Tai nạn Mắt trong các kỳ nghỉ Lễ 

Nghe báo cáo đêm trực sau kỳ nghỉ lễ 1/5 chúng tôi thấy xót xa cho các đồng nghiệp phải vất vả với những ngày trực phải mổ 8 ca, 11 ca cấp cứu… chưa kể bệnh nhân đến khám và sơ cứu.

Không ai muốn nói ra nhưng các bệnh viện có liên quan đến mổ xẻ, cấp cứu đề ghê sợ những kỳ nghỉ dài. Phòng khám cấp cứu như muốn vỡ tung ra. Người khám, người nhà ra vào ồn ào căng thẳng.  Xe cấp cứu, xe cáng kín hết khoảng sân bé xíu trước cửa phòng cấp cứu.  Bệnh nhân chuyển lên phòng mổ nối đuôi nhau. Có khi nhộn nhịp suốt đêm. Mệt đã vậy nhưng sự hỗn loạn, xung đột, căng thẳng  mới làm các bác sĩ “ muốn chết”.  Những bệnh nhân mồm thơm lừng mùi rượu, đám choai choai không biết tôn ti trật tự, những tay xăm trổ vằn vệt …luôn đòi hỏi khám nhanh, mổ ngay, so bì này nọ  đẩy không khí tua trực căng như dây đàn.  Bệnh nhân là vậy nhưng kèm theo 3-4 người nhà đi cùng cũng không kém phức tạp. Tâm lý “xuống tiền” sai khiến người khác cho nhanh hay chen ngang  khi gặp nhân viên y tế có tâm, không lung lạc sẽ thất bại. Họ sẽ quay sang màn “ gọi điện xin trợ giúp”, quen biết tận “ông trời”, một bệnh nhân quen đến mấy bác sĩ trong bệnh viện. Tệ hơn là màn mắng nhiếc, ăn vạ, quay phim chụp ảnh…Mấy bác sĩ cọc I phải chèo lái vất vả lắm con thuyền “ trực đêm” mới khỏi chìm. Các thành viên khác cũng phải thạo việc, tinh ý lắm mới vừa hoàn thành tốt chuyên môn , y đức vẹn toàn, không vướng khiếu kiện, hoan hỉ về với gia đình.

Tua trực đêm qua cũng vậy. Bác sĩ MT thuộc chuyên khoa chấn thương, đang tuổi chịu nhiệt được, 8 ca mổ cấp cứu đã lần lượt được hoàn thành, bệnh nhân hợp tác tốt…Vẫn còn cười đùa với tôi được mấy câu nhưng không thể giấu hết vẻ mệt mỏi, đưa tôi cuốn sổ trực để viết ra những dòng này. Tôi thầm cảm ơn và chúc mừng tua trực. Họ là những người chuyên môn tốt, giầu y đức, bản lĩnh vững vàng.

Bỏ chiếc áo trắng cùng mớ kiến thức trong đầu, ở cùng phía với bệnh nhân, tôi thấy vài bài học lớn cần rút ra, cho dù chúng tôi đã tuyên truyền khuyến cáo nhiều lần:

  • Ý thức phòng chống tai nạn mắt của dân ta còn ở mức thảm hại: không ai trong 5 bệnh nhân bị tai nạn lao động đeo kính bảo hộ hay kính râm thông thường. Họ đều thao tác với máy móc hoặc dùng dụng cụ tác động lên các vật sắc nhọn. Nếu mang kính họ sẽ hạn chế được 50% các tai nạn  dạng dị vật cắm  vào mắt, độ xâm hại cũng giảm được nhiều nếu có. Không ai mang  cái gọi là dụng cụ bảo hộ( kính đeo cho mình và dụng cụ bao chụp- che chắn cho máy móc). Có người không sợ tai nạn, có người nghĩ là tai nạn chỉ xảy ra với người khác chứ không phải là với mình. Tất cả họ  đều sai.
  • Sơ cứu, cấp cứu  cho dù có tiến bộ nhưng vẫn còn hổng khuyết đáng ái ngại: 3 bệnh nhân bị đinh cắm vào mắt đều “ anh dũng” tự rút đinh ra khỏi mắt. Họ đã tự làm hại mình và gây khó khăn thêm cho y tế. Khuyến cáo từ lâu với mọi chuyên khoa, rất nhiều người biết( vì nước ta trải qua 3-4 cuộc chiến liên tục) là: dị vật cắm vào các bộ phận cơ thể cần được cố định tốt để không di chuyển, cắt ngắn phần ngoài cơ thể( nếu được) sát gốc, tuyệt đối không tự rút ra. Động tác rút dị vật ra động nghĩa với gây hại thêm cho mô lành, chảy máu, mất mô thêm sau khi dị vật được giải phóng. Một bệnh nhân khác với vết thương xuyên không phức tạp lắm, không được xử lý gì ở tuyến tỉnh rồi lại chuyển lên tuyến trên sau 48 h( không biết tại sao). Công thức được khuyến cáo với chấn thương nghi xuyên nhãn cầu: băng che, tiêm kháng sinh phổ rộng, chống uốn ván, chụp phim hốc mắt trước khi chuyển tuyến bất cứ bác sĩ mắt nào cũng biết nhưng cũng bị nhiều bác sĩ tuyến dưới quên.
  • Tai nạn với trẻ em vẫn rất nhiều, đặc biệt trong dịp lễ tết, khi các cháu nghỉ học, tự vui chơi, người lớn không trông nom hay bỏ bê. Trẻ chơi đùa vật sắc nhọn khi ở trường như com-pa, đầu bút bi- bút chì cũng gây vô khối tai nạn cho nhau. Lúc ở nhà thì dao kéo, mảnh bát, thủy tinh vỡ, que nhọn…  còn kinh khủng hơn. Môi trường an toàn cho trẻ vui chơi đã bị người lớn mải vui, quên mất. Hãy quan tâm tới trẻ em hơn nữa!

Không bao giờ hết được tai nạn. Nó đi cùng loài người. Biết vậy, nhưng nếu bạn phòng tai nạn ở mọi nơi, mọi lúc như phòng cho mình, thân nhân mình thì mọi sự nhất định sẽ khác. Nêu bạn như tôi , một năm làm việc tại Pháp trong thành phố khoảng 600.000 dân chỉ gặp khoảng 10 tai nạn mắt loại “nhẹ nhàng”, sau đó về Việt nam chỉ một ngày gặp bằng một năm ở nước  bạn…nhưng “khủng” hơn nhiều. Bạn sẽ thấy tự trách mình, trách người, trách xã hội…nhiều thứ nữa!

Bs Hoàng Cương

33838 Go top