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Xây dựng các cơ sở y tế xanh sạch đẹp; phát triển hệ thống chăm sóc mắt Việt Nam theo hướng “Công bằng, hiệu quả và chất lượng”. Đồng thời, từng bước đổi mới cơ chế quản lý, quản trị bệnh viện công theo hướng huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội; đổi mới cơ chế tài chính toàn diện, thực hiện tự chủ; tăng cường hạ tầng đầu tư, trang thiết bị và sắp xếp quy hoạch sử dụng nhân lực hiệu quả, hợp lý; đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ nhãn khoa tiên tiến trên thế giới trong khám và điều trị các bệnh về mắt… Tiếp tục giữ vững vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành cả nước và hướng tới trở thành một trung tâm nhãn khoa hiện đại hàng đầu khu vực châu Á và thế giới.
Với những đóng góp, cống hiến của mình, Bệnh viện Mắt T.Ư đã vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động; Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới... |