Tri ân 64 gia đình có người hiến giác mạc tại Nam Định 

Kể từ năm 2014, tỉnh Nam Định đã có 320 người hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời giúp đem lại ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc cho những người mù.

Ngày 30/12, tại giáo xứ Xuân Thủy (xã Hải Xuân, Hải Hậu, Nam Định), Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với Caritas Giáo phận Bùi Chu đã tổ chức lễ tri ân 64 gia đình có người hiến giác mạc cứu người.

Theo PGS.TS. Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc BV Mắt Trung ương, từ năm 2007 đến năm 2023, cả nước có trên 40.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 963 người hiến sau khi qua đời tại 20 tỉnh thành trong cả nước. Ngân hàng Mắt, BV Mắt Trung ương, đã thu nhận và ghép cho hàng trăm bệnh nhân bị mù do bệnh lý giác mạc.

Riêng tại tỉnh Nam Định, đã có 320 người hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời kể từ năm 2014 để đem lại ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc cho những người mù. Trong đó huyện Hải Hậu đã có 28 người đã hiến tặng giác mạc.

Tri ân 64 gia đình có người hiến giác mạc tại Nam Định- Ảnh 1.

PGS.TS. Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc BV Mắt Trung ương trao tặng kỷ niệm chương cho các gia đình có người thân hiến giác mạc sau khi mất.

"Phong trào này được nhân rộng và đạt được kết quả to lớn là nhờ sự ủng hộ nhiệt tình và nghĩa cử cao đẹp của những người hiến cùng người thân của họ. Ngoài ra, còn có sự đóng góp của các cấp ban ngành tổ chức chính quyền, Hội chữ thập đỏ, các cộng tác viên tình nguyện tham gia vào phong trào vận động hiến tặng giác mạc.

Đặc biệt là sự đóng góp của các vị Linh mục, của tổ chức Caritas, các vị chánh trương, trùm trưởng, bà con giáo dân là những người đi tiên phong, góp phần quan trọng vào việc đem lại ánh sáng cho những người bị bệnh giác mạc"- BS. Đông nhấn mạnh.

Phát biểu tại Lễ tri ân, PGS.TS. Phạm Ngọc Đông cho biết: "Ghép giác mạc là cách duy nhất đem lại ánh sáng cho người hỏng giác mạc. Con người có thể chế tạo nhiều thứ nhưng giác mạc chưa chế tạo được, do đó điều duy nhất có thể cứu người bệnh chính là được ghép giác mạc từ nguồn hiến tặng lại của những người đã mất. Nếu không có nguồn hiến giác mạc thì chúng tôi cũng đành bó tay. Chính vì vậy, sự đóng góp của người hiến giác mạc là nguồn vật liệu vô cùng quý giá mang lại ánh sáng cho người bệnh".

Chia sẻ tại lễ tri ân những gia đình có người hiến giác mạc mang lại ánh sáng cho nhiều người bệnh tại giáo xứ Xuân Thủy, ông Phạm Xuân Phong (xóm 35, Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định) là người có 21 năm tham gia việc tuyên truyền, vận động các gia đình trong khu vực tình nguyện hiến giác mạc khi người thân mất cho hay, 2 người mẹ của ông Phong khi mất cũng đều hiến giác mạc, và nhiều người thân thiết trong gia đình ông không may ra đi cũng có hành động tình nguyện đó.

"Cũng có những trường hợp, người nằm xuống và gia đình đã đồng ý hiến giác mạc nhưng người con nơi phương xa trở về nhất quyết không chấp nhận, tôi lại thuyết phục để họ hiểu được việc làm này là vô cùng nhân văn. Rất may mắn là chưa có trường hợp nào bất thành"- ông Phong cho biết thêm.

21 năm theo đuổi việc làm ý nghĩa này, bất kể thời gian, gia đình nào trong xóm, trong xã có người mất và hiến giác mạc là ông Phong xuất hiện để hỗ trợ kết nối với cán bộ Ngân hàng Mắt về lấy giác mạc, hoặc gặp ca "khó" là ông Phong lại thuyết phục, vận động.

Trong những năm qua, chỉ tính riêng xã Hải Minh đã có 98 người mất hiến giác mạc, trong đó giáo xứ Phạm Pháo là 51 người hiến giác mạc.

Tri ân 64 gia đình có người hiến giác mạc tại Nam Định- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, BV Mắt Trung ương trao tặng kỷ niệm chương tại Lễ tri ân những người hiến giác mạc ở Nam Định.

Theo Cha Chánh sứ Giáo xứ Xuân Thủy Phêrô Maria Lương Đức Thủy, tại giáo xứ tổ chức nhiều chương trình kêu gọi hiến giác mạc cứu người mù lòa. Với cộng đoàn công giáo kể cả lúc đang dịch bệnh khi có người qua đời cũng gọi điện hiến giác mạc. Việc trao tặng không vụ lợi, chỉ với mong muốn sự sống cho nhiều người khác.

Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, BV Mắt Trung ương thông tin, hiện nay ở nước ta đang có hàng nghìn người còn phải sống trong cảnh mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra và mỗi năm số người bị mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa như vậy nếu không có giác mạc để thay thế và vô tình trở thành gánh nặng cho gia đình cũng như xã hội.

268 Go top