LÀM VIỆC THIỆN... TRƯỚC LÚC RA ĐI 

Đối với người dân Việt Nam, triết lý được toàn thân khi “nhắm mắt xuôi tay” luôn được đề cao. Vậy mà tại xứ đạo nghèo Cồn Thoi ven biển của huyện Kim Sơn, Ninh Bình có tới 3 người phụ nữ khi qua đời đã hiến tặng giác mạc của mình cho những người còn sống.

Nghĩa cử cao đẹp

Theo con đường làng phẳng phiu bên những rặng phi lao cao vút, chúng tôi đến nhà cụ Phạm Thị Nhẫn. Hai ngôi nhà nhỏ vách tranh, mái lá, đông kín con cháu và bà con hàng xóm. Đối với gia đình cụ Nhẫn hôm nay chẳng phải lễ Tết hay giỗ chạp gì nhưng là một ngày rất đặc biệt – ngày gia đình cụ nhận tấm bằng của Bệnh viện Mắt Trung ương ghi nhận hiến giác mạc. Trong không khí trang trọng, bà Vũ Thị Xuyến, năm nay đã 66 tuổi, con gái lớn của cụ Nhẫn nghẹn ngào: “Vậy là ước nguyện của mẹ tôi đã thành hiện thực…”.

Bà Xuyến bộc bạch, khi cụ Nhẫn có ý định “hiến giác mạc lúc về với Chúa”, mọi người trong gia đình rất sợ nhưng không ai dám phản đối vì ý cụ đã  quyết là làm. Hơn nữa, cụ nói với con cháu: “Những gì mình cho đi để làm đẹp cho đời thì sẽ được bù đắp lại”. Thế rồi, cả gia đình đã ủng hộ cụ Nhẫn hiến giác mạc khi qua đời.

Ở Cồn Thoi bây giờ khi nói về chuyện hiến giác mạc, ngoài cụ Nhẫn nhiều người vẫn thường nhắc tới cụ Nguyễn Thị Hoa, người đầu tiên ghi danh vào lịch sử ngành mắt Việt Nam khi tháng 5 vừa rồi, cụ đã hiến tặng giác mạc của mình lúc qua đời.

Anh Mai Văn Vinh, con trai cụ Hoa, cho biết: “Mẹ tôi lúc sắp qua đời đã gọi các con tới, với một lời di huấn vô cùng bất ngờ là hiến tặng giác mạc của cụ cho Bệnh viện Mắt Trung ương để cứu giúp cho những người không may mắc cảnh mù lòa”. Cụ Hoa biết chuyện hiến giác mạc bắt nguồn từ một câu chuyện rất tình cờ…


Một người hàng xóm - anh Phạm Văn Sự - chỉ đáng tuổi cháu cụ có chị gái ở tận Dak Lak bị hỏng mắt. Khi biết cụ sắp lâm chung, anh đã gặp và thuyết phục cụ cho chị gái mình giác mạc. Cụ Hoa không mảy may do dự, đồng ý hiến tặng giác mạc của mình. Và cho tới hôm nay, chị Nguyễn Thị Khuy - chị gái anh Sự và chị Lê Thị Tuyết, 23 tuổi, ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, trở thành hai bệnh nhân đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng từ đôi giác mạc cụ Hoa hiến tặng.

Theo gương cụ Nhẫn, cụ Hoa, mới đây, bà Nguyễn Thị Hiến, 58 tuổi, sau hơn một năm dài chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác khi sắp qua đời cũng đã hiến tặng giác mạc. Ông Nguyễn Văn Huấn, 62 tuổi, mỗi khi nhắc tới việc làm của vợ mình đã không cầm được nước mắt.

Những cộng tác viên tích cực

“Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, câu nói ấy thực sự thấm thía đối với những người mà cuộc sống không còn ánh sáng. Ông Nguyễn Văn Thiết, Phó Chủ tịch xã Cồn Thoi, cho biết: “Từ tấm gương của 3 người phụ nữ bình dị trên, bây giờ rất nhiều người dân Cồn Thoi đã  bày tỏ ý nguyện sẽ hiến tặng giác mạc của mình khi qua đời. Họ đã trở thành những tấm gương sáng về tinh thần “thương người như thể thương thân”, sống tốt đời đẹp đạo. Lãnh đạo xã rất ủng hộ việc làm đầy nghĩa cử cao đẹp đó bằng việc thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu về việc hiến giác mạc thông qua các buổi họp của chính quyền với người dân”.

Đối với một xã với hơn 8.000 giáo dân, sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền là một động lực thúc đẩy song điều quan trọng không kém chính là vai trò của cha xứ Anton Đoàn Minh Hải. Bây giờ, ông không chỉ là một linh mục mà còn là một cộng tác viên tích cực của Bệnh viện Mắt Trung ương trong phong trào hiến tặng giác mạc. Cha tâm sự: “Đến khi nào Chúa gọi tôi đi, tôi cũng xin hiến toàn bộ thân thể cho ngành y”. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới anh Phạm Văn Sự. Sau khi chị gái anh được ghép giác mạc của cụ Hoa, anh đã tình nguyện trở thành tuyên truyền viên của Bệnh viện Mắt Trung ương về việc vận động hiến giác mạc và anh là người đầu tiên trong cả nước được Bệnh viện Mắt Trung ương cấp “thẻ hành nghề” tuyên truyền viên mã số 0001.

Cùng đi với chúng tôi trong chuyến công tác về Cồn Thoi, PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu, PGĐ Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết thêm thông tin khá lý thú. Sau khi có thông tin về những người đầu tiên tình nguyện hiến tặng giác mạc ở Cồn Thoi đến nay, bệnh viện đã nhận được thêm một đôi giác mạc của một cụ ông ở Hà Tây hiến tặng khi qua đời. Ngoài ra, có thêm rất nhiều đơn của người dân gửi đến bệnh viện tình nguyện hiến tặng giác mạc khi qua đời, đặc biệt trong đó có một cháu năm nay mới học lớp 6. Đây là nghĩa cử vô cùng cao đẹp, góp phần đem nguồn sáng cho những cảnh đời bất hạnh.

Việt Nam hiện có 300.000 bệnh nhân bị mù vì các bệnh lý về giác mạc và mỗi năm con số này lại tăng thêm 15.000 bệnh nhân mới. Hiện nay, có 560 bệnh nhân đã có chỉ định ghép giác mạc nhưng không đủ nguồn giác mạc để ghép. Mỗi năm, Bệnh viện Mắt Trung ương tiến hành từ 100-150 ca phẫu thuật ghép giác mạc với nguồn giác mạc chủ yếu do các tổ chức quốc tế tài trợ.
 

                                                                                                                                             
                                                                                                                            Khánh Nguyễn

1996 Go top