Hội nhãn khoa Hoa kỳ: khuyến cáo mới nhất cho các BS Mắt liên quan đến dịch Covid 19 

Triệu chứng điển hình của bệnh là sốt, ho, khó thở. Trong đó, viêm phổi do virus là biến chứng thường gặp. COVID- 19 có thể gây viêm kết mạc. Các triệu chứng này thường xuất hiện từ 2 ngày đến 2 tuần sau khi phơi nhiễm. Hiện nay, chưa có vắc – xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu

TỔNG QUAN

-Tình hình dịch tễ: cập nhật ngày 30/3/2020 theo WHO

  • Trên thế giới: 741774 ca

Tổng số ca tử vong: 35334

Tổng số nước và vùng lãnh thổ công bố dịch: 199

  • Việt Nam: cập nhật ngày 30/3/2020 nguồn từ  Bộ Y tế: 203 ca bệnh được xác định dương tính với virus Corona
  • Triệu chứng điển hình của bệnh là sốt, ho, khó thở. Trong đó, viêm phổi do virus là biến chứng thường gặp. COVID- 19 có thể gây viêm kết mạc. Các triệu chứng này thường xuất hiện từ 2 ngày đến 2 tuần sau khi phơi nhiễm. Hiện nay, chưa có vắc – xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.
  • Bệnh có thể lây lan giữa người với người qua giọt tiết trong không khí khi người mắc ho hoặc hắt hơi, cũng có thể lây trực tiếp khi chạm vào bề mặt có virus sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

MỘT SỐ NGHIÊN CỨU về mối liên hệ giữa COVID-19 và bệnh lý mắt

Hai báo cáo gần đây cho rằng COVID – 19 gây nên viêm kết mạc. Hơn nữa, SARS-CoV-2 có thể lan truyền qua giọt tiết tiếp xúc với mắt.

  • Trong một báo cáo trên tạp chí Journal of Medical Virology , 30 bệnh nhân nhập viện vì COVID – 19 có 1 trường hợp viêm kết mạc, và tìm thấy virus trong dịch cùng đồ ở bệnh nhân này 1 .
  • Ở một nghiên cứu lớn hơn đăng tải trên tạp chí New England Journal of Medicine, các nhà khoa học đã tìm thấy 9 bệnh nhân có biểu hiện viêm kết mạc (trong 1099 bệnh nhân, chiếm 0,8%) xác định dương tính với COVID- 19 ở 30 bệnh viện Trung Quốc 2.

Viêm kết mạc là biểu hiện không thường gặp ở bệnh nhân mắc COVID -19, tuy nhiên, những hình thái viêm kết mạc do các loại virus khác lại rất phổ biến. Bệnh nhân có thể đến khám ban đầu tại các phòng khám mắt hoặc các khoa cấp cứu. Khi đó, bác sĩ nhãn khoa sẽ là người thăm khám đầu tiên cho các trường hợp có khả năng nhiễm bệnh. Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng là người đầu tiên cảnh báo về virus COVID - 19 (sau đó, chính ông tử vong vì căn bệnh này), được cho rằng đã lây nhiễm từ 1 bệnh nhân glôcôm không triệu chứng.

Vì vậy, cần bảo vệ mắt, mũi, miệng khi tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm. Đồng thời, việc sử dụng tấm chắn hơi thở giữa người bệnh và thầy thuốc khi khám là rất hữu ích để bảo vệ cả bác sỹ nhãn khoa và người bệnh.

 KHUYẾN CÁO CHO CÁC THẦY THUỐC NHÃN KHOA*

(theo Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ- CDC)

  1. Lùi lịch khám bệnh nhân ngoại trú trong những trường hợp có thể trì hoãn an toàn, đặc biệt với người già, người có bệnh lý nền phối hợp.
  2. Sắp xếp lại lịch hẹn với những bệnh nhân có bệnh lý đường hô hấp, sốt hoặc di chuyển từ vùng có nguy cơ cao trong 2 tuần gần đây mà không có tình trạng cấp cứu.
  3. Cần hỏi bệnh nhân trước khi vào phòng chờ khám về các triệu chứng hô hấp và yếu tố dịch tễ: bản thân hoặc gia đình có người đi từ vùng nguy cơ trong vòng 14 ngày. Nếu câu trả lời là có, bệnh nhân nên trở về nhà và thông báo ngay cho bác sĩ gia đình hoặc trạm y tế nơi cư trú.
  4. Giữ phòng chờ khám vắng nhất có thể, giảm số lượng người có nguy cơ cao.
  5. Nếu bệnh nhân nhiễm COVID – 19 có tình trạng cấp cứu mắt, cần gửi tới bệnh viện đủ trang thiết bị đối phó với virus và có khả năng điều trị phối hợp.
  6. Khuyến khích sử dụng tấm chắn hơi thở để chống virus lây lan. Tấm chắn có tác dụng như một hàng rào nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm từ phía người bệnh lên bề mặt sinh hiển vi đèn khe, mà sau đó nhân viên y tế có thể vô tình chạm vào rồi lây nhiễm chéo cho người khác. Tuy nhiên, tấm chắn hơi thở tự chế khó khử trùng và có thể trở thành nguồn bệnh. Vì vậy, việc làm sạch trang thiết bị thật kỹ là không thể thay thế và luôn luôn yêu cầu bệnh nhân phải đeo khẩu trang khi khám bệnh.
  7. Thông báo với người bệnh rằng bác sĩ sẽ HẠN CHẾ NÓI CHUYỆN trong lúc khám sinh hiển vi đèn khe và yêu cầu bệnh nhân cố gắng GIỮ IM LẶNG.

 

 

 

 

                            HƯỚNG DẪN TẠM THỜI PHÂN LOẠI BỆNH NHÂN KHÁM MẮT*

(theo CDC)

Tình huống

Chỉ dẫn

  1. Bệnh nhân khám thường hoặc khám cấp cứu, không có triệu chứng hô hấp, không ho sốt khó thở, không có yếu tố nguy cơ
  • Áp dụng biện pháp bảo vệ thông thường*
  • Không nói chuyện trong lúc khám sinh hiển vi.
  • Nên dùng khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh cho bệnh nhân và nhân viên y tế để tránh lây nhiễm chéo.
  • Cân nhắc trì hoãn lịch hẹn khám thường

 

  1. Bệnh nhân khám thường, có triệu chứng đường hô hấp nhưng không sốt, không có yếu tố nguy cơ
  • Nếu bệnh nhân đặt hẹn qua điện thoại, yêu cầu bệnh nhân không đến khám, hẹn khám lại sau.
  • Nếu bệnh nhân tới khám, yêu cầu bệnh nhân trở về nhà, hẹn khám lại sau.
  1. Bệnh nhân khám cấp cứu, có triệu chứng hô hấp, nhưng không sốt, không có yếu tố nguy cơ
  • Bệnh nhân ngay lập tức được đưa vào phòng khám riêng. Bệnh nhân và nhân viên y tế cần đeo khẩu trang phẫu thuật.
  • Khuyến cáo sử dụng áo choàng, găng tay kính mắt. Nên sử dụng khẩu trang N95.
  • Phải làm sạch phòng sau khi khám.
  1. Bệnh nhân nguy cơ cao nhiễm COVID - 19
  • Nên gửi bệnh nhân tới phòng cấp cứu hoặc bệnh viện có đủ điều kiện điều trị COVID - 19.
  • Nếu có bệnh cấp cứu, nên điều trị ở bệnh viện có chuyên khoa mắt.
  • Nếu xác nhận nhiễm COVID – 19, cần tuân thủ hướng dẫn phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng.
  • Điều trị cần tiến hành ở bệnh viện. Cần đeo khẩu trang phẫu thuật, găng tay, áo choàng, kính bảo vệ mắt cho bác sĩ điều trị.

 

  1. Bệnh nhân nhiễm COVID – 19 được gửi tới khám mắt
  • Bệnh nhân nên điều trị tại bệnh viện, NƠI ĐIỀU TRỊ COVID-19.
  • Hỏi bệnh sàng lọc tình trạng cấp cứu, nếu có, cần điều trị tại bệnh viện NƠI ĐIỀU TRỊ COVID-19.
  • Tuân thủ hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân mắc COVID - 19.
  • Cần đeo khẩu trang N95, áo choàng, găng tay, kính bảo vệ mắt cho bác sĩ khám và điều trị.

 

Biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng tối thiểu áp dụng cho tất cả bệnh nhân, bất kể tình trạng nhiễm trùng nghi ngờ hoặc được xác nhận, trong bất kỳ cơ sở chăm sóc sức khỏe nào

Biện pháp bảo vệ thông thường*: ví dụ như vệ sinh tay, che miệng khi ho, sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân, làm sạch và khử trùng bề mặt môi trường…

 

Dịch và biên soạn: BSNT.Trần Thị Thu Hằng, Đại học Y Hà nội

17259 Go top