Thông cáo báo chí về Hội nghị Khoa học kỹ thuật Nhãn khoa toàn quốc năm 2024 

Nhân dịp kỷ niệm 107 năm thành lập Viện Mắt (1917-2024) và 67 năm dưới chính quyền cách mạng (1/7/1957-1/7/2024), được sự đồng ý của Bộ Y tế, UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế Thanh Hóa, Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức Hội nghị Khoa học kỹ thuật Nhãn khoa toàn quốc năm 2024 (Hội nghị KHKT Nhãn khoa 2024), diễn ra trong 3 ngày từ 9-11/8/2024 tại thành phố Thanh Hóa. Đây là Hội nghị nhãn khoa thường niên ở quy mô quốc gia và lần đầu tiên được tổ chức tại Thanh Hóa.

Thời gian: Từ ngày 9/8 – 11/8/2024

Địa điểm: Khách sạn Mường Thanh, Phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Dự kiến Hội nghị KHKT Nhãn khoa 2024 thu hút sự tham dự hơn 1000 đại biểu  là các bác sỹ nhãn khoa, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên đại diện các bệnh viện mắt, trung tâm mắt,  khoa mắt thuộc các bệnh viện đa khoa của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cùng nhiều chuyên gia nhãn khoa và các tổ chức quốc tế đến từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, Tây Ban Nha…tham gia thuyết trình tại hội thảo.

Hội nghị KHKT Nhãn khoa 2024 dành phần lớn thời gian cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật trong nhãn khoa, các đề tài nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia nhãn khoa trong nước và quốc tế, đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và quản lý nhãn khoa hiện nay.

Bên cạnh đó, Hội nghị KHKT Nhãn khoa 2024 tổ chức khóa cập nhật, đào tạo chuyên đề cho 120 học viên là các bác sỹ, kỹ thuật viên: OCT trong nhãn khoa và Laser Yag, Laser quang đông võng mạc.

Hội nghị KHKT Nhãn khoa 2024 với hơn 100 đề tài báo cáo nghiên cứu khoa họcvà ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị nhãn khoa, đã được Ban tổ chức Hội nghị thẩm định, tuyển chọn và chia thành 9 nhóm chuyên đề khoa học chính như sau:

  1. Quản lý bệnh viện và lĩnh vực điều dưỡng nhãn khoa
  2. Phẫu thuật khúc xạ và thể thủy tinh
  3. Giác mạc
  4. Chấn thương mắt và tạo hình thẩm mỹ
  5. Khô mắt và nhiễm trùng bề mặt nhãn cầu;
  6. Glôcôm;
  7. Dịch kính võng mạc, nội và ngoại khoa;
  8. Mắt trẻ em và khúc xạ nội khoa;
  9. Thần kinh nhãn khoa, cận lâm sàng và các vấn đề khác.

Hội nghị KHKT Nhãn khoa 2024 cũng dành một phiên bảo cáo và thảo luận về công tác phòng chống mù lòa và mục tiêu thị giác ở Việt Nam đến năm 2030, trong đó đề cập đến một số vấn đề đáng quan tâm như: Thực trạng cận thi và một số yếu tố liên quan của sinh viên ở Thanh Hóa; một số báo cáo đánh giá về chắm sóc người bệnh, sự hài lòng của người bệnh trong quá trình khám và điều trị tại một số bệnh viện mắt; Vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn và môi trường bệnh viện….

Đặc biệt, lần đầu tiên công bố kết quả chương trình thanh toán bệnh mắt hột ở Việt Nam theo các tiêu chí của tổ chức WHO. Đây là một nỗ lực lớn của Bệnh viện Mắt Trung ương, ngành Mắt nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung. Cách đây hơn 6 thập kỷ, bệnh Mắt hột lan rộng khắp miền Bắc, trở thành bệnh dịch xã hội nghiêm trọng thời ấy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

Năm 1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Viện Mắt và căn dặn các thầy thuốc nhãn khoa : “Các cô, các chú là những người thầy thuốc chữa mắt nên phải có phương pháp dự phòng bệnh Mắt hột, phải tích cực chạy chữa cho những người bị đau mắt, đem lại ánh sáng cho nhân dân”.

Ngày 1.7.1957, Chính phủ cách mạng đổi tên từ Viện Mắt, thành lập Viện Mắt hột cũng chính để thức đẩy các hoạt động nghiên cứu, chữa trị và đẩy lùi dịch bệnh này. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở về bệnh Mắt hột. Và sau 60 năm Việt Nam thực hiện chương trình phòng chống bệnh mắt hột, đến nay đã có kết quả nghiên cứu, đánh giá toàn diện về toán bệnh Mắt hột. Đây là quá trình nỗ lực của ngành Mắt, Bệnh viện Mắt Trung Ương và các địa phương cả nước, thực hiện tâm nguyện và lời dạy của Người năm xưa.

Trong thời gian Hội nghị KHKT Nhãn khoa 2024 diễn ra các hoạt động triển lãm giới thiệu những thành tựu nhãn khoa trong nước và trên thế giới, với sự tham gia của các công ty,  các tập đoàn dược phẩm và thiết bị nhãn khoa trong, ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động  giao lưu văn hoá, văn nghệ sẽ được tổ chức đan xen của cán bộ nhãn khoa trên khắp vùng miền tổ quốc, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ, đoàn kết, chung sức trong công tác phòng chống loà tại Việt Nam.

                                                      TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC HỘI NGHỊ

                                                     PHÓ GIÁM ĐỐC PHỤ TRÁCH CHUYÊN MÔN

                                                       PGS.TS Cung Hồng Sơn

                                                          

 

Một số nguyên nhân gây mù lòa chính ở Việt Nam hiện nay:

Bệnh đục thể thủy tinh (chiếm tỷ lệ tới 74%); Các bệnh lý bán phần sau nhãn cầu (bong võng mạc, võng mạc đái tháo đường, thoái hóa hoàng điểm, tăng huyết áp võng mạc…); Sẹo giác mạc; bệnh Glôcôm; Kiểm soát các tật khúc xạ; Biến chứng phẫu thuật đục thể tinh…

Mục tiêu phòng chống mù lòa quốc gia đến năm 2030:

Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4 người/1.000 dân; Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thể thủy tinh trên 3,5 người/1.000 dân, trong đó phẫu thuật đục thể thủy tinh ở người mù trên 95%; Đạt trên 75% người mắc bệnh đái tháo đường; Trên 95% tỷ lệ khúc xạ học đường được khám, phát hiện, chỉnh kính sớm.

Thông tin về Bệnh viện Mắt Trung ương xin truy cập theo link: https://vnio.vn/

Các thông tin của Hội nghị Nhãn khoa toàn quốc 2024: https://hoinghinhankhoa.vn/

Đầu mối liên hệ truyền thông, báo chí:

TS. Hoàng Cương, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Chỉ đạo tuyến ,Đt: 0913.553.511

CN Đỗ Xuân Hồng – 0913.589.789

 

347 Go top