Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai đề án phát triển nghề Công tác xã hội trong ngành y tế 

Ngày 18/12/2020, Bộ Y tế đã chủ trì tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm phát triển nghề Công tác xã hội (CTXH) trong ngành y tế tại Hội trường lớn Bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh.

Đến dự Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế; Thầy thuốc ưu tú, bác sỹ CKII. Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cùng các đồng chí là đại diện các Vụ, Cục, Ban ngành liên quan, Trường Đại học Y tế công cộng, Lãnh đạo bệnh viện và Phòng CTXH các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế,….

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế -  PGS.TS Nguyễn Trường Sơn cho biết, nghề CTXH có quá trình hình thành lâu đời tại nhiều quốc gia và chính thức được xem là nghề tại Việt Nam từ năm 2010. Nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH trong bệnh viện. Đến nay, 100% Bệnh viện tuyến Trung ương có Phòng CTXH, quy mô ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Các Phòng/Tổ CTXH đều thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa nhân viên y tế và người bệnh, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám chữa và điều trị tại bệnh viện, thực hiện tốt công tác truyền thông, vận động tài trợ, tham gia sàng lọc,…và được Bộ Y tế đánh giá cao trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua.

PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ Trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ Trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Tuy vậy, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn cho rằng, ở một số bệnh viện vẫn chưa thực sự đánh giá đúng vai trò của đội ngũ CTXH và đề nghị các đơn vị tập trung hoàn thiện, xây dựng bổ sung hành lang pháp lý để nghề CTXH trong bệnh viện hoạt động và phát triển, đẩy mạnh công tác truyền thông đến các cấp lãnh đạo, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh để họ biết vai trò, nhiệm vụ của ngành CTXH….

Tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cũng cho thấy sự cần thiết phải triển khai nghề CTXH trong ngành y tế. Cơ sở khám, chữa bệnh là môi trường đặc biệt, người bệnh là nhóm yếu thế, đang gặp khó khăn, thầy thuốc và người bệnh đều căng thẳng, mệt mỏi cần có sự trợ giúp. Do vậy, CTXH trong ngành y tế phải là đầu mối hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh có thể đương đầu với các vấn đề của cá nhân và xã hội liên quan đến bệnh tật, giúp họ sử dụng tốt nhất các dịch vụ chăm sóc y tế hiện có, giúp nhân viên y tế giải quyết những khúc mắc với người bệnh,….

Rất nhiều cách làm, phương pháp thực hiện và thành quả rất đáng được trân trọng đã được chia sẻ tại Hội nghị như: phát 5000 suất ăn miễn phí/ngày trong 12 năm qua chưa để xảy ra vụ ngộ thực phẩm nào, phục vụ người bệnh nước uống, bánh và trái cây miễn phí vào khung giờ 8h00 và 15h00 hàng ngày với phương châm phục vụ mỗi người bệnh ở đây như một hành khách ngồi ghế hạng thương gia để "nối nhịp sống, chở niềm tin" cho họ (BV. Chợ rẫy); có phòng tư vấn các vấn đề về sức khỏa tâm thần cho người bệnh,..(BV. Đa khoa huyện Bình Chánh); có quy trình hỗ trợ khẩn cấp với người bệnh nhập viện nếu khó khăn, thiếu tiền viện phí, mỗi trường hợp 5 triệu đồng (BV. Chợ rẫy),……..

Nhân dịp Tổng kết 10 năm triển khai Đề án phát triển nghề CTXH trong ngành y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thay mặt Bộ Y tế đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 37 tập thể và 40 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện đề án phát triển nghề CTXH trong ngành y tế giai đoạn 2011 - 2020. Một cá nhân của Bệnh viện Mắt TW cũng đã vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ y tế trong dịp này.

Các cá nhân được Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án phát triển nghề Công tác xã hội trong ngành y tế giai đoạn 2010 – 2020

 

Ths. Phạm Thị Kim Đức – Phòng CTXH

5653 Go top