ÁNH SÁNG CHO NGƯỜI SAU 

TT - “Ngân hàng mắt có triển vọng mới rồi!” - PGS. TS Hoàng Thị Minh Châu, phó giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương, nói như reo khi thông báo về kết quả khả quan của hai giác mạc hiến tặng đầu tiên đã hồi sinh ánh sáng cho hai người phụ nữ ngỡ đã phải chấp nhận sống trong mù lòa suốt đời.

“Gia tài” để lại

Hai giác mạc của bà Nguyễn Thị Hoa (81 tuổi, xóm 8A, xã Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình) giờ đã trở thành nguồn sáng, đem lại niềm vui cho gia đình hai người phụ nữ trẻ: chị Nguyễn Thị Khuy (40 tuổi, xã Dray Bhăng, huyện Krông Ana, Đắc Lắc) và chị Lê Thị Tuyết (23 tuổi, Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Chị Nguyễn Thị Khuy kể một buổi sáng đầu hè năm 2001, khi đang chăm sóc vườn cà phê thì chị bị một mạt cây bắn vào mắt. Từ đó, mắt bên trái chị mờ dần rồi hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa.

"Anh Mai Văn Vinh, con trai thứ của bà Hoa, bảo lúc đầu, khi các bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Mắt đến nhà, mang theo thùng dụng cụ inox to đùng, sáng loáng, ai cũng phát hoảng: chỉ lấy giác mạc sao “đồ nghề” phải nặng nề thế kia! Rồi cả nhà thở phào nhẹ nhõm: các bác sĩ chỉ lấy từ mắt bà Hoa ra một tấm màng rất mỏng, bé hơn một miếng long nhãn, nhìn ngoài gương mặt bà không có gì khác thường."

“Một bên mắt bị mù, tôi làm việc gì cũng hỏng, đi lại va đập lung tung. Hàng tháng trời tôi chỉ ngồi không, chẳng làm được gì”. Chị ra tận Hà Nội để khám thì mới hay giác mạc hỏng, đã bị loét.

Đăng ký chờ được ghép giác mạc ngay nhưng danh sách chờ rất dài, mỗi năm bệnh viện chỉ ghép cho 100-150 ca bệnh. Có những người đăng ký chờ được ghép từ khi còn là đứa trẻ 8-9 tuổi, giờ đã thành thanh niên 20-21 tuổi mà vẫn chưa đến lượt...

“Đầu tiên gia đình cũng băn khoăn lắm - anh Vinh chia sẻ - Khi mẹ chồng chị Khuy là hàng xóm thân thiết của chúng tôi kể về bệnh tình chị ấy có thể cứu vãn nếu được hiến giác mạc, cả tám anh em tôi bàn đi bàn lại.

Ý nguyện của cụ thật đấy, nhưng mãi rồi chúng tôi mới đồng lòng để mẹ hiến giác mạc sau khi qua đời. Dù vậy, bên ngoài vẫn có những xì xầm này nọ. Nhiều người còn bảo chúng tôi bán mắt của mẹ để lấy tiền! Nhưng đây chỉ là tình nguyện hiến, không hề có bất cứ ràng buộc tiền nong nào cả nên chúng tôi rất thanh thản”.

Thông thường, theo cam kết của gia đình và bệnh viện, khi có người tình nguyện hiến giác mạc, những người thân trong gia đình sau đó sẽ được miễn giảm chi phí khám, chữa cho các bệnh liên quan đến mắt. Nhưng trước bà Hoa, chưa có ai hiến giác mạc sau khi qua đời, dù ngân hàng mắt của Bệnh viện Mắt trung ương đã thành lập được hai năm...

Quan niệm lâu nay của người Việt là “sống nhân đức, chết phải toàn thây”, nên sự nhầm tưởng... phổ biến nghĩ lấy giác mạc là phải bỏ đi toàn bộ con mắt làm đa số ngại ngần. Hai năm, chưa một giác mạc nào được hiến tặng như cách của bà Hoa. Quá xúc động về nghĩa cử này, PGS. TS Hoàng Thị Minh Châu đã quyết định tổ chức một đoàn bác sĩ đến Cồn Thoi khám mắt miễn phí cho bà con trong khoảng một tháng tới đây.

“Ngân hàng mắt... sẽ hết nghèo”!

Anh Phạm Văn Sự, nhà ở xóm ngoài, xã Cồn Thoi, kể: “Chính tôi cũng đã nhiều lần đưa người nhà đi khám tại Bệnh viện Mắt trung ương. Tôi biết nhiều người khổ cả đời vì hỏng giác mạc. Thương nhất là những cô gái trẻ, chưa chồng con nhưng hỏng giác mạc, bị mù rất thương tâm. Giờ biết hiến giác mạc sau khi mất không ảnh hưởng gì, tôi sẽ đăng ký. Cả vợ tôi nữa”.

Bác sĩ Phạm Ngọc Đông (khoa kết - giác mạc, Bệnh viện Mắt trung ương) bảo do tuyên truyền không đến nơi đến chốn thành ra “ngân hàng” cứ bị “nghèo” mãi. Vẫn còn nhiều người chưa biết rằng giác mạc chỉ là một màng mỏng trong suốt nằm phía trước tròng đen của mắt. Với trình độ y học hiện nay, những phẫu thuật viên sẽ nhanh chóng bóc lấy màng giác mạc ngay phía ngoài mắt cho vào hộp bảo quản chuyên dụng mà không ảnh hưởng gì đến đôi mắt của người quá cố.

Khi chúng tôi về xóm đạo 8A, người phụ trách giáo xứ Cồn Thoi - Kim Sơn, linh mục Đoàn Minh Hải tâm tình: “Tại lễ xức dầu cho người sắp sang thế giới bên kia, từ giờ tôi sẽ hỏi từng người về ước nguyện có hiến giác mạc hay không”. Chị Hoa cho biết: “Chính cha cũng bày tỏ nguyện vọng hiến tặng giác mạc thì không ai còn băn khoăn nữa”.

Điều bất ngờ nằm ngoài sức tưởng tượng của các cán bộ ngân hàng mắt là ở xóm đạo 8A, Cồn Thoi thuộc xứ đạo rộng lớn vùng Kim Sơn - Phát Diệm (Ninh Bình), lại đã có nhiều người tự nguyện làm đơn hiến giác mạc sau khi qua đời.

Bác sĩ Phạm Ngọc Đông cho hay tại Việt Nam, các bệnh lý mắt liên quan đến giác mạc thường hay gặp ở nông dân, người nghèo, chủ yếu là do nhiễm khuẩn. Lao động tay chân, mảnh thóc, mạt gỗ, vạt cây hay vạt que... vướng vào là hỏng giác mạc.

Cách đây ba năm, khảo sát của Bệnh viện Mắt trung ương tại thời điểm đó đã có đến 200.000-300.000 người bị hỏng một bên hoặc cả hai bên mắt có replica horloges tag heuer thể phục hồi nếu được ghép giác mạc. Con số này giờ đã tăng lên nhiều vì tỉ lệ nhiễm khuẩn, chấn thương mắt trong dân cư rất cao. Ước tính số mắc bệnh về mắt liên quan đến giác mạc mỗi năm tăng thêm cả chục ngàn người. Vậy mà từ nguồn tài trợ nước ngoài, mỗi năm bệnh viện chỉ có thể ghép được cho 100-150 người.

 

                                                                                                                                                                     NGỌC HÀ

2836 Go top