Kỷ niệm 107 năm thành lập: Bệnh viện Mắt Trung ương nhớ lời Bác dạy năm xưa. 

Ngày 14.7.1915, Thống sứ Bắc Kỳ ký quyết định thành lập khoa Mắt tại Hà Nội. Ngày 7.6.1917, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký quyết định nâng cấp và chuyển đổi khoa Mắt thành Viện Nhãn khoa Đông Dương mà thời đó người dân thường gọi là “Nhà thương chữa mắt Dốc Hàng Gà”.

Mục đích của nhà nước Pháp thành lập Viện Nhãn khoa Đông Dương khi ấy là để phục vụ quân đội viễn chinh Pháp và bộ máy của nhà nước thuộc địa, nhằm “truyền bá ảnh hưởng Pháp” thông qua một vài hoạt động y tế lẻ tẻ.

Dù vậy, xét về bối cảnh lịch sử, sự ra đời của Viện Mắt dưới thời Pháp thuộc là cơ sở, là tiền đề để xây dựng và phát triển Bệnh viện Mắt Trung ương ngày nay, thực hiện trọng trách bệnh viện chuyên khoa đầu ngành mắt cả nước, nghiên cứu, khám, điều trị các bệnh mắt cho nhân dân, trở thành trung tâm nhãn khoa hiện đại hàng đầu trong khu vực.

Vinh dự đón Bác Hồ về thăm

Sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, lúc này các bệnh về mắt, đặc biệt là dịch bệnh mắt hột có ở khắp nơi, trong bối cảnh hệ thống phòng chống mù loà của ta hầu như chưa có gì.

Chính phủ tiếp quản Viện Mắt, giao cho Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên trong vai trò Viện trưởng, khôi phục và xây dựng lại hoạt động khám, chữa mắt, trong bối cảnh dịch bệnh mắt hột lan rộng khắp miền Bắc, trở thành bệnh dịch xã hội nghiêm trọng thời ấy.

Mùa thu năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc những vẫn dành thời gian đến thăm Viện Mắt. Một mốc son quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình xây dựng và phát triển của Viện Mắt nói riêng và ngành mắt Việt Nam nói chung.

Chuyến thăm của Bác Hồ đến rất bất ngờ và không báo trước. Bác đi thẳng vào nhà bếp của Viện Mắt thăm hỏi các chị cấp dưỡng, rồi dọc theo hành lang vào các phòng điều trị nội trú. Các khoa phòng ngỡ ngàng hò reo: Bác Hồ, Bác Hồ đến!

Bác Hồ qua thăm khu điều trị, ân cần thăm hỏi, động viên người bệnh như một thầy thuốc nhãn khoa. Tiếp đó Bác vào phòng mổ, dõi theo từng động tác của các thày thuốc đang phẫu thuật lông quặm. Bác qua thăm phòng chiếu chụp điện quang.

Sau cùng, Bác Hồ lên hội trường và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Viện Mắt. Bác hỏi: Các thầy thuốc có đủ để phục vụ không đồng bào không?Tại sao đồng bào đau mắt đông quá mà Viện thì nhỏ bé, đồng bào phải chen lấn vất vả đến khám bệnh?... Sau khi nghe lãnh đạo Viện Mắt báo cáo, Bác chia sẻ những khó khăn về tổ chức, cơ sở vật chất, kinh phí không đủ để đáp ứng công việc, tình hình diễn biến bệnh mắt hột trong nhân dân hiện rất trầm trọng, để lại nhiều di chứng nặng nề... Bác đã động viên cán bộ nhân viên Viện Mắt phải cố gắng phục vụ. Bác sẽ nhắc Bộ Y tế quan tâm đến ngành mắt, nhưng Viện phải làm sao cho người bệnh đỡ khổ thì Bác mới vui...  Bác Hồ căn dặn: “Các cô, các chú là những người thầy thuốc chữa mắt nên phải có phương pháp dự phòng bệnh mắt hột, phải tích cực chạy chữa cho những người bị đau mắt, đem lại ánh sáng cho nhân dân”. Mọi người hôm ấy đều xúc động, đề nghị được hát tặng Bác một bài. Khi bài hát chưa dứt thì Bác đã giơ tay vẫy chào mọi người rồi rời đi.

Viện Mắt Trung ương dưới chính quyền cách mạng

Đầu năm 1957, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Văn Đồng đến thăm Viện Mắt. Ngày 1.7.1957, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Nghị định số 278/TTg thành lập Viện Mắt hột, mở ra thời kỳ phát triển mới của Bệnh viện Mắt Trung ương dưới chính quyền cách mạng.

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, cán bộ nhân viên Viện Mắt hột vừa nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp tiên tiến trong phòng chống bệnh mắt hột, vừa triển khai xây dựng, đào tạo mạng lưới cán bộ nhãn khoa ở các địa phương, thành lập các đoàn xe khám mắt, mổ quặm, điều trị mắt hột ở các địa phương vừa phát động các phong trào tuyên truyền toàn dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng chống bệnh mắt hột.

Từ ngày ấy, Viện Mắt Hột trở thành “cái nôi” đào tạo, lực lượng tiên phong trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng trong điều trị chuyên khoa mắt của nước ta. Đào tạo lớp lớp chiến sỹ áo trắng chuyên khoa mắt về các địa phương thực hiện khám chữa mắt, đồng thời đào tạo và chi viện nhiều cán bộ nhãn khoa cho tiền tuyến, phục vụ chăm sóc mắt cho dân và quân ta … Tiêu biểu như tấm gương bác sỹ, liệt sỹ Đặng Thùy Trâm. Ở lĩnh vực nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Xuân Nguyên đã dành nhiều tâm huyết tổ chức nghiên cứu, sáng kiến cải tiến, viết sách, ấn hành nhiều tài liệu hướng dẫn, đạo tạo về chăm sóc mắt nói chung và bệnh mắt hột nói riêng và đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân nghiên cứu thành công đưa ứng dụng chữa trị mang lại ánh sáng cho họa sỹ nổi tiếng Lê Duy Ứng, trở thành một câu chuyện chuyên môn mẫu mực, khích lệ toàn ngành Mắt Việt Nam học tập, noi theo. GS Nguyễn Trọng Nhân đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao đông, đã từng giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Y tế.

Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng. Sau những năm tháng gian nan, khốc liệt của chiến tranh, sự thiếu thốn, khó khăn cùng nhiều vấn đề đặt ra thời hậu chiến cần khắc phục, Viện Mắt trong vai trò đầu ngành Mắt của cả nước,đã tiếp tục nỗ lực vượt qua những khó khăn của thời hậu chiến. Nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng và sáng kiến ra đời. Bệnh viện Mắt Trung ương cùng với các địa phương đã xây dựng và không ngừng củng cố hệ thống nhãn khoa cơ sở trải dài khắp cả nước, từ đội ngũ cán bộ tới cá trang thiết bị vật tư cơ bản, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phòng chống mù lòa.

Vững vàng trong thời kỳ đổi mới

Ngày 15/5/2003 Viện Mắt được sắp xếp lại theo Nghị định số 49/2003/NĐ-CP của Chính Phủ và đổi tên thành Bệnh viện Mắt Trung ương (BVMTW), từng bước hiện đại hóa, xã hội hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành y tế nói chung và ngành nhãn khoa nói riêng.

Nhiều trang thiết bị hiện đại được đầu tư, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến thế giới vào chẩn đoán, điều trị cá bệnh mắt cho nhân dân. Hàng năm, BVMTW cử nhiều đoàn công tác, các thày thuốc giỏi đến các vùng miền, địa phương còn khó khăn để chuyển giao công nghệ, triển khai các chương trình PCML, nâng cao nhận thức chăm sóc mắt ở cộng đồng. Ngoài ra BVMTW đa dạng hóa các loai hình đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu, là "cái nôi" đào tạo các thế hệ cán bộ nhãn khoa cho các cơ sở y tế cả nước, đáp ứng yêu cầu của ngành, góp phần vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, BVM TW có quan hệ hợp tác toàn diện với nhiều nước như : Pháp, Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore ...; với các tổ chức y tế quốc tế: Tổ chức Y tế thế giới (WHO); Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF),Tổ chức Phòng chống mù lòa quốc tế (IABP), Tổ chức phòng chống mù loà châu Á - Thái Bình Dương (APBA), cùng nhiều tổ chức phi chính phủ quốc tế  khác: FHF, HKI, AP, SightFirst, CBM, ORBIS,...Ngoài ra, BVMTWcòn đào tạo bác sỹ, hỗ trợ chuyên môn các nước bạn Lào, Campuchia, Mông cổ…

Tập thể, cán bộ, người lao động BVMTW đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu: Huân chương độc lập hạng Nhất, Nhì; Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, ghi nhận những cống hiến trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Trong bối cảnh chung những năm qua, do đại dịch COVID 19, một số vấn đề trong hoạt động tự chủ tài chính; các khó khăn trong công tác đấu thầu vật tư y tế; một số vấn đề nội tại phát sinh đã làm bệnh viện đã gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn tới hoạt động chuyên môn. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các bệnh viện Mắt ngoài công lập tạo nên những thay đổi lớn trong công tác chăm sóc mắt.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, thách thức, BVMTWvẫn có những thuận lợi và cơ hội đan xen. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế, BVMTW không ngừng lớn mạnh, trở thành một trung tâm nhãn khoa lớn của cả nước, khẳng định vai trò hạt nhân, nòng cốt của mình trên các lĩnh vực: khám chữa bệnh mắt tuyến cao nhất, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế...BVMTW có lực lượng cán bộ nhãn khoa đông đảo, được đào tạo cơ bản, sáng tạo, năng động và quyết tâm. Bệnh viện vẫn là địa chỉ khám chữa mắt được nhân dân tín nhiệm.

Trong bối cảnh mới này, tập thể cán bộ Bệnh viện Mắt Trung ương càng phải đoàn kết, chung sức, chung lòng dựng xây bệnh viện. Bệnh viện cần sớm khắc phục các khó khăn, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, cải tiến công tác tổ chức khám chữa bệnh, cải tạo cơ sở hạ tầng để đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, Bệnh viện cần  xây dựng kế hoạch để phát triển trung và dài hạn, đi tiên phong, cập nhật, đầu tư, nghiên cứu khoa học, đào tạo… để vượt qua chính mình và phát triển, để thực sự là bệnh viện chuyên khoa Mắt đầu ngành của cả nước, vươn ra khu vực và thế giới.

Tập thể lãnh đạo, viên chức, người lao động BVMTW sẽ luôn kề vai sát cánh, trên dưới đồng lòng, nắm vững thời cơ, quyết tâm vượt qua mọi thách thức, tiếp tục xây dựng BVMTW theo hướng “Dân tộc, khoa học, hiện đại và nhân văn”, đáp lại niềm tin yêu của người bệnh./

                                                                                                                                PGS.TS Phạm Ngọc Đông
                                                                                                                   Phó Giám đốc phụ trách, quản lý, điều hành
                                                                                                                                Bệnh viện Mắt Trung ương

 

Việt Nam thanh toán bệnh mắt hột

Tại thời điểm này, cùng với sự kiện kỷ niệm 107 năm thành lập Viện Mắt (1917-2024) và 67 năm dưới chính quyền cách mạng (1/7/1957-1/7/2024),  Bệnh viện Mắt Trung ương đã chính thức hoàn thiện thủ tục theo các tiêu chí của tổ chức WHO, báo cáo Bộ Y tế để làm các thủ tục công bố thanh toán bệnh mắt hột tại Việt Nam, thực hiện di nguyện của Bác Hồ cách đây 68 năm khi Người đến thămViện Mắt.

 

217 Go top