Nên lắm chứ, đó là người đã khám cấp cứu cho con mình, có thể vì nhiều lý do nên cháu lại phải chuyển lên tuyến trên để điều trị tiếp. Đã nhắn tin đe dọa, đã mày tao khác hẳn với hôm anh ta đưa con vào viện. Chắc vị bác sĩ đã tràn ngập nỗi sợ hãi và ân hận mấy ngày rồi. Chưa hết, áo trắng lại phải quỳ xuống sân viện xin tha mà đấm đá vẫn tiếp tục. Bệnh nhân đứng xung quanh, camera vẫn làm việc đúng quy trình, đám bảo vệ ngơ ngác, ban giám đốc và công đoàn có lẽ đang bận họp… Bác bảo vệ già trong bệnh viện nhắc nhở bệnh nhân giữ gìn vệ sinh chung còn con nhỏ đang được các áo trắng chăm sóc cũng bị cầm dao đuổi giết cho kỳ được. Trong bệnh viện thì như vậy, còn ngoài đời thì sao? Hình ảnh một thi thể đầu - mình không gắn với nhau tràn ngập trên mạng giữa cuộc sống hòa bình: Những nhóm thanh niên cầm dao huyết chiến về đêm, cướp đi cả sinh mạng cháu bé 13 tuổi… ngày nào cũng có. Chúng ta biết gọi tình trạng bất an này là gì: Xã hội còn nhiều BẠO LỰC. Đồng nghiệp của tôi có thể chết hay sống dở chết dở vì BẠO LỰC.
Liên tiếp các vụ hành hung bác sĩ trở thành nỗi ám ảnh của nhân viên y tế
Ở châu Phi, Trung Đông người ta phải chết do đói nghèo, do khác biệt tôn giáo thì chúng ta đã thoát nghèo đói được 30 năm, giáo dục tiểu học miễn phí, không có xung đột tôn giáo, điện và Bảo hiểm y tế bao phủ trên 90% phường xã vẫn vậy mà ngày ngày có người chết vì bạo lực: Bạo lực gia đình, bạo lực do va chạm giao thông, nợ nần…Cái kinh khủng, phi nhân tính, đáng buồn và đáng công phẫn là bạo lực vì những lý do không đáng, không thể hiểu được như nhìn đểu, dịch vụ hay phục vụ không ưng ý. Một vị giáo sư về tội phạm hình sự đã lên tivi giải thích nguyên nhân: tình trạng tâm thần sau chiến tranh, đói nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tái mù chữ…Không thuyết phục bởi lẽ chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm rồi, đại đa số bây giờ đều ăn cơm với thịt, với trứng, người Tây Tạng hay Eskimo thất học, không có điện hay phương tiện nghe nhìn hiện đại nhưng họ có bao giờ giết nhau đâu. Vậy thì quay lại nguồn gốc lịch sử, chúng ta không phải là dân tộc chiến binh hay bạo lực có truyền thống. Suy cho cùng, người có hành vi bạo lực ở ta là người: Ích kỷ, đặt cái tôi của mình lên cao quá khuôn khổ xã hội cho phép; Giáo dục, truyền thống, văn hóa đã không đủ thấm ướt để họ cư xử cho mềm mại, phải phép khi không vừa ý; Tình yêu con người, lòng vị tha, bao dung mỏng và yếu.
Người tốt, người yêu hòa bình, căm thù bạo lực lại phải đoàn kết, cất cao tiếng nói chống lại thế lực bạo hành. Chúng ta còn có luật pháp, truyền thống nhân nghĩa, trào lưu yêu cuộc sống hòa bình được cộng đồng ủng hộ… nhưng ai đó cũng đã từng nói: Cái xấu sẽ luôn có chỗ nếu người tốt cứ lặng im.
Với áo trắng, một ngành nghề đặc biệt chúng ta sẽ phục vụ bệnh nhân tận tình và vô điều kiện nếu danh dự chúng ta được tôn trọng, thân thể chúng ta không bị hành hạ. Ngành y là ngành dịch vụ đặc biệt bởi người được hưởng dịch vụ không thể dùng tiền để đòi hỏi vô lý hay bạo lực để uy hiếp hay tấn công khi không thỏa mãn. Quan hệ tiền - hàng không có trong ngành y.
Các lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp vẫn diễn ra đều đều, camera trang bị ngày càng nhiều, bóng sắc phục cảnh sát hay bảo vệ không hiếm trong các bệnh viện nhưng bạo lực trong bệnh viện vẫn không giảm? Hãy hy vọng vào thay đổi gốc rễ của vấn đề cho dù không thể đến trong ngày một ngày hai: Con người Việt Nam thân thiện, nhân ái, bao dung cho cả bệnh nhân và thầy thuốc.
BS. Hoàng Cương
theo suckhoedoisong.vn