Đảng bộ Bệnh viện Mắt TW tổ chức hành trình về nguồn năm 2019 

Những ngày này cách đây 40 năm, tại biên giới phía Bắc đã diễn ra cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, bảo vệ chủ quyền của quốc gia trước các thế lực bành trướng bên kia biên giới. Máu của hàng vạn anh hùng, liệt sĩ và người dân biên giới đã đổ xuống để giữ gìn lãnh thổ thiêng cha ông nghìn đời để lại. Cuộc chiến đấu anh dũng bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 là một dấu mốc không bao giờ phai mờ trong lịch sử hơn 4.000 năm giữ nước và dựng xây đất nước. Để ôn lại mốc son lịch sử này và tri ân tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, từ 15-17/3/2019, Đảng bộ Bệnh viện Mắt TW đã tổ chức chuyến hành hương về nguồn thăm Cột cờ Lũng Cú và nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

Tại Cột cờ Lũng Cú – nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc, dưới lá Quốc kỳ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em Việt Nam tung bay trên đỉnh núi Rồng, 70 đảng viên của Đảng bộ Bệnh viện đã trang nghiêm tổ chức lễ chào cờ và đồng thanh hát vang bài hát Tiến quân ca với một niềm xúc động và tự hào khác biệt. Khác biệt bởi xung quanh đây là hồn thiêng sông núi, là đất trời bao la hùng vĩ, là gió núi mây ngàn bao phủ. Theo sử sách, tiền thân của cột cờ Lũng Cú ngày nay xuất hiện từ thời Lý, khi Lý Thường Kiệt hội quân trấn ải biên thùy, ông đã cho treo một lá cờ tại nơi này để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ. Cũng chính nhờ lá cờ đó mà trong suốt quá trình lịch sử, vùng đất biên ải này luôn được giữ vững. Đến thời Tây Sơn, sau đại thắng quân xâm lược, vua Quang Trung đã cho đặt chiếc trống đồng ở vùng biên ải này. Cứ mỗi canh, lính gác lại gióng 3 hồi, tiếng trống vang xa mấy dặm để báo hiệu đây là đất đai của người Việt. Địa danh Lũng Cú chính là đọc chếch từ tiếng Mông "Long Cổ", tức là trống của vua. Nơi từng đặt chiếc trống hiện nay là Trạm KSBP Lũng Cú. Ngày nay Lũng Cú đã trở thành trái tim hội tụ lòng yêu nước trên vùng cực Bắc của Tổ quốc.

 

Trước đó đoàn cán bộ đảng viên Bệnh viện Mắt TW đã ghé thăm Đồn biên phòng Lũng Cú. Đồng chí thiếu tá đồn trưởng Đỗ Đăng Nhiệm đã giới thiệu với đoàn về công tác bảo vệ và xây dựng biên giới của các chiến sĩ biên phòng. PGS.TS. Nguyễn Xuân Hiệp – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện đã chia sẻ với đơn vị những khó khăn, gian khổ mà các chiến sĩ biên phòng nơi đây phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. PGS.TS. Nguyễn Xuân Hiệp đã gửi lại số điện thoại để các cán bộ chiến sĩ có thể liên hệ khi có người nhà không may mắc các bệnh mắt. Thay mặt đoàn PGS.TS. Nguyễn Xuân Hiệp đã gửi tặng Đồn biên phòng món quà nhỏ để góp phần với Đồn nuôi dưỡng 3 cháu nhỏ mà đơn vị nhận đỡ đầu. Đây là 3 chị em ruột được đơn vị đón về nuôi dưỡng tại đồn, gồm: Thò Thị Dính, Thò Mí Vàng, và Thò Thị Súa. Bố 3 em mất sớm, mẹ bỏ đi lấy chồng khác Các em trước đây ở với ông bà nội đã già yếu, tại thôn Mã Lủng A, xã Ma Lẽ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

 

Kết thúc chặng hành trình về nguồn đoàn cán bộ đảng viên bệnh viện đã tới thăm và thắp hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Vị Xuyên. Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên nằm cạnh đường quốc lộ 2A, thuộc địa phận thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, cách Thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang 18 km. Đây là nơi an nghỉ của 1.746 liệt sĩ, trong đó có 264 phần mộ liệt sĩ chưa biết tên. Họ là những chàng trai vừa đôi mươi, mười tám đến từ 33 tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước đã anh dũng hy sinh trong 10 năm chiên đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc (1979-1988). Sau khi dâng hương tại Đài tưởng niệm, thắp hương các phần mộ liệt sĩ, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hiệp đã thay mặt đoàn xúc động ghi lại những dòng tưởng niệm: “Hôm nay đoàn công tác của Đảng bộ Bệnh viện Mắt TW vô cùng xúc động khi được đến thắp hương tưởng niệm tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Kính mong vong linh các Anh hùng liệt sĩ siêu thoát, an bình trong vòng tay của đất mẹ Việt Nam”

 

PGS.TS. Nguyễn Xuân Hiệp đã thay mặt đoàn xúc động ghi lại những dòng tưởng niệm

 

Bên cạnh các hoạt động tri ân, ôn lại truyền thống, lịch sử vẻ vang của dân tộc, đoàn đã có những hoạt động bên lề bổ ích và thú vị khác như thăm cao nguyên đá Đồng Văn, thăm dinh thự của ông Vương Chính Đức – vua người Mông, thăm ngôi nhà bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”, núi đôi Quản Bạ… qua đó thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên, các chi bộ.

Nguyễn Hoàng-Vũ Long

5636 Go top