Loại kính tiếp xúc nào “trị” được tật khúc xạ? 

Tật khúc xạ bao gồm các tật cận thị, viễn thị và loạn thị. Để điều trị tật khúc xạ, có thể sử dụng kính gọng, kính tiếp xúc (kính áp tròng) hoặc phẫu thuật. Bài viết này sẽ giúp độc giả hiểu về kính tiếp xúc - một trong những biện pháp điều trị tật khúc xạ.

Các tật khúc xạ

Tật khúc xạ là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở trẻ em, là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa có thể chữa được ở Việt Nam và là 1 trong 5 nguyên nhân gây mù lòa có thể chữa được trên thế giới (theo Tổ chức Y tế thế giới  - WHO  VISION 2020). Tật khúc xạ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của cá nhân, gia đình và xã hội, do vậy, việc khám chẩn đoán và điều trị sớm tật khúc xạ là rất cần thiết nhằm cải thiện thị lực, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm thiểu những biến chứng do tật khúc xạ gây ra.

Tật khúc xạ bao gồm các tật cận thị, viễn thị và loạn thị. Một người có tật khúc xạ nhìn bề ngoài con mắt có vẻ bình thường nhưng mắt nhìn không rõ và cần được đeo kính để điều chỉnh tật khúc xạ làm cải thiện thị lực.

Loại kính tiếp xúc nào “trị” được tật khúc xạ?
Kính tiếp xúc cứng thấm khí tạo hình giác mạc.

 

Tật cận thị còn được gọi là tật nhìn gần vì một người cận thị sẽ nhìn gần tốt hơn nhìn xa ở bất kỳ tuổi nào. Với cận thị nặng, đặc biệt độ cận trên -10.00D có thể gặp những biến chứng như: thoái hóa võng mạc chu biên, tạo thành lỗ rách võng mạc, biến chứng nặng nhất là bong võng mạc và nguy cơ gây mù. Đối với trẻ cận thị, ngoài việc đeo kính chỉnh cận thị còn phải quan tâm đến các biện pháp nhằm hạn chế tốc độ tăng số cận để phòng các biến chứng.

Tật viễn thị còn được gọi là tật nhìn xa, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến thị lực như thế nào tùy thuộc vào độ viễn thị, viễn thị nặng nếu không được chỉnh kính sớm có thể gây ra: lác trong, nhược thị, rối loạn thị giác 2 mắt...

Tật loạn thị gây ra do các bề mặt khúc xạ của mắt không có cùng một độ cong ở tất cả các kinh tuyến, loạn thị ảnh hưởng đến cả thị lực nhìn xa và cả thị lực nhìn gần, loạn thị mức độ nặng có thể gây biến chứng nhược thị.

Điều trị tật khúc xạ bằng kính tiếp xúc

Để điều trị tật khúc xạ, có thể sử dụng kính gọng, kính tiếp xúc (kính áp tròng) hoặc phẫu thuật. Tùy thuộc vào mức độ tật khúc xạ, tuổi, khả năng chi trả và nhu cầu của từng cá nhân mà có thể cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp. Kính tiếp xúc là 1 loại thiết bị y tế tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt nhãn cầu để chỉnh tật khúc xạ hoặc nhằm các mục đích điều trị khác.

Ưu điểm của kính tiếp xúc: Tính thẩm mỹ cao, trong trường hợp lệch khúc xạ, đeo kính tiếp xúc sẽ ít gây bất đồng về kích thước ảnh trên võng mạc nhất, kính nhẹ nên giảm đáng kể sự khó chịu do sức nặng của kính gọng, trường nhìn rộng hơn kính gọng, hạn chế đáng kể hiệu ứng lăng kính.

Nhược điểm của kính tiếp xúc: Do kính tiếp xúc trực tiếp lên bề mặt kết giác mạc nên dễ gây viêm nhiễm kết giác mạc, thậm chí có thể gây loét giác mạc, giảm khả năng hấp thụ oxy của giác mạc, gây khô mắt, đặc biệt khi dùng kính tiếp xúc mềm.

Loại kính tiếp xúc nào “trị” được tật khúc xạ?
Cần khám mắt trước khi quyết định sử dụng kính tiếp xúc để có lựa chọn phù hợp.

 

Các loại kính tiếp xúc điều trị tật khúc xạ

Kính tiếp xúc mềm

Chất liệu kính bằng HEMA (hydroxyl ethyl methacrylate). Kính mềm và ngậm nước nên đòi hỏi người đeo phải có đủ lượng nước mắt cung cấp cho kính tiếp xúc, nếu không kính sẽ bị khô và trở nên cứng

Chất liệu kính bằng silicon hydrogel có tính thấm khí cao mà không cần tăng độ ngậm nước. Với chất liệu này, người sử dụng có thể không cần tháo kính từ 2 - 4 tuần, có thể đeo ngủ qua đêm.

Đường kính của kính tiếp xúc thường rộng hơn đường kính giác mạc khoảng 2mm, thông thường là 12 - 14mm, bán kính cong 7,9 - 8,9mm.

Ngoài tác dụng chỉnh tật khúc xạ, kính tiếp xúc mềm còn được chỉ định trong một số trường hợp: thẩm mỹ, mắt không còn thể thủy tinh, sẹo giác mạc.

Kính tiếp xúc cứng

Chất liệu sử dụng: PMMA (polymethyl methalcrylate) là loại không thấm khí. Hiện nay, PMMA được bổ sung thêm silicon (silicon arcrylate) hoặc fluorin (fluorosilicon acrylates) làm tăng tính ẩm và tính thấm khí của chất liệu. Đường kính thông thường nhỏ hơn đường kính giác mạc, từ 8,8 - 9,8mm, vùng quang học đủ lớn để che diện đồng tử trong điều kiện ánh sáng yếu.

Chỉ định trong một số trường hợp: Lượng nước mắt kém, không dùng được kính tiếp xúc mềm, loạn thị cao hoặc loạn thị không đều như giác mạc chóp, sau ghép giác mạc...

Kính tiếp xúc cứng tạo hình giác mạc

Chất liệu kính tiếp xúc cứng thấm khí. Sử dụng kính tiếp xúc cứng tạo hình giác mạc đeo vào ban đêm với thiết kế độc đáo tạo ra lực đẩy nhẹ nhàng của nước mắt có tác dụng làm dẹt giác mạc vùng trung tâm giúp điều chỉnh tật cận thị. Đây là phương pháp điều trị tạm thời vì sau khi dừng đeo kính một thời gian, giác mạc sẽ trở lại hình dạng và mức độ cận thị ban đầu.

Chỉ định trong các trường hợp: Cận thị tăng số quá nhanh, độ cận dưới -10.00D và loạn thị dưới 1.50D, không muốn điều trị hoặc không có chỉ định phẫu thuật laser, không muốn đeo kính gọng.

TS.BS. Nguyễn Thị Thu Hiền

((Trưởng khoa Khúc xạ - BV Mắt TW))

Đăng trên báo Sức khỏe đời sống ngày 24/08/2018

 

8439 Go top